Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
326 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 12 bởi trangngo2k4ngu614 Học sinh (354 điểm)
"Tây tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu, anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành''.

(Tây Tiến, Quang Dũng, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục 2017)

Từ đó liên hệ với hình tượng người nghĩa sĩ Cần Guộc trong tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu (SGK Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017) để thấy rõ sự kế thừa và đổi mới của nội dung yêu nước trong văn học Việt Nam.

1 Câu trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

Có một bài ca không bao giờ quên…”

Cũng có những năm tháng không bao giờ quên, không phai mờ trong ký ức của nhiều thế hệ đã qua, hôm nay và mai sau. Đó chính là những ngày tháng kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, khi toàn dân tộc ta vừa qua nạn đói, vừa giành được độc lập thì thực dân Pháp trở lại xâm lược. Vậy là tự do hay trở về với cuộc đời cũ? Trong những năm tháng đáng nhớ ấy, văn học dù chưa dám nói là đã ghi lại trọn vẹn bộ mặt đất nước, nhưng cũng đã khắc họa một cách vĩnh cửu vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kỳ lịch sử. Với chất lãng mạn đa tình của nghệ sĩ song hành với chất anh hùng của những người chiến sĩ Tây Bắc hiểm trở, đã cho ra đời thi phẩm “Tây Tiến” với âm hưởng bi tráng, hào hùng. Bài thơ trích tập “Mây đầu ô”, được Quang Dũng sáng tác năm 1948, sau khi tác giả rời đơn vị và nhớ về kỉ niệm gắn bó một thời với đoàn binh “Tây Tiến”. Với khổ thơ thứ ba, thi nhân không chỉ hướng về nội tâm của người lính chiến, cũng chính là bản thân mình với bao nỗi nhớ tha thiết miền đất Tây Bắc mà còn là bản hùng tráng ca về hình tượng người lính oai phong, lẫm liệt hay chăng cũng là người nghệ sĩ tạc nên dáng hình đất nước:

 “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

Nhắc đến Quang Dũng là nhắc đến một nhà thơ đa tài với hồn thơ đôn hậu, phóng khoáng. Ông là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tham gia vào cuộc kháng chiến ngay độ tuổi đôi mươi. Quang Dũng viết “Nhớ Tây Tiến” rồi bỏ chữ “Nhớ” đi chỉ còn lại Tây Tiến. Đành rằng cả bài thơ là một nỗi nhớ lớn về Tây Tiến. Thật ra, khi bỏ chữ “Nhớ” đi là một nhan đề hàm súc, cô đọng, nhưng vẫn thể hiện rõ ràng cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ. Mặt khác, không chỉ có nỗi nhớ, mà ở đấy còn có sự ngợi ca, sự tôn vinh và vĩnh viễn hóa đoàn quân Tây Tiến, khiến cho hình ảnh người lính Tây Tiến trở thành bất tử trong thơ ca kháng chiến Việt Nam. Có thêm “Nhớ” hóa ra lại thu hẹp mạch cảm xúc của bài thơ.

Đoàn quân Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào chống quân đội của thực dân Pháp. Địa bàn hoạt động của lính Tây Tiến rất rộng, từ tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa, Sầm Nứa (Lào). Họ phải sống trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, nhưng họ sống rất lạc quan và chiến đấu dũng cảm. Chiến đấu được một thời gian thì đoàn binh Tây Tiến trở về Hòa Bình tại trung đoàn 52, khi ấy Quang Dũng là đại đội trưởng sau đó ông chuyển sang đơn vị khác. Điều đó đã thúc đẩy ở Quang Dũng một nỗi nhớ chiến khu, đồng đội đến cồn cào và da diết, tại làng Phù Lưu Chanh, ông đã viết bài thơ Tây Tiến.

