Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
352 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 12 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn "Vợ nhặt" để thấy rõ tình yêu thương thiêng liêng của người mẹ.

2 Trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất
Nếu bánh xe thời gian có thể đưa tôi đi ngược dòng quá khứ, tôi ước mình được một lần chứng kiến nỗi đau oằn mình chống nạn đói của dân tộc. Hẳn là trước mắt tôi sẽ xám xịt một màu sương khói đạn lạc, những cánh đồng trơ trụi xác xơ, những giọt nước mắt hòa lẫn máu xương đồng bào. Nhưng trong hiện thực khắc nghiệt ấy, tôi bắt gặp những mảnh đời vô cùng bất hạnh, cơ cực lại không vì hoàn cảnh mà giẫm đạp lên nhau. Và những điều tốt đẹp đó đã xuất hiện trong truyện ngắn “Vợ nhặt”của nhà văn Kim Lân. Nhắc tới Kim Lân, tôi chỉ biết rằng ngòi bút của ông là hiện thân cho câu nói “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng chính cuộc sống viết ra”. Thật vậy, ông là nhà văn “nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với những gì thuần hậu, nguyên thủy của làng quê Việt Nam”, và “Vợ nhặt” đã chứng minh rõ nét cho điều đó. Đây là một truyện ngắn xuất sắc có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”, được viết ngay sau cách mạng tháng Tám, nhưng bị mất bản thảo và được hoàn thành vào năm 1954. Thiên truyện không chỉ tố cáo tội ác của chế độ cũ mà còn khắc hoạ thành công vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo khổ, cụ thể là nhân vật bà cụ Tứ - mẹ của anh cu Tràng - người mẹ dù nghèo khổ và thiếu thốn, song chưa từng thiếu những lo lắng cho con, và cả những ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn cho con trai của mình

Bà cụ Tứ là mẹ của Tràng, một thanh niên có ngoại hình thô kệch, nhà nghèo phải ở trong xóm ngụ cư, đã lớn tuổi mà chưa lấy được vợ nhưng đặc biệt tốt bụng, được mọi người yêu mến. Giữa lúc nạn đói đang hoành hành, khắp nơi người chết đói như ngả rạ, vì chiêu đãi không toan tính một cô nàng bốn bát bánh đúc, được người ta theo về, Tràng có vợ. Kim Lân rất khôn khéo khi lựa chọn thời điểm thích hợp để bà cụ Tứ xuất hiện, tại sao không phải là đầu câu chuyện mà lại ở giữa câu chuyện? Bởi lẽ, tác giả muốn gợi lên cái nghèo đói đến thê lương của xóm ngụ cư, lấy nó làm nền, làm đòn bẩy để đi sâu vào phân tích diễn biến tâm lý, nội tâm của người đàn bà này. Bà Tứ xuất hiện từ khi Tràng đưa vợ về nhà, và diễn biến tâm lý của bà cụ thay đổi liên tục từ khi có một người đàn bà khác xuất hiện trong ngôi nhà của mình.

Như những bà mẹ Việt Nam nghèo khổ khác trong thời kỳ cách mạng tháng tám, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ nghèo, bị cái đói làm cho cùng cực, suy nghĩ quá nhiều. Ngay từ những phút giây đầu bà xuất hiện đã khiến người đọc không khỏi xúc động: “Ngoài đầu ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào”. Từ tiếng ho húng hắng, từ dáng đi lòng còng lom khom, người ta nghĩ ngay tới một bà cụ cả đời vất vả cơ cực, nhưng cho tới những phút tuổi già, bà vẫn không tránh khỏi những lam lũ tủi cực. Mỗi ngày, đều tới tận tối mịt mới về nhà, cuộc đời ấy, rồi sẽ còn đói khổ bao lâu nữa? “Cuộc đời cực khổ dài đằng đẵng” khoác lên cho bà cụ một vẻ ngoài già nua tới đáng thương: đôi mắt hoe nhoèn, dáng đi “lập cập”, bà mặc một chiếc áo đã “ rách bợt”… Chỉ vơi một vài chi tiết nhỏ, Kim Lân đã gợi lên trong ta bao thương cảm dành cho người mẹ nghèo già nua đến xơ xác, đến nhói lòng.

Đột nhiên, hôm nay anh con trai của bà thay đổi bất thường khi lật đật chạy ra đón mẹ về nhà. Trước thái độ xởi lởi, nôn nóng bất thường kèm theo lời trách móc sao mẹ về muộn của con trai, bà lão chỉ “nhấp nháy hai con mắt nhìn Tràng, chậm chạp hỏi: – Có việc gì thế vậy?”. Hai từ “nhấp nháy”, “chậm chạp” cho thấy, hình như cái đói đã khiến bà không còn đủ niềm tin để hi vọng về những thay đổi trong cuộc sống của gia đình mình nên bà không thể nhận ra thái độ và tâm trạng của Tràng. Nhưng khi Tràng bảo: “Thì u cứ hẵng vào trong nhà đã nào” thì “bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà”. Từ “phấp phỏng” vừa diễn tả những bước đi không vững chãi, vừa cho thấy bà lão đã bắt đầu để tâm đến cái cách mà Tràng đối xử với mình. Phấp phỏng vì linh tính cho bà biết trong nhà hẳn xảy ra chuyện gì. Mà quả đúng như vậy. Mới đến giữa sân, bà đứng sững lại và càng ngạc nhiên hơn. Trong nhà bà có người, lại là đàn bà. Người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Bà chưa gặp, bà không quen bao giờ. Người ấy lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?.. Ai thế nhỉ? Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu bà lão. Hay bà già rồi, trông gà hoá cuốc. Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Khác hẳn với từ “nhấp nháy” ở trên, từ “hấp háy” bộc lộ rõ vẻ lúng túng nhưng có chủ ý của bà. Có thể thấy, bà cụ Tứ bắt đầu chủ động trước tình huống bất ngờ đang diễn ra khi bà “lập cập bước vào” nhà trong niềm vui khôn tả của Tràng. Bà “lập cập” tức là bà đang run rẩy trong cả bước đi lẫn ý nghĩ trước điều gì đó rất hệ trọng đang xảy ra trong ngôi nhà của mình mà bà chưa thể xác định được.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Rồi bà cũng hiểu ra cơ sự, sau những nỗi niềm ưu tư trước hạnh phúc bất ngờ của con trai mà bà cụ Tứ chưa bao giờ dám nghĩ tới, Kim Lân lại đưa người đọc trở lại hình ảnh tội nghiệp ban đầu của bà lão với đôi mắt “kèm nhèm” đầy nước mắt trong tiếng thở dài và “đăm đăm nhìn người đàn bà” – nàng dâu mới của mình. Từ “đăm đăm” diễn tả sâu sắc sự thấu hiểu cảnh ngộ và sẵn sàng chia sẻ của bà cụ đối với người đàn bà chấp nhận theo không con trai mình. Tất cả những suy nghĩ sau đó của bà lão nói lên điều đó. Rồi bà lão “khẽ dặng hắng” trước khi nói với con dâu những lời nhẹ nhàng. Từ “dặng hắng” được Kim Lân dùng để giúp người đọc nhận ra sự thay đổi ngấm ngầm trong người mẹ khốn khổ ấy, “dặng hắng” để trút đi những gánh nặng trong lòng, để bắt đầu một cuộc sống mới nhẹ nhõm và vui vẻ hơn, để xóa đi những ngày u tối đã qua. Dặn dò các con xong, bà cụ Tứ lại “đăm đăm nhìn ra ngoài”, lần này từ “đăm đăm” ẩn dấu biết bao những lo toan bộn bề phía trước. Kim Lân thật tinh tế, cùng một từ láy, ông đã đặt đúng chỗ để phát huy tối đa khả năng diễn tả những trạng thái cảm xúc khác nhau của nhân vật. Điều đó khiến chân dung nhân vật trở nên chân thực và sống động hơn. Kết thúc chuỗi tâm lí phức tạp của bà cụ Tứ trong đoạn văn này là những giọt “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng” trên gương mặt khắc khổ với những nét buồn vui lẫn lộn.
Bà nghĩ đến cái cảnh người ta dựng vợ gả chồng cho con cái trong lúc ăn nên làm ra, đằng này con trai bà lấy vợ trong cảnh bần hàn, thiếu thốn đủ đường thế này. Bà thương mình bao nhiêu thì thương cho con gấp bội phần, bà cảm thấy tủi nhục khi không thể mang lại ấm no và hạnh phúc cho đứa con trai tội nghiệp. Bà thương cho người đàn bà héo hon kia cũng vì đói, vì không còn gì nên mới theo Tràng về làm vợ. Chao ôi những suy nghĩ của bà cụ Tứ thật khiến người ta đau lòng, não nề, khiến người ta xót thương nhưng chẳng biết cách nào có thể thương lấy bà, thương lấy những con người trong thời đại này.
Kim Lân đã rất thành công khi phác họa hình ảnh bà cụ Tứ đầy ám ảnh trong lòng người đọc đến như vậy. Hơn hết diễn biến tâm lý của bà cụ Tứ thay đổi rất đột ngột, nhưng sự thay đổi đó là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ rằng bà đã chấp nhận người vợ “nhặt” của đứa con, cũng giống như việc chấp nhận sẽ gánh thêm cái khổ, cái đói, cái nghèo cùng với các con. Cái cách bà cụ Tứ dặn dò đôi vợ chồng trẻ thật khiến con người ta cảm phục “Nhà ta nghèo liệu mà bảo nhau làm ăn”. Khi anh Tràng bước dài ra sân, bà động viên nàng dâu: “Rồi may ra ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Rồi ra thì con cái chúng mày về sau.”. Sự ân tình, chu đáo của người mẹ nghèo khiến đôi vợ chồng trẻ cảm động, không biết nói gì hơn, bà đã chấp nhận “người vợ mới” của đứa con, chấp nhận cả cái đói nghèo mà gia đình bà mang. Bà ân tình với con dâu, nói cho con dâu yên lòng rằng nhà nghèo, nếu có thì làm dăm ba mâm nhưng nhà mình nghèo nên động viên con dâu cố gắng. Chi tiết này đã cho thấy sự đồng cảm giữa một người phụ nữ nghèo với một người phụ nữ nghèo. Sự gắn kết này sẽ mang lại một hơi ấm và sức sống cho gia đình sau này.
Buổi sáng sau hôm Tràng có vợ thật đặc biệt đối với ngôi nhà và tất cả các thành viên trong gia đình Tràng. Hình ảnh mới của bà cụ Tứ được Kim Lân diễn tả ngắn gọn trong bốn từ láy “nhẹ nhõm”, “tươi tỉnh”, “rạng rỡ”, “xăm xắn”. Niềm vui của bà lão còn được thể hiện rất cảm động trong bữa cơm ngày đói qua những hành động, cử chỉ chan chứa yêu thương mà bà dành cho vợ chồng Tràng. Đối với nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân còn để người đọc phát hiện thấy một vẻ đẹp đặc biệt mà không phải bất cứ người mẹ nào cũng có được, đó là niềm lạc quan, là niềm tin tưởng vào một tương lai, có lẽ sẽ tươi sáng hơn cho những đứa con của bà cụ. Bởi vậy, mà trong cái mừng, cái tủi, cái lo lắng, lòng bà cụ vẫn nhen lên chút niềm vui nho nhỏ, một niềm vui bà gắng gượng kéo dậy để giúp Tràng và vợ anh cảm thấy nhẹ lòng hơn đôi chút. Bà mẹ mừng vui trong những ý nghĩ tươi sáng về tương lai, những dự định bà đã ấp ủ: “Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà …” vui mừng khi sắp xếp, dọn dẹp lại nhà cửa: “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn đi thu dọn, quét tước nhà cửa”, thậm chí trong bữa cơm ngày đói với cháo, với muối, với rau chuối “trông thật thảm hại”, bà cụ vẫn ăn rất ngon miệng, vẫn vui mừng, vẫn pha trò để không khí gia đình thêm đầm ấm, vẫn đon đả múc cháo cho con dâu.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Cho đến khi cái cảm giác đầm ấm lúc ban đầu không thể kéo dài không khí tươi mới như những phút ban đầu được nữa lúc nồi cháo cám được bưng ra, như để tránh đi những tủi hổ lại một lần nữa gợn lên trong lòng, bà vẫn gắng an ủi những đứa con của mình bằng cách “cắm đầu ăn cho xong lần: cháo cám đấy… làng này nhiều nhà còn không có cám mà ăn”… Sự thật phũ phàng luôn tiến tới gần hòng dập tắt những ánh hi vọng nhỏ nhoi dần nhen lên trong những con người khốn khổ, song với bà cụ Tứ, nó mãi mãi chẳng thể làm được; bởi lẽ khát khao ấy được bắt rễ từ một cội chắc chắn: tình thương. Chính trái tim trìu mến bà cụ dành cho con là nơi sản sinh ra dũng khí, giúp bà có thể vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã, tiếp tự ước mơ, tiếp tục khát vong; và truyền thổi vào tâm hồn người con niềm tin yêu mãnh liệt, vào một ngày mai tươi sáng hơn. Sống cho con trai, sống cho bản thân và sống cho cả cuộc đời; ở người mẹ này, người ta không chỉ thấy một tình yêu thương con thiết tha, mà còn có một tình yêu đời sâu sắc, với cái nhìn trìu mến đầy thương yêu với sự đời.
