Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
+1 thích
296 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)

3 Trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

“Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ,

Với buồn phơn phớt, vắng trơ vơ.

Cây gì mảnh khảnh run cầm cập,

Điềm báo thu vàng gầy xác xơ.”

(“Cuối thu” – Hàn Mặc Tử)

Mùa thu trầm lắng phảng phất sự cô đơn đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử như thế. Đã có không ít thi nhân bị mùa thu làm cho rung động tâm hồn như “người bán trăng” kia, trong số đó không thể không nhớ đến Nguyễn Khuyến với chùm thơ thu kinh điển của mình: “Thu vịnh”, “Thu ẩm” và “Thu điếu”. Nguyễn Khuyến là bậc đại tài của nền văn học Việt Nam, không chỉ vậy ông còn có cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân. Ông kiên quyết không hợp tác với chính quyền Pháp, cáo quan lui về ở ẩn và cho ra đời chùm thơ ba bài về mùa thu, bài thơ nào cũng hay nhưng "Thu điếu” là "điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, thể hiện cảnh sắc mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cũng nói lên tình yêu thiên nhiên, đất nước, tâm trạng thời thế của tác giả:

 

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Dẫn vào bài thơ là một không gian êm đềm, tĩnh lặng, dày đặc khí thu bao trùm:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

Ở vùng đồng chiêm trũng Yên Đổ thuộc huyện Bình Lục, Hà Nam, quê hương của cụ Tam Nguyên, hầu như nhà nào cũng có một cái ao nhỏ trong vườn. Nhà thơ đã chọn địa điểm là một hình ảnh thân thuộc, bình dị của vùng quê Việt Nam để miêu tả cảnh sắc mùa thu. Lúc này không còn cái se lạnh đầu thu nữa mà đã là thu phân, thu mạt rồi nên mới ao thu mới trở nên “lạnh lẽo”. Cái lạnh ấy ngấm dần vào làn nước khiến màu nước “trong veo” phảng phất sự u buồn và cô đơn. Vần “eo” như một lời cảm thán, một tiếng reo nhỏ kéo dài thể hiện niềm thích thú của tác giả trước sự trong trẻo của ao thu. Có lẽ đó chính là nét đặc trưng của mùa thu xứ Bắc, hiếm có nơi nào có được.

Trên nền ao thu vốn đã rất nhỏ nhưng còn xuất hiện “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” rất tương xứng với ao thu. Chỉ là “một chiếc” thôi không hơn, số từ “một” khiến chiếc thuyền câu bơ vơ đơn độc.Thi nhân khéo léo sử dụng từ láy tài tình cùng phép gieo vần “eo” liên tiếp tạo cảm giác bất động, âm điệu của vần thơ gợi ra sự hun hút của cảnh vật, đồng thời cũng gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn man mác trước cảnh vắng vẻ, ít người qua lại. Bức tranh thu cứ thế êm đềm và yên ả khiến nhà thơ tinh tế nhận ra từng chuyển động nhỏ nhặt nhất:

“Sóng biếc theo làn hơi gợi tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.”

 

Điểm xuyết cho bức tranh thu thêm phần đẹp đẽ là gợn “sóng biếc” và chiếc “lá vàng”. Nhà thơ vận dụng phép đối giữa cái nhìn thấy: “sóng biếc” – “lá vàng” và cái nghe thấy “hơi gợn tí” – “khẽ đưa vèo” làm cảnh vật trời thu thêm phần sinh động, màu sắc hài hòa.Tưởng rằng thêm vào sẽ bớt vắng vẻ, đìu hiu nhưng lại càng gợi cái nhỏ bé, mong manh của sự vật. Bởi “sóng biếc” chỉ lăn tăn, dịu nhẹ, “hơi gợn”, một cái động rất khẽ phải chăm chú lắm mới thấy, mà còn lại “gợn tí” một chút cỏn con. Lá vàng thì “ khẽ đưa vèo” như chỉ tạo ra một vệt sáng vàng rồi nằm lặng im nơi nào đó, tạo cảm giác vừa chậm vừa buồn, vì thế chữ “vèo” là một nhãn tự mà sau này thi sĩ Tản Đà vừa khâm phục, vừa tâm đắc. Nguyễn Khuyến phải là một người tinh tế, yêu thiên nhiên, cảnh vật non nước biết nhường nào mới có thể hòa mình cảm nhận từng khía cạnh nhỏ nhặt nhất của thiên nhiên như vậy. Nhà thơ đã rất tài tình khi lấy động tả tĩnh, có âm thanh mà vẫn như vô thanh. Hai câu thơ nao nao thoang thoảng cái buồn tẻ, tiếng xao động trong cõi lòng của tác giả, phải chăng đây cũng là tâm trạng thời thế của tác giả, tâm sự đau buồn trước cảnh tình đất nước đầy đau thương, loạn lạc?

