Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
trong Ngữ văn lớp 12 bởi
Làm rõ màu sắc cổ điển và hiện đại trong "Tràng giang"

2 Trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

Vào thuở hoa niên, Huy Cận khi xưa hay thường đạp xe lên vùng Chèm, Vẽ... Nhìn cảnh sông nước mênh mông, Huy Cận chạnh nghĩ đến nỗi sầu nhân thế. Vậy là từ một dòng sông cụ thể, thi nhân đã dựng lên một dòng sông tâm trạng. Đó cũng là một dòng buồn man mác chảy từ ngàn xưa đến mai sau... Giọng thơ chủ đạo của thi phẩm là giọng buồn lặng. Nỗi buồn ấy tưởng như cựa mình rất khẽ, nhưng lại vây riết con người trong một biển sầu rộng lớn.

Nếu phương tiện di chuyển chính của người châu Âu xa xưa là ngựa thì ở nước ta phương tiện di chuyển chính là thuyền. Đây là chỗ khác nhau giữa hai nền văn minh, một nền văn minh không có nước và một nền văn minh dựa vào sông nước.

Nước là một trong năm thứ thiết thân với đời sống của con người (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ mặc dù nước thực ra chỉ là một khối chất lỏng. Nhưng chính sự hội tụ của nước làm nên suối, sông, đầm, hồ và biển cả. Con người dựa vào sông nước để tồn tại, quần tụ, nhỏ thì thành làng xóm, lớn là quốc gia, thế giới. Sông nước, con người vì thế, như gắn bó cùng một bọc, nước vì thế vừa là chỗ để đi tới vừa là chỗ để trở về. Từ đó, nước hay sông nước trở thành đối tượng để con người khám phá ra chính mình, khám phá ra hiện hữu người trong cõi thế. Quan hệ giữa sông nước với con người đến một mức độ nào đó thì tạo nên cả một nền văn minh dựa trên sông nước. Tức là dựa vào sông nước mà tạo nên nếp sống, nếp nghĩ, phong tục, tập quán, tiếng nói rồi hướng tới sông nước mà sáng tạo thơ ca, tiểu thuyết, suy niệm triết học.

Một cách tự nhiên, sông nước trở thành đối tác để làm ăn sinh sống mà cũng lại là đối tượng của thẩm mĩ hay suy ngẫm triết học để con người gửi gắm những vui buồn của thân phận người hoặc triết lí về vị thế tồn tại của con người trong cõi vô thường.

Tràng giang là một trong số không nhiều thi phẩm tuyệt tác của phong trào Thơ mới. Trong tư cách là một bài thơ mới, Tràng giang có nhiều cách tân, tìm tòi mới mẻ. Chẳng hạn, một phong thái diễn đạt cảm xúc mới, một điệu hồn sâu lắng, rợn ngợp cô đơn của cái Tôi hiện đại, những cách tân trong nhịp thơ để tăng chất nhạc và những lựa chọn táo bạo về hình ảnh, ngôn ngữ gây ấn tượng sâu sắc.

Tuy nhiên, Tràng giang còn là một thi phẩm được viết trên tinh thần không khước từ với truyền thống. Trái lại, tác giả vận dụng được nhiều nét tinh hoa của văn chương trung đại và tạo cho bài thơ một vẻ đẹp hài hoà giữa màu sắc cổ điển và màu sắc hiện đại phù hợp với phong cách thơ giàu suy tưởng của chính mình.

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn mênh mang, sâu lắng của một cái tôi cô đơn trước vũ trụ được bộc lộ một cách trực tiếp qua cách diễn đạt cô đọng và hàm súc. Tâm trạng của một cái tôi lãng mạn đó lại được thể hiện bằng bút pháp tả thực vừa phá vỡ qui tắc ước lệ truyền thống vừa đem đến một phong cách trữ tình mới. Có thể coi nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ “Tràng giang” là ở sự kết hợp hài hoà hai phẩm chất: màu sắc cổ điển và chất hiện đại.

Màu sắc cổ điển đậm đà, in dấu ấn toàn diện tạo nên vẻ độc đáo của một bài Thơ mới. Sự cổ điển xuất hiện ngay từ nhan đề “Tràng giang” bằng chữ Hán. “Tràng” (một âm đọc khác của “trường”) gợi sự cổ kính. “Giang” là tên chung để chỉ các dòng sông. Hai chữ này gợi một không gian cổ kính, trang trọng, bát ngát như trong Đường thi, gợi nhớ câu thơ nổi tiếng của Lí Bạch: “Duy kiến trường giang thiên tế lưu”.

Ngay từ nhan đề của thi phẩm, người đọc đã thấy được sự tinh tế trong cảm quan không gian của Huy Cận. Hai âm ang có độ vang - mở được đặt cạnh nhau đã gợi lên hình ảnh một tràng giang rộng dài vô tận. Bước vào Tràng giang là bước vào một không gian đầy sóng nước:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song 

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Câu thơ phảng phất phong vị Đường thi. Sóng gợn nhưng cũng là những dòng buồn gợn mãi trong cõi lòng Huy Cận. Hai chữ “điệp điệp” ở cuối câu vừa diễn tả được cường độ và trường độ của sóng - buồn. Trên dòng tràng giang bao la ấy, xuất hiện một cánh buồm nhỏ nhoi, thụ động. Trong thơ xưa, thuyền - nước thường gắn bó, liền kề. Trong thơ lãng mạn, nó bị tách chia, gợi niềm ly biệt. Thiên nhiên trong thơ Huy Cận thường thế: các sự vật, hiện tượng tồn tại một cách hững hờ bên nhau. Nó thiếu sự giao hoà, gần gũi. Củi một cành khô lạc mấy dòng là một câu thơ được gia công nghệ thuật nhiều lần. Đây là một câu thơ có cấu trúc cú pháp hiện đại, một ẩn dụ có sức biểu đạt lớn. Huy Cận đâu có “miêu tả hiện thực” về một cành củi phiêu dạt, nổi trôi. Ông đang nói đến sự nổi nênh, cô đơn của một thế hệ, một lớp người trong đó có thi nhân. Tràng giang không phải là một bài thơ tả cảnh thông thường. Đó là một kiệt tác nói về nỗi cô đơn, nhỏ bé của kiếp người trong vũ trụ.

 

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Khổ thơ thứ hai dựng lên một không gian hiu vắng. Ý thơ Chinh phụ ngâm hiện về trong câu thơ đầu: Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo - Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò. Thì ra cái đìu hiu của Huy Cận không hẳn là của hiện tại, nó vốn có tự “thời nào” thổi đến. Nỗi hiu vắng đã vượt qua mọi giới hạn thời gian, lan toả khắp không gian. Trong không gian ấy vọng lên một âm thanh mơ hồ. Đó không phải là tiếng vọng của một “phiên chợ vãn” nào cụ thể, mà là thứ âm thanh rung lên từ cõi buồn Huy Cận. Bởi thế, nó mơ hồ mà ám ảnh.
Hai câu thơ: Nắng xuống, trời lên sâu chót vót - Sông dài, trời rộng, bến cô liêu là một cách đo không gian độc đáo. Chữ sâu được dùng một cách xuất thần. Mở ra trước mắt ta một không gian ba chiều. Nhưng điều đáng nói là một chiều khác: không gian ấy được thu vào cái nhìn của một nỗi buồn vạn kỷ. Nỗi buồn vắng của ngoại cảnh hoá ra là ảnh xạ của nỗi buồn vắng nội tâm. Sông dài, trời rộng, bến cô liêu là nốt láy của đề từ nhằm khẳng định thêm sự vắng vẻ của không gian, sự đơn độc của con người.
Khổ thơ thứ ba đẩy nỗi cô đơn đến tuyệt đối qua hai lần phủ định. Bốn câu thơ bốn vẻ buồn khác nhau: 1- nỗi buồn phiêu dạt; 2- không một đò ngang giao nối đôi bờ; 3- không một chiếc cầu giao cảm; 4- lặng lẽ hững hờ. Nếu để ý ta sẽ thấy mở đầu câu thơ thứ nhất của khổ hai là lơ thơ, mở đầu dòng cuối cùng khổ thơ thứ ba là lặng lẽ. Lơ thơ và lặng lẽ chính là cái nền cảnh của Tràng giang. Trong không gian hiu vắng rộng dài ấy, mọi mối tương giao đã bị cắt lìa. Tất cả đều chìm vào cô đơn, hờ hững.
Tuy nhiên, vẻ đẹp của thi phẩm thể hiện rõ nhất trong khổ thơ cuối. Hai câu thơ: Lớp lớp mây cao đùn núi bạc - Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa dựng trên một không gian đối lập: một bên là không gian hùng vĩ tráng lệ, một bên là cánh chim nhỏ bé, cô độc giữa bầu trời. Ở câu trên, Huy Cận học được chữ đùn trong câu thơ dịch của Đỗ Phủ: Lưng trời gợn sóng lòng sông thẳm - Mặt đất mây đùn cửa ải xa. Câu thơ sau được xây dựng trên một thi liệu truyền thống: hình ảnh cánh chim chiều u ẩn. Dấu hai chấm trong câu thơ sau cho thấy mối quan hệ giữa cánh chim và bóng chiều. Nó tạo ra độ mở cho câu thơ: chim nghiêng cánh trút chiều xuống tràng giang hay bóng chiều đã làm chim nghiêng cánh? Trong thế đối lập, hình ảnh cánh chim chiều càng nhẹ mỏng, nó cũng nhỏ bé như số phận con người trong sự rộng lạnh của không gian.
Hai câu thơ sau xui người đọc nhớ đến hai câu thơ của Thôi Hiệu:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Nhiều người cho rằng Huy Cận buồn hơn Thôi Hiệu. Bản thân Huy Cận cũng tự thấy thế. Song thực ra, khó có thể nói ai buồn hơn ai. Thôi Hiệu và Huy Cận là hai kiểu nhà thơ khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Sự khác biệt giữa họ là ở chỗ: nỗi buồn Huy Cận nằm sẵn trong hồn ông, nhìn đâu cũng thấy sầu, còn Thôi Hiệu nhìn thấy khói sóng mà nhớ quê hương. “Nhớ nhà” vì thế là một khắc khoải. Nó thể hiện sự cô đơn lạc lõng của con người và niềm khao khát tìm một chốn tựa nương. Tinh sông núi, tình quê hương đất nước kín đáo trong bài thơ là lớp nghĩa được nảy sinh từ sự mở rộng của nỗi khát khao này.
Viết Tràng giang, Huy Cận dùng từ láy và hình thức điệp một cách tài hoa. Nó khiến cho khổ thơ nào cũng như gợn sóng, gợn nước, từ đó tạo ra hệ thống hình ảnh nói về sự chuyển động bên trong, lặng lẽ nhưng da diết lạ lùng...
“Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”.
Trời rộng gợi cảm giác về sự vô biên của vũ trụ. Sông dài tạo ấn tượng về cái vô cùng của không gian. Trời rộng và sông dài mở ra không gian ba chiều gợi cảm giác rợn ngợp của con người cô đơn, bé nhỏ trước cái mênh mang, bất tận của trời đất.
“Tràng giang” được cấu tứ trên nền cảm hứng không gian sóng đôi. Có dòng “Tràng giang” thuộc về thiên nhiên trong tư cách một không gian hữu hình và (cũng có) dòng “Tràng giang” tâm hồn như một không gian vô hình trong tâm tưởng. Đây vốn là cấu tứ quen thuộc của Đường thi. Tiếp cận Tràng giang trong tư cách dòng sông thiên nhiên có thể thấy một điều đặc biệt: khổ thơ nào cũng có thông điệp về nước. Thông điệp trực tiếp là các từ: “nước”, “con nước”, “dòng”... Thông điệp gián tiếp là các từ: “sóng gợn”, “cồn nhở”, “bèo dạt”, “bờ xanh”, “bãi vàng”... Ngoài ra, khi tiếp cận Tràng giang với tư cách dòng sông cảm xúc trong tâm hồn lại phát hiện thêm một điều thú vị nữa: cảnh nào cũng gợi buồn. Sóng buồn vô hạn (buồn điệp điệp); Gió đầy tử khí: “đìu hiư”. Gợi nhớ đến câu: “Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gờ” (Chinh phụ ngâm); Bến sông cô đơn vắng vẻ: “bến cô liêu”; Nước với nỗi buồn trải khắp không gian: “sầu trăm ngả”.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Màu sắc cổ điển còn được bộc lộ qua cách sử dụng nghệ thuật đối của Đường thi nhưng khá linh hoạt và phóng túng. Chẳng hạn: “Sóng gợn…” đối với “Con thuyền...”; “Nắng xuống đối với trời lên...”; “Sông dài đối với trời rộng...”
Nhưng đóng góp quan trọng hơn cả là nghệ thuật đối được sử dụng một cách triệt để bằng hai hệ thống hình ảnh mang tính tương phản giữa một bên là những sự vật nhỏ bé, gợi suy ngẫm về cái hữu hạn của kiếp người: thuyền, củi, bến, bèo, cánh chim... và một bên là những hình ảnh lớn lao, hùng tráng gợi liên tưởng về cái vô hạn của vũ trụ: sông dài, trời rộng, lớp lớp mây cao, núi bạc...
