Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
Câu hỏi của bạn đã trùng lặp, bạn đang được chuyển hướng tới câu trả lời
0 phiếu
trong Ngữ văn lớp 9 bởi PTG Tiến sĩ (22.4k điểm)
đã sửa bởi PTG
Hãy phân tích bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải ?

3 Trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất
Mùa xuân, theo cách lí giải của khoa học, là khi trái đất nghiêng dần về phía mặt trời và giờ chiếu sáng tăng lên. Đó là khi vạn vật được sưởi ấm sau khoảng thời gian dài lạnh lẽo của mùa đông và thiên nhiên cũng nhờ đó mà đâm chồi nảy lộc. Cái đặc trưng riêng ấy của mùa xuân, không biết vì sao khi đi vào thơ ca lại thấm đẫm vẻ đẹp trữ tình, say mê lòng người. Nói đến mùa xuân trong thơ ca không thể không nhắc đến thi phẩm tuyệt bút “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải. Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu của mảnh đất cố đô xinh đẹp, nổi tiếng với những vần thơ mượt mà, đậm đà chất Huế. “Mùa xuân nho nhỏ” được ông viết trong những năm tháng cuối đời khi đang nằm trên giường bệnh vào năm 1980, khi đất nước đã trải qua thời kì kháng chiến sục sôi được năm năm. Bài thơ là một cái nhìn về mùa xuân một cách tin yêu, tràn ngập sức sống của tác giả:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc



Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế”

Bài thơ đi theo một mạch cảm xúc bắt đầu từ những cảm xúc trực tiếp trước vẻ đẹp của sức sống mùa xuân xứ Huế từ đó liên tưởng tới mùa xuân của đất nước, của cách mạng. Sau đó đẩy mạnh cảm xúc đến những ước nguyện của bản hòa ca cuộc đời. Và cuối cùng, bài thơ lại trở về với cảm xúc thiết tha tự hào qua làn điệu dân ca xứ Huế. Mở đầu bài thơ, tác giả đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên mùa xuân xứ Huế tươi mát đẹp đẽ để từ đó bộc lộ những cảm hứng say đắm, đón nhận thanh sắc đất trời mùa xuân:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc”

Chỉ bằng một vài nét phác hoạ, bức tranh mùa xuân quê hương đã hiện lên với một khoảng không gian khoáng đãng, cao rộng, êm dịu và đầy chất thơ. Bức tranh ấy được mở ra bằng chiều dài của dòng sông, chiều cao của bầu trời và chiều sâu của cảm xúc. Bức tranh là một sự pha trộn đặc biệt của màu sắc. Nó có sắc tím biếc, tươi tắn, đằm thắm của một bông hoa đang mọc giữa dòng sông xanh. Bằng việc sử dụng đảo ngữ từ “mọc” lên đầu cùng với việc sử dụng lượng từ một tác giả đã nhấn mạnh sự xuất hiện đột ngột, bất ngờ cùng với sức sống mạnh mẽ căng tràn của sức xuân thể hiện qua hình ảnh bông hoa. Màu tím biếc như có sức lan tỏa cả mặt sông xanh, hòa quyện với nhau tạo cảm giác dịu mát hài hòa, vừa là tín hiệu của mùa xuân, vừa là vẻ đẹp tinh túy của đất trời. Hơn thế nữa, bức tranh mùa xuân còn ghi vào lòng người những âm thanh lảnh lót của con chim chiền chiện, khiến cho niềm xúc động bồi hồi, xốn xang chợt bật thành tiếng hỏi:

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Bằng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác, mùa xuân tình cảm của tác giả được thể hiện thật mãnh liệt, ông dang rộng vòng tay, mở rộng tấm lòng, trân trọng nâng niu đón nhận mùa xuân. Tiếng chim vang ra, không tan ra, loang vào không trung mà tuôn ra thành tiếng rõ ràng, tròn trịa kết tinh thành từng giọt, kết lại thành dấu ấn mùa xuân để nhà thơ hứng với đôi bàn tay trân trọng và tấm lòng rộng mở.

Cả đoạn trên đã không chỉ lột tả được vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn diễn tả được sự say đắm, ngỡ ngàng và thái độ đón nhận trân trọng, nâng niu của tác giả. Sau những cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, khổ thơ thứ hai trong bài là những cảm nhận thật hơn về sức xuân nảy nở nơi những con người chiến đấu và lao động - hai mẫu người gắn liền với chiều dài lịch sử phát triển của đất nước.

Bốn câu thơ lặp lại từng cặp cấu trúc sánh đôi cùng điệp ngữ mùa xuân xuất hiện đầu hai câu 1 - 3 đã gợi ra những hình ảnh về đoàn quân cầm súng và đoàn người ra đồng. Bên cạnh đó, tác giả dùng thêm từ lộc để nói tới sức xuân đang nảy nở. Cành lá ngụy trang trên lưng người ra đồng, dẫu là cành nhưng trước sức xuân nhiệm màu vẫn đâm chồi nảy lộc.

Những cây mạ non vừa được gieo xuống trong khí xuân, chẳng đợi thời gian đâm chồi trải dài nương mạ. Dùng từ lộc để diễn tả sức xuân nảy nở mãnh liệt đang trào dâng của thiên nhiên đất trời, đồng thời còn thể hiện sức xuân của con người. Những con người cầm súng, truyền sức xuân cho cành lá ngụy trang trên lưng nảy lộc, những người ra đồng gieo mạ xuống đất hay là đang gieo xuống những mùa xuân:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ”
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Mùa xuân của thiên nhiên giờ đây đã chuyển hướng thành mùa xuân của cách mạng. Ta dễ dàng thấy được điệp cấu trúc “mùa xuân người…” cùng điệp từ “lộc” cho thấy mùa xuân gắn liền với hai lực lượng nòng cốt của Tổ quốc: lực lượng chiến đấu và lực lượng sản xuất. “Người cầm súng” chính là lực lượng chiến đấu, là những người lính cách mạng đã đổ máu và nước mắt để mang về mùa xuân yên bình cho nhân dân. “Người ra đồng” chính là lực lượng sản xuất, là những người nông dân cần cù, chăm chỉ đã đổ mồ hôi, công sức để đem lại một mùa xuân ấm no cho đất nước. Điệp từ “lộc” xuất hiện ở đầu câu mang nhiều nghĩa khác nhau. Đầu tiên, “lộc” tượng trưng cho sự may mắn, phát tài, phát lộc vào mùa xuân. Hơn nữa, “lộc” còn là chồi non chuẩn bị đâm hoa kết trái, là sức sống mãnh liệt của mùa xuân cũng giống như đất nước đang vươn mình phát triển trong giai đoạn xây dựng lại. Ý thơ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại mang nhiều hàm ý sâu sắc của thi sĩ: ước mong một mùa xuân đất nước trường tồn vĩnh cửu, luôn ấm no, luôn tràn đầy may mắn.
Âm hưởng của đoạn thơ lúc này bắt đầu khẩn trương hơn, dồn dập hơn:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…”
Người đọc có thể thấy được sự xuất hiện của phép điệp ngữ một lần nữa ở cụm “Tất cả như…”. Điều đó cho thấy là mọi người, mọi vật trên đất nước đều đã hòa cùng khí thế tươi vui, nhộn nhịp của mùa xuân. Từ láy “hối hả” mang ý nghĩa của sự gấp gáp, vội vã, còn từ láy “xôn xao” lại mang ý nghĩa là sự kết hợp của nhiều âm thanh xen lẫn vào nhau, không khí náo động khiến cho bài thơ vang lên như một nhạc điệu tươi vui, mạnh mẽ khác thường. Đó chính là hành khúc mùa xuân của một đất nước đổi mới, một đất nước không còn chiến tranh, loạn lạc, một đất nước yên bình, no ấm.
Đoạn thơ tiếp theo tác giả nói lên những suy tư về quá khứ và cả tương lai của đất nước:
“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Ta có thể thấy được điệp ngữ “Đất nước” ở đầu câu nhưng được đặt trong hai bức tranh với hai mảng màu đen – trắng khác biệt. Bởi lẽ, một bên là đất nước trong quá khứ với bốn nghìn năm chịu ách đô hộ, đầy “vất vả và gian lao”, còn một bên là đất nước ở hiện tại và tương lai với nhiều hứa hẹn “đi lên phía trước”. Ai cũng biết rằng chặng đường bốn nghìn năm là một khoảng thời gian dài đằng đẵng, từ thế hệ này cho đến thế hệ khác đã đem xương máu của mình hiến dâng cho quê hương, đất nước. Bốn nghìn năm chưa bao giờ đất nước ta chịu khuất phục trước một đế quốc hùng mạnh nào. Để rồi giờ đây, đất nước được tác giả so sánh, ví “như vì sao”, một phép so sánh tuyệt đẹp, đầy ý nghĩa. Vì sao là nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp của bầu trời, là sự trường tồn vĩnh cửu, là sự vĩnh hằng của thời gian, là điều mà ai cũng khao khát ngắm nhìn. Đất nước tựa như vì sao là biểu lộ một tình yêu cao cả của nhà thơ dành cho đất nước, là sự tự hào dân tộc. Để rồi từ đó đất nước “cứ đi lên phía trước” với một phong thái tự tin, tràn đầy năng lượng. Động từ “cứ” như một lời khẳng định chắc nịch về tương lai tương sáng của đất nước, thể hiện chí khí và niềm tin sắt đá của thi sĩ đối với đất nước. Đoạn thơ mang ý nghĩa quá đỗi hào hùng khiến người đọc không khỏi xúc động về hình ảnh của đất nước.