Cụ Tam Nguyên bắt đầu phóng tầm nhìn ra xa hơn để làm rõ thêm hồn thu vọng về trong cảnh thu:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khánh vắng teo.”

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Bức tranh thu dần được mở rộng ra. Ta lại bắt gặp phép đối trong thơ Nguyễn Khuyến, cái xa xăm của “tầng mây” đối với cái gần gũi của “ngõ trúc”, nét đậm đặc của “trời xanh ngắt” tương phản với sự thưa thớt của “khách vắng teo”. Không gian được mở rộng lên chiều cao, sang bề rộng nhưng cũng không bớt vắng vẻ cô đơn. Áng mây trắng “lơ lửng” giữa không trung như không muốn trôi, chẳng về với trời cũng chẳng sà xuống thấp, lẻ loi trong bao la. Sắc trời “xanh ngắt” – xanh rất đậm, xanh như có hình khối, sắc xanh tuyệt đối ấy càng khẳng định cái đơn côi lẻ loi của sự vật. Nếu như mùa thu của Lưu Trọng Lư là “con nai vàng ngơ ngác”, mùa thu của Hữu Thỉnh là “hương ổi” ngát thơm thì mùa thu của Nguyễn Khuyến là sắc “xanh ngắt” tràn ngập:
- “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao.”
(Thu vịnh)
- “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt.”
(Thu ẩm)
- “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt.”
(Thu điếu)
Trời thu trong thơ Nguyễn Khuyến là một màu thăm thẳm, gợi ra cái sâu lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ. Trời xanh cao vẫn đượm nét buồn dạt dào, hạ tầm nhìn xuống thấp mong chờ sự giao hòa đồng cảm nhưng cũng chỉ thấy “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Người đi lại đã ít, nếu có bóng người nào đi lại cũng sẽ bị cái “quanh co” ấy che khuất, vì vậy cái vắng vẻ thành ra tuyệt đối. Không những thế lại còn là “vắng teo” tạo cảm giác vắng lặng đến vô cùng. Cảnh vật êm đềm nhưng lại phảng phất một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Phải chăng “khách vắng teo” cũng giống sự thiếu đi những nhân tài giúp dân cứu nước? Phải chăng trong lòng tác giả đang nặng trĩu, luẩn quẩn không lối thoát, bế tắc với những biến động của đất nước? Bất mãn với xã hội, khinh bạc chốn quan trường nhưng vẫn nặng lòng lo cho an nguy của Tổ quốc. Cảnh vật kia dù mang vạn phần bình yên nhưng lòng người vẫn gánh vạn phần giông bão. Vậy nên, dầu lui về ở ẩn, tâm hồn nhà thơ vẫn canh cánh một niềm riêng.
Có lẽ vì nỗi buồn quá lớn, Nguyễn Khuyến không thể gửi gắm mãi vào thiên nhiên. Hai câu cuối bài thơ hạ xuống cũng là lúc bài thơ vén lên bức màn để lộ một con người với niềm ưu tư day dứt:

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Nhan đề “Thu điếu” có ý muốn chỉ đến việc câu cá vào mùa thu thế nhưng sáu câu đầu mới chỉ có cảnh vật: ao thu, chiếc thuyền câu, sóng biếc, lá vàng, tầng mây, ngõ trúc… mãi đến phần kết mới xuất hiện người câu cá. Câu thơ thể hiện một tư thế nhàn: “tựa gối ôm cần” trong sự trải dài của thời gian: “lâu chẳng được”. Tư thế ấy như cố thu nhỏ lại cho tương xứng với cảnh vật chung quanh và cái dáng ngồi ấy phần nào thể hiện tâm trạng thế sự của nhà thơ khiến người đọc liên tưởng đến một Lã Vọng câu cá bên bờ sông Vị để chờ thời hơn mấy nghìn năm về trước. Có điều, cụ Tam Nguyên không chờ thời mà bất lực trước thời cuộc, không chấp nhận làm tay sai cho Pháp nên cáo quan về ở ẩn tại quê nhà. Người câu cá như đang ru hồn mình trong giấc mộng mùa thu…
Để rồi một tiếng cá đâu đớp động mơ hồ dưới chân bèo đã làm cho nhà thơ khẽ giật mình, trở về thực tại – một thực tại đầy xót xa, day dứt đối với tâm hồn trĩu nặng nỗi niềm yêu nước thương dân. Một câu kết vừa ảo vừa thực: có thể cá cắn câu mà cũng có thể không, một sự mơ hồ không thể xác định rõ. Từ đó có thể thấy, nhà thơ làm ngư ông chỉ vì muốn lánh đời. Nhưng cuộc đời ở ẩn không làm tan đi nỗi ưu tư với đất nước. Thi nhân ưu tư về vận nước, ưu tư về lẽ đời, một niềm ưu tư dai dẳng, khắc khoải khôn nguôi. Chính câu thơ cuối đã cho ta cảm nhận được Nguyễn Khuyến là một người có lòng yêu thiên nhiên sâu sắc đặt cùng với lòng yêu nước đầy sâu nặng.
Gấp lại trang thơ, ta vẫn còn vương vấn chút hương thu sót lại từ những vần thơ của Nguyễn Khuyến. Bài thơ là mùa thu, hồn thu của làng quê Bắc Bộ nói riêng cũng như làng quê Việt Nam nói chung. Bức tranh thu sẽ không thể nào hoàn hảo nếu thiếu đi các bút pháp miêu tả điêu luyện của nhà thơ, các phép đối tài tình gợi cho người đọc về hình ảnh lẫn âm thanh cùng vần “eo” đi vào thơ một cách tự nhiên, hợp lí. Không cần những hình ảnh cầu kì, ước lệ trong văn chương, chi vài cảnh vật đơn sơ, quen thuộc, nhà thơ đã tạc vào thời gian một bức tranh thu dân dã, mộc mạc mà không kém phần sinh động, đặc sắc. Cái hay của bài thơ là sự vắng lặng, mênh mông khiến cho mọi thứ dường như thu nhỏ và ẩn kín vào trong nhưng vẫn có thể bật lên nỗi đau thời thế của nhà thơ đối với tình cảnh đất nước lầm than, dân chúng loạn lạc.
“Thu điếu” thực sự là một kiệt tác về mùa thu, một thi phẩm tuyệt bút về tả cảnh ngụ tình. Nguyễn Khuyến đã lắng mình vào cảnh vật để tinh tế nhận ra tiếng thu xưa qua từng chuyển động nhẹ nhàng nhất của thiên nhiên. Ngòi bút của thi nhân không những khiến người đọc bị ấn tưởng bởi nét đẹp của mùa thu làng quê mà còn khơi dậy tấm lòng yêu nước ẩn sâu trong mỗi người. Ông xứng đáng là nhà thơ kiệt xuất chiến địa vị vẻ vang trong nền thơ ca Việt Nam. Bản thân tôi cũng thêm phần trân trọng tài năng của thi nhân, nhận ra được rằng tình yêu thiên nhiên, làng quê, nội cỏ chính là cái nôi để phát triển nên tình yêu nước cao cả, thiêng liêng.
0 phiếu
bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)

I. Mở bài

- Đôi nét về tác giả Nguyễn Khuyến: một tác giả chịu ảnh hưởng đậm nét tư tưởng Nho giáo, sáng tác của ông thường về đạo đức con người, người quân tử. Sau khi thấy thực tại rối ren, ông ở ẩn sáng tác các tác phẩm thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên thanh tịnh

- Bài thơ Câu cá mùa thu: Là một bài thơ trong chùm thơ thu ba bài được sáng tác trong thời gian tác giả ở ẩn