Sự cổ điển còn được thể hiện ở  hệ thống từ láy gợi âm hưởng cổ kính: (10 lần/16 dòng thơ, cách ngắt nhịp truyền thống: 3/4. Hệ thống từ láy trải khắp bài thơ: “Tràng giang”, “điệp điệp”, “song song”, “ơ thơ”, “đìu hiu”, “chót vót”, “mênh mông”, “lặng lẽ”, “lớp lớp”, “dợn dợn”.
Dù bài thơ “Tràng giang” có in đậm màu sắc cổ điển trên một số phương diện như đã phân tích thì hiện đại vẫn là nét chính của thi phẩm này. Bởi cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn mênh mang, sâu lắng của cái tôi cô đơn trước vũ trụ được bộc lộ một cách trực tiếp qua một cách diễn đạt cô đọng và hàm súc. Tâm trạng của một cái tôi lãng mạn đó lại được thể hiện bằng bút pháp tả thực vừa phá vỡ qui tắc ước lệ truyền thống vừa đem đến một phong cách trữ tình mới. Nét đặc sắc của bài thơ là ở chỗ nỗi buồn đó được thể hiện đa dạng với nhiều cung bậc và hết sức tinh tế.
Ngay trong khổ thơ đầu, nỗi sầu muộn đã thấm vào cái nhìn cảnh vật. Tuy thuyền và nước “song song” nhưng “thuyền về ngược hướng với “nước lại gợi liên tưởng về một sự ngổn ngang trăm mối trong lòng. Và hình ảnh gây ấn tượng chính là hình ảnh củi trong câu “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Theo lời thổ lộ của chính tác giả, trong bản thảo, ông đã băn khoăn nhiều, cân nhắc rất kĩ trước khi chọn hình ảnh này. Quả nhiên, chi tiết giàu chất thực đó mang đến cho câu thơ một màu sắc hiện đại. Hình ảnh “cử” không chỉ tạo một ấn tượng mới mẻ mà còn gợi những liên tưởng và suy ngẫm về kiếp người lam lũ, tủi cực, lênh đênh...
Mạch cảm xúc trong khổ thơ tiếp theo diễn tả nỗi ám ảnh về cái hờ hững, mất liên lạc giữa con người và tạo vật cùng cảm giác trống trải của tâm hồn con người trước cái thế giới hoang vắng với hình ảnh bóng cây “lơ thơ trên những cù lao nhỏ trơ trọi và ngọn gió hiu hắt buồn như thổi về từ nghìn năm trước. Cảm giác trống trải trước một không gian hoang sơ, vắng lặng càng được tô đậm khi tác giả sử dụng nghệ thuật diễn tả cái động để làm nổi bật cái tĩnh:
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều...
Câu thơ này từng gợi ra hai cách hiểu. Một, âm thanh vẳng tới mơ hồ như có như không của phiên chợ vãn ở làng xa khiến nhân vật trữ tình thấm thía hơn nỗi cô đơn trước một không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Hai, đây chỉ là một ý nghĩ bất chợt, gần như một ảo giác do những mong mỏi thầm kín trong thẳm sâu hồn người vào khi chiều xế trong thời điểm tâm hồn rơi vào một nỗi cô đơn mang tính muôn thuở.
Nhưng câu thơ “Nắng xuống trời lên sâu chót vót” mới thực sự gây ấn tượng mạnh bởi cách sử dụng nghệ thuật tiểu đối, bởi lối dùng từ mới mẻ, táo bạo (cách dùng hình dung từ sâu chót vót thay cho cách diễn đạt thông thường cao chót vót) vừa mở ra chiều cao mênh mang đến thăm thẳm của bầu trời vừa diễn tả nỗi cô đơn của cái tôi trữ tình, đặc biệt là cảm giác rợn ngợp của con người hữu hạn trước một vũ trụ vô biên.
Nếu câu thơ vừa phân tích chủ yếu gợi ấn tượng rợn ngợp bởi nỗi cô đơn do chiều cao vô cùng của bầu trời đem lại thì câu thơ tiếp theo sử dụng nhịp 2/2/3 cùng hàm ý nhấn mạnh vào các tính từ miêu tả không gian: sông dài trời rộng bến cô liêu... nghe tựa như một tiếng thở dài đầy bâng khuâng và sầu muộn của cái tôi trước tạo vật hững hờ. Nỗi sầu muộn đó sẽ còn tiếp tục gây ám ảnh trong khổ thơ tiếp theo khi cái tôi trữ tình đối diện với một thiên nhiên gần như ngoảnh mặt làm ngơ với bao nỗi niềm cần chia sẻ của con người:
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Trong khổ thơ có những câu hỏi không thể có câu trả lời. Những câu hỏi như để khơi sâu thêm nỗi buồn, cảm giác hẫng hụt và đặc biệt là tình cảnh bơ vơ của cái tôi trước một thế giới không còn là nơi nương tựa quen thuộc như muôn nghìn năm trước nữa.
Trong khổ thơ còn có sự diễn đạt mang tính tăng cấp nhấn vào các ngôn từ mang tính phủ định khiến người đọc nảy sinh những liên tưởng và so sánh. Từ “khách vắng teo” của Nguyễn Khuyến qua “đã vắng người sang những chuyển đờ” của Xuân Diệu cho đến hàng loạt từ “không đờ”, “không cầu”, “lặng lẽ” của Huy Cận là cả một hành trình “càng đi sâu càng thấy lạnh” (Hoài Thanh) của con người khi bước vào thế giới hiện đại.
Khổ thơ cuối diễn tả một sự đối lập cao độ giữa con người với vũ trụ. Cái mênh mông của không gian: “lớp lớp mây cao đùn núi bạc” tương phản gay gắt với hình ảnh “chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”. Rõ ràng, không còn là cánh chim mang tính nghệ thuật thuần tuý duy mĩ như trong Đường thi: “Chiếc cò bay với ráng pha/ Sông xanh cùng với trời xa một màu - Vương Bột “ hay cảnh “Bạch lộ song song phi hạ điền” (Đôi cò trắng song song bay xuống cánh đồng - Thiên Trường vãn vọng - Trần Nhân Tông) nữa. Cánh chim ở đây chứa đựng cái tôi rợn ngợp trước hoàng hôn, gợi ám ảnh về cái hữu hạn của kiếp người trước cái vô hạn của tạo hoá.
Nhu cầu tìm về một hình ảnh thân thương, quen thuộc sưởi ấm lòng người trong bối cảnh nỗi cô đơn đang ngập tràn tâm trạng như sắp dìm cái tôi trữ tình vào một nỗi buồn vừa mang tính muôn thuở vừa chưa từng trải qua bao giờ sẽ là một tất yếu. Đấy là lí do vì sao bài thơ kết thúc bởi hai câu:
Lòng quê dợn dợn với con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
0 phiếu
bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)