Người lính trong “Tây Tiến” phần lớn là thanh niên, học sinh vừa rời ghế nhà trường “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Vì thế, họ đều có tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp, say mê sự hào hùng của lí tưởng mình đang theo đuổi. Chính nguồn gốc xuất thân ấy đã tạo nên nét lãng mạn, vẻ đẹp hào hoa, kiêu hùng của người lính trong “Tây Tiến”. Quang Dũng cũng là thanh niên sinh viên mặc áo lính nên có thể nói bài thơ ra đời từ sự mộng mơ của người cầm bút. Tây Tiến hiện lên khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ với núi cao, vực thẳm, dốc đứng, thác gầm cùng cồn mây heo hút, dòng lũ hoa đong đưa với khói lên, sương lấp, mưa xa khơi… Trên cái nền hùng vĩ, dữ dội và duyên dáng, mĩ lệ của núi rừng Tây Bắc, hình tượng đoàn binh Tây Tiến xuất hiện thật phi thường, đậm chất bi tráng. Trước hết là sự phi thường ở diện mạo:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Căn bệnh sốt rét rừng đã xuất hiện trong rất nhiều trong các tác phẩm thơ ca thời kháng chiến và “Tây Tiến” cũng vậy. Hai câu thơ đầy tính tả thực – thực một cách trần trụi. “Đoàn binh không mọc tóc” vì rất nhiều lí do. Chiến sĩ Tây Tiến phải hoạt động ở những vùng núi rừng hiểm trở, rừng thiêng nước độc, có những con suối rửa chân rụng lông, gội đầu rụng tóc, khiến họ chết trận thì ít mà chết vì bệnh tật thì nhiều. Không chỉ thế, căn bệnh sốt rét cũng khiến họ “không mọc tóc”, hình ảnh này rất giống với hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh trong bài “Đồng chí” (Chính Hữu):
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”
Tuy vậy, họ không ở tư thế bị động mà lại hoàn toàn chủ động bởi cụm từ “không mọc tóc” khiến cho họ luôn trong tâm thế sẵn sàng cạo trọc đầu để thuận tiện đánh giặc chứ không phải bị rụng tóc. Quang Dũng không trốn tránh hiện thực mà mà chấp nhận cái hiện thực để biến nó thành dáng dấp hiên ngang của người chiến sĩ. Căn bệnh quái ác khiến “quân xanh màu lá”, nó khiến da dẻ của họ trở nên xanh xao. Hay chăng đó là nghệ thuật ẩn dụ nói đến xanh màu áo, xanh màu lá ngụy trang? Những hình ảnh rất thực đó, vào bài thơ, với giọng điệu và cách diễn tả lãng mạn của Quang Dũng đã như mang nghĩa tượng trưng, rất có khí phách. Chiến tranh luôn đi liền với nước mắt và đau thương nhưng họ vẫn luôn giữ khí thế hừng hực “dữ oai hùm”, dù ốm nhưng không bao giờ yếu. Hình ảnh khỏe khoắn kết hợp với âm điệu hào hùng toát lên vẻ đẹp của chúa sơn lâm dũng mãnh.
Những tưởng những người lính sẽ rất khô khan, cứng rắn nhưng họ cũng mang một tâm hồn mộng mơ qua ngòi bút của Quang Dũng:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Người chiến sĩ ra đi từ những mái trường, chiến đấu nhưng vẫn không quên hậu phương. Phía trước là trận đánh, tình cảm thể hiện qua giấc mộng, có thực, có mơ . Quang Dũng thổi vào câu thơ luồng không khí lãng mạn qua hình ảnh “mắt trừng”. Đó là sự trằn trọc, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thương của người chiến sĩ. Hay đó là cũng là biện pháp hoán dụ chỉ sự tức giận với bọn giặc tàn ác. Họ mơ về “dáng kiều thơm”, ấy là vầng sáng lung linh trong kí ức, “tố cáo” nét đa tình của người lính. Nhưng với các chiến sĩ Tây Tiến, nỗi nhớ ấy là sự cân bằng, thư thái trong tâm hồn sau mỗi chặng hành quân vất vả, chứ không phải để thối chí nản lòng. Cuộc sống tâm hồn ấy là nguồn động lực giúp người lính tiếp tục chiến đấu để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc thân thương. Và cũng vì thế, người chiến sĩ sẵn lòng hi sinh:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc trời xanh”
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi - xưa nay đi chiến trận, mấy ai trở về, các chiến sĩ Tây Tiến cũng không khỏi tránh phải những mất mát, hi sinh. Sau những câu thơ rắn rỏi, đẹp đẽ, đến đây, âm điệu câu thơ chợt trầm và trùng xuống để độc giả thấy rõ hơn bản chất của sự việc. Từ láy “rải rác” xuất hiện cùng hai từ Hán Việt “biên cương”, “viễn xứ” cho thấy thực trạng tàn khốc của chiến tranh. Nhiều người lính Tây Tiến đã phải hi sinh ở chiến trường xa xôi, ở đất khách quê người. Nhưng câu thơ sau như một lực nâng vô hình đã đưa câu thơ đầu lên cao, hiện thực khốc liệt ấy không khiến câu thơ rơi vào trạng thái bi quan mà là vẻ bi tráng sinh ra từ tầm vóc cao đẹp của sự hi sinh. Còn gì đẹp hơn là chiến đấu hết mình, xả thân cho non sông gấm vóc, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”?