Sau những đoạn thơ nói lên suy tư của Thanh Hải về đất nước, ông bắt đầu bộc bạch tâm nguyện được hóa thân cho quê hương:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Ta dễ dàng thấy được phép điệp cấu trúc “Ta làm”, “Ta nhập” kết hợp cùng liệt kê hàng loạt “con chim hót”, “một cành hoa”, “vào hòa ca” thể hiện ước nguyện cống hiến khiêm tốn của nhà thơ. Thanh Hải không mưu cầu là một cánh chim đại bàng dẫn đầu bầu trời, xé tan mây mù, mà chỉ mong được làm một chú chim nhỏ nhưng có tiếng hót hay đóng góp cho đời những gì tươi vui, nhộn nhịp nhất. Thanh Hải cũng không khát khao làm một vườn địa đàng nguy nga, tráng lệ mà chỉ ước được hóa thành cành hoa nhỏ nhắn nhưng có đủ hương thơm để lan tỏa hương sắc thơm ngát cho đời. Thanh Hải càng không mong là một bản hòa tấu hùng tráng mà chỉ nguyện được làm một nốt nhạc đóng góp nhạc điệu cho đời, dẫu là một “nốt trầm” nhưng vẫn đủ “xao xuyến” lòng người, tạo cho cuộc đời những khoảng lặng sâu sắc. Tất cả những điều đó cho thấy rằng, thi sĩ không muốn mình là những gì đao to búa lớn, chỉ mong được làm những điều bình dị nhưng góp phần điểm tô vẻ đẹp và hương sắc cho cuộc đời. Đó là một tâm thế sống cao đẹp, khiêm tốn nhưng không kém phần thanh tao. Đối với Thanh Hải, sống chỉ cần là được hiến dâng, sống như một cuộc hóa thân, không cần biết đó là lớn hay nhỏ.
Ước nguyện sống cống hiến của Thanh Hải ngày một mãnh liệt hơn ở những vần thơ sau:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Lời thơ trở nên tâm tình, tha thiết hơn bao giờ hết. Mỗi một con người hãy là “một mùa xuân nho nhỏ” để làm nên mùa xuân chung của đất nước, một mùa xuân bất diệt. Ai cũng phải sống có ích cho đời, dù là việc nhỏ hay việc to. Hai từ láy “nho nhỏ” và “lặng lẽ” càng cho thấy thái độ sống cống hiến một cách khiêm nhường, âm thầm của tác giả, là sự cho đi mà không mưu cầu được nhận lại. Bởi lẽ “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). Ta lại thấy điệp ngữ “Dù là” xuất hiện như nhấn mạnh khát khao cống hiến cháy bỏng của nhà thơ, từ khi còn trẻ cho đến lúc về già. Cho dù là ở độ tuổi đôi mươi trẻ trung, tràn đầy sức sống hãy là khi về già “tóc bạc” thì ngọn lửa của sự hiến dâng vẫn cháy bỏng. Cảm động hơn nữa là những vần thơ này được viết trong những ngày cuối đời của nhà thơ. Đó cũng là nét tương đồng với những vần thơ cuối đời của Tố Hữu:
“Tạm biệt đời ta yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ, một nắm tro
Thơ gửi bạn đường, tro bón đất
Sống là cho, chết cũng là cho”
(“Tạm biệt” – Tố Hữu)
Khổ thơ là một sự tổng kết, chiêm nghiệm từ chính cuộc đời đã cố gắng không biết mệt mỏi từ tuổi hai mươi căng tràn sức sống đến khi phải nằm trên giường bệnh của nhà thơ. Là lời cho riêng mình, đoạn thơ bỏ trống cách xưng hô nhưng điều đó lại như mở rộng tới mọi người, lay động người đọc cùng chung ý nghĩ.
Bài thơ ít nói đến Huế nhưng người đọc vẫn nhận ra một điều, bài thơ vẫn đậm đà chất Huế. Chất Huế nằm trong cảnh sắc nên thơ trong tâm hồn dịu dàng, đằm thắm trong những bài thơ ngũ ngôn, trong những bài dân ca Huế. Và đặc biệt chất Huế đậm đà ở khổ cuối trong tiếng hát, tình yêu nước non, tình yêu quê hương đất nước
“Mùa xuân tôi xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.”
Nếu những khổ thơ trên là những suy ngẫm cảm động về ước nguyện dâng hiến thì khổ thơ cuối nhà thơ lại muốn được cất lên tiếng hát thiết tha dựa trên lời ca buồn bã của câu Nam ai Nam bình, Thanh Hải đã chuyển thành một nội dung đằm thắm chất Huế, vừa hòa chung cùng nước non.
Lời ca như vang vọng, gợi mở ra một cái tình nhỏ bé trong cái ngàn dặm rộng lớn, mênh mang nhưng vẫn rất gần gũi, tràn đầy yêu thương và ấm áp. Tiếng hát đằm thắm hiền hòa xen với những tiếng phách giòn giã, tươi vui đã kết lại bài thơ. Bài thơ khơi lên là dòng sông là tiếng chim hót vang trời xứ Huế. Kết thúc lại là nước non và tiếng hát tươi vui cả tình yêu nước non ngàn dặm, tình yêu quê hương đất nước.
Gấp lại trang thơ như gấp lại những khát vọng sống cống hiến cao đẹp của tác giả, nhưng lại mở ra trong ta nhiều ước nguyện dành cho cuộc đời. Với ngòi bút tài hoa của mình, Thanh Hải đã vận dụng tài tình các biện pháp nghệ thuật như điệp cấu trúc, điệp từ, từ láy,… để miêu tả một mùa xuân đất nước tươi vui, đầy sức sống, qua đó cũng nói lên một ước nguyện đầy khiêm tốn, sống hóa thân cho đất nước của bản thân mình.
Phải chăng khi con người ta gần đến lúc “lá xa lìa cành” thì cũng là lúc họ khao khát sống hơn bao giờ hết. Vì thế mà, những vần thơ Thanh Hải để lại cho đời mang một sự thanh thản, cao đẹp, đầy sức sống mãnh liệt. Thanh Hải đã góp thêm cho thi đàn văn học một mùa xuân đầy ý nhị, tinh tế, một khát vọng cống hiến đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, da diết. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu của đất nước đã trường tồn mặc cho bao gió bụi khắt khe của thời gian. Chính tâm nguyện của Thanh Hải đã khiến thế hệ trẻ như tôi cảm thấy muốn được cống hiến nhiều hơn sức trẻ của mình cho đất nước, để đất nước ngày một vươn lên “như vì sao”.
+1 thích
bởi Nqoc_baka ● Quản Trị Viên Phó giáo sư (34.6k điểm)

     Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu của mảnh đất cố đô xinh đẹp, ông nổi tiếng với những vần thơ mượt mà, sâu lắng mang đậm văn hóa con người xứ Huế. Mùa xuân nho nhỏ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Bài thơ được ông viết vào năm 1980, trong khung cảnh hòa bình, trong công cuộc xây dựng đất nước. Một hồn thơ trong trẻo. Một điệu thơ ngân vang Đất nước vào xuân vui tươi rộn ràng.

      Sáu câu thơ đầu như tiếng hát reo vui đón chào một mùa xuân đẹp đã về. Trên dòng sông xanh của quê hương mọc lên ,một bông hoa tím biếc”. Động từ "mọc" nằm ở vị trí đầu câu thơ gợi tả sự ngạc nhiên vui thú, một niềm vui hân hoan đón chào tín hiệu mùa xuân:

                  Mọc giữa dòng sông xanh,

                  Một bông hoa tím biếc.

      "Bông hoa tím biếc" ấy chỉ có thể là hoa lục bình, hoặc hoa súng mà ta thường gặp trên ao hồ, sông nước làng quê:

                 Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm

                 Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng

                 Hoa lục bình tím cả bờ sông...

                 (Trở về quê nội - Lê Anh Xuân)

      Màu xanh của nước hòa hợp với màu "tím biếc" của hoa đã tạo nên bức tranh xuân chấm phá mà đằm thắm. Ngẩng nhìn bầu trời, nhà thơ vui sướng lắng tai nghe chim chiền chiện hót. Chim chiền chiện còn gọi là chim sơn ca, bạn thân của nhà nông. Từ "ơi" cảm thán biểu lộ niềm vui ngây ngất khi nghe chim hót:

                 Ơi con chim chiền chiện

                 Hót chi mà vang trời.

      Hai tiếng ''hót chi" là giọng điệu thân thương của người dân Huế được tác giả đưa vào diễn tả cảm xúc thiết tha giữa người với tạo vật. Chim chiền chiện hót gọi xuân về. Tiếng chim ngân vang, rung động đất trời đem đến bao niềm vui. Ngắm dòng sông, nhìn bông hoa đẹp, nghe chim hót, nhà thơ bồi hồi sung sướng:

                Từng giọt long lanh rơi

                Tôi đưa tay tôi hứng

      "Đưa tay... hứng" là một cử chỉ bình dị trân trọng, thể hiện sự xúc động sâu xa. "Giọt long lanh" là sự liên tưởng đầy chất thơ. Là giọt sương mai, hay giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện? Sự chuyển đổi cảm giác (thính giác - thị giác) đã tạo nên hình khối thẩm mĩ của âm thanh.

      Tóm lại, chỉ bằng ba nét vẽ: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót..., Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh xuân đẹp và đáng yêu vô cùng. Đó là vẻ đẹp và sức sống mặn mà của đất nước vào xuân.

      Bốn câu thơ tiếp theo nói về mùa xuân sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta. Cấu trúc thơ song hành để chỉ rõ hai nhiệm vụ chiến lược ấy:

                Mùa xuân người cầm súng,

                Lộc giắt đầy quanh lưng.

                Mùa xuân người ra đồng,

                Lộc trải dài nương mạ. 

      "Lộc” là chồi non, cành biếc mơn mởn. Khi mùa xuân về cây cối đâm chồi nẩy lộc. "Lộc" trong văn cảnh này tượng trưng cho vẻ đẹp mùa xuân và sức sống mãnh liệt của đất nước. Người lính khoác trên lưng vành lá ngụy trang xanh biếc, mang theo sức sống mùa xuân, sức mạnh của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân đem mồ hôi và sức lao động cần cù làm nên màu xanh cho ruộng đồng, "nương mạ" bát ngát trên quê hương. Ý thơ vô cùng sâu sắc: máu và mồ hôi của nhân dân đã góp phần tô điểm mùa xuân và để giữ lấy mùa xuân mãi mãi.

      Cả dân tộc bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương và náo nhiệt:

                Tất cả như hối hả

               Tất cả như xôn xao...

      "Hối hả" nghĩa là vội vã, gấp gáp, khẩn trương. "Xôn xao" là có nhiều âm thanh xen lẫn vào nhau, làm cho náo động; ở trong câu thơ, "xôn xao" cùng với điệp ngữ "tất cả như... " làm cho nhạc thơ vang lên nhịp điệu vui tươi, mạnh mẽ khác thường. Đó là hành khúc mùa xuân của thời đại Hồ Chí Minh.

      Đoạn thơ tiếp theo nói lên những suy tư của nhà thơ về đất nước và nhân dân:

                 Đất nước bốn nghìn năm

                 Vất vả và gian lao

                 Đất nước như vì sao

                 Cứ đi lên phía trước.

      Chặng đường lịch sử của đất nước với bốn nghìn năm trường tồn, lúc suy vong, lúc hưng thịnh với bao thử thách "vất vả và gian lao". Thời gian đằng đẵng ấy, nhân dân ta từ thế hệ này qua thế hệ khác đã đem xương máu và mồ hôi, lòng yêu nước và tinh thần quả cảm để xây dựng và bảo vệ đất nước. Dân ta tài trí và nhân nghĩa. Bốn nghìn năm lập quốc tỏa sáng nền văn hiến Đại Việt, đã khẳng định sức mạnh Việt Nam. Câu thơ "Đất nước như vì sao" là một hình ảnh so sánh đẹp và đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp bầu trời, vĩnh hằng trong không gian, và thời gian. So sánh đất nước với vì sao là biểu lộ niềm tự hào đối với đất nước Việt Nam anh hùng, giàu đẹp. Hành trang đi tới tương lai của dân tộc ta không một thế lực nào có thể ngăn cản được: "Cứ đi lên phía trước". Ba tiếng "cứ đi lên" thể hiện chí khí, quyết tâm và niềm tin sắt đá của dân tộc để xây dựng một Việt Nam "dân giàu, nước mạnh".

      Sau lời suy tư là điều tâm niệm của Thanh Hải. Trước hết là lời nguyện cầu được hóa thân:

                    Ta làm con chim hót

                    Ta làm một nhành hoa

                    Ta nhập vào hòa ca

                    Một nốt trầm xao xuyến.

      "Con chim hót" để gọi xuân về, đem đến niềm vui cho con người. "Một nhành hoa" để tô điểm cuộc sống, làm đẹp thiên nhiên sông núi. "Một nốt trầm" của bản "hòa ca" êm ái để làm xao xuyến lòng người, cổ vũ nhân dân. "Con chim hót", "một nhành hoa", "một nốt trầm..." là ba hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho cái đẹp, niềm vui, cho tài trí của đất nước và con người Việt Nam.

      Với Thanh Hải, hóa thân là để hiến dâng, để phục vụ cho một mục đích cao cả:

                 Một mùa xuân nho nhỏ

                 Lặng lẽ dâng cho đời

                Dù là tuổi hai mươi

                Dù là khi tóc bạc.

      Lời thơ tâm tình thiết tha. Mỗi con người hãy trở thành "một mùa xuân nho nhỏ" để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Ai cũng phải có ích cho đời. Mùa xuân nho nhỏ, là một ẩn dụ đầy sáng tạo khắc sâu ý tưởng: "Mỗi cuộc đời đã hóa núi sông ta" (Nguyễn Khoa Điềm). "Nho nhỏ" và "lặng lẽ" là cách nói khiêm tốn, chân thành. "Dâng cho đời" là lẽ sống đẹp, cao cả. Bởi lẽ "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" (Tố Hữu), sống hết mình thủy chung cho đất nước, đem cả cuộc đời mình phục vụ đất nước, từ lúc "tuổi hai mươi" trai tráng cho đến khi về già "tóc bạc". Thơ hay là ở cảm xúc chân thành. Thanh Hải đã nói lên những lời "gan ruột" của mình. Ông đã sống như lời thơ ông tâm tình. Khi đất nước bị Mĩ - Diệm và bè lũ tay sai âm mưu chia cắt làm hai miền, ông hoạt động bí mật trong vùng giặc, gây dựng phong trào cách mạng, coi thường cảnh máu chảy đầu rơi. Cảm động hơn nữa là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được ông viết ra trên giường bệnh, một tháng trước lúc ông qua đời.

      Thanh Hải sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ rất tài tình: "Ta làm... ta làm... ta nhập...", "dù là tuổi... dù là khi..." đã làm cho âm điệu thơ, giọng thơ tha thiết, sâu lắng, ý thơ được khắc sâu và nhấn mạnh. Người đọc xúc động biết bao trước một giọng điệu thơ trữ tình, ấm áp tình đời như vậy. Có thể xem đoạn thơ này là những lời trăn trối của ông.

      Khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương:

                Mùa xuân - ta xin hát

 Câu Nam ai, Nam bình

               Nước non ngàn dặm mình

               Nước non ngàn dặm tình

               Nhịp phách tiền đất Huế.

      Nam ai và Nam bình là hai điệu dân ca Huế rất nổi tiếng mấy trăm năm nay. Phách tiền là một nhạc cụ dân tộc để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn tranh, đàn tam thập lục. Câu thơ "Mùa xuân - ta xin hát" diễn tả niềm khao khát bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về. Quê hương đất nước trải dài ngàn dặm,’chứa chan tình yêu thương. Đó là "ngàn dặm mình", "Nghàn dặm tình" đối với non nước và xứ Huế quê mẹ thân thương! Câu thơ của người con đất Huế quả là "dịu ngọt" vậy.

      Mùa xuân là đề tài truyền thông trong thơ ca dân tộc. Thanh Hải đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang. Ngôn ngữ thơ trong sáng và hiểu cảm, hàm súc và hình tượng. Các biện pháp lu từ như so sánh, ẩn dụ. song hành đối xứng, điệp ngữ... được vận dụng sắc sảo, tài hoa. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, cảm động. Mỗi một cuộc đời hãy là một mùa xuân. Đất nước ta mãi mãi sẽ là những mùa xuân tươi đẹp.

                                                                          

0 phiếu
bởi Nqoc_baka ● Quản Trị Viên Phó giáo sư (34.6k điểm)

Bao giờ cũng thế, một tác phẩm đặc sắc phải bao gồm cái đặc sắc và thành công về cả hai mặt nội dung và nghệ thuật. Tác phẩm ấy như một nguồn nước giếng trong, khơi mãi vẫn không hết cái ngọt ngào, lắng sâu của tình yêu con người, vẫn không cạn nguồn sức mạnh truyền vào trong cuộc sống.

Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một tác phẩm như thế. Được sáng tác vào năm 1976, bài thơ mang đậm chất trữ tình này đã ghi lại tình cảm sâu lăng, thành kính cảu nhà thơ khi hoà vào dòng người viếng lăng Bác. Bài thơ cũng là tiếng nói, là nỗi niềm tâm sự của nhận dân Nam bộ và nhân dân cả nước dành cho Bác.