Ngàn năm sực tỉnh lê thê

Trên thành son nhạt. - Chiều tê cúi đầu (Chiều xưa)

Cùng với Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Huy Cận là một trong năm nhà thơ tiêu biểu nhất thế kỉ XX của Việt Nam. Không giống với nhiều nhà thơ khác, sự nghiệp sáng tác và hoạt động cách mạng của Huy Cận luôn gắn bó chặt chẽ. Ở Huy Cận, nhà thơ đồng nghĩa với chiến sĩ; hiểu theo hai cách, thơ ông phục vụ sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng Tổ quốc trong suốt gần cả thế kỉ hào hùng của dân tộc và thơ ông tiên phong trong phong trào đi tìm cái đẹp ẩn đằng sau, cái đẹp qua sự giải phóng ngôn từ một cách kì diệu nhất.

Ôi! nắng vàng sao mà nhớ nhung!

Có ai đàn lẻ để tơ chùng?

Có ai tiễn biệt nơi xa ấy

Xui bước chân đây cũng ngại ngùng... (Nhớ hờ)

Bài thơ Tràng giang cũng thuộc vào mảng sáng tác đi tìm cái đẹp này. Tràng giang là một trong hai bài thơ hay nhất của Lửa thiêng, tập thơ đầu tiền của Huy Cận ra đời vào năm 1940. Ngay từ lúc xuất hiện, Lửa thiêng đã được đón đọc say sưa trên khắp đất nước. Nội dung chủ yếu của tập thơ là nỗi cô đơn, trống vắng và buồn nhớ. Huy Cận ít làm thơ theo thể lục bát (toàn bộ Lửa thiêng chỉ có tám bài) nhưng một trong những thành công lớn nhất trong sáng tạo nghệ thuật của ông là ở thể loại này. Thế kỉ XX, cùng Nguyễn Bính, Tố Hữu, Huy Cận tạo thêm một chiếc ngai của ba ông vua lục bát. Sau lục bát Nguyễn Du là lục bát Huy Cận. Lục bát Lửa thiêng tràn đầy âm hưởng Thơ mới. Sở dĩ Huy Cận hiện đại là bởi lục bát của ông ít bị ca dao chi phối về cách chọn từ, ngắt nhịp, đặt câu và cơ bản hơn là sự tự do bày tỏ cái tôi – cá nhân. Cứ thế, tất cả thơ của ông đều chìm trong bầu lãng mạn, ít khi rõ căn nguyên nhưng lại rất người, rất đời.

Niềm ám ảnh thường trực trong thơ Huy Cận là sự hữu hạn của kiếp người trước cõi vô biên của vũ trụ. Mỗi khi đối diện với một không gian rộng lớn, mênh mang nỗi ám ảnh trên thường thăng hoa thành niềm cô đơn, sầu muộn khó hoá giải. Thơ Huy Cận thiên về suy tưởng triết lí hơn là giãi bày, bộc lộ. Về nghệ thuật, cùng thế hệ với Huy Cận, nhiều người hăng hái vận dụng cái mới trong thơ Tây phương nhằm cách tân về thi pháp, riêng tác giả thi phẩm Lửa thiêng thì thường lẳng lặng kết hợp và dung hoà giữa chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Pháp với cái hàm súc, sâu lắng của thơ Đường để tạo cho thơ mình một vẻ đẹp riêng: vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại.

