Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
247 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 12 bởi metraidauthaimoihet Học sinh (104 điểm)
Phân tích nhân vật Tràng để làm rõ luận điểm: trong hoàn cảnh đói khổ, tình người vẫn sáng ngời. 

1 Câu trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất
Nếu bánh xe thời gian có thể đưa tôi đi ngược dòng quá khứ, tôi ước mình được một lần chứng kiến nỗi đau oằn mình chống nạn đói của dân tộc. Hẳn là trước mắt tôi sẽ xám xịt một màu sương khói đạn lạc, những cánh đồng trơ trụi xác xơ, những giọt nước mắt hòa lẫn máu xương đồng bào. Nhưng trong hiện thực khắc nghiệt ấy, tôi bắt gặp những mảnh đời vô cùng bất hạnh, cơ cực lại không vì hoàn cảnh mà giẫm đạp lên nhau. Và những điều tốt đẹp đó đã xuất hiện trong truyện ngắn “Vợ nhặt”của nhà văn Kim Lân. Nhắc tới Kim Lân, tôi chỉ biết rằng ngòi bút của ông là hiện thân cho câu nói “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra”. Thật vậy, ông là nhà văn “nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với những gì thuần hậu, nguyên thủy của làng quê Việt Nam”, và “Vợ nhặt” đã chứng minh rõ nét cho điều đó. Đây là một truyện ngắn xuất sắc có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”, được viết ngay sau cách mạng tháng Tám, nhưng bị mất bản thảo và được hoàn thành vào năm 1954. Thiên truyện không chỉ tố cáo tội ác của chế độ cũ mà còn khắc hoạ thành công vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo khổ, cụ thể là nhân vật Tràng – anh thanh niên được xem như là một trong những sự đẽo gọt sơ sài của tạo hóa. Hơn hết, truyện còn làm sáng tỏ câu nói: trong hoàn cảnh đói khổ, tình người vẫn sáng ngời.  

Lấy bối cảnh là một xóm ngụ cư những năm nạn đói 1945, có thể nói Kim Lân đã rất tài tình khi “đặt nhân vật kề bên nanh vuốt của cái chết”. Khi mà cái chết hiện lên thành hình, những người chết “nằm còng queo, nằm ngổn ngang”,“những người sống đi lại dật dờ như những bóng ma”, “không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Cái chết hiện hình trong cả những âm thanh người khóc tỉ tê, tiếng quạ trên cành cây gạo. Thậm chí là trong cả màu “xanh xám”, gợi cái cảm giác “heo hút, ngăn ngắt”, lạnh lẽo. Ta thấy ở đó rùng rợn một bức tranh mà ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mỏng manh, cõi âm nhập nhòa trong cõi dương, trần gian mấp mé miệng vực của âm phủ.

Kim Lân đã cho người đọc tiếp cận với nhân vật Tràng trên cái nền không gian u ám như thế, nhưng anh cu Tràng lại không hề mang tí ảm đạm nào “giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy”. Tràng xuất hiện với vẻ “vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”, nụ cười của anh xuất hiện như xua tan khoảng không gian bị bao trùm đen nghịt bởi cái đói hiện ra trước mắt người đọc. Kim Lân đã làm sáng lên hình ảnh một anh cu Tràng bấy lâu bị vùi lấp bởi nỗi cơ cực, bần hàn của cuộc mưu sinh tủi nhục. Thì ra, cái vẻ “khác thường” ấy là do anh đã cưới được vợ, một câu chuyện bi hài giữa anh và thị, khi trong cái đói quay quắt, sợi tơ duyên của hai con người xa lạ bỗng quấn vào nhau. Tràng trước kia là một gã “khố rách áo ôm”, là một gã ngờ nghệch, thô kệch và hết sức xấu xí, đã vậy còn hay lẩm bẩm một mình. Nhưng Tràng giờ đây là một người đàn ông hạnh phúc với gương mặt “phớn phở” đầy kiêu hãnh, với nụ cười “tủm tỉm” đầy ý vị, với đôi mắt “lấp lánh” đầy vẻ mãn nguyện khi đi cùng thị. Điều đó khiến người đọc bắt đầu cảm thấy tò mò về Tràng, về những thay đổi kì diệu trong con người anh.

Tôi nhớ Thạch Lam từng nói: “Cái đẹp nằm trong cuộc sống, cái đẹp len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm, cái đẹp ở những chỗ không ai ngờ tới, cái đẹp tiềm tàng che lấp sự vật”. Và quả thật như vậy, bề ngoài của Tràng đói rách, khó coi không có nghĩa là tâm hồn héo úa. Sở dĩ tôi có thể chắc chắn được như thế là bởi giữa cái năm “đói mòn đói mỏi” ấy, đến cái ăn cái mặc của mình còn không lo được, nhưng Tràng lại sẵn sàng dang rộng đôi bàn tay của mình để cưu mang, giúp đỡ một người phụ nữ hoàn toàn xa lạ, lại thêm cái tính “chao chát, cong cớn, chỏng lỏn”. Nói một cách công bằng, Tràng không hề có chủ ý muốn cưới người “vợ nhặt”, tất cả chỉ là bông đùa. Chỉ là một lời mời chào xã giao “muốn ăn cơm trắng mấy giò này, lại đây mà đẩy xe bò với anh nì!”, một lời hứa hẹn xuông, một lời rủ rê “chưa chính thức”, thế là có vợ thật.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Ban đầu, anh bỏ hẳn tiền túi ra mua một chập bốn bát bánh đúc cho người đàn bà khốn khổ kia. Rồi từ một câu nói tầm phơ tầm phào: “này đùa chứ có về ở với tớ một nhà cho vui”, ấy vậy mà thị đồng ý thật. Anh cũng đã thấy “chợn” bởi anh lo sợ cho tương lai, đến bản thân mình còn không nuôi nổi mình huống chi “đèo bồng” người khác? Tôi nghĩ, nếu lúc này gã đàn ông kia bỏ mặc người “vợ nhặt” thì cũng là dễ hiểu. Nhưng rồi anh đã “Chậc, kệ!”, cái tặc lưỡi ấy nghe có vẻ bất cần, vô tâm và nguội lạnh quá. Nhưng thực chất đằng sau cái vẻ bỗ bã, tạm bợ ấy là một khát khao hạnh phúc vô bờ. Đến nỗi, dẫu cho có biết bao đôi mắt đang nhìn chằm chằm vào đôi tình nhân mới “cưới”, họ rì rầm, bàn tán, chê bai: “chao ôi, thời buổi nào còn rước cái của nợ ấy về, có nuôi nổi nhau sống qua ngày không?”. Nhưng Tràng vẫn mặc kệ, giờ đây với anh chỉ còn “tình nghĩa với người đàn bà đi kế bên”. Đây mới là niềm hạnh phúc Tràng hằng ao ước bấy lâu. Bởi thế, khi đã có trong tay, anh sẵn sàng bỏ ngoài tai tất cả. Kim Lân đã gieo vào lòng người đọc niềm xúc cảm sâu xa khi khiến cho niềm khao khát hạnh phúc trào dâng mạnh mẽ hơn tất cả những khó khăn chồng chất mà Tràng phải gánh chịu. Sự đói khát đã không làm giảm đi giá trị tình người mà ngược lại, được hạnh phúc, được yêu thương mới quý giá hơn hết thảy, ngay cả khi người ta tưởng chừng như cuộc sống không còn gì ngoài bát cơm manh áo.
Cuộc hôn nhân nảy nở từ một trò đùa nhưng bên trong thực chất là một cái mầm nghiêm túc xây đắp tổ ấm hạnh phúc. Trên đường về, còn bao nhiêu tiền Tràng dồn hết vào ba việc: đãi người vợ một bữa cơm, mua cho vợ cái thúng đựng mấy đồ lặt vặt và mua lấy ba hào dầu. Hai hành động đầu tiên nghe có vẻ thiết thực. Nhưng hành động thứ ba xem chừng xa xỉ, bởi lẽ không có đèn dầu, cuộc sống vẫn tốt, Hơn nữa, giữa cái thời buổi chết dần chết mòn vì đói ấy ai lại thèm để tâm đến chút ánh sáng nhỏ nhoi? Nhưng Tràng thì không thế, dẫu cho có “nhặt” được vợ giữa đường giữa chợ như nhặt một cái rơm, cái rác nhưng không vì thế mà anh khinh thường người đàn bà đi kế bên. “Vợ mới vợ miếc thì cũng phải sớm sủa cái chứ chẳng nhẽ như tối mà đã rúc ngay vào?”. Ngọn đèn dầu chính là minh chứng cho trái tim nhân hậu, tấm lòng trân trọng của Tràng đối với một người đàn bà nghèo khổ. Ngọn đèn đã thắp lên tương lai tình yêu, hạnh phúc cho cặp vợ chồng son.
Về đến nhà, “Tràng xăm xăm bước vào trong nhà… Hắn quay lại nhìn thị cười cười”. Rõ là Tràng đã thay đổi thật. Động thái “xăm xăm” là câu trả lời chính xác cho một người đàn ông đang bắt đầu tư thế làm chủ gia đình, làm chủ cuộc sống mới của mình. Tràng cũng tỏ ra rất thân thiện với thị khi “cười cười” và thú nhận với thị những câu rất thành thật nhưng cũng đầy hàm ý: “Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy!”. Như vậy, Kim Lân đã xóa đi trong suy nghĩ của người đọc về một người đàn ông ngờ nghệch, chỉ còn lại trong cảm thức người đọc một anh Tràng nhanh nhẹn và rất biết cách bày tỏ cảm xúc qua một vài từ láy có khả năng biểu đạt cao. Thế nhưng, dường như hạnh phúc đến quá bất ngờ khiến Tràng vẫn còn bối rối. Anh “ngượng nghịu”, “đứng tây ngây ra giữa nhà một lúc, chợt hắn thấy sờ sợ…, hắn lấm lét bước vội mấy bước ra sân…”. Một loạt từ láy “ngượng nghịu” “tây ngây”, “sờ sợ”, “lấm lét” đã diễn tả thật chính xác tâm trạng của Tràng lúc đó. Người đọc hình dung ra hình ảnh một người đàn ông lóng ngóng, vụng về đầy lo lắng. Cứ tưởng anh chàng lúc nào cũng lầm lì và bặm trợn, ai ngờ cũng có lúc trông thật đáng yêu. Rồi khi nhìn thấy người đàn bà có vẻ buồn ra mặt, Tràng “nhổ vu vơ một bãi nước bọt”, lại “tủm tỉm cười một mình” và “ngờ ngợ như không phải thế”. Kim Lân quả là có biệt tài khi luôn đặt các từ láy đúng chỗ để những từ ấy không chỉ vẽ ra cụ thể hơn chân dung nhân vật mà còn có ý nghĩa kết nối diễn biến tâm trạng của các nhân vật. Những từ “vu vơ”, “tủm tỉm”, “ngờ ngợ” đã cho ta thắc mắc vì sao Tràng lại có tâm trạng như thế? Phải chăng vì anh sợ đối diện với người vợ mới, sợ thị đổi ý bởi hoàn cảnh thật của mình đâu phải “rich bố cu” như lời anh khoe ngoài chợ?
Đột nhiên có “tiếng người hung hắng ho” chặn dòng suy nghĩ ngổn ngang của anh lại, thì ra đó là mẹ Tràng về. Kim Lân đã miêu tả nỗi vui mừng như đứa trẻ của Tràng khi nghe tiếng bà cụ Tứ gọi với vào trong nhà sau những bồn chồn mong ngóng để được “khoe vợ” của hắn: “Hắn lật đật chạy ra đón”. Từ “lật đật” sao mà đúng với tâm trạng của Tràng lúc này đến thế! Tràng trịnh trọng mời mẹ vào nhà thưa chuyện, rồi sốt ruột, căng thẳng chờ đợi câu trả lời của bà cụ Tứ. Để rồi khi bà mẹ tỏ ý “mừng lòng”, Tràng mới “thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân”. Đến đây, có thể thấy cuộc hôn nhân này đối với Tràng mà nói không còn là một câu bông đùa sáo rỗng, nó đã thực sự là cánh cửa mới trong cuộc đời của anh, là những hồi hộp, rung động phút ban đầu của một người thật sự muốn vun vén một hạnh phúc gia đình.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Sau đêm tân hôn, Tràng xuất hiện trong trạng thái “lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”, “hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”. Hai từ “lửng lơ”, “ngỡ ngàng” thật tinh tế và gợi ấn tượng thú vị đối với người đọc. Đúng là hình ảnh cảm động về một người đàn ông hạnh phúc – người đàn ông có tên Tràng – người đàn ông chưa bao giờ dám nghĩ mình được hưởng cái hạnh phúc êm ái, ngọt ngào như thế. Ra là mình đã có vợ rồi đấy ư? Cái hạnh phúc nó tìm đến bất ngờ đến mức Tràng thấy không tin vào mắt mình.
Kim Lân miêu tả tiếp: “hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân… hai con mắt cay sè của hắn … chớp chớp liên hồi”, thật khó mà chọn được từ nào có thể mô tả chính xác hơn hai từ “lững thững” và “chớp chớp” để làm bật lên chân dung của Tràng vào thời điểm đó, khi mà anh “thấm thía cảm động” trước “cảnh tượng thật đơn giản” về hạnh phúc gia đình đang diễn ra trước mắt mình. Từ giây phút ấy, lòng Tràng rộn lên “một nguồn vui sướng”, anh “phấn chấn” hẳn lên và “xăm xăm chạy ra giữa sân”. Từ “xăm xăm” một lần nữa được Kim Lân sử dụng để diễn tả động thái mạnh mẽ và đầy cảm xúc của Tràng, nó làm lộ rõ tư thế của một người chủ gia đình thực sự đang dần lớn lên và được khẳng định trong con người Tràng. Giây phút ấy, Tràng đã ý thức được mình là chỗ dựa vững chải cho mẹ và vợ, “bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Khát khao tình yêu, khát khao hạnh phúc, giờ đây Tràng đã có được cả hai thứ trong tay. Ai bảo cứ như Romeo và Juliet mới là tình yêu? Dẫu cho người đàn ông kia có thô kệch, nghèo nàn và người đàn bà kia có rách nát “như tổ đỉa” thì đó vẫn là tình yêu. Vẫn là sự lo lắng, quan tâm và tôn trọng lẫn nhau đó thôi. Người có khao khát hạnh phúc xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Chính niềm khao khát cháy bỏng ấy đã xua tan đi mọi “u tối, hốc hác, bủng beo” của cuộc sống bụi bặm, xua đi cái lạnh lẽo của nạn đói tử thần năm Ất Dậu. Có lẽ, dụng ý đó của nhà văn còn được thể hiện ngay cả trong sự vận động của không gian và thời gian. Đó là khi thiên truyện bắt đầu vào buổi chiều chạng vạng, trong khung cảnh tối sầm, chết chóc đe doạ hạnh phúc lứa đôi, nhưng lại được kết thúc vào một buổi sáng khi bình minh lên, mở ra cho cả gia đình Tràng một trang đời mới.
Khép lại trang sách nhưng lại mở ra trong ta nhiều lắng đọng về một tác phẩm đầy giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực. Kim Lân đã vận dụng những tính từ miêu tả đầy sức gợi hình như đưa người đọc về những thăng trầm của xã hội thời nạn đói, khi mà cái chết bao trùm lấy sự sống nhưng con người ta lại không nghĩ tới bước đường cùng mà lại tự vẽ lên cho mình một lối đi mới tươi sáng hơn. Xây dựng quá đỗi thành công nhân vật Tràng, Kim Lân đã vận dụng tài tình các đặc trưng thể loại truyện ngắn: Cốt truyện đơn giản nhưng nhiều chi tiết nghệ thuật sắc nét, đa nghĩa. Bút pháp miêu tả tâm lý tài tình, bắt nhạy từng chuyển biến trong tâm trạng nhân vật. Ngôn ngữ cá thể hóa cao độ mang đến sự giản dị, gần gũi của làng quê Việt Nam. Qua “vỏ mỏng” nhưng Kim Lân đã dựng được một lớp “lõi dày” cho tác phẩm. Hình tượng nhân vật Tràng chính là chiếc chìa khóa mở ra tư tưởng của toàn bộ câu chuyện, nhà văn như muốn nói: Dẫu cho hoàn cảnh có đè nén, có “bèo bọt hóa” con người, nhưng con người vẫn không chịu làm kiếp bèo bọt mà vẫn kiên nhẫn làm người, cái đẹp cứu vớt con người, vươn lên trên cái chết và chiến thắng cái chết.
Văn là đời và chuyện văn là chuyện đời. Qua một cảnh ngộ, một tình huống, một nỗi lòng của nhân vật, nhà văn muốn mang đến cho độc giả những vấn đề nhân sinh sâu sắc, “Vợ nhặt” của Kim Lân là một tác phẩm như thế. Tất cả những gì Kim Lân muốn gửi gắm có chăng đều được sáng ngời qua nhân vật Tràng - một gã nông dân nghèo, thô kệch nhưng nhân hậu và luôn giàu khát khao hạnh phúc. Chính vì điều đó mà ta nên nghiêng mình kính phục trước tài năng viết truyện của Kim Lân, ông giống như một loại đồ cổ quý hiếm cất giữ trong đó nhiều bụi vàng văn hoá thẳm sâu của nền văn minh sông Hồng. “Thời gian có thể phủ bụi một số thứ, nhưng có những thứ càng rời xa thời gian, càng sáng, càng đẹp” và “Vợ nhặt” của Kim Lân đã minh chứng rõ nét nhất cho điều đó. Dù ra đời cách đây gần nửa thế kỉ nhưng sức sống của nó vẫn sẽ tồn tại đến muôn đời, khiến cho thế hệ trẻ ngày nay có được bài học đắt giá về tình người giữa xã hội đầy rẫy những bon chen, khắc nghiệt.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
2 câu trả lời 342 lượt xem
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn "Vợ nhặt" để thấy rõ tình yêu thương thiêng liêng của người mẹ.
đã hỏi 1 tháng 12, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 4.3k lượt xem
Phân tích khổ thơ sau:  “Ta với mình mình với ta  Lòng ta sau trước mặt mà đinh ninh Mình đi mình lại nhớ mình Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu... Nhớ gì như nhớ người yêu Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương Nhớ từng bản khói cùng sương Sớm khuya bếp lửa người thương đi về Nhớ từng rừng nứa bờ tre Ngòi Thia, sông Đáy suối Lê vơi đầy”
đã hỏi 22 tháng 1, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 122 lượt xem
Viết bài văn nghị luận bàn về bản lĩnh. 
đã hỏi 21 tháng 2, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi metraidauthaimoihet Học sinh (104 điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 420 lượt xem
Làm rõ màu sắc cổ điển và hiện đại trong "Tràng giang"
đã hỏi 21 tháng 12, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi Khách
0 phiếu
1 trả lời 746 lượt xem
Tưởng chừng giữa "Tràng giang" , con người sẽ cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo, nhưng càng đọc kĩ bài thơ, người đọc càng cảm thấy ấm lòng bởi 1 tình quê tha thiết, đáng trân trọng. Anh/ chị hãy phân tích bài thơ " Tràng giang " của Huy Cận để làm rõ nhận định trên.
đã hỏi 22 tháng 2, 2018 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Trần Nguyễn
0 phiếu
1 trả lời 213 lượt xem
Nêu suy nghĩ của em về câu nói "Ai cũng chỉ có một lần để sống"
đã hỏi 20 tháng 1, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi metraidauthaimoihet Học sinh (104 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 636 lượt xem
Hãy nêu suy nghĩ của anh/ chị về câu nói "Cuộc đời tựa như một viên đá, chính bạn là người quyết định để viên đá ấy bám rong rêu hay trở thành viên ngọc sáng" Mọi người giúp em với ạ. Em đang cần gấp. Em cảm ơn ạ
đã hỏi 14 tháng 9, 2020 trong Ngữ văn lớp 10 bởi Khách
+1 thích
2 câu trả lời 1.3k lượt xem
Hãy viết một bài văn về chiến tranh (biểu cảm, tự sự, nghị luận,... đều được)
đã hỏi 3 tháng 12, 2017 trong Ngữ văn lớp 12 bởi lop6/7tk_2017 Học sinh (314 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 1.1k lượt xem
Cảm nhận về hình ảnh trăng trong các bài thơ ở chương trình Ngữ văn lớp 7, có ý kiến cho rằng cho rằng: "Trăng trong mỗi bài thơ không chỉ đẹp như những bức họa mà còn chan chứa nỗi niềm, tâm trạng". Qua việc cảm nhận hình ảnh trăng trong các bài thơ trên, em hãy làm sáng tỏ ý kiến.
đã hỏi 22 tháng 3, 2017 trong Ngữ văn lớp 7 bởi Titania Học sinh (387 điểm)
  1. nguyenmanh04102009212

    166 Điểm

  2. tnk11022006452

    160 Điểm

  3. hoconghung031007464

    80 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4-10: 20.000 đồng
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...