Nhà thơ đã dùng những câu thơ sóng đôi, câu sau cắt nghĩa, lí giải cho câu trước. Những nấm mồ là có thật, tinh thần tự nguyện xả thân cho Tổ quốc cũng là có thật. Phép đảo ngữ “chiến trường đi” và hoán dụ “đời xanh” càng ca ngợi công lao của những người đã viết lên trang sử vàng cho dân tộc Việt Nam. Họ là những người đã điểm thêm cho lịch sử nước nhà những vết son chói lọi không thể phai mờ trước gió bụi thời gian. Họ ra đi “chẳng tiếc đời xanh” bởi quãng đời tươi đẹp ấy đã hiến dâng cho một lý tưởng cao đẹp. Họ ra đi và ngã xuống thanh thản không một chút vướng bận, cái chết được xem nhẹ tựa lông hồng:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Hai câu thơ mới đọc qua tưởng như chỉ làm nhiệm vụ miêu tả, thông báo bình thường nhưng sức gợi thật lớn. Câu thơ như thấm đẫm máu và nước mắt. Nhà thơ trân trọng người lính bằng cách sử dụng hình ảnh “áo bào”. “Áo bào” của Quang Dũng làm cho câu thơ trở nên cổ kính, áo bào chứ không phải chiến bào. Người chiến sĩ như những danh tướng thời xưa, “da ngựa bọc thây” là một điều vinh quang. Bởi thế, người lính đặt nhẹ việc hi sinh trên chiến trường và thanh thản “về đất“. Đất sinh ra anh và lại đón nhận anh về sau khi làm tròn nghĩa vụ. Anh “về đất” như một hành động tựu nghĩa của những anh hùng. Nghệ thuật nói giảm “về đất” chỉ cái chết nhẹ nhàng vì lí tưởng của người chiến sĩ cách mạng. Sự ra đi của họ qua nghệ thuật nhân hóa “Sông Mã gầm lên” khiến dòng sông Mã oai hùng cũng cúi chào vĩnh biệt người lính bằng những tiếng gầm đau đớn, uất hận. Tiếng gầm của dòng sông ấy sẽ trường tồn mãi mãi đến muôn đời.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Không chỉ Quang Dũng mà Nguyễn Đình Chiểu cũng đã từng viết nên âm vang hào hùng của cuộc kháng chiến chống giặc tây qua “Văn tế chiến sĩ Cần Giuộc”. Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) một nhà nho yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc. Cuộc đời ông phải trải qua nhiều bi kịch đau khổ và bất hạnh. Có lẽ vì vậy mà hơn ai hết ông càng cảm nhận được nỗi đau mất nước khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta. Với lòng cảm phục và tình cảm xót thương vô hạn, Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Bài văn tế không những thể hiện được tình cảm xót thương vô hạn của tác giả và của nhân dân đối với các nghĩa sĩ Cần Giuộc mà còn khắc họa lên vẻ đẹp chân thực, bi tráng mà rất đỗi hào hùng của những người nông dân yêu nước đánh Tây.
Hỡi ôi!
Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ..
Khi Tổ quốc lâm nguy, khắp đất nước đều rền vang tiếng súng. Chính sự từ gian nguy, đau thương đó, tình yêu đất nước của những người nông dân bình thường mới được thể hiện, vẻ đẹp thực sự của tâm hồn trong họ mới được bày tỏ cùng trời đất.
Tấm lòng, tình yêu giang sơn, tổ quốc của những người nông dân bình dị càng được thể hiện một cách rõ rệt và sâu sắc hơn khi tác giả đã liên tục dùng biện pháp so sánh đối lập trong các câu văn tiếp sau.
Nhớ linh xưa:
Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó,
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;
Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng
Trước đây họ vẫn sống, vẫn tồn tại nhưng chỉ là "cui cút làm ăn". Họ vẫn sống, vẫn tồn tại nhưng chỉ trong thầm lặng. Trong cuộc sống, họ có nỗi lo toan " miếng cơm manh áo" giản dị đời thường; họ chỉ quen làm lụng việc nhà nông: cày, bừa, cấy, hái, làm bạn với con trâu, với ruộng đồng. Họ chưa biết đến "cung ngựa", "trường nhung", chưa quen với "tập mác, tập cờ". Những người nghĩa sĩ ở đây chỉ là những nông dân áo vải, chưa quen chiến trận, chưa được luyện rèn, chỉ vì lòng yêu chính ghét tà mà đứng lên đánh giặc.
