Có một bài ca không bao giờ quên…”
Cũng có những năm tháng không bao giờ quên, không phai mờ trong ký ức của nhiều thế hệ đã qua, hôm nay và mai sau. Đó chính là vào giai đoạn chuyển giao khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, các cơ quan trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc để trở về Hà Nội. Đây còn là khúc giao thời của lòng người: liệu cuộc sống hòa bình, yên vui có làm cho người ta quên đi những người con anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kỳ lịch sử, hòa bình có làm người ta quên đi những tháng năm gian khổ, nghĩa tình: “ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Chỉ những lúc dễ quên nhất ấy, thi phẩm “Việt Bắc” được xếp vào hạng những bài thơ "tống biệt" của Tố Hữu xuất hiện trong tập thơ cùng tên vừa ôn lại một thời kháng chiến gian khổ mà hào hùng, vừa như một lời nhắc nhở tâm tình thể hiện tình cảm gắn bó giữa người Việt Bắc và người cán bộ cách mạng. Từ đó làm tiền đề cho những kỉ niệm hiện về qua vị trí đoạn trích nằm ở phần 4 bài thơ, tái hiện một Việt Bắc trong tình yêu và nỗi nhớ – như một khúc ân tình trong bài ca trữ tình – chính trị “Việt Bắc” đằm thắm vào bậc nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại.
Nhớ về Việt Bắc là nhớ về những “người thương”, những con người đã chia sẻ “đắng cay ngọt bùi”. Chính những gắn bó trong gian khổ, những sẻ chia ngọt bùi đã trở thành những kỷ niệm da diết trong trái tim người đi, khó có thể quên được. Đó là những ngày tuy khó khăn nhưng lại đậm đà tình nghĩa:
“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi
Nhớ Việt Bắc không chỉ là nỗi nhớ chung chung mà rất cụ thể. Nhớ những ngày gần gũi « mình đây ta đó », cùng chia sẻ « đắng cay ngọt bùi ». Từ “đây-đó” chỉ vị trí liền kề, gợi sự gắn bó bền chặt, thân thiết trong tình cảm thuỷ chung, son sắt, keo sơn ngọt bùi, đắng cay cùng chia sẻ.
Kỉ niệm dù chưa rõ hình hài, dáng nét nhưng đã đủ khơi gợi qua ẩn dụ cụm từ “đắng cay ngọt bùi”. Trong khi đắng cay là những thiếu thốn gian khổ, nhọn nhằn của đời sống vật chất, thì ngọt bùi là nghĩa tình yêu thương giữa đồng bào chiến khu và cán bộ kháng chiến. Biết bao xúc động bồi hồi cùng những ngọt ngào dồn chứa trong mấy chữ « đắng cay, ngọt bùi » và dấu chấm lửng cuối dòng thơ
Nét đặc sắc cao quí của Việt Bắc chính là ở chỗ nghèo cực mà chân tình, rộng mở, son sắt, thủy chung với cách mạng:
“Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”.
Thiên nhiên Việt Bắc thơ mộng, trầm tĩnh, thâm u, con người Việt Bắc giản dị, mộc mạc, dù cuộc sống lao động gian khổ nhưng họ lạc quan yêu đời. Tuy thiếu thốn, gian khổ nhưng cảnh và người Việt Bắc vẫn ánh lên vẻ đẹp và tình nghĩa chan hòa. Hình ảnh tượng trưng: "Chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" kết hợp với cách dùng từ cùng nghĩa "chia, sẻ, cùng" diễn tả được mối tình cảm "chia ngọt sẻ bùi" giữa nhân dân Việt Bắc và cán bộ cách mạng. Việt Bắc đã chia sẻ với những người kháng chiến từ bát cơm, củ sắn rất cụ thể của đời sống vật chất đến những ngọt bùi, đắng cay không tả xiết của đời sống tinh thần. Các hình ảnh vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa tượng trưng. Tất cả đều hướng đến giá trị cao cả của tình quân dân đậm đà tính giai cấp qua sự đồng cam cộng khổ mà đồng bào Việt Bắc và các anh chiến sĩ cách mạng đã từng trải qua trong những năm kháng chiến..
Cuộc sống của đồng bào Việt Bắc tuy nghèo khó nhưng là những con người giàu tình nghĩa. Họ sẵn sàng chia sẻ cho người cán bộ kháng chiến từng “bát cơm”, “củ sắn lùi”, mảnh “chăn sui”. “Chăn sui” có thể chưa chống lại được cái giá rét thấu xương nơi núi rừng Việt Bắc nhưng trên thực tế nó đã sưởi ấm được hồn người, gắn kết được tình người. Cũng như thế, “củ sắn lùi” dù chưa đủ no lòng nhưng vẫn có thể làm dịu đi những cơn đói rất thật bằng giá trị tinh thần ngọt bùi của nó. Hai câu thơ chứa đựng bao tình nghĩa sâu đậm. Tất cả những khoảnh khắc ấy sáng mãi trong lòng người ra đi, tâm trí người ở lại, ghi dấu ấn không thể xóa nhòa.
Nỗi nhớ trải dài qua khắp núi rừng Việt Bắc rộng lớn, để rồi quy tụ về những con người, mà cụ thể ở đây là hình ảnh của người mẹ. Những người mẹ đã vất vả, nhọc nhằn địu con trên lưng dưới cái nắng cháy da để bẻ bắp nuôi bộ đội làm ấm lòng những người con xa mẹ đi chiến đấu:
“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô”