Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
84 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 11 bởi
Phân tích phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lậpp

1 Câu trả lời

0 phiếu
bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
 
Hay nhất
Phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh độc đáo mà đa dạng. Ở từng thể loại văn học, Hồ Chí Minh đều tạo ra những dấu ấn phong cách rất riêng, rất độc đáo và mang giá trị bền vững. Qua đó, mọi ý tưởng và hình tượng đều thể hiện chất thép, tinh thần lạc quan cách mạng cao độ, tấm lòng nhân đạo lớn lao, đều vận động hướng tới cách mạng, ánh sáng, niềm vui và sự sống. Với Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng địa hạt quyền lực của dân tộc ra thế giới. Tiếng nói của Tuyên ngôn Độc lập là tiếng nói mang tính toàn cầu, tiếng nói không chỉ riêng cho dân tộc Việt Nam mà còn là tiếng nói tiêu biểu, tiếng nói chung cho mọi dân tộc bị áp bức.

Sở dĩ Tuyên ngôn Độc lập được xem là áng văn chính luận mẫu mực vào hàng “thiên cổ hùng văn” vì bản tuyên ngôn này ra đời vào thời điểm trọng đại, chấm dứt ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và thay thế vĩnh viễn nền quân chủ bằng nền dân chủ. Xét về mọi khía cạnh, Tuyên ngôn Độc lập xứng đáng là bản tuyên ngôn có giá trị muôn đời của dân tộc Việt Nam.

Với tư cách là một áng văn nghị luận xã hội, Tuyên ngôn Độc lập vẫn tuân thủ lối hành văn: sử dụng lí lẽ lập luận và dẫn chứng. Lí lẽ mang lại sự kết dính các luận điểm, dẫn chứng tạo độ tin cậy cho lí lẽ. Tuy nhiên không phải nắm được điều này thì tác phẩm nghị luận có thể dễ dàng được thực hiện. Bởi lẽ, yếu tố quan trọng hàng đầu của văn nghị luận là cảm hứng nghị luận. Cảm hứng này được tạo dựng từ chính cảm xúc cá nhân trước vấn đề mình nghị luận. Mặt khác, cảm hứng ấy còn được gây dựng trên cảm hứng chung của cộng đồng. Nếu thiếu một trong hai, áng văn nghị luận đó khó có thể thành công được.

Tuyên ngôn Độc lập ra đời vào đúng thời khắc lịch sử trọng đại. Hùng khí của dân tộc gặp hùng tâm của người chấp bút, của cảm xúc vô biên trong tâm hồn vị lãnh tụ vĩ đại, nên âm hưởng, dư âm của tuyên ngôn sẽ luôn giữ được vẻ hào sảng của một khời khắc, một giai đoạn hào hùng gần như một đi không trở lại của dân tộc. 

Một nền tảng tri thức rộng cũng là nhân tố quyết định đến sự thành công của tác phẩm nghị luận. Bôn ba khắp bốn bể chân trời, Hồ Chí Minh đã tích luỹ được kho kiến thức vô cùng phong phú. Việc trích dẫn hai bản truyện ngôn của Pháp – kẻ từng nhân danh “bảo hộ” thực chất là xâm lược, đặt ách đô hộ trên đất nước ta – và Mĩ – nước đang có vai trò quan trọng trong lực lượng đồng minh chống phát xít, Hồ Chí Minh không chỉ dùng “gậy ông đập lưng ông”, mà còn nâng tầm cách mạng giải phóng dân tộc ta lên ngang tầm những cuộc cách mạng được xem là tiêu biểu cho mọi thời; nâng tầm vóc hành động của dân tộc ta lên tầm vóc của những sự thay đổi tích cực của nhân loại trên bước đường phát triển. Đồng thời, Hồ Chí Minh không chỉ viện dẫn từ sách vở, Người còn đưa ra rất nhiều bằng chứng xác thực lấy từ chính cuộc sống cơ hàn nhưng vô cùng bất khuất của dân tộc ta: nhân danh “bảo hộ” nhưng thực chất thực dân Pháp đã hai lần bán nước ta cho Nhật; nhân danh “khai hoá” nhưng thực chất Pháp làm thui chột cả trí lực lẫn sức lực của người Việt để dễ bề cai trị; nhân danh đồng minh nhưng thực chất Pháp đã phản bội lại đồng minh vì đã đầu hàng phát xít Nhật; nhân danh quyền con người nhưng Pháp lại đi giết tù chính trị của ta ở Yên Bái và Cao Bằng trước khi tháo chạy trước phát xít Nhật. Đó là những lập luận thuận chiều với nhiều chứng cớ không thể nào chối cãi. Chưa đủ, Hồ Chí Minh còn sử dụng lối lập luận ngược chiều để vạch mặt sự nham hiểm, độc ác không thể nào dung thứ đối với thực dân Pháp.

Mặc dù thực dân Pháp đối xử với nhân dân chúng ta tàn bạo, vô nhân đạo đến mức dã man, nhưng trái tim người Việt luôn nhân hậu, sẵn sàng mở lượng hiếu sinh cứu giúp người Pháp khi bị phát xít Nhật truy giết. Đưa ra bằng chứng này không chỉ nhằm để khẳng định người Việt Nam có truyền thống nhân đạo, mà cốt để xâu chuỗi mạch lập luận rằng một dân tộc chịu nhiều đau thương, một dân tộc ngoan cường, một dân tộc yêu chuộng tự do và giàu lòng nhân ái thì tất yếu phải được sống cuộc sống tự chủ, độc lập như bao dân tộc khác. Lập luận của Tuyên ngôn Độc lập vô cùng độc đáo ở chỗ một mũi tên bắn trúng hai đích, nên ẩn ý của từ ngữ vô cùng sâu rộng. Điều đó chứng tỏ sức mạnh ngôn từ của một dân tộc, tài năng của người cầm bút.

Bất kì một văn bản văn chương nào khi được viết ra cũng đều có sự tính toán khả năng tác động lên công chúng. Đặc biệt, với văn nghị luận, người viết bao giờ cũng hướng mục đích thuyết phục người nghe chủ yếu bằng ngôn từ của trí tuệ, lí trí và của lập luận thì điều đó càng thêm phần quan trọng. Về tổng thể, Tuyên ngôn Độc lập hướng tới hai đối tượng: đồng bào trong nước và dân chúng thế giới. Ở trong nước cũng như trên thế giới đều tồn tại hai đối tượng đối lập: ủng hộ và không ủng hộ. Vì thế, nhiệm vụ của áng văn Tuyên ngôn Độc lập là khẳng định lòng tin cho những người ủng hộ và thuyết phục những người không ủng hộ. Vì thế, việc trích dẫn tuyên ngôn của nước Pháp và Mĩ, kết hợp với dẫn chứng từ thực tế trong nước; việc đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc song song với việc giải phóng nhân loại khỏi hoạ phát xít là cách vừa kêu gọi sự đồng lòng của quốc tế vừa tôn vinh dân tộc, khẳng định tư thế chính nghĩa, tiến bộ của dân tộc ta trên trường quốc tế.

Việc đặt song song nhiệm vụ giải phóng dân tộc với nhiệm vụ thiết lập nền dân chủ sẽ đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Như thế, đối ngoại và đối nội, đôi đường đều đúng đắn, đúng mực, quả là sự tính toán diệu kì. Từ luận điểm cốt lõi, mỗi dân tộc đều có quyền được hưởng độc lập, tự do, Hồ Chí Minh hướng đến kết luận: luận điểm này không bắt nguồn từ ý muốn của bất kì dân tộc nào mà từ chính tạo hoá, từ chính bản năng sống tốt đẹp của muôn người trên thế gian. Lập luận của tuyên ngôn không dừng lại ở chỗ chân lí do con người làm ra mà sâu xa hơn là ở chỗ chân lí do tạo hoá làm ra. Người viết quả là thiên tài. Tự nhiên sinh ra con người và chính tự nhiên mới là thế lực cuối cùng có quyền phán xét con người, còn con người với con người thì không có quyền phán xét và bắt buộc nhóm người này, cộng đồng này sống theo ý muốn của một nhóm, cộng đồng nào đó.