Khi mà "tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng", họ ngóng trông mệnh lệnh của triều đình: "trông tin quan như trời hạn trông mưa".
Thì ra cái bi kịch xót xa là ở chỗ này: triều đình nhu nhược, không hiểu được lòng dân yêu nước. Lòng căm thù giặc của những người nông dân thì không thể kiềm chế:
Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ.
... Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;
Ngày xem ống khói chạy đen xì, muốn ra cắn cổ.
Hình tượng người nông dân, những người nghĩa sĩ yêu nước hiện lên thật quả cảm hào hùng. Lòng yêu đất nước tha thiết xuất phát từ chính trái tim của họ đã khiến cho họ trở nên đẹp đẽ, lấp lánh.
Vẻ đẹp của những người nghĩa sĩ nông dân yêu nước được toát ra chính lòng căm thù giặc sục sôi. Chính lòng căm thù giặc đã biến thành hành động vùng lên quật khởi rất hào hùng.
Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình:
Chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.
Trong những tác phẩm phản đối chiến tranh phong kiến phi nghĩa trước đây, người nông dân khi phải đi làm lính biên thú phương xa để bảo vệ cương thổ của nhà vua, họ ra đi với tâm trạng và thái độ "bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa" thì ở đây, người nông dân của Nguyễn Đình Chiểu lại hoàn toàn khác. Họ tự giác, tự nguyện đứng lên chiến đấu để bảo vệ giang sơn, tổ quốc, ấy là nét đẹp bản chất nhất trong hành động của người nông dân - nghĩa sĩ Cần Giuộc. Đến đây không chỉ vẻ đẹp trong tâm hồn mà ngay cả vẻ đẹp trong hành động của những người nghĩa sĩ nông dân yêu nước cũng đã được Nguyễn Đình Chiểu khắc họa lên một cách rõ rệt. Từ cái động lực tinh thần tự nguyện gánh vác trách nhiệm lịch sử mà đã tạo ra cho họ sức mạnh vô cùng lớn. Họ đã hành động, đứng lên chống giặc ngoại xâm. Không chờ bày bố mà chỉ "ngoài cật có một manh áo vải nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi, trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ". Hình ảnh người nông dân được hiện lên trong tác phẩm khiến cho chúng ta vừa cảm thấy tự hào và xen lẫn niềm xót xa. Những người nghĩa sĩ dường như đóng vai trò là hiện thân của cả một sức mạnh dân tộc. Đối mặt với kẻ thù lớn mạnh với " đạn nhỏ, đạn to", "tàu thiếc, tàu đồng" với đội quân xâm lược nhà nghề, vậy mà vũ khí để họ dùng chống lại chỉ là "một manh áo vải", "một ngọn tầm vông", chỉ có " dao phay" và chỉ là những "hỏa mai đánh bằng rơm con cúi". Thử hỏi rằng đem những thứ đó ra đối chọi với súng đạn của thực dân khác nào bước chân vào chỗ chết. Cái sự thật phũ phàng đó như phô bày ra trước mắt ta thật xót đau biết mấy. Đó là tấn bi kịch của những người nghĩa sĩ cần Giuộc, cũng là tấn bi kịch của cuộc sống nước ta vào thời kì nghiệt ngã ấy. Tấn bi kịch này đã đưa đến cái họa mất nước kéo dài cả thế kỉ.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Nhưng cũng chính từ cái tấn bi kịch này mà đã làm sáng ngời lên vẻ đẹp hình tượng của những người nghĩa sĩ nông dân yêu nước. Bằng sự ngoan cường, lòng yêu nước nồng nàn, họ đã làm nên được những điều phi thường, chính họ đã cất lên được bản anh hùng ca chiến tranh của dân tộc. Bất chấp sự hiểm nguy, bất chấp sự chênh lệch, sự đối lập của hoàn cảnh chiến đấu, họ vẫn quyết chiến và quyết thắng, lấy tinh thần xả thân vì nghĩa để bù đắp lại sự thiếu hụt, chênh lệch của mình với kẻ thù. Hoàn cảnh chiến đấu chênh lệch là vậy nhưng vì những người nghĩa sĩ chiến đấu bằng chính tỉnh thần sự quyết chiến không sợ hi sinh nên hiệu quả chiến đấu lại vô cùng lớn.
Chỉ với những vũ khí thô sơ như:
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia,
Gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh...
Chỉ với những vũ khí thô sơ, nhưng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đã tạo nên được những điều kì diệu. Hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân hiện lên với một vẻ đẹp rực rỡ hào quang của chủ nghĩa yêu nước, dường như đã làm lu mờ đi cái thời kì đen tối của lịch sử mất nước hồi nửa cuối thế kỉ XIX.