Tràng giang được viết theo thể tự do, nhưng Huy Cận lại sử dụng rất nhiều điển tích, điển cố của Trung Quốc và của văn thơ cổ. Vì vậy, tuy nỗi buồn bao trùm lên toàn bộ bài thơ, nhưng không khí thơ mang âm hưởng trầm lắng, thanh cao, quý phái. Bài thơ là bức tranh phong cảnh thơ mộng của buổi chiều trên sông xứ Bắc, thấm đượm nỗi buồn cô đơn man mác của tâm hồn thi sĩ trước vũ trụ khôn cùng. Bài thơ được chia thành bốn khổ, mỗi khổ đều có một nét tâm trạng buồn riêng và được mở theo không gian... Qua đó, nhà thơ gửi gắm khối tình dành cho thiên nhiên, cho con người trong buổi nước mất nhà tan dưới ách nô lệ của thực dân Pháp. Do vậy, có thể tiếp cận bài thơ theo từng khổ để tìm ra nét đặc sắc nghệ thuật riêng của Huy Cận.

Mở đầu bài thơ, tác giả khảm ngay một chữ “buồn” lên bức tranh phong cảnh: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. Kết thúc bài thơ, tác giả buộc chặt, gói ghém mọi nỗi niềm trong chữ “nhớ”: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Vậy ra, buồn nhớ là âm điệu chủ đạo của Tràng giang. Tâm trạng ấy đã chi phối toàn bộ hình tượng thơ Tràng giang. Nhìn đâu đâu tác giả cũng chỉ thấy đơn lẻ, trống vắng. Song nét đặc sắc nhất của bài thơ, điều khiến Tràng giang là Tràng giang, một hình hài, một linh hồn thơ độc đáo và duy nhất là ở cách tư duy phân đôi. Đây là cội nguồn của nỗi buồn nhớ kia. Nó khiến cho Tràng giang vừa là một vừa là không một, vừa chỉ còn một nửa (phân đôi) của cái tôi cái ta trong dâu bể cuộc đời...

Bài thơ chỉ xuất hiện hai chữ một (củi một cành, một chuyến đò) song những hình ảnh trong bài thơ thì thường ở số ít hoặc gợi lên số ít: một con thuyền, một cồn nhỏ, một làng xa, một cánh chim... Vậy nên, âm hưởng chung của Tràng giang là đơn chiếc, cô độc, lẻ loi và gợi lên sự tưởng tượng về kiếp người nhỏ bé, vô định.. Cảnh vật dưới đất thì xa lìa, cảnh trên trời thì bảng lảng (mây cao, núi bạc) lại được điểm xuyết bằng cánh chim trơ trọi, buồn xao xác, nghiêng cả chiều tà. Hai khổ thơ đầu, Huy Cận giới hạn sự vật vào một. Đến hai khổ cuối, ý thức đơn lẻ lớn hơn, mạnh hơn và nỗi buồn nhớ càng da diết hơn nên lúc này xuất hiện không một, phủ định cả cái một trước đó (không một chuyến đò, không cầu, không khói). Điệp từ không vang lên, tạo sự trống vắng hiu quạnh vô cùng:

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

 

bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
Không phải đợi đến cuối bài thơ thì âm hưởng “Nhật mộ hương quan hà xứ thị / Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn / Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)" mới xuất hiện mà ngay đầu bài thơ, hình ảnh “sóng gợn tràng giang” đã gợi trong ta cảm giác về khói sóng. Sự tương ứng đầu cuối của bài thơ đã mang lại cấu trúc rất chặt chẽ cho nó, khiến toàn bộ bài thơ là một hệ khép kín của sông, sóng, nước, thuyền, núi, mây, mặt trời, cánh chim, làng... Những khách thể nghệ thuật này được sắp xếp, liên tưởng một cách đặc biệt theo dòng tâm trạng buồn man mác để đi đến cái kết là nhớ nhà. Đây là tâm trạng thực, tâm trạng chủ đạo của bài thơ. Nó kiến tạo hết thảy giọng điệu, điểm nhìn và cách lựa chọn ngôn từ thơ:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Mang tâm trạng nhớ nhà nên khi nhìn sóng gợn trên sông thi nhân mới cảm thấy buồn hơn. “Điệp điệp” ở đây vừa diễn tả những con sóng nhỏ cứ gợn hoài, tiếp nối nhau nhưng cũng vừa diễn tả nỗi buồn chồng chất. Bên cạnh đó, nghệ thuật dùng từ láy “điệp điệp”, “song song” cũng có hiệu quả nhất định gợi âm hưởng cổ kính. Bản thân “sóng gợn” không gây buồn (chẳng hạn trong Thu điếu của Nguyễn Khuyến cũng có gợn sóng: “Sóng biếc theo làn hơi gợn tỉ”, nhưng đâu có buồn) mà chỉ tại “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều) thôi.
Tiếp nối mạch nối cảm xúc chủ đạo này, con thuyền và sông nước trong thơ ca và cả trong đời thực hiếm khi xa cách nhau mà bây giờ lại hờ hững với nhau. “Nước lại sầu”: bây giờ không phải là sông buồn nữa mà cả dòng nước cũng buồn. Vậy nên củi trên tràng giang cũng chỉ là một cành.
Khổ thơ viết về thuyền, sông, sóng, củi. Chủ là dòng sông. Khách là con thuyền, cành củi. Chủ và khách đều chuyển động, nhưng cái động đó không mang lại sự gắn bó đầm ấm mà lại gây nên nỗi cô đơn vô tận trong sự li cách của chúng. Nỗi lạc lõng được gợi lên từ bốn động từ trong cả bốn câu: buồn, xuôi, sầu, lạc. Chưa hết, chúng còn được kết thúc bằng những trạng từ nhằm làm tăng thêm bầu không khí u uẩn ấy. Nếu ở hai câu đầu là các trạng từ lấp láy: “điệp điệp”, “song song” gieo và lòng người nỗi buồn rợn ngợp, thì ở hai câu sau là các trạng từ hạn định, nhưng lại hoàn toàn phiếm chỉ: “trăm ngả, mấy dòng” nối tiếp thêm vẻ hoang mang, trống vắng kia. Hệt như cõi lòng thi sĩ, ngập trong cô đơn thương nhớ nhưng biết đi về đâu?
Câu thơ đầu của khổ thứ hai được lèn trong một cặp từ láy,
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
“Lơ thơ” diễn tả sự thưa thớt, mong manh, thường dùng để tả cây cối, lá cành, (Lơ thơ tơ liễu buông mành - Truyện Kiều) chứ hiếm khi được dùng để tả “cồn nhỏ”. Với cách sử dụng định từ này, ta có thể hình dung được nhiều cảnh quan, liên quan đến “cồn nhỏ”, hoặc là nhiều cồn nhỏ lơ thơ (rải rác) hoặc là cồn nhỏ thưa thớt cây. Cách hiểu thứ hai có lẽ hợp lí hơn... Nhờ cách kết hợp từ như thế tác giả đã sáng tạo nên những câu thơ giàu hình tượng.
Nhưng chưa hết, câu thơ còn cả một cụm chủ vị nữa: “gió đìu hiu”. Các hình tượng thơ của Tràng giang thường được xây dựng theo nguyên tắc gợi liên tưởng đến những hình tượng trong thơ ca cổ. Chính vì thế nên âm hưởng thơ trầm mặc, trang trọng và linh hoạt vô cùng.
Câu thơ Tràng giang hàm chứa nhiều khả năng chủ vị. Do vậy dung lượng nghệ thuật và nội hàm câu thơ cứ tăng thêm. Đây là nét đặc biệt của Tràng giang. Bất cứ câu thơ nào của bài thơ cũng hàm chứa hai mệnh đề, có khi độc lập, có khi ngầm phụ thuộc, ta phải thêm từ vào thì mới rõ hơn kiểu tư duy phân đôi câu thơ:
Sóng gợn tràng giang / (sông hoặc tôi) buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái (chèo)/ nước song song
Thuyền về / nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành / (cành) khô lạc mấy dòng
Lơ thơ cồn nhỏ / gió đìu hiu...
Tác giả sử dụng biện pháp ngắt - tăng cấp, tạo nên sự chia cách, nhấn mạnh cảm giác cô đơn buồn bã. Bài thơ xuất hiện nhiều khách thể nghệ thuật, nhưng khách thể nào cũng buồn, không liên kết về tình cảm mà toa rập với nhau trong dửng dưng trước nỗi niềm bơ vơ của tác giả.
Chỉ có câu kết thì không trực tiếp chứa hai mệnh đề nhưng ngẫm kĩ thì nó vẫn được triển khai trên kiểu tư duy phân đội của bài thơ. Mệnh đề thứ hai ngầm ẩn. Đấy là khói sóng trong bài thơ Thôi Hiệu. Đọc câu thơ “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” ta thấy hiện lên trong tâm trí mệnh đề ngược lại: có khói nhớ nhà. Dĩ nhiên sự hiện diện theo kiểu liên tưởng này chỉ xảy ra với những ai thuộc Hoàng Hạc lâu. Nét tương đồng ở đây là khói sóng và nhớ nhà. Cả Thôi Hiệu, Huy Cận đều nhớ nhà. Đừng nên vì không có khói sóng mà cho là Tràng giang buồn hơn Hoàng Hạc lâu. Mỗi bài thơ đều hay, đều buồn, đều đẹp. Nhưng cách thể hiện chúng thì khác nhau.
Vậy nên tính chất đa mệnh đề của câu thơ, của tư duy thơ tạo nên sự hô ứng chặt chẽ, diễn tả cái buồn mênh mang trong hồn thơ.
Việc phân chia hai mệnh đề như trên chỉ dừng ở mức tương đối bởi ngay trong một câu thơ ta cũng có thể hiểu theo nghĩa của một câu trọn vẹn. Chẳng hạn xét câu, “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” thì “sóng gợn tràng giang” là chủ ngữ của “buồn điệp điệp”. Tương tự “Củi một cành khô lạc mấy dòng” cũng có cấu trúc như câu thơ trên. Nhờ sự uyển chuyển trong cách kết hợp từ ngữ, đặt câu này nên câu thơ Tràng giang có khả năng đề xuất rất nhiều trường nghĩa. Hiểu cách nào cũng có thể chấp nhận. Vậy thì khi tiếp xúc với văn bản, độc giả sẽ nhận thấy hình tượng thơ của Tràng giang rất linh hoạt và đa diện mạo đến mức khác thường.