Ngay tại thời điểm Hồ Chí Minh trích tuyên ngôn của nước Mĩ, thì chắc hẳn Mĩ chưa có biểu hiện gì muốn xâm chiếm nước ta. Do vậy, mục đích của việc trích dẫn này chỉ với ý đồ muốn dựa vào một thế lực trung gian, một thế lực điển hình cho tư tưởng tiến bộ của thời đại, Mĩ lúc đó đang đứng trong lực lượng đồng minh phương Tây chống phát xít. Thế nhưng, giá trị của Tuyên ngôn Độc lập không chỉ dừng lại ở đó mà còn thể hiện được tính dự báo độc đáo của nó. Cụ thể là sau năm 1954, Mĩ lộ rõ ý đồ muốn thay thế vị trí của Pháp ở Việt Nam và càng ngày càng can thiệp sâu vào đời sống chính trị của người Việt và cuối cùng là đưa quân sang xâm lược. Một lần nữa, dân tộc Việt Nam lại đứng lên bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Kết quả, như lời tiên tri của bản Tuyên ngôn Độc lập được viết ra trước đó gần ba mươi năm, năm 1973, đế quốc Mĩ thua trận, buộc phải rút quân ra khỏi cương thổ Việt Nam.

Đương nhiên, tính dự báo này không chỉ dành riêng cho đế quốc Mĩ mà còn cho mọi thế lực hung tàn trên thế giới, những kẻ có âm mưu muốn biến nước ta thành thuộc địa hoặc dã tâm muốn cướp nước ta thì chắc chắn chúng sẽ chịu cùng số phận. Dân tộc ta sẽ luôn giữ vững được nền độc lập cho muôn đời sau.

Không có một quá khứ hào hùng của dân tộc, không có những thành tựu văn hoá kể từ bài thơ Thần tương truyền là của Lí Thường Kiệt hay Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi thì ắt hẳn, Tuyên ngôn Độc lập sẽ chưa có được sức mạnh, sức gắn kết văn hoá độc đáo đến như vậy. Từ việc chỉ giới hạn trong khuôn khổ một nước Việt Nam với cương thổ địa lí riêng luôn được khẳng định trong hai áng văn được xem là tuyên ngôn độc lập của dân tộc trước đó, Hồ Chí Minh đã mở rộng địa hạt quyền lực của dân tộc ra thế giới. Tiếng nói của Tuyên ngôn Độc lập là tiếng nói toàn cầu, tiếng nói không chỉ riêng cho dân tộc Việt Nam mà còn là tiếng nói tiêu biểu, tiếng nói chung cho mọi dân tộc bị áp bức.
bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
Phải kể đến phép so sánh theo lối tương phản, đồng dạng hoặc ám dụ là thủ pháp nghệ thuật được sử dụng chủ yếu trong Tuyên ngôn Độc lập. So sánh tuyên ngôn của Mĩ, của Pháp với Tuyên ngôn Độc lập của ta là cách tạo hiệu quả đồng dạng. Không chỉ dân tộc ta có quyền độc lập tự do như các dân tộc đó mà Tuyên ngôn Độc lập của ta cũng có giá trị hệt như tuyên ngôn của họ. d. So sánh tương phản chủ yếu được dành cho thực dân Pháp. Người Pháp được hưởng những quyền lợi cụ thể từ tuyên ngôn dân quyền của họ, thế mà cũng với “những quyền ấy” họ lại bắt người Việt Nam phải chịu cảnh nô lệ, tù đày, chết chóc. Cho nên “hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Ngoài ra, cách so sánh ám dụ cũng là một thế mạnh của cách lập luận trong Tuyên ngôn Độc lập. Nhờ những ám dụ ngầm này (như giá trị nền độc lập của ta tương đồng với giá trị độc lập của Pháp, Mĩ,...) nên văn bản đã tạo được chất trí tuệ, hấp dẫn người đọc ở tầng sâu kiến thức của câu chữ, khiến mọi thế hệ, mọi trình độ đều phải khâm phục tầm văn hoá uyên bác của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, để phản bác luận điệu bảo hộ của Pháp, Hồ Chí Minh liệt kê ra đầy đủ các mặt cốt yếu mà Pháp nhân danh bảo hộ để biến người dân Việt thành nô lệ. Đó là: chính trị (chính sách chia để trị nhằm chống sự thống nhất, đoàn kết), giáo dục (nhà tù nhiều hơn trường học nhằm làm suy nhược tinh thần), y tế (thuốc phiện, rượu cồn làm suy nhược thể trạng dân tộc), kinh tế (cướp tài nguyên, không cho giai cấp tư sản bản địa trỗi dậy)... Tất cả đều nhằm làm suy thoái toàn diện đời sống người Việt. Cách lập luận này khiến tội ác của thực dân Pháp hiện lên tầng tầng lớp lớp và nỗi khổ đau, bi đát của dân tộc cũng “tăng cấp” hơn. Biện pháp lặp kết cấu cú pháp cũng được sử dụng. Tiêu biểu nhất là câu: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
Tuyên ngôn Độc lập mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam. Bằng lời văn sắc sảo, đầy chất trí tuệ, bằng nhiệt huyết cách mạng của một người yêu Tổ quốc cháy bỏng và bằng cả khí thế cách mạng của toàn thể dân tộc ngót một trăm năm kiên trì, bền gan chiến đấu với kẻ thù để đòi quyền độc lập, tự chủ, Tuyên ngôn Độc lập xứng đáng là áng hùng văn của dân tộc trên mọi nẻo đường chiến đấu và chiến thắng.
Hơn sáu mươi năm trôi qua kể từ ngày Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình, khoảnh khắc lịch sử ấy vẫn còn nóng hổi trong từng lời văn, câu chữ. Với Tuyên ngôn Độc lập, dân tộc Việt Nam đã có được tiếng nói riêng, diện mạo riêng, có được nguồn động lực nội tại mạnh mẽ và bền vững trên hành trình độc lập, tự do, bình đẳng và bác ái. Hơn thế nữa, nhiều lần dân tộc ta đã trở thành biểu tượng của tinh thần tự do, độc lập, của ý chí tự quyền cao cả của nhân loại tiến bộ trên địa cầu.
Văn chính luận trong Tuyên ngôn độc lập là thể văn dùng lập luận và dẫn chứng để bàn luận và cũng đồng thời sử dụng đầy đủ mọi sắc thái cảm hứng như trữ tình, mỉa mai, ca ngợi, đả kích,... Vì vậy, khi viết, Người bao giờ cũng phải vận dụng phạm vi tri thức sách vở, lẫn tri thức cuộc sống tự nhiên, xã hội rất lớn để đi đến kết luận: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!".
Tuyên ngôn độc lập là áng văn nghị luận chính trị xã hội kiệt xuất. Trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng các thao tác lập luận một cách hiệu quả để nêu bật dã tâm của kẻ thù và khẳng định quyền độc lập, tự do thiêng liêng của dân tộc. Cho đến ngày nay, Tuyên ngôn Độc lập tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao dân tộc ta trên bước đường kiến thiết và xây dựng tổ quốc.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
0 câu trả lời 180 lượt xem
Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt ... 41) Anh/Chị hãy phân tích đoạn văn trên. Từ đó, nhận xét về phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh qua bản Tuyên ngôn Độc lập .
đã hỏi 10 tháng 10, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhlinh
0 phiếu
1 trả lời 432 lượt xem
Hãy viết đoạn văn từ 3- 5 câu về Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn độc lập trong đó có sử dụng phép chêm xen. Phân tích tác dụng của phép chêm xen.
đã hỏi 25 tháng 4, 2020 trong Ngữ văn lớp 12 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 57 lượt xem
Dàn ý phân tích giá trị lịch sử và văn chương bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh
đã hỏi 10 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
  • văn-mẫu
  • viết-văn
0 phiếu
1 trả lời 57 lượt xem
Viết kết bài hay nhất cho bài văn phân tích đoạn đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh
đã hỏi 10 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 50 lượt xem
Viết kết bài hay nhất cho bài văn phân tích đoạn cuối bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh
đã hỏi 10 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 68 lượt xem
Viết mở bài hay nhất cho bài văn phân tích đoạn cuối bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh
đã hỏi 10 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 64 lượt xem
Dàn ý chi tiết phân tích đoạn cuối bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh
đã hỏi 10 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 49 lượt xem
Hãy viết bài văn phân tích đoạn đầu tác phẩm  "Tuyên ngôn độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã hỏi 10 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 64 lượt xem
Dàn ý chi tiết phân tích đoạn đầu tác phẩm "Tuyên ngôn độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã hỏi 10 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 80 lượt xem
Viết mở bài cho bài văn phân tích nghệ thuật lập luận của bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.
đã hỏi 10 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)

HOT 1 giờ qua

  1. nguyenmanh04102009212

    166 Điểm

  2. tnk11022006452

    120 Điểm

  3. hoconghung031007464

    80 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4-10: 20.000 đồng
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...