Khép lại hai đoạn thơ như khép lại những thăng trầm đã qua của thời kì kháng chiến hào hùng. Quang Dũng đã dựng lên bức tượng đài uy phong về người lính vô danh trong khổ thơ thứ ba của bài thơ Tây Tiến. Ta có thể xem đây là những nét bút cuối cùng hoàn thiện bức t¬ượng đài về chân dung người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa. Chính sự khéo léo trong cách lồng ghép những biện pháp ẩn dụ, hoán dụ,… cùng bút pháp lãng mạn đã giúp Quang Dũng khắc họa thành công chân dung người lính có sự kết hợp nhuần nhị giữa vẻ đẹp tâm hồn, lí tưởng chiến đấu và phẩm chất hi sinh anh dũng. Có thể nói cả đoạn thơ là một tượng đài đầy màu sắc bi tráng về một đoàn quân trên một nền cảnh hùng vĩ. Còn với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu thì Bài văn tế như bức tượng đài bằng ngôn từ, tạc khắc nên hình tượng những người nghĩa sĩ nông dân hào hùng mà bi tráng, tượng trưng cho tinh thần yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm của cha ông ta.
“Tây Tiến” và “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” thật sự là cuộc sống, là tấc lòng rất thực của Quang Dũng và Nguyễn Đình Chiểu, “là một tượng đài bất tử về người lính vô danh”. Đó là bức tượng đài được kết tinh từ âm hưởng bi tráng của cuộc kháng chiến. Đó là bức tượng đài được khắc tạc bằng cả tình yêu với đất nước của tác giả. Chiến tranh đã đi qua, đau thương cũng đã khép lại nhưng công lao cao cả của những ngươi chiến sĩ cách mạng vẫn được lưu truyền ngàn đời mặc cho gió bụi thời gian. Hơn hết, bài thơ như lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với thế hệ sau này, phải biết kính trọng và biết ơn những người đã ngã xuống cho Tổ Quốc đứng lên, những người mà:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
0 câu trả lời 180 lượt xem
0 phiếu
2 câu trả lời 171 lượt xem
đã hỏi 20 tháng 8, 2023 trong Ngữ văn lớp 12 bởi daudaihock34947 Học sinh (285 điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 381 lượt xem
Viết dàn ý chi tiết phân tích vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ thể hiện qua bài thơ Sóng của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh?
đã hỏi 12 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
  • văn-mẫu
  • hay-nhất
  • chi-tiết
+1 thích
2 câu trả lời 206 lượt xem
Phân tích tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu để làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng những người nghĩa sĩ nông dân yêu nước trong buổi đầu chống Pháp 
đã hỏi 18 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 346 lượt xem
Nêu cảm nhận của em về tượng đài người lính bất tử qua khổ thơ cuối bài thơ Tây tiến.
đã hỏi 22 tháng 12, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
0 phiếu
3 câu trả lời 3.4k lượt xem
Phân tích vẻ đẹp các thế hệ người Tây Nguyên trong truyện ngắn Rừng Xà Nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành
đã hỏi 12 tháng 3, 2017 trong Ngữ văn lớp 9 bởi nguyenviet021299 Học sinh (105 điểm)
+1 thích
1 trả lời 313 lượt xem
A. Có tư thế hiên ngang và tinh thần dũng cảm B. Có những niềm vui sôi nổi của tuổi trẻ trong tình đồng đội C. Có ý chí chiến đấu vì miền Nam ruột thịt D. Cả A, B, C đều đúng
đã hỏi 2 tháng 12, 2021 trong Khác bởi Zake Tiến sĩ (18.3k điểm)
+2 phiếu
1 trả lời 1.6k lượt xem
Đặc sắc nội dung nghệ thuật bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
đã hỏi 29 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 309 lượt xem
Phân tích vẻ đẹp tuổi trẻ của anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa. Từ đó liên hệ tới nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi.
đã hỏi 9 tháng 6, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Khách
0 phiếu
1 trả lời 105 lượt xem
A. Giới thiệu nhà thơ Tú Xương, bài thơ Thương vợ và hình tượng bà Tú. B. Những vẻ đẹp của hình tượng bà Tú. C. Nghệ thuật xây dựng hình tượng bà Tú. D. Khẳng định vẻ đẹp của hình tượng bà Tú và liên hệ, bày tỏ cảm nghĩ của bản thân. E. Tất cả các đáp án trên
đã hỏi 2 tháng 2, 2022 trong Khác bởi Zake Tiến sĩ (18.3k điểm)
  1. monmon70023220

    560 Điểm

  2. minhquanhhqt160

    68 Điểm

  3. Darling_274

    63 Điểm

  4. 333cuchillthoi302

    37 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...