Mở đầu bài thơ là cảm xúc của tác giả khi vừa bước chân vào lăng. Nhà thơ xưng “con” và gọi “Bác”; lời thơ giản dị, mộc mạc mà chát chức bao tình cảm gần gũi, thân thương, kính trọng chủ tịch Hồ Chí Minh của ông. Điều đó càng cho thấy Bác là một con người rất hoà đồng và gần gũi. Chính vậy nhà thơ Tố hữ có viết “Người là Cha, là Bác, là Anh”. Chi tiết thơ “Con ở miền Nam” còn mang một sắc thái đầy xúc động. Khúc ruột miền Nam là miền đất xa xôi mà Bác không nguôi ngóng chờ, cho đến những ngày trước lúc lâm chung thì trái tim người vẫn luôn hướng về miền Nam ruột thịt. Nơi đó có biết bao đồng bào ta đang ngày đêm chiến đấu và anh dũng hy sinh vì một ngày mai nước nhà thống nhất. Nhưng…Bác đã không chờ được đến ngày đó. Người đã ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng để lại muôn vàn niềm thương tiếc cho nhân dân ta. Câu thơ đầu gọn như một lời thông báo nhưng lại chứa chan bao tình cảm xúc động, bồi hồi của tác giả đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Và trong cái mênh mang sương mù của mọt ngày mùa thu Hà Nội, qua con mắt thi nhân của Viễn Phương, ta chợt tìm thấy một “hàng tre” Việt Nam. Đến với Bác, đến với hàng tre, ta như đến với quê hương làng mạc, đến với mái nhà tranh âm vang lời ru của bà, của mẹ; đến với Bác là đến với dân tộc mình, thế mới đẹp làm sao! Hình ảnh nhân hoá hàng tre “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” còn là biểu tượng bất diệt của con người Việt Nam kiên cường, bất khuất biền bỉ. Màu xanh của tre chính là màu xanh của sức sống Việt Nam, màu xanh của hy vọng, hạnh phúc và hoà bình. Đây quả là một tứ thơ độc đáo, giàu ý nghĩa tượng trưng:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Và nhà thơ phải kính yêu Bác lắm mới viết được những hình ảnh ẩn dụ tài tình này:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

Cũng là “mặt trời” nhưng “mặt trời” ở câu thơ thứ nhất là mặt trời của thiên nhiên vũ trụ, ngày ngày tỏ sáng, đem sự sống cho muôn loài, vạn vật, nó cũng có lúc quạnh quẽo, u ám. Còn “mặt trời” của nhận dân Việt Nam. “mặt trời” trong lăng thì vẫn luôn chiếu ánh sáng vĩnh hằng, đỏ mãi. Bác chính là vầng mặt trời hồng toả tia sáng soi rọi con đường giúp dân tộc ta thoát khỏi kiếp đời nô lệ, là sức mạnh giúp nhân dân ta chèo lái con thuyền cách mạng cập bến vinh quang, đi đến bờ thắng lợi. Dù rằng đã ra đi mãi mãi nhưng Bác vẫn luôn bất tử, tư tưởng HCM vẫn luôn trường tồn, soi đường dẫn lối cho dân tộc ta đứng lên.

Hoà nhịp với gần trăm triệu bàn chân Việt Nam, hàng triệu bàn chân lao động trên thế giới, Viễn Phương bùi ngùi xúc động bước vào lăng:

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

Hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác được tác giả ví như nhưng tràng hoa dâng lên người. “Bảy mươi chín” tràng hoa, ấy là bày mươi chín màu xuân, bày mươi chín năm cống hiến, hy sinh hết mình của Bác đối với dân tộc và nhân dân ta. Và quả thật, Bác chính là mùa xuân, và mùa xuân ấy đã làm cho cuộc đời người dân Việt Nam nở hoa. Điệp ngữ “ngày ngày” đứng mỗi ý thơ giữ vị trí “nhãn tự”, vừa thể hiện một qui luật trình tự của dòng người vào lăng viếng Bác, lại vừa thể hiện một qui luật tự nhiên của tạo hoá.