Cụm từ “thuyền về nước lại” trong câu “thuyền về nước lại sầu trăm ngả” có thể hiểu theo cách “Thuyền về” là nguyên nhân làm “nước lại sầu trăm ngả”. Chữ “lại” là trạng từ chỉ sự lặp: trước đó nước đã sầu bây giờ vắng thuyền nước lại thêm sầu. Nhưng đặt trong kết cấu “thuyền về nước lại” theo mạch ngắt của câu thơ, (1) Thuyền về / nước lại / sầu trăm ngả Hoặc (2) Thuyền về nước lại / sầu trăm ngả
Cách ngắt nào thì “sầu trăm ngả” cũng bị tách khỏi bốn từ kia nên chữ lại còn mang nghĩa của về (thuyền về bến, thuyền lại bến). Đến đây chủ thể của “sầu trăm ngả” có thể hiểu theo ba cách: “nước lại”, “thuyền về nước lại”, tôi (ta) hoặc bất kì ai cũng có thể đặt mình vào khung cảnh ấy để “sầu trăm ngả”. Dựa vào cách ngắt câu truyền thống và am hiểu sâu sắc tính đa nghĩa của ngôn từ, Huy Cận đã tạo nên một lan toả, giao thoa ngữ nghĩa độc đáo trong Tràng giang. Nhờ đó, người đọc dễ có chỗ đứng, dễ hoà với tâm trạng của chủ thể trữ tình của bài thơ.
Tràng giang là bài thơ tả cảnh và mượn cảnh ngụ tình. Bút pháp miêu tả của bài thơ trước hết, được mượn của hội hoạ. Nghệ thuật hội hoạ, như chúng ta đã biết là nghệ thuật không gian. Tràng giang là bài thơ chiếm lĩnh không gian. Điểm nhìn của bài thơ tiến dần từ gần đến xa, từ thấp lên cao, từ ngoại cảnh đến tâm cảnh... Thoạt tiên là những con sóng trên sông. Cái nhìn ở đây rất gần và rất kĩ nếu không nhìn kĩ thì sẽ không thấy “sóng gợn”. Tiếp đến là “thuyền”, là “củi”. Xa hơn là “cồn nhỏ” rồi cả bầu trời, sắc nắng trên sông. Khả năng quan sát ở đây thật kì lạ. Trời không cao như thường lệ mà là sâu, “sâu chót vót”. Sâu gợi lên không gian hẹp, do đó vị trí của thi nhân giữa đất trời lồng lộng lại hoá ra được hạn định bởi những giới hạn nào đó, tuy vô hình nhưng tỏ rõ sức mạnh bền vững của nó. Bên cạnh đó, “chót vót” lại là từ thường được dùng để miêu tả chiều cao và diễn tả sự chênh vênh song lại được Huy Cận dùng bổ nghĩa cho sâu. Cách kết hợp này chưa bao giờ xuất hiện trong giao tiếp đời thường và cả trong thi ca trước Tràng giang. Thì ra, không gian ấy là không gian tâm trạng. Lấy sự mênh mông thiên địa để giam hãm một tâm hồn buồn nhớ, lấy cái sâu của đất trời để đo cái sâu của lòng người. Mang cái chót vót của vũ trụ để đối nghịch với thăm thẳm của hồn người, tứ thơ nương theo cõi vô cùng để gieo nỗi niềm nhân thế.
Vẫn những chi tiết, cảnh vật liên quan đến dòng sông, bầu trời nhưng được đặt trong thế đối:
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu.
bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
Xuống, lên, dài, rộng, bức tranh phong cảnh được mở ra cả bốn hướng. Danh từ đối với danh từ (nắng, sông, trời), động từ đáp lại động từ (xuống, lên...). Hình thức thơ cân đối, hài hoà. Song trên nền phong cảnh ấy, tác giả tạo nên những động thái diễn tả sự chông chênh, li tách không hoà hợp của đất trời sông nước xuống, lên, chót vót, dài, rộng, cô liêu. Dùng động (âm thanh) để nhấn mạnh thêm tĩnh là đặc trưng của Đường thi (1). Còn ở đây Huy Cận lại dùng hài hoà (âm điệu) để khoét sâu thêm sự ngăn cách.
Tuy nhiên, hình thức đối của Tràng giang vẫn thường bị phá vỡ quy tắc. Ở hai câu thơ trên, “sâu chót vót” thì không đối với “bến cô liêu” cả về từ loại lẫn ngữ nghĩa tuy vẫn giữ quy tắc về đối thanh (bằng, trắc). Việc phá cách này cho thấy sự cách tân và tính hiện đại của bài thơ. Cái chót vót và cô liêu ấy sở dĩ lạc lõng là vì chúng không thuộc về nắng trời, sông mà thuộc về lòng người, một người không hoà nhập nổi trong cảnh sắc ấy.
Không gian đến đây rộng mở hơn và tiếp nối mạch cô liêu ấy là bèo dạt, vắng bóng đò ngang, không cầu, chỉ bờ xanh tiếp bãi vàng... những miêu tả này vẫn nằm trên mặt đất, từ dòng sông, tác giả hướng tầm mắt lên bến bờ. Và đến khổ thứ tư thì không gian Thơ mới chiếm lĩnh độ cao: núi xa và mây cao. Chưa đủ, tâm hồn nhà thơ còn dõi theo cánh chim chiều mong gặp chút tri âm tri kỉ. Nhưng vạn vật và đất trời kia vẫn lang thang về miền vô định nên tâm hồn lữ khách vẫn mòn trong khắc khoải, nhớ nhung.
Sự vật xuất hiện với tần số cao nhưng không có mối dây gắn bó. Tất cả tồn tại theo kiểu “Gió theo lối gió mây đường mây” (Hàn Mặc Tử), bèo dạt mây trôi, nắng xuống, chiều lên, sông dài trời lạnh... những mảng không gian xa cách tịch liêu, Miêu tả không gian vận động, cái nhìn của thi nhân, vì thế không còn là cái nhìn của hội hoạ nữa mà đích thị là cái nhìn của điện ảnh.
Tác giả đã viện dẫn cả trời (mây cao), đất (bờ xanh, bãi vàng), sông (tràng giang), núi (núi bạc) để minh giám cho nỗi nhớ của mình. Vậy nên cái buồn nhớ của Tràng giang là cái buồn nhớ mang tầm vũ trụ. Vì lẽ này mà không khí man mác của hồn thơ dễ dàng đồng cảm với bao nỗi nhớ nhung của hồn người khi đứng trước một khung cảnh, một đổi thay mà cõi lòng chưa dễ hoà hợp.
Tràng giang không có âm thanh mặc dù chính Huy Cận giải thích câu thơ “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” như sau: “Đâu đây vẳng lại đôi tiếng lao xao của buổi chợ chiều. Thật không gì vui bằng lúc chợ đông và buồn bằng khi chợ chiều tan tác, không có tiếng người thì cảnh vật hoang vắng và xa lạ. Đôi chút âm thanh của cuộc sống con người không làm bớt đi sự vắng lặng nhưng vẫn tạo được ít nhiều màu vẻ của cuộc sống”.
Có hai cách hiểu câu thơ này:
(1) Không có âm thanh: Đâu (có) tiếng làng xa vãn chợ chiều. The entr (2) Có âm thanh: Đâu (đây có) tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Khi đưa “tiếng làng xa vãn chợ chiều” vào Tràng giang, Huy Cận đã nghe âm thanh ấy trong đời thực nhưng vì câu thơ bắt đầu bằng chữ đâu đa nghĩa và đặt trong âm hưởng chung của bài thơ là đâu có nên chúng tôi đề xuất cách hiểu theo lôgíc nội tại của bài thơ là: tâm hồn thi sĩ muốn vươn đến một chút âm thanh nào đó để khuây khoả nỗi niềm, nhưng vạn vật cứ mãi chìm vào vùng tịch liêu.
Trong khi đó, thời gian chỉ tập trung vào một khoảnh khắc: chiều tối, với bốn tín hiệu: chợ chiều, nắng xuống, bóng chiều, hoàng hôn. Thời gian Tràng giang không vận động. Khởi đầu là bóng chiều và kết thúc cũng trong bóng chiều ấy. Khác với thi hào Vích-to Huy-gô, người thường chọn một thời khắc hoàng hôn (như Mùa gieo hạt - buổi chiều, Đêm tháng sáu), và để cho thời gian vận động đến bình minh nhằm nêu bật phản đề bóng tối - ánh sáng, thì thời gian trong Tràng giang của Huy Cận ngưng đọng, bị phong kín trong sắc chiều vàng vọt. Màu chiều gợi nỗi buồn tê tái. Cảm giác lạc lõng bơ vợ của nhà thơ vì thế càng trĩu nặng hơn.
Điểm tô thêm bầu tâm trạng bảng lảng, phiêu định trước đất trời ấy là hệ thống từ láy. Có lẽ Tràng giang là bài thơ sử dụng nhiều từ láy nhất trong thơ ca Việt Nam. Trong tổng số 16 dòng thơ (112 chữ) thì có đến 9 từ láy (18 chữ): điệp điệp, song song, lơ thơ, đìu hiu, chót vót, mênh mông, lặng lẽ, lớp lớp, dợn dợn; và cả một từ láy đặc biệt: hàng nối hàng. Bốn trong số từ láy đó đứng ở đầu câu và bốn từ đứng ở cuối câu, chỉ một từ đứng giữa câu ở khổ cuối.
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn với con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Bố trí từ láy chủ yếu ở đầu và cuối câu thơ, Huy Cận càng làm tăng thêm nhạc tính cho lời thơ. Và âm hưởng bàng bạc, được lấy ngay từ nhan đề Tràng giang vẫn tiếp tục được cộng hưởng xuyên suốt cả bài thơ. Đồng thời, phải kể đến hiệu quả của nghệ thuật đối lập: sự đối lập giữa cánh chim nhỏ với vũ trụ bao la, hùng vĩ. Điều này đã làm cho cảnh thiên nhiên thoáng hơn, hùng vĩ hơn và đặc biệt cũng man mác nỗi buồn hơn.
Tràng giang được cấu tứ dựa trên thị giác, song nhờ sử dụng nhiều từ láy nên độc giả vẫn bị mê hoặc bởi âm điệu qua cái cấu tứ ngầm dựa trên thính giác nội tâm của nhà thơ.
Toàn bộ bài thơ không có lấy bóng dáng của một con người mà chỉ có thuyền, củi, bèo... Cuộc sống do vậy mà lênh đênh, thoi thóp. Mong tìm một chút hơi người thì chỉ có làng xa. Niềm ấm áp làng quê cũng không xua được cái lạnh đến tê tái của lòng người nên nỗi buồn nhớ vì thế càng nồng thêm. Thi nhân bảo là nhớ nhà nhưng có lẽ nỗi buồn cao đẹp, không hề bi lụy ấy lại hướng đến một nỗi nhớ lớn lao hơn. Đấy là tâm trạng của bao lớp thanh niên yêu nước, được sinh ra và lớn lên trong cảnh cơ hàn của Tổ quốc dưới ách ngoại xâm.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
1 trả lời
Tưởng chừng giữa "Tràng giang" , con người sẽ cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo, nhưng càng đọc kĩ bài thơ, người đọc càng cảm thấy ấm lòng bởi 1 tình quê tha thiết, đáng trân trọng. Anh/ chị hãy phân tích bài thơ " Tràng giang " của Huy Cận để làm rõ nhận định trên.
đã hỏi 22 tháng 2, 2018 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Trần Nguyễn
  • ngu-van-11
0 phiếu
1 trả lời
Phân tích nhân vật Tràng để làm rõ luận điểm: trong hoàn cảnh đói khổ, tình người vẫn sáng ngời. 
đã hỏi 21 tháng 2, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi metraidauthaimoihet Học sinh (104 điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời
Màu sắc cổ điển của bài thơ Chiều tối thể hiện ở đâu và như thế nào? Vì sao người ta thường nói nghệ thuật của Hồ Chí Minh tuy rất cổ điển nhưng vẫn là thơ hiện đại? Hãy phân tích bài Chiều tối để giải thích và chứng minh
đã hỏi 23 tháng 6, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
+1 thích
1 trả lời
Phân tích bài thơ "Tràng Giang", từ đó phân tích tâm trạng của tác giả khi là một người con của một đất nước đi xâm lược.
đã hỏi 24 tháng 5, 2023 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Chuong7a2 Thạc sĩ (5.7k điểm)
0 phiếu
1 trả lời
đã hỏi 2 tháng 5, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi phamthunhien2997388 Thần đồng (797 điểm)
0 phiếu
1 trả lời
     “ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,    Con thuyền xuôi mái nước song song,    Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;    Củi một cành khô lạc mấy dòng.    Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,    Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.    Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;    Sông dài ,trời rộng, bến cô liêu”.
đã hỏi 27 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
0 câu trả lời
Bàn về quá trình văn học, sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục năm 2017, trang 178 viết:  Văn học phát triển trong sự kế thừa và cách tân; văn học dân gian là cội nguồn của văn học viết, người sau thâu nhận giá trị văn học của người trước và tạo ... dấu ấn thơ ca dân gian trong một số tác phẩm thơ Việt Nam hiện đại để thấy được văn học dân gian là cội nguồn của văn học viết .
đã hỏi 29 tháng 4, 2020 trong Ngữ văn lớp 12 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
0 câu trả lời

HOT 1 giờ qua

  1. monmon70023220

    455 Điểm

  2. Darling_274

    43 Điểm

  3. 333cuchillthoi302

    28 Điểm

  4. minhquanhhqt160

    20 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...