II. Thân bài

1. Hai câu đề

- Mùa thu gợi ra với hai hình ảnh vừa đối lập vừa cân đối hài hoà “ao thu”, “chiếc thuyền câu” bé tẻo teo;

    + Màu sắc “trong veo”: sự dịu nhẹ, thanh sơ của mùa thu

    + Hình ảnh: Chiếc thuyền câu bé tẻo teo ⇒ rất nhỏ

    + Cách gieo vần “eo”: giàu sức biểu hiện

- Cũng từ ao thu ấy tác giả nhìn ra mặt ao và không gian quanh ao ⇒ đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

⇒ bộc lộ rung cảm của tâm hồn thi sĩ trước cảnh đẹp mùa thu và của tiết trời mùa thu, gợi cảm giác yên tĩnh lạ thường

2. Hai câu thực

- Tiếp tục nét vẽ về mùa thu giàu hình ảnh:

    + Sóng biếc: Gợi hình ảnh nhưng đồng thời gợi được cả màu sắc, đó là sắc xanh dịu nhẹ và mát mẻ, phải chăng là sự phản chiếu màu trời thu trong xanh

    + Lá vàng trước gió: Hình ảnh và màu sắc đặc trưng của mùa thu Việt Nam

- Sự chuyển động:

    + hơi gợn tí ⇒ chuyển động rất nhẹ ⇒sự chăm chú quan sát của tác giả

    + “khẽ đưa vèo” ⇒ chuyển động rất nhẹ rất khẽ ⇒ Sự cảm nhận sâu sắc và tinh tế

⇒ Nét đặc sắc rất riêng của mùa thu làng quê được gợi lên từ những hình ảnh bình dị, đó chính là “cái hồn dân dã”

3. Hai câu luận

- Cảnh thu đẹp một vẻ bình dị nhưng tĩnh lặng và đượm buồn:

    + Không gian của bức tranh thu được mở rộng cả về chiều cao và chiều sâu

    +Tầng mây lơ lửng: gợi cảm giác thanh nhẹ, quen thuộc gần gũi, yên bình, tĩnh lặng.

    + Hình ảnh trời xanh ngắt: sắc xanh của mùa thu lại được tiếp tục sử dụng, nhưng không phải là màu xanh dịu nhẹ, mát mẻ mà xanh thuần một màu trên diện rộng ⇒ đặc trưng của mùa thu.

    + Hình ảnh làng quê được gợi lên với “ngõ trúc quanh co”: hình ảnh quen thuộc

    + Khách vắng teo: Gieo vần “eo” gợi sự thanh vắng, yên ả, tĩnh lặng

⇒ Không gian của mùa thu làng cảnh Việt Nam được mở rộng lên cao rồi lại hướng trực tiếp vào chiều sâu, không gian tĩnh lặng và thanh vắng

4. Hai câu kết

- Xuất hiện hình ảnh con người câu cá trong không gian thu tĩnh lặng với tư thế “Tựa gối buông cần”:

    + “ Buông”: Thả ra (thả lỏng) đi câu để giải trí, ngắm cảnh mùa thu

    + “Lâu chẳng được” : Không câu được cá

⇒ Đằng sau đó là tư thế thư thái thong thả ngắm cảnh thu, đem câu cá như một thú vui làm thư thái tâm hồn ⇒ sự hòa hợp với thiên nhiên của con người

- Toàn bài thơ mang vẻ tĩnh lặng đến câu cuối mới xuất hiện tiếng động:

    + Tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” → sự chăm chú quan sát của nhà thơ trong không gian yên tĩnh của mùa thu, nghệ thuật “lấy động tả tĩnh”

⇒ Tiếng động rất khẽ, rất nhẹ trong không gian rộng lớn càng làm tăng vẻ tĩnh vắng , “cái tĩnh tạo nên từ một cái động rất nhỏ”

⇒ Nói câu cá nhưng thực ra không phải bàn chuyện câu cá, sự tĩnh lặng của cảnh vật cho cảm nhận về nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ, đó là tâm sự đầy đau buồn trước tình cảnh đất nước đầy đau thương

5. Nghệ thuật

- Bút pháp thuỷ mặc (dùng đường nét chấm phá) Đường thi và vẻ đẹp thi trung hữu hoạ của bức tranh phong cảnh

- Vận dụng tài tình nghệ thuật đối.

- Nghệ thuật lấy động tả tĩnh được sử dụng thành công

- Cách gieo vẫn “eo” và sử dụng từ láy tài tình

III. Kết bài

- Khẳng định lại những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của bài thơ

- Bài thơ đem đến cho độc giả những cảm nhận sâu lắng về một tâm hồn yêu nước thầm kín mà thiết tha

 

bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)

Bài mẫu 

Trong nền thơ ca dân tộc có nhiều bài thơ tuyệt hay nói về mùa thu. Riêng Nguyễn Khuyến đã có chùm thơ ba bài: Thu vịnh, Thu ẩm và Thu điếu. Bài thơ nào cũng hay, cũng đẹp cho thấy một tình quê dào dạt. Riêng bài "Thu điếu", nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là "điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam". "Thu điếu" là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh đẹp mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.

   "Thu điếu" được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

   Hai câu đầu nói về ao thu và chiếc thuyền câu. Nước ao "trong veo" toả hơi thu "lạnh lẽo". Sương khói mùa thu như bao trùm cảnh vật. Nước ao thu đã trong lại trong thêm, khí thu lành lạnh lại trở nên"lạnh lẽo". Trên mặt nước hiện lên thấp thoáng một chiếc thuyền câu rất bé nhỏ -"bé tẻo teo". Cái ao và chiếc thuyền câu là hình ảnh trung tâm của bài thơ, cũng là hình ảnh bình dị, thân thuộc, đáng yêu của quê nhà. Theo Xuân Diệu cho biết vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam có cơ man nào là ao, nhiều ao cho nên ao nhỏ, ao nhỏ thì thuyền câu cũng theo đó mà "bé tẻo teo":

    "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo".

   Các từ ngữ: "lạnh lẽo", "trong veo","bé tẻo teo" gợi tả đường nét, dáng hình, màu sắc của cảnh vật, sắc nước mùa thu; âm vang lời thơ như tiếng thu, hồn thu vọng về.

   Hai câu thơ tiếp theo trong phần thực là những nét vẽ tài hoạ làm rõ thêm cái hồn của cảnh thu:

    "Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

    Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo".

   Màu"biếc" của sóng hoà hợp với sắc "vàng" của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật đối trong phần thực rất điêu luyện, "lá vàng" với "sóng biếc", tốc độ "vèo" của lá bay tương ứng với mức độ "tí" của sóng gợn. Nhà thơ Tản Đà đã hết lời ca ngợi chữ "vèo" trong thơ của Nguyễn Khuyến. Ông đã nói một đời thơ của mình may ra mới có được một câu thơ vừa ý trong bài "Cảm thu, tiễn thu", "Vèo trông lá rụng đầy sân".

   Hai câu luận mở rộng không gian miêu tả. Bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời "xanh ngắt" với những tầng mây "lơ lửng" trôi theo chiều gió nhẹ. Trong chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến nhận diện sắc trời thu là "xanh ngắt":

    - "Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

            (Thu vịnh)

    - "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt".

            (Thu ẩm)

    - "Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt".

            (Thu điếu)

   "Xanh ngắt" là xanh mà có chiều sâu. Trời thu không mây (mây xám), mà xanh ngắt một màu thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Thế rồi, ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Hình như người dân quê đã ra đồng hết. Xóm thôn vắng lặng, vắng teo. Mọi con đường quanh co, hun hút, không một bóng người qua lại:

    "Ngõ trúc quanh co khách vắng teo".

   Cảnh vật êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá như đang chìm trong giấc mộng mùa thu. Tất cả cảnh vật từ mặt nước "ao thu lạnh lẽo" đến "chiếc thuyền câu bé tẻo teo", từ "sống biếc" đến "lá vàng", từ"tầng mây lơ lửng đến "ngõ trúc quanh co" hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh,... có khi thoáng chút bâng khuâng, man mác, nhưng rất gần gũi, thân thiết với mỗi con người Việt Nam. Phong cảnh thiên nhiên của mùa thu quê hương sao đáng yêu thế!

   Cái ý vị của bài thơ "Thu điếu" là ở hai câu kết:

    "Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo".

