Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
+2 phiếu
trong Ngữ văn lớp 11 bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
đã đóng bởi Trương Hàn ● Ban Quản Trị
Phân tích và cảm nhận thơ "Đây thôn Vĩ dạ" của Hàn Mặc Tử
đã đóng lại với ghi chú: câu hỏi đã được trả lời đầy đủ và chính xác

2 Trả lời

+1 thích
bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)

“Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Trăng nằm yên trên cảnh liễu đợi chờ

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Chẳng bán tình duyên ước hẹn thề”.

Mấy ai đã từng say trăng như Hàn Mặc Tử? - một tên tuổi mãi in đậm trong lòng đọc giả với cả một trời trăng ảo mộng, huyền diệu. Ông là “một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại, đau đớn, dường như có một cuộc vật lộn và giằng xé dữ dội giữa linh hồn và xác thịt”. Ông “đã tạo ra cho thơ mình một thế giới nghệ thuật điên loạn, ma quái và xa lạ với cuộc đời thực. Tuy vậy, bên những dòng thơ điên loạn ấy, vẫn có những vần thơ trong trẻo đến lạ thường qua tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” trích tập “Thơ Điên”. Đây chính là sản phẩm được kết tinh từ nguồn thơ lạ lùng kia – không những là một lời tỏ tình với cuộc đời của một tình yêu tuyệt vọng, yêu đơn phương nhưng ẩn bên dưới mỗi hàng chữ tươi sáng là cả một khối u hoài của tác giả mà còn là tình yêu thiên nhiên, yêu con người Vĩ Dạ một cách nồng cháy – nơi chất chứa biết bao kỉ niệm và luôn sống mãi trong hồi tưởng của ông. 

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai chở bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?”

Trong cảm thụ nghệ thuật, mọi việc khác không thể thay thế việc dùng trực cảm thâm nhập vào bản thân tác phẩm. Nhất là những tuyệt tác, bao giờ cũng có "mạng vi mạch" nối với tinh hoa tinh huyết của hồn thơ ấy. Qua tiêu đề "Đây thôn Vĩ dạ" có thể thấy tương quan không gian như thể ở hai nơi chốn: thôn Vĩ (Ngoài kia) và ở đây (Trong này) hiện ra như một người đang ở đây, ở trong này mà khắc khoải ngóng trông hoài vọng về "thôn Vĩ", về ngoài kia. Đó là hình ảnh một cá thể nhỏ nhoi tha thiết với đời mà đang phải lìa bỏ cuộc đời, đang chới với tuyệt vọng bên vùng trời quên lãng. Có tài liệu cho rằng bài thơ được gợi hứng từ bức ảnh phong cảnh Huế cùng mấy lời thăm hỏi của Hoàng Cúc– người con gái của thôn Vĩ xứ Huế mà tác giả thầm yêu trộm nhớ từ ngày xưa. Nhưng đó chỉ là cái cớ hay cái men xúc tác để nảy sinh thơ, còn động lực và cội nguồn làm nên cảm hứng thì Hàn Mặc Tử đã có sẵn lâu rồi, chỉ chờ đến cơ hội là nó sẽ bộc phát. Đó là vẻ đẹp của 1 dáng Huế yêu kiều – nơi khắc chạm dấu ấn khó quên về một người con gái và cũng là nơi để lại mối tình đơn phương trong lòng tác giả.

Với lời trách cứ nhẹ nhàng dịu ngọt vừa như một lời mời, Hàn Mặc Tử trở về với thôn Vĩ Dạ trong mộng tưởng:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ”

Một câu hỏi tu từ nhiều sắc thái được buông ra mà không lời đáp: vừa hỏi, vừa nhắc nhớ, vừa trách, vừa mời mọc. Thực ra, đó chỉ là hình thức bày tỏ mà không đợi trả lời để thành đối thoại. Nó cứ thế buông ra để thành dòng độc thoại bộc bạch tâm tình. Bên cạnh đó, cách thức dùng từ “chơi” càng gợi nên sự thân mật, gần gũi thắm thiết, thân tình. Câu thơ có bảy chữ nhưng chứa tới sáu thanh bằng đi liền nhau làm cho âm điệu trách móc cứ dịu nhẹ đi. Trách đấy mà sao tha thiết và bâng khuâng thế! Nhưng ai trách, ai hỏi? Không phải của Hoàng Cúc mà của chủ thể trữ tình Hàn Mặc Tử với “cái tôi” li hợp, bất định tự phân thân để hỏi mà như nhắc đến một việc cần làm, đáng phải làm, mà chẳng biết có còn cơ hội để thực hiện nữa không.

Qua lời trách cứ nhẹ nhàng dịu ngọt như một lời mời đó đã gợi lên hình tượng mảnh vườn thôn Vĩ trong mộng tưởng:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Nhắc đến Vĩ Dạ thôn, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí nhà thơ chính là lúc hừng đông nơi xứ Huế huyền ảo qua thủ pháp điệp từ “nắng” đã tỏa ra sự sống đang trải dài trên những tán cau còn ướt đẫm sương đêm.. Được biết, cau là loại cây cao nên đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới. Đặc biệt là sau một đêm đắm mình dưới làn sương, những tán cau càng ánh lên một sắc xanh biếc hơn dưới ánh mặt trời xứ Huế. Nhờ vậy, không gian thôn Vĩ cứ thế thêm phần thoáng đãng, khoáng đạt, và không gian lại càng được đẩy lên cao trong cái “nắng mới lên” đầy thanh tân, tinh khiết.

Song, trọng tâm của hình tượng vườn dường như thuộc về những nét vẽ ở hai câu sau.. Vì nó có sắc "mướt" chăng? Vì được sánh với "ngọc" chăng? Quả là hai chữ ấy đã va phải vào trực cảm người đọc khi "mướt" ánh lên vẻ mượt mà óng ả đầy xuân sắc, còn "ngọc" là tinh thể trong suốt vừa có màu vừa có ánh. Nhờ đó, vườn thôn Vĩ như một viên ngọc không chỉ rời rợi sắc xanh, mà còn đang tỏa vào ban mai cả những ánh xanh nữa.. Tuy nhiên, ta mới chỉ thấy tầng lộ thiên của chữ "ngọc" khi mà ẩn bên dưới vẫn còn cả tầng trầm tích. Đó là mong muốn của thi sĩ về sự tuyệt đối hoá, tột cùng hoá vẻ đẹp đẽ, quí giá của đối tượng. Nhu cầu tuyệt đối hoá này thường xuất hiện khi niềm thiết tha với cuộc đời trần thế dâng trào đến mức đau đớn. Càng đẹp lại càng đau. Cho nên, trong so sánh với "ngọc" luôn thấy chất chồng một cách oái oăm cả hai tâm thái: cảm giác càng tinh tế, cảm xúc càng đau thương vì vườn ai lộng lẫy đến thế, ngay trước mắt thế, mà đang vuột ra ngoài tầm tay của mình, thì làm sao tránh khỏi đau thương!

Trong hoài niệm của nhà thơ, Vĩ Dạ đã đẹp bởi sự trù phú, đã nổi tiếng với màu xanh của trúc – một loài cây họ tre được trồng trước ngõ. Giờ đây vẻ đẹp ấy càng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn khi có sự xuất hiện của con người như hòa vào, như ẩn vào thiên nhiên một vẻ đẹp kín đáo, tao nhã

“Lá trúc chen ngang mặt chữ điền"

Chỉ bằng nét vẽ cách điệu tài hoa, nửa thực nửa hư, thi sĩ đã gợi tả vẻ đẹp hài hòa giữa cảnh vật thiên nhiên và con người: Lá trúc thì mảnh mai, mặt chữ điền gợi sự vuông vắn, phúc hậu.

Đặc biệt có nhiều tranh luận ở “mặt chữ điền” vì gương mặt kia biểu trưng cho người quân tử hay là bóng hồng? Là mặt người thôn Vĩ hay người trở về thôn Vĩ? Phải chăng đó là hình bóng tự họa của Hàn Mặc Tử khi ông đang thả hồn mình về xứ Huế, không dám lại gần chỉ có thể đứng khuất sau lá trúc vì mặc cảm bản thân? Hiểu thế mới thấy câu thơ kia, hoá ra không chỉ là sản phẩm nhất quán của một tình yêu mãnh liệt mà cũng là sản phẩm của một tâm hồn đầy mặc cảm về thân phận mình.

