Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
+1 thích
794 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 9 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
Phân tích hình ảnh Thúy Kiều qua hai đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" và "Kiều ở lầu Ngưng Bích"

1 Câu trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất
Nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh từng khẳng định:

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”

Còn với Chế Lan Viên, là sự sâu lắng và tinh tế khi cất lên lời thơ:

“Nguyễn Du viết Kiều đất nước hoá thành văn”

Từ đó ta dễ dàng thấy được tiếng vang của “Truyện Kiều” đã đi xa đến hàng nghìn năm. Nhắc đến “Truyện Kiều” đã không thể nào quên người đã khai sinh ra “di sản văn hóa” đó – Nguyễn Du. Ông nổi tiếng với danh xưng đại thi hào dân tộc và còn là danh nhân văn hóa thế giới. Đất nước văn hiến đã sinh ra Nguyễn Du cùng “Truyện Kiều” và “Truyện Kiều” đã làm cho đất nước thêm văn hiến. Truyện thơ với 3254 câu mang sức cuốn hút diệu kì, vương vấn mãi tâm hồn ta, mang đến cho ta niềm cảm thương sâu sắc với “tấm gương oan khổ” Thúy Kiều, đem lại cho ta những khoái cảm thẩm mĩ đặc biệt trước những lời thơ như hoa, như gấm. Trong đó đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” đã gây ấn tượng riêng trong lòng người đọc với vẻ đẹp cũng như tài hoa của chị em nhà Kiều:

“Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.

...

Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.”

Mở đầu đoạn trích Nguyễn Du không đi sâu vào miêu tả chi tiết ngay lập tức mà đã giới thiệu chung về vị

trí thứ bậc và vẻ đẹp toàn diện của hai nàng:

“Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.

Mai cốt cách tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.”

Đọc hai câu đầu ta đã dễ dàng nhận ra về vai vế trong gia đình, Thúy Kiều là chị còn Thúy Vân là em. Nhà thơ gọi “ả” là một cách gọi quen thuộc của người dân xứ Nghệ dành cho các chị, các cô. Đi cùng với “ả” là hai từ ước lệ “tố nga” chỉ vẻ đẹp thiếu nữ thanh tân, rạng rỡ. Song song đó còn là hai hình ảnh ẩn dụ tượng trưng “mai cốt cách” và “tuyết tinh thần” gợi cốt cách thanh cao như mai và tâm hồn thuần khiết, trắng trong như tuyết. Tất cả những vẻ đẹp hội tụ ở hai chị em chung quy lại đều “mười phân vẹn mười”, điều đó gợi lên vẻ đẹp ở mức tuyệt đối, khi mà có mười phần thì cả hai đều đã chiếm hết cả mười. Tuy có những vẻ đẹp chung nhất như thế nhưng Kiều và Vân vẫn có riêng cho mình những vẻ đẹp riêng đến từ ngoại hình, khí chất và tâm hồn. Và Nguyễn Du đã chọn miêu tả Thúy Vân trước:

“Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.”

Có thể nhận xét chung rằng vẻ đẹp của Thúy Vân là một vẻ đẹp mang tính tiêu chuẩn trong xã hội phong kiến, là tiêu biểu cho vẻ ngoài của những con người có phúc tướng, số phận an nhàn, cuộc đời không chịu nhiều sóng gió. Có lẽ số phận Vân đã gắn với việc trở thành phu nhân quyền quý, thế nên Nguyễn Du mới miêu tả thần thái của nàng bằng mấy chữ “trang trọng khác vời”, đó là vẻ kiêu sa, sang trọng mà không phải cô gái nào cũng có được. Hơn thế, nàng còn có “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, tuy rằng ngày nay người có khuôn mặt như thế không phải là kiểu mặt được ưa thích nhưng trong quan niệm thẩm mỹ cũ, người có khuôn mặt tròn đầy như Thúy Vân lại là người có phúc khí, không chỉ vậy hình ảnh ước lệ “trăng” là ngụ ý chỉ sự thanh khiết, hiền hòa và nhã nhặn của người con gái. Bên cạnh khuôn mặt tròn, phúc hậu, Thúy Vân còn may mắn có được “nét ngài nở nang” là đôi chân mày đậm nét, rõ ràng và cách xa nhau, vốn là nét đẹp và cũng thể hiện tướng phúc trên khuôn mặt, cho thấy rằng Vân là người hiểu lễ nghĩa, rộng lượng và hiền hòa trong cuộc sống.