Hình ảnh “nôi cháo cám” sau đêm tân hôn của con mà người mẹ này mang đến thực sự khiến chúng ta cảm động đến rơi nước mắt. Nồi cháo cám ấy không còn nguyên giá trị thực như nó vẫn mang, nó là hiện thân của tình yêu thương con vô bờ bến, đức hi sinh lớn lao của người mẹ nghèo dành cho những đứa con. Nồi cháo cám là chi tiết cực kỳ đắt giá của câu chuyện, nhân phẩm và lòng vị tha, yêu thương của bà cụ Tứ cũng từ chi tiết này mà được nhân lên gấp bội, gấp vạn lần. Hẳn người đọc sẽ không bao giờ quên đi hình ảnh bà cụ Tứ gắn với nồi cháo cám ở cuối truyện, bà kể toàn chuyện vui cho các con nghe với hi vọng có một tương lai đỡ khổ, đỡ nhọc nhằn hơn. Một tình yêu đáng ngưỡng mộ trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Hiện thực dường như không thể đánh gục được tình yêu thương giữa con người với con người với nhau.
Khép lại trang sách nhưng lại mở ra trong ta nhiều lắng đọng về một tác phẩm đầy giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực. Kim Lân đã vận dụng những tính từ miêu tả đầy sức gợi hình như đưa người đọc về những thăng trầm của xã hội thời nạn đói, khi mà cái chết bao trùm lấy sự sống nhưng con người ta lại không nghĩ tới bước đường cùng mà lại tự vẽ lên cho mình một lối đi mới tươi sáng hơn. Xây dựng quá đỗi thành công nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân đã vận dụng tài tình các đặc trưng thể loại truyện ngắn: Cốt truyện đơn giản nhưng nhiều chi tiết nghệ thuật sắc nét, đa nghĩa. Bút pháp miêu tả tâm lý tài tình, bắt nhạy từng chuyển biến trong tâm trạng nhân vật. Ngôn ngữ cá thể hóa cao độ mang đến sự giản dị, gần gũi của làng quê Việt Nam. Qua “vỏ mỏng” nhưng Kim Lân đã dựng được một lớp “lõi dày” cho tác phẩm. Hình tượng nhân vật bà cụ Tứ chính là chiếc chìa khóa mở ra tư tưởng của toàn bộ câu chuyện, nhà văn như muốn nói: Dẫu cho hoàn cảnh có đè nén, có “bèo bọt hóa” con người, nhưng con người vẫn không chịu làm kiếp bèo bọt mà vẫn kiên nhẫn làm người, cái đẹp cứu vớt con người, vươn lên trên cái chết và chiến thắng cái chết.
Văn là đời và chuyện văn là chuyện đời. Qua một cảnh ngộ, một tình huống, một nỗi lòng của nhân vật, nhà văn muốn mang đến cho độc giả những vấn đề nhân sinh sâu sắc, “Vợ nhặt” của Kim Lân là một tác phẩm như thế. Tất cả những gì Kim Lân muốn gửi gắm có chăng đều được sáng ngời qua nhân vật bà cụ Tứ - người mẹ già tần tảo luôn nghĩ về tương lai lạc quan, tươi đẹp cho con mình. Chính vì điều đó mà ta nên nghiêng mình kính phục trước tài năng viết truyện của Kim Lân, ông giống như một loại đồ cổ quý hiếm cất giữ trong đó nhiều bụi vàng văn hoá thẳm sâu của nền văn minh sông Hồng. “Thời gian có thể phủ bụi một số thứ, nhưng có những thứ càng rời xa thời gian, càng sáng, càng đẹp” và “Vợ nhặt” của Kim Lân đã minh chứng rõ nét nhất cho điều đó. Dù ra đời cách đây gần nửa thế kỉ nhưng sức sống của nó vẫn sẽ tồn tại đến muôn đời, khiến cho thế hệ trẻ ngày nay biết quý trọng tình yêu thương của đấng sinh thành, biết thấm thía câu nói “Người mẹ nắm lấy tay con mình chỉ một lúc, nhưng trái tim mẹ dành cho con là vĩnh viễn”.
0 phiếu
bởi hoangktr8991011 Thạc sĩ (5.8k điểm)

Vợ nhặt là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân. Trong tác phẩm ta không chỉ nhớ về anh cu Tràng và chị vợ nhặt mà còn nhớ đến bà mẹ tảo tần, chịu nhiều vất vả. Bà cụ Tứ là hình ảnh bà mẹ nông dân Việt Nam trước 1945. Ở nhân vật này, Kim Lân không chú ý vào hành động mà đi sâu vào khai thác tâm trạng nhân vật, qua đó khẳng định tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của ông.

Diện mạo của bà cụ Tứ chỉ được tác giả phác họa bằng vài chi tiết “dáng đi lọng khọng, đôi mắt nghèn dử, vừa đi vừa húng hắng ho”. Nhưng chừng ấy cũng đã đủ để cho người đọc hình dung về một bà mẹ nhân dân lam lũ, vất vả đã bị cái đói cái nghèo đeo bám suốt cả cuộc đời.

Nhưng ngòi bút tập trung đi sâu miêu tả tâm lí bà cụ Tứ, đặc biệt là ở hai thời điểm: trong buổi tối cô vợ nhặt về nhà và buổi sáng hôm sau. Qua hai thời điểm đó đã cho thấy tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Kim Lân.

Khi bà cụ Tứ nhìn thấy cô con dâu, bà ngạc nhiên đến mức ngỡ ngàng vì chưa bao giờ bà thấy con trai bà mong ngóng bà về đến vậy. Sự ngạc nhiên tạo nên tâm lí phấp phỏng khi bà theo anh cu Tràng vào nhà và thấy một người đàn bà lạ ngồi trong nhà. Đến lúc này sự ngạc nhiên của bà đã lên đến đỉnh điểm, bà tự hỏi: “Quái, sao lại có người đàn bà ngồi trong ý nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u”. Sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến mức bà không tin nổi vào mắt mình, phải dụi mắt để cho đỡ nhoèn.

Sau khi được anh con trai giải thích, tâm trạng bà ngổn ngang, rối bời. Bằng trái tim yêu thương của người mẹ, lòng bà dâng lên tình yêu thương con sâu sắc. Bởi bà hiểu người ta chỉ lấy vợ lấy chồng khi cuộc sống yên ổn, nhưng con bà lại lấy vợ vào thời điểm cái đói diễn ra ác liệt nhất. Cùng với đó bà nghĩ tủi cho phận người mẹ nghèo khi không làm tròn trách nhiệm lo lắng cho hạnh phúc của con. Tất cả những nỗi lòng ấy được dồn trong cái cúi đầu nín lặng. Sau tình yêu thương bà chuyển sang xót xa, lo lắng “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau vượt qua cơn đói khát này được không?”. Nạn đói đang hoành hành, những lo lắng của bà là hoàn toàn hợp lí. Từ lòng yêu thương, lo lắng cho con, tấm lòng nhân hậu của người mẹ còn chuyển sang người vợ nhặt. Dù Tràng không giới thiệu chi tiết, tỉ mỉ nhưng với kinh nghiệm sống của mình và hiểu đám cưới vội vã của người con dâu. Bà nhìn cô với ánh mắt đầy cảm thông, yêu thương: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ”. Như vậy bà không chỉ là hiện thân của tình mẫu tử thiêng liêng mà còn là hiện thân của tấm lòng bao dung, vị tha, sẵn sàng giúp đỡ những người có số phận bất hạnh, éo le.

Dù trong lòng ngập tràn nỗi xót xa, nhưng bà vẫn luôn nói nhưng điều vui vẻ, hạnh phúc với người con dâu mới: “ừ, thôi thì các con đã phải duyên, phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Câu nói vừa xóa đi cái ngượng ngùng cho người con dâu vừa là sự chào đón đầy ấm áp, nhân từ bà dành cho thành viên mới của gia đình. Dù miệng nói ra những điều phấn khởi, vui vẻ nhưng ám ảnh về cái đói, cái chết vẫn là quá lớn. Bởi vậy, khi chìm vào thế giới của riêng mình bà vẫn không khỏi lo lắng, xót xa, và không nén nổi thành dòng nước mắt chảy ròng ròng.

Trong buổi sáng hôm sau, Kim Lân tiếp tục đi sâu khai thác tâm lí bà cụ Tứ, đặc biệt nhấn mạnh vào niềm tin, khát vọng tương lai. Cùng với sự thay đổi của Tràng và cô vợ nhặt, bà cụ Tứ cũng có sự thay đổi rõ ràng. Tràng đã cảm nhận thấy người mẹ của mình có dáng vẻ khác hẳn mọi khi, không phải sự nhếch nhác, khổ sở mà thay vào đó là dáng điệu nhẹ nhõm, tươi tỉnh. Bà dậy sớm cùng con dâu quét dọn nhà cửa. Những hành động tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn lao, nó thể hiện sự vun đắp, chăm lo của người mẹ cho hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.

Để tạo niềm tin và hi vọng vào tương lai cho vợ chồng Tràng, trong bữa cơm ngày đói bà lão toàn nói những chuyện sung sướng sau này. Sự tính toán của bà về việc mua lấy đôi gà để ngoảnh đi ngoảnh lại đã có đàn gà, khiến cho đôi vợ chồng có niềm tin vào tương lai. Nhưng dù dùng những câu chuyện vui, lạc quan thì bà lão vẫn không thay đổi được hiện thực là nồi cháo kia chỉ đủ cho mỗi người ăn hai lưng là hết. Và để vượt qua cái đói, bữa cơm đón cô dâu mới có thêm cả nồi cháo cám. Bưng nồi cháo cám ra, phản ứng tâm lí của bà vô cùng đáng thương, bà lật đật, lễ mễ, khuấy khuấy cùng với giọng nói đầy phấn khởi, để giấu bớt đi phần khắc nghiệt của hiện thực là bát cháo cám nghẹn ứ ở cổ. Những hành động đó của bà thật cảm động và đáng trân trọng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong ba nhân vật, Kim Lân lại để một bà cụ gần đất xa trời nói về tương lai, nhưng điều tốt đẹp, sau đó còn ẩn chứa thông điệp: Dù thế nào cũng phải giữ lấy niềm tin và hi vọng. Đồng thời cũng là sự ngợi ca của tác giả trước sức sống khỏe khoắn, mãnh liệt của tâm hồn Việt. Người mẹ nghèo nhưng tính cách bao dung, nhân từ đã gieo mầm sự sống, hạnh phúc lứa đôi. Có thể coi bà cụ Tứ là điểm kết tinh của tác phẩm, thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
2 câu trả lời 255 lượt xem
Phân tích nhân vật ông Sáu để thấy được tình cảm cha con thiêng liêng giữa thời chiên.
đã hỏi 7 tháng 12, 2021 trong Ngữ văn lớp 9 bởi metraidauthaimoihet Học sinh (104 điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 192 lượt xem
Phân tích bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu để thấy bài thơ đã diễn tả sâu sắc tình đồng chí gắn bó thiêng liêng của anh bộ đội thời kháng chiến.
đã hỏi 30 tháng 11, 2021 trong Ngữ văn lớp 9 bởi metraidauthaimoihet Học sinh (104 điểm)
+1 thích
2 câu trả lời 423 lượt xem
Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi "của Lê Minh Khuê ?
đã hỏi 26 tháng 5, 2020 trong Ngữ văn lớp 9 bởi PTG Tiến sĩ (22.4k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 701 lượt xem
Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của nhà văn Kim Lân trong tác phẩm “Vợ nhặt”.
đã hỏi 12 tháng 4, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 36 lượt xem
đã hỏi 29 tháng 6, 2023 trong Ngữ văn lớp 12 bởi vongochuy Cử nhân (2.2k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 566 lượt xem
Anh/Chị có nghĩ rằng: Tình yêu thương sẽ chữa lành những vết thương?
đã hỏi 8 tháng 3, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi Khách
0 phiếu
1 trả lời 81 lượt xem
Tình bà cháu luôn là thứ tình cảm thiêng liêng mà siết bao gần gũi, ấm áp. Hình ảnh của bà luôn gắn liền với những kí ức tuổi thơ rất đỗi hồn nhiên, trong sáng. Đến với Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh, ta sẽ bắt gặp một tình bà cháu bình dị mà cũng vô cùng cảm động như ... hãy viết đoạn văn (từ 6 - 8 câu) nêu cảm nghĩ của em về hình ảnh người bà trong bài thơ Tiếng gà trưa của tác giả Xuân Quỳnh.
đã hỏi 16 tháng 12, 2021 trong Ngữ văn lớp 7 bởi Khang1000 Tiến sĩ (29.7k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 2.3k lượt xem
Tình bà cháu luôn là thứ tình cảm thiêng liêng mà siết bao gần gũi, ấm áp. Hình ảnh của bà luôn gắn liền với những kí ức tuổi thơ rất đỗi hồn nhiên, trong sáng. Đến với Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh, ta sẽ bắt gặp một tình bà cháu bình dị mà cũng vô cùng cảm động như ... hãy viết đoạn văn (từ 6 - 8 câu) nêu cảm nghĩ của em về hình ảnh người bà trong bài thơ Tiếng gà trưa của tác giả Xuân Quỳnh.
đã hỏi 29 tháng 11, 2021 trong Ngữ văn lớp 7 bởi Khang1000 Tiến sĩ (29.7k điểm)

HOT 1 giờ qua

  1. Darling_274

    20 Điểm

  2. minhquanhhqt160

    15 Điểm

  3. lueyuri009730

    15 Điểm

  4. lenguyenducminh05102011227

    5 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...