 

+1 thích
bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)

Dù cho trong cảnh có tình, trong tình có cảnh, nhưng mặc cảm chia lìa giờ đây đã hiện ra cả trong câu chữ, hình ảnh và nhạc điệu:

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Cảnh mới rạng ngời ấm áp đó rồi bỗng tối tăm. Người mới vui mừng, rạng rỡ đó rồi lại bi quan, và đặc biệt là rơi vào trạng thái lạc loài không có điểm bám víu. Nhịp thơ 4/3 cùng điệp từ “gió, mây” đã bẻ rời những sự vật vốn rất gắn bó mà đặt chúng trong các cụm từ đăng đối tách bạch, gợi rất rõ về một ẩn dụ chia xa không sao hàn gắn được. Gió bay đi, mây cũng trôi,... Có phải cảnh tượng kia là một cái gì thật ngang trái trớ trêu? Trước tiên, gió mây làm sao tách rời - mây không tự di chuyển, gió thổi mây mới bay, không thể chia tách. Rõ ràng, đây không còn đơn thuần là hình ảnh của thị giác, mà là tưởng tượng về sự chia lìa. Thật là phi lý của thực tế, nhưng có lí trong cảm tưởng. Động thái "lay" kia của hoa bắp có phải là một níu giữ vu vơ, một lưu luyến vô vọng? Có phải mặc cảm chia lìa đã khiến Hàn Mặc Tử nhìn ra thân phận bị bỏ rơi bên trời quên lãng của mình trong dáng "lay" úa tàn của hoa bắp? Vậy mới thấy, vì cô đơn sợ hãi, vì vực thẳm của tự ti đau xót mà thản thốt hối thúc, ngóng chờ: 

Thuyền ai chở bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Đối với giá trị thẩm mĩ thì sông trăng đúng là khéo léo khi chuyển hóa, giao hòa để hai hình ảnh ấy kết hợp tạo nên vẻ đẹp mông lung, bàng bạc nửa đời, nửa mộng. Đó không phải là tượng đài hiện thực được tô vẽ theo mẫu, nó phải là tòa tháp ảo mộng được thêu dệt lên từ một tâm hồn tinh nhạy, khác đời.. 

Câu hỏi tu từ "Có chở trăng về kịp tối nay?" vang lên như một nỗi lòng khắc khoải, chờ đợi được gặp gương mặt sáng như “trăng’ của người thôn Vĩ trong lòng thi nhân.. Cái tình cảm vẫn hiện lên ở đáy vực đợi chờ quả thật là tình cảm của “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm nào dễ mấy ai quên”. Đặc biệt ở đoạn thơ vẫn sót lại nét đặc biệt lâu nay bị bỏ quên bởi sự lặng lẽ khiêm nhường chứ không bóng bẩy ồn ào. Nhưng nó vẫn đẹp trong quên lãng. Ấy là chữ "kịp". Bởi không thể biết "tối nay" kia là tối nào cụ thể, nhưng qua chữ "kịp" này ta nhận ra một lời cầu khẩn khi nó hé mở một thế sống: sống là chạy đua với thời gian vì dường như, nếu trăng không về "kịp" thì kẻ bị số phận bỏ rơi bên rìa cuộc đời này là chính tác giả sẽ hoàn toàn lâm vào tuyệt vọng, vĩnh viễn đau thương. Vậy mới thấy, cái đáng sợ nhất là cảm thức về sự trôi chảy của thời gian luôn luôn ở thế nghịch đối với niềm vui, hạnh phúc của con người.

Không chỉ còn là sự pha trộn nửa thực nửa ảo, mà đã hoàn toàn đi vào cõi mộng.

Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Điệp từ “khách đường xa” kết hợp nhịp thơ 4/3 thể hiện nỗi niềm trông ngóng đến da diết của tác giả. Có thể “đường xa” là xa về không gian, về thời gian cho nên tất cả chỉ gói gọn với một chữ “mơ” duy nhất. Bởi vậy mà hình bóng khách đường xa (người tình xa) phải là trung tâm, phải trinh nguyên, thanh khiết nhất. Vậy mới thấy, cực tả vốn là một thiên hướng của Hàn Mặc Tử. Vì thế mà những nàng thơ trong cõi thơ của người luôn hiện ra với vẻ đẹp lí tưởng trinh bạch, thanh tao. Nhưng dù đắm say tột bậc cái vẻ đẹp này, Tử vẫn nhìn không ra là vì lẫn bởi sương khói hay vì đó là sắc trắng kì dị với sắc độ tuyệt đối, tột cùng. 