Đứng trước sự vĩ đại, to lớn của Bác, ta cũng vô thức bị dòng thơ cuốn và trong lăng lúc nào không hay:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Bác đang nằm đây, ngay trước mắt nhà thơ, hiền hậu, nhân từ như một vầng trăng “dịu hiền”, mát mẻ mà vãn trong sáng rạng ngời.Ta có cảm giác như Bác vẫn chưa đi xa, vẫn chưa rời khỏi thế gian này mà Người đang ngủ đấy thôi. Lí trí thì nói bác đang ngủ, nghĩa là Bác vẫn còn sống mãi với đất nước, với dân tộc ta như trời xanh còn mãi trên đầu. Mỗi ngày ngẩng đầu nhìn ta lại thấy trời xanh, lại thấy Bác. Bác không bao giờ mất, Bác sống mãi cùng dân tộc ta, trong mỗi cuộc đời, trong mỗi sự việc mà chúng ta làm vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Ta biết thế, ta nghĩ thế nhưng sao tim ta vẫn “đau nhói”, mắt ta vẫn trào dâng khi nhận ra rằng: Bác đã không còn nữa! Khổ thơ thứ hai và ba là một chuỗi các hình ảnh vũ trụ: mặt trời, vầng trăng, trời xanh lồng vào nhau như để ca ngời tầm vóc lớn lao của Bác; đồng thời thể hiện lòng tôn kính vô hạn của tác giả, của nhân dân đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Bài thơ bắt đầu bằng sự kiện “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” và cũng kết thúc bằng chi tiết “Mai về miền Nam”. Đây là giờ phút sắp chia tay với Bác, tâm trạng nhà thơ tràn đầy niềm cảm thương xen lẫn bùi ngùi, lưu luyến. Điều đó được thể hiện qua hình ảnh cường điệu:

“Thương trào nước mắt”:

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”

Tình thương xót nén giữa tam hồn đã làm nảy sinh bao ước muốn: “muốn là con chim” để dâng lên tiếng hót vui, “muốn là đoá hoa” dâng hương thơm ngát, “muốn làm cây tre trung hiếu” canh gác chi giấc ngủ yên lành của Bác. Nhịp điệu khổ thơ lúc này dồn dập với điệp ngữ “muốn làm” nhắc lại đến ba lần và các hình ảnh liên tiếp xuất hiện như một dòng khát khao mãnh liệt của nhà thơ muốn được gần Bác mãi mãi.

Bằng tất cả tình cảm chan thành, Viễn Phương đã làm “Viếng lăng Bác” trở thành một bản tình ca bất tận để lại ấn tượng sâu sắc cho bao người dân Việt Nam. Bài thơ hay không chỉ vì các nghệ thuật, kĩ sảo độc đáo mà quan trọng hơn, đó là sự kết hợp nhuẫn nhị giữa cái “tâm” của một người con yêu nước và cái “tài” của người nghệ sĩ. Rất nhiều năm tháng đã đi qua nhưng mỗi thế hệ đọc lại “Viếng lăng Bác” đều đón nhận vào tâm hồn mình một ánh sáng tư tưởng, tình cảm của nhà thơ và đồng thời cũng thấm nhuần vẻ đẹp trong suốt, lấp lánh toả ra từ chính cuộc đời, trí tuệ và trái tim Bác Hồ.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
2 câu trả lời
0 phiếu
3 câu trả lời
Phân tích khổ thơ 4,5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để thấy được khát vọng cống hiến của nhà thơ dành cho cuộc đời.
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Khách
  • mùa-xuân-nho-nhỏ
  • viết-văn
  • nghị-luận-văn-học
  • trung-bình
0 phiếu
1 trả lời
đã hỏi 1 tháng 3 trong Ngữ văn lớp 9 bởi nguyenmanh04102009212 Học sinh (402 điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời
đã hỏi 22 tháng 2 trong Ngữ văn lớp 9 bởi nguyenmanh04102009212 Học sinh (402 điểm)
0 phiếu
1 trả lời
đã hỏi 8 tháng 5, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Silent Cử nhân (3.9k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời
Phân tích khổ thơ 2,3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để thấy được mùa xuân của sản xuất và lao động.  
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Khách
0 phiếu
1 trả lời
đã hỏi 15 tháng 5, 2020 trong Khác bởi Zake Tiến sĩ (18.3k điểm)
0 phiếu
1 trả lời
+1 thích
1 trả lời
Hoàn cảnh sáng tác , thể thơ của bài thơ Mùa Xuân Nho Nhỏ là gì ?
đã hỏi 3 tháng 6, 2023 trong Ngữ văn lớp 9 bởi anhthe Học sinh (354 điểm)
0 phiếu
1 trả lời
đã hỏi 11 tháng 1, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Silent Cử nhân (3.9k điểm)

HOT 1 giờ qua

  1. monmon70023220

    686 Điểm

  2. Darling_274

    215 Điểm

  3. minhquanhhqt160

    168 Điểm

  4. tngnhatganh117

    94 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...