   "Tựa gối ôm cần" là tư thế của người câu cá cũng là một tâm thế nhàn của nhà thơ đã thoát vòng danh lợi. Cái âm thanh"cá đâu đớp động", nhất là từ "đâu" gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Người câu cá ở đây chính là nhà thơ, một ông quan to triều Nguyễn, yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp đã cáo bệnh, từ quan. Đằng sau câu chữ hiện lên một nhà nho thanh bạch trốn đời đi ở ẩn. Đang ôm cần đi câu cá nhưng tâm hổn nhà thơ đang đắm chìm trong giấc mộng mùa thu, bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi"Cá đâu đớp động dưới chân bèo". Cho nên cảnh vật ao thu, trời thu êm đềm, vắng lặng như chính nỗi lòng của nhà thơ vậy — buồn cô đơn và trống vắng.

   Âm thanh tiếng cá"đớp động dưới chân bèo" đã làm nổi bật khung cảnh tịch mịch của chiếc ao thu. Cảnh vật như luôn luôn quấn quýt với tình người. Thiên nhiên đối với Nguyễn Khuyến như một bầu bạn tri kỉ. Ông đã trang trải tình cảm, gửi gắm tâm hồn, tìm lời an ủi ở thiên nhiên, ở sắc "vàng" của lá thu, ở màu"xanh ngắt" của bầu trời thu, ở làn "sóng biếc" trên mặt ao thu "lạnh lẽo"...

   Thật vậy, "Thu điếu" là một bài thơ tả cảnh ngụ tình rất đặc sắc của Nguyễn Khuyến. Cảnh sắc mùa thu quê hương được miêu tả bằng những gam màu đậm nhạt, những nét vẽ xa gần, tinh tế gợi cảm. Âm thanh của tiếng lá rơi đưa"vèo" trong làn gió thu, tiếng cá"đớp động" chân bèo - đó là tiếng thu dân dã, thân thuộc của đồng quê đã khơi gợi trong lòng chúng ta bao hoài niệm đẹp về quê hương đất nước.

   Nghệ thuật gieo vần của Nguyễn Khuyến rất độc đáo. Vần "eo" đi vào bài thơ rất tự nhiên thoải mái, để lại ấn tượng khó quên cho người đọc; âm hưởng của những vần thơ như cuốn hút chúng ta: trong veo - bé tẻo teo - đưa vèo - vắng teo - chân bèo. Thi si Xuân Diệu đã từng viết: "Cái thú vị của bài "Thu điếu" ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi"...

   Thơ là sự cách điệu tâm hồn. Nguyễn Khuyến yêu thiên nhiên mùa thu, yêu cảnh sắc đồng quê với tất cả tình quê nồng hậu. Ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Đọc"Thu điếu","Thu vịnh","Thu ẩm", chúng ta yêu thêm mùa thu quê hương, yêu thêm xóm thôn đồng nội, đất nước. Với Nguyễn Khuyến, tả mùa thu, yêu mùa thu đẹp cũng là yêu quê hương đất nước. Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt xuất đã chiếm một địa vị vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.

0 phiếu
bởi Trần Nhật Dương Cử nhân (3.7k điểm)

Mùa thu là đề tài quen thuộc của thi ca. Thơ viết về mùa thu của văn học Trung đại Việt Nam thường miêu tả cảnh đẹp vắng vẻ, úa tàn và u buồn. Cảnh thu được ghi lại một cách ước lệ tượng trưng với những nét chấm phá, chớp lấy cái hồn của tạo vật. Thu điếu của Nguyễn Khuyến cũng mang nét thi pháp ấy.

Nhưng Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ của làng quê Việt Nam. Gần suốt đời mình, ông gắn bó với thôn quê, hòa hợp và thấu hiểu mảnh đất quê nhà. Thế nên, cảnh vật làng quê trong thơ ông hiện lên rất chân thực, giản dị, tinh tế. Đọc Thu điếu, ta bắt gặp một bức tranh thu đặc trưng của vùng chiêm trũng Bắc bộ, quê hương của nhà thơ. Đấy chính là nét mới mẻ của tác phẩm so với thi pháp truyền thống của văn học Trung đại Việt Nam.

Thu điếu viết bằng chữ Nôm, làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Cảnh thu được miêu tả trong hầu hết 8 câu thơ, hình ảnh con người chỉ xuất hiện trực tiếp ở hai câu cuối bài. Cảnh trong bài vẫn là trời nước, gió, trúc – những thi liệu quen thuộc nhưng hồn thơ thì đã vượt ra khỏi khuôn sáo thi tứ cổ điển. Hình ảnh đầu tiên được tác giả miêu tả là “ ao thu”. Từ “ lạnh lẽo” đặc tả khí lạnh của ao nước mùa thu, dường như cái lạnh ấy thấm sâu vào da thịt con người. Tính từ “trong veo” đã tuyệt đối hóa độ trong của nước, đồng thời còn gợi ra độ thanh sạch, sự bất động, tĩnh lặng của mặt ao. Hai âm “eo” được gieo trong một câu khiến cho cảm giác về cái lạnh và sự ngưng đọng của không gian càng trở nên tuyệt đối, đồng thời còn gợi ra không gian nhỏ hẹp của chiếc ao.

Trên nền cảnh thu ấy xuất hiện một chiếc thuyền câu lẻ loi, đơn chiếc, bé nhỏ. Số từ chỉ số ít “một chiếc” kết hợp với từ láy “tẻo teo” khiến cho chiếc thuyền càng nhỏ bé hơn, như co lại thành một nét chấm trên nền ao cũng bé xíu và trong trong tận đáy.

Hai câu đề đã vẽ nên cảnh sắc rất riêng biệt, mộc mạc, đơn sơ của mùa thu Bắc bộ với những nét đặc trưng nhất của khí thu, chất thu là cái lạnh và sự tĩnh lặng.

 

Mùa thu tiếp tục hiện lên với hình ảnh “sóng biếc”, “lá vàng”. Cảnh vận động một cách khẽ khàng. Tác giả đã rất nhạy cảm, tinh tế khi chớp được những biến động tinh vi của tạo vật. Đó là sự chuyển động “ hơi gợn tí” của sóng, là sự đưa nhẹ, khẽ khàng của chiếc lá vàng, là sự mong manh uốn lượn của hơi nước mờ ảo trên mặt ao.

Hai câu thơ đối nhau rất chỉnh, các sự vật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, gió thổi làm sóng gợn, làm lá rơi. Các tính từ, trạng từ “biếc”, ‘tí’, “vàng”, “khẽ”,”vèo” được sử dụng một cách hợp lí, giàu chất tạo hình, vừa tạo ra bức tranh màu sắc thanh nhã, có xanh có vàng, vừa gợi được sự uyển chuyển, sinh động của tạo vật. Cảnh được miêu tả trong hai câu thực, mặc dù là động, nhưng vì động khẽ khàng quá nên thực chất là lấy động để tả cái tĩnh lặng của mùa thu trong không gian của một chiếc ao quê nhà.

Không gian cảnh vật trong hai câu luận không chỉ dừng lại ở bề mặt chiếc ao mà còn mở rộng thêm chiều cao, chiều sâu.

Chiều cao được cụ thể bằng sự “lơ lửng” của tầng mây và độ thăm thẳm của da trời xanh ngắt. Màu da trời mùa thu dường như có ám ảnh sâu đậm trong tâm hồn Nguyễn Khuyến nên trong các bài thơ thu, ông thường nhắc tới: “ Trời thu xanh ngắt mấy từng cao” (Thu vịnh ) hay “ Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” ( Thu ẩm ). Bởi vậy, màu xanh ngắt của da trời không chỉ đơn giản là một sắc màu khách quan đặc trưng cảu trời thu mà có lẽ còn chính là tâm trạng nhiều ẩn ức, là chiều sâu tâm hồn đầy trăn trở của thi nhân.

Chiều sâu của không gian được cụ thể bằng độ “ quanh co” uốn lượn của bờ trúc. Không gian trong hai câu luận đậm dặc một màu xanh, màu xanh bao trùm cả trên cao và chiều rộng. Cảnh vật thoáng đãng và yên tĩnh. Nguyên từ “vắng” đã nói rõ sự tĩnh lặng rồi nhưng “vắng teo” thì có nghĩa là cảnh vắng tanh vắng ngắt, không chút cử động, không chút âm thanh, không một bóng người.

Bởi thế, hai câu thơ gợi ra sự trống vắng, nỗi cô đơn trong lòng người.

Hình ảnh con người xuất hiện trực tiếp với tư thế ngồi bó gối, trong trạng thái trầm tư mặc tưởng. Nhà thơ ngồi câu cá mà chẳng chú tâm đến việc câu, bởi vậy mới giật mình trước tiếng cá “ đớp động dưới chân bèo”. Không gian phải yên tĩnh lắm, tâm hồn nhà thơ phải trong trẻo lắm thì mới nghe rõ âm thanh nhỏ nhẹ như vậy.

Từ “cá đâu” là cách hỏi vừa tạo nên sự mơ hồ trong không gian vừa gợi ra sự ngỡ ngàng của lòng người. Nhà thơ dường như mất cảm giác về không gian thực tại mà chìm đắm trong không gian suy tưởng nên không thể xác định rõ hướng gây ra tiếng động mặc dù đang ngồi trong một chiếc ao rất nhỏ.

Nhà thơ câu cá mà chẳng phải để bắt cá. Câu chỉ là cái cớ để tìm sự thư thái trong tâm hồn. Trong lúc câu, thi nhân đã thâu tóm vào lòng những vẻ đẹp tinh diệu của đường nét, màu sắc, hình khối, sự vận động tinh tế, trong sáng của cảnh vật mùa thu. Cảnh thu tuy đẹp mà buồn, buồn vì quá quạnh quẽ, vắng lặng, buồn vì người ngắm cảnh cũng đang chất chứa nỗi niềm thế sự của kẻ sĩ trước cảnh vong quốc mà thân lại nhàn nhã.

 

Bài thơ Thu điếu không những thể hiện được cái hồn của cảnh thu mà còn đặc tả được nét đẹp mộc mạc giản dị của nông thôn đồng bằng Bắc bộ xưa. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Khuyến đã khơi gợi trong lòng người đọc những xúc cảm chân thành, trong sáng, tha thiết về cảnh sắc làng quê. Qua bài thơ, ta hiểu thêm về tấm lòng nặng tình non nước và tài thơ Nôm độc đáo của thi nhân.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
2 câu trả lời 273 lượt xem
Soạn bài: Câu cá mùa thu (Thu Điếu - Nguyễn Khuyến)
đã hỏi 22 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
  • ngữ-văn-11
  • phân-tích-thu-điếu
  • soạn
  • bài-tập
  • dễ
0 phiếu
1 trả lời 5.4k lượt xem
Đặc sắc nội dung - nghệ thuật tác phẩm Thu điếu của Nguyễn Khuyến
đã hỏi 28 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
+1 thích
1 trả lời 233 lượt xem
Phân tích bài thơ "Khóc Dương Khuê" của Nguyễn Khuyến
đã hỏi 27 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 189 lượt xem
+1 thích
3 câu trả lời 272 lượt xem
đã hỏi 15 tháng 12, 2021 trong Ngữ văn lớp 11 bởi PTG Tiến sĩ (22.4k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 221 lượt xem
. Anh (chị) hãy làm rõ ý kiến trên.
đã hỏi 26 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
+1 thích
0 câu trả lời 130 lượt xem
Tại sao Nguyễn Khuyến và Tú Xương sống gần như cùng thời với nhau, cùng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng ngôn ngữ thơ của Nguyễn Khuyến nhẹ nhàng, thâm thúy, còn Tú Xương thường mạnh mẽ, sâu cay, châm biến, đả kích ?
đã hỏi 29 tháng 8, 2018 trong Ngữ văn lớp 11 bởi amynguyen Thần đồng (682 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 126 lượt xem
Tổng kết về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Câu cá mùa thu?  
đã hỏi 24 tháng 6, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
+2 phiếu
2 câu trả lời 354 lượt xem
Soạn bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến
đã hỏi 22 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
+1 thích
1 trả lời 190 lượt xem
đã hỏi 11 tháng 1, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi PTG Tiến sĩ (22.4k điểm)
  1. monmon70023220

    560 Điểm

  2. minhquanhhqt160

    68 Điểm

  3. Darling_274

    63 Điểm

  4. 333cuchillthoi302

    37 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...