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?

"Ở đây" là ở đâu? Nếu là ở thôn Vĩ thì cũng có thể suy diễn ở đây là trại phong Quy Hòa. Ẩn dụ “sương khói” chỉ thời gian xa cách đã lâu mà làm mờ nhân ảnh, như một cõi mênh mông vô cùng. "Nhân ảnh" là chỉ bóng người khi bóng hình người con gái ấy giờ đây đã trở nên mờ ảo nhạt nhòa trong sương khói của đất trời, trong cả tâm trạng mặc cảm trước những trắc trở, chia lìa của số phận. Nỗi đau đớn, hoài nghi khi “ai” là chỉ người thi sĩ hướng tới hay chỉ chính mình. Chẳng biết người thôn Vĩ có còn nặng tình với mình? Và chẳng biết chính mình còn mặn mà với người đó hay không. Lời thơ dường như nhắc nhở nhưng không bộc lộ tuyệt vọng hay hi vọng, mà là toát lên sự thất vọng khi những mối tình khuấy mãi không thành khối của một trái tim khao khát yêu thương mà không bao giờ trọn vẹn. 

Tiếp cận với thế giới nghệ thuật trong “Đây thôn Vĩ dạ” là cảm nhận được tính hàm súc, mới lạ của mạch thơ đứt nối không theo tính liên tục của thời gian và duy nhất của không gian nhưng lại diễn tả mạch vận động nhất quán của dòng tâm tư. Qua những hình ảnh thơ đa âm sắc, đầy cá tính sáng tạo, mang tính truyền thống về đề tài nhưng cách tân, hiện đại trong câu chữ, cùng loạt câu hỏi tu từ trải dài suốt bài thơ đã gợi "cái tình" trong thơ và tâm trạng của nhân vật trữ tình trước thiên nhiên, trước khát vọng sống mãnh liệt đầy uẩn khúc trong cảm xúc của thi sĩ

Dù “Đây thôn Vĩ dạ” là "thơ điên" hay thơ gì chăng nữa, một khi đã là một thi phẩm giành được chỗ đứng trang trọng trong kí ức của người đọc nhiều thế hệ, thì dứt khoát phải nhờ vào vẻ đẹp tư tưởng của nó chứ không chỉ là bức tranh đẹp về xứ Huế mộng mơ. Cho nên mỗi lời thơ của Hàn Mặc Tử thực là một lời bày tỏ da diết đến đau đớn của một tình yêu tuyệt vọng. Và từ đó tuyệt vọng đã trở thành một cảm quan, một cách thế yêu đời đặc biệt của Hàn Mặc Tử.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
1 trả lời
Cảm nhận của anh/ chị về nỗi niềm của Hàn Mặc Tử trong "Đây thôn Vĩ Dạ"
đã hỏi 21 tháng 12, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Khách
0 phiếu
1 trả lời
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Gió theo lối gió, mây đường mây, Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay... Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, Có chở trăng về kịp tối nay?"
đã hỏi 28 tháng 5, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Babyshort Tiến sĩ (10.1k điểm)
0 phiếu
1 trả lời
Phân tích nét trữ tình trong đoạn thơ đầu bài Đây thôn Vĩ Dạ.
đã hỏi 23 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 10 bởi Khách
+1 thích
1 trả lời
Phân tích bài thơ "Khóc Dương Khuê" của Nguyễn Khuyến
đã hỏi 27 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
+2 phiếu
1 trả lời
+2 phiếu
2 câu trả lời
+2 phiếu
1 trả lời
+1 thích
2 câu trả lời
đã hỏi 8 tháng 6, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi PTG Tiến sĩ (22.4k điểm)

HOT 1 giờ qua

  1. monmon70023220

    455 Điểm

  2. Darling_274

    33 Điểm

  3. 333cuchillthoi302

    28 Điểm

  4. minhquanhhqt160

    20 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...