Đó là về khuôn mặt và đôi mày, còn đối với nụ cười và giọng nói của Thúy Vân, Nguyễn Du cũng dành cho nàng những cụm từ rất mỹ miều và thanh nhã “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”. Nụ cười của nàng Vân tươi tựa như hoa nở, mang cảm giác vui mừng, sáng sủa, và dịu dàng. Còn giọng nói thì trong sáng, vừa thanh vừa ấm như ngọc, bởi thế có người nói rằng người con gái đẹp thì chắc chắn có giọng nói hay, nếu ứng với Thúy Vân thì quả thực chẳng thể nào sai. Và tổng kết lại với điệu cười, giọng nói ấy dành cho Thúy Vân thì hai chữ “đoan trang” quả thật là rất xứng. Vẻ đẹp của Thúy Vân tiếp tục được diễn tả bằng câu “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”, tóc tựa mây, là mái tóc dài và đen nhánh, từ đó ta cũng có thể phần nào suy ra được tính cách của nàng Vân mặc dù Nguyễn Du không đề cập đến. Đó là biểu trưng cho người con gái hiền dịu, tính tình bình đạm, trọng tình nghĩa, và rất mực chung thủy. Còn ý “tuyết nhường màu da” thì có lẽ không cần phải bàn cãi, lấy màu tuyết để chỉ màu da, da trắng như tuyết, đó là vẻ đẹp tuyệt mỹ sánh ngang với thiên nhiên tạo hóa, là cái phúc của nàng Vân. Vẻ đẹp của Thúy Vân được miêu tả cùng với những từ nhân hóa “thua”, “nhường” của thiên nhiên, khi thiên nhiên cũng chịu lùi về sau nhường bước cho vẻ đẹp ấy thì phải chăng Nguyễn Du đang ngụ ý báo hiệu phần đời còn lại của Thúy Vân sẽ được suôn sẻ mà không gợn nhiều sóng gió?
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Thúy Vân đã đẹp đến thế nhưng bằng nghệ thuật đòn bẩy tài hoa, Nguyễn Du cho thấy Kiều lại càng thêm phần đẹp hơn qua bốn câu thơ sau:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.”
So với Thúy Vân, Thúy Kiều dường như được Nguyễn Du vận dụng triệt để thủ pháp ước lệ tượng trưng. Nếu như ở Vân tác giả còn chỉ rõ vẻ đẹp của từng bộ phận trên cơ thể, rồi đem ví với thiên nhiên, thì ở Thúy Kiều, hầu như Nguyễn Du chỉ gợi nhẹ, dùng bút pháp chấm phá để người đọc tự liên tưởng ra bức tranh vẻ đẹp nàng Kiều. “Làn thu thủy” tức là nói đến đôi mắt trong như nước mùa thu, với những rung động nhẹ nhàng, mà nói đến đôi mắt mang màu nước, lại còn là mùa thu thì đó lại gợi cho ta một vẻ đẹp tuyệt trần, yếu đuối, và vô cùng lãng mạn. Nhưng cũng đồng thời chỉ ra rằng người có đôi mắt ấy lại là người đa sầu, đa cảm và cũng là người có số kiếp truân chuyên, vận mệnh đào hoa. Tương tự “nét xuân sơn”, tức là chỉ đôi mày đẹp như núi mùa xuân, khiến người ta liên tưởng đến đôi mày liễu, gọn mảnh, cong, mang đến vẻ đẹp xuân sắc cho cả khuôn mặt, đó cũng là một nét đẹp tuyệt hiếm có, biểu lộ tính cách nhu thuận, dịu dàng của người phụ nữ. Thế nhưng Nguyễn Du tại sao không so với những sự vật khác mà lại gợi ra đôi mày của Kiều bằng hình ảnh núi non, điều này cũng làm ta phải suy nghĩ. Có thể giải thích rằng đó cũng lại là một ngụ ý nữa về cuộc đời của Kiều, cũng gập ghềnh trắc trở y như dáng núi, hết lên lại xuống, khó có được ngày hiền hòa yên giấc.
Đó là nói về đôi mắt, để nói về vẻ đẹp của Kiều Nguyễn Du còn có câu “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, dẫu chưa phân tích thế nhưng từ bề mặt chữ ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy Thúy Kiều là một cô gái có vẻ đẹp rất sắc sảo, mặn mà khác hẳn với cái vẻ đẹp trang nhã, nhẹ nhàng của cô em Thúy Vân. So với “Làn thu thủy, nét xuân sơn” thì câu thơ này lại càng mơ hồ không rõ là Nguyễn Du muốn phiếm chỉ vẻ đẹp nào của Thúy Kiều. Thế nhưng từ chữ “thắm” có lẽ là tác giả muốn miêu tả nét môi nàng Kiều, môi đỏ như son, đến loài hoa cũng phải ghen tị vì chẳng tươi được bằng đôi môi của nàng. Một cách hiểu khác, có thể “thắm” ở đây là chỉ vẻ đẹp thiên tiên, tuyệt trần, đằm thắm của Thúy Kiều mà không một loài hoa nào có thể sánh ngang được. Cách hiểu này khiến ta liên tưởng đến một trong bốn tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ đại, nàng Dương Quý phi với vẻ đẹp “tu hoa”, đến hoa cũng phải xấu hổ vì không sánh bằng. Ý “liễu hờn kém xanh” lại càng đặc sắc trong nghệ thuật gợi tả ước lệ của Nguyễn Du, ai cũng biết rằng loài liễu là loài nức danh với bản tính mềm mại, dịu dàng, thế nhưng khi so với Kiều thì lại phải hờn vì “kém xanh”. Ở đây xanh tức là chỉ sức sống, sự dẻo dai, cũng đồng nghĩa với việc gợi ra cái dáng hình lả lướt, mềm mại, uyển chuyển tuyệt thế so với liễu chỉ có hơn chứ không kém của Thúy Kiều. Như vậy so với Thúy Vân, thì vẻ đẹp của Thúy Kiều còn được gợi ra thông qua dáng hình mềm mại, yếu đuối, mà có lẽ nghĩ sâu hơn ta có thể tưởng tượng được thân hình tuyệt thế của nàng. Tuy nhiên, khác với Thúy Vân được thiên nhiên ưu ái “thua”, “nhường” thì vẻ đẹp của Thúy Kiều đã khiến cho thiên nhiên giận dữ với hai từ nhân hóa “ghen”, “hờn”. Có thể thấy nét ghen tị của thiên nhiên mà Nguyễn Du đem đến cũng như một lời dự đoán số phận của Kiều sẽ gặp phải lắm trắc trở, thương đau. Bởi lẽ, khi thiên nhiên đã không thuận lòng với vẻ đẹp của nàng thì sẽ xui khiến cho nàng nếm trải những mất mát, tủi khổ. Đây cũng là một cái tài trong nghệ thuật dụng từ của đại thi hào dân tộc.
Gấp lại những trang thơ của Nguyễn Du cũng như gấp lại bức tranh vẻ đẹp tuyệt diệu của chị em nhà Kiều nhưng lại mở ra bao khuôn nhạc lắng đọng trong lòng người đọc. Khuôn nhạc ấy là một tuyệt khúc bởi cấu trúc cân đối hài hòa, những từ nhân hóa ẩn dụ sâu sắc cùng bút pháp ước lệ tượng trưng tài ba đã khắc tạc rõ nét đẹp của chị em Thúy Kiều vào lòng người đọc. Nguyễn Du đã thành công khi giới thiệu và miêu tả chung về hai chị em đầy đặc sắc, để từ đó gợi ra sự tò mò cho độc giả về những chuyển biến trong phần đời còn lại của nhân vật.
Thời gian càng lùi xa, vẻ đẹp của “Truyện Kiều” càng hiện lên rực rỡ, tư tưởng của Nguyễn Du càng bộc lộc sự thâm thúy, sâu sắc. Tiếp cận với thế giới nghệ thuật trong “Truyện Kiều” là cảm nhận được tính hàm súc, mới lạ của mạch thơ đứt nối không theo tính liên tục của thời gian và duy nhất của không gian nhưng lại diễn tả mạch vận động nhất quán của dòng tâm tư. Ta thấy rằng mười hai câu thơ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ miêu tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều mà còn cho ta thấy nghệ thuật “thi trung hữu họa” bậc thầy của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Âm hưởng của những câu thơ này đã, đang và sẽ gieo mãi vào sâu trong lòng người đọc sự ấn tượng sâu sắc đối với vẻ đẹp của những người phụ nữ tuyệt sắc giai nhân.

Các câu hỏi liên quan

+5 phiếu
1 trả lời 850 lượt xem
Phân tích lời nhờ cậy, thuyết phục của Thúy Kiều khi trao duyên trong 12 câu đầu trong đoạn trích ” Trao duyên” (Phân tích 12 câu thơ đầu bài "Trao duyên" (Truyện Kiều) của Nguyễn Du) (Trích ” Truyện Kiều” của Nguyễn Du).
đã hỏi 17 tháng 3, 2020 trong Ngữ văn lớp 10 bởi NicT_NaRi ● Quản Trị Viên Thạc sĩ (5.8k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 347 lượt xem
Viết bài phân tích tám câu thơ cuối "Kiều ở lầu Ngưng Bích" của nhà thơ Nguyễn Du
đã hỏi 29 tháng 11, 2021 trong Ngữ văn lớp 9 bởi metraidauthaimoihet Học sinh (104 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 378 lượt xem
So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều được thể hiện trong đoạn trích: “Đầu lòng hai ả tố nga ...... Tường đông ong bướm đi về mặc ai” (Nguyễn Du, Truyện Kiều)
đã hỏi 26 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
+1 thích
1 trả lời 405 lượt xem
Anh/chị hãy cảm nhận tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ sau: Chiếc vành với bức tờ mây, Duyên này thì giữ vật này ... cách mặt khuất lời, Rưới xin giọt nước cho người thác oan.
đã hỏi 14 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 10 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
+1 thích
1 trả lời 194 lượt xem
0 phiếu
0 câu trả lời 157 lượt xem
Với bút pháp tả cảnh ngụ tình, đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích không chỉ là cảnh biển trước lầu Ngưng Bích trong xa mờ; mà còn là nỗi nhớ thương người yêu, nhớ thương cha mẹ da diết của người con gái tài sắc -Thúy Kiều.  a, chữa lỗi trong câu mở đoạn trên.  b, câu mở ... xây dựng là gì?  c, Viết đoạn văn tổng phân hợp với câu chủ đề vừa sửa lỗi trong đó có sử dụng lời dẫn trực tiếp (gạch chân).
đã hỏi 18 tháng 10, 2020 trong Ngữ văn lớp 9 bởi khoa2555802 Học sinh (5 điểm)
+1 thích
1 trả lời 36 lượt xem
Hãy phân tích về cách sử dụng "bút pháp tả cảnh ngụ tình" trong tác phẩm Kiều Ở Lầu Ngưng Bích 
đã hỏi 22 tháng 5, 2023 trong Ngữ văn lớp 9 bởi tngnhatganh117 Cử nhân (3.3k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 143 lượt xem
Trong văn bản Kiều ở lầu Ngưng Bích, chỉ ra một số biện pháp nghệ thuật tiêu biểu được sử dụng trong bài thơ đó?
đã hỏi 6 tháng 5, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Babyshort Tiến sĩ (10.1k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 83 lượt xem
Hãy đóng vai Thúy Kiều viết bài văn kể lại hoàn cảnh và tâm trạng của mình khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích
đã hỏi 4 tháng 5, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Babyshort Tiến sĩ (10.1k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 2.0k lượt xem
  1. Darling_274

    20 Điểm

  2. minhquanhhqt160

    15 Điểm

  3. lueyuri009730

    15 Điểm

  4. lenguyenducminh05102011227

    5 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...