Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
+3 phiếu
617 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
Dàn ý chi tiết và phân tích tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao

4 Trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

I. MỞ BÀI

Đã có lần tôi tự hỏi phải chăng trái tim của nhà văn là một khối pha lê tinh khiết, để qua đó bao kiếp người từ hạnh phúc đến đớn đau bi kịch đều ngả bóng lại trên trang văn. Nam Cao có lẽ là một nhà văn như vậy, sống dậy giữa tác phẩm của ông là cả một thế giới nhân vật con người, từ kiếp “Sống mòn”, “Một bữa no”…đến kiếp đời quằn quại của một con quỷ dữ bị tha hóa rồi lại bị cự tuyệt quyền làm người trong “Chí Phèo”. Lúc đầu truyện có tên là “Cái lò gạch cũ”, năm 1941 nhà xuất bản đổi lại là “Đôi lứa xứng đôi” và năm 1945 in lại với tên “Chí Phèo” – một truyện ngắn có thể “làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời”, đưa Nam Cao lên vị trí hàng đầu trong lớp các nhà văn hiện thực phê phán. Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên ra đời từ đó và gây tiếng vang lớn về một tấn bi kịch trong cuộc đời mình.

II. THÂN BÀI

1. Bi kịch lưu manh hóa của Chí Phèo:

- Giải thích: Bi kịch có nghĩa là sự mâu thuẫn giữa hiện thực và mong muốn nguyện ước cá nhân. Hiện thực không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của con người, đẩy họ vào trạng thái tuyệt vọng, đường cùng là tìm đến cái chết để thoát li, giải thoát bản thân.. “Tha hóa” là sự biến đổi nhân cách, đánh mất giá trị hay bản chất thông thường vốn có ..“Lưu manh hóa” là mức độ trầm trọng của “tha hóa” và ngày càng theo chiều hướng xấu đi.

- Chí Phèo như một con “người- vật” quái gở, đang ở tận cùng của khổ đau, đang trút lên cuôc đời tiếng nói hằn học, phẫn uất, đầy đau khổ của mình.  

- “chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn” – một sự chối bỏ nguồn gốc, tột cùng của tha hóa.

- ba thái độ khác nhau: thái độ hằn học, thù địch đau khổ của Chí, thái độ khinh miệt dửng dưng của người đời, thái độ thương cảm của tác giả.

- sinh ra đã trở nên “tứ cố vô thân”, bị bỏ rơi “trong cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua”.

→ đến với cuộc đời hoàn toàn trơ trọi, đơn độc và có vẻ rẻ rúng khi được người ta “ nhặt” chứ không phải nhận nuôi một cách đường hoàng.

- Đến tuổi lao động, Chí làm canh điền cho Bá Kiến, sống bằng sức lao động của mình, rất chính đáng và lương thiện.

- bị bà Ba nhà Bá Kiến gọi lên để bóp chân, Chí cảm thấy nhục nhã chứ có sung sướng gì.

→ Chí cũng ý thức được giá trị bản thân, lòng tự trọng và danh dự.

→ Bá Kiến đã vô cớ đẩy một người con trai vô cùng lương thiện đi tù 7-8 năm trời. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu cuộc đời Chí rẽ đi một hướng khác.

- Nhà tù phong kiến đã nuốt tươi chàng thanh niên lành lặn cả thể chất lẫn tinh thần để rồi nhả ra một Chí Phèo tổn thương đến tận cùng nỗi đau.

- " Cái đầu thuc trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”.

→ Ngay cả cách ăn mặc của Chí cũng bộc lộ tính cách ngang tàng, bạo ngược và hấp thụ tất cả những cái xấu của nhà tù thực dân phong kiến.

- anh Chí chất phác, hiền lành ngày xưa trong cái vẻ dữ tợn của một kẻ luôn lấy rượu làm bạn- Chí Phèo.

- Bá Kiến lại một lần nữa biến Chí thành tay sai, công cụ cho chính mình " bàn tay hắn đã phá tan bao nhiêu gia đình, đạp vỡ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt bao nhiêu người lương thiện".

- Vừa về làng hắn đã đi uống rượu say khướt, một biểu hiện cho thấy sự bất cần đời

- Sự thay đổi của Chí đã thay lời nhà văn tố cáo, lên án sự tàn ác của giai cấp thống trị mà công cụ của nó chính là nhà tù đã bóc lột, hành hạ con người thay đổi cả nhân hình và nhân tính. 

- Chí trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Chí chìm trong những cơn say không ngày tháng: ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say

- “hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm”. “Hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui và làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện”.

→ Nam Cao đã đặt ra bi kịch của người nông dân trước cách mạng: đó là bi kịch con người sinh ra là người mà không được làm người.

→ Điều này thể hiện sự cảm thông sâu sắc của Nam Cao với khát vọng lương thiện trong con người và sự bế tắc của những khát vọng trong hiện thực xã hội ấy.

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
2. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo:
- Giải thích: Bi kịch là sự mâu thuẫn giữa hiện thực đời sống và khát vọng cá nhân. Hiện thực đời sống không đủ điều kiện để cá nhân thực hiện được khát vọng của mình dẫn đến cá nhân rơi vào hoàn cảnh bi đát có thể dẫn đến cái chết. Bi kịch của Chí Phèo là tình cảnh éo le của một nông dân cùng khổ bị xô đẩy vào con đường lưu manh tội lỗi rồi bị cự tuyệt quyền làm người, là một chuỗi dài bi kịch. Nhìn lại kiếp đời đầy dằn vặt, tủi hổ của Chí Phèo, ta thấy nỗi đau khổ lớn nhất của người nông dân lúc bấy giờ chính là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, bị xã hội từ chối, xua đuổi.
- Những tưởng số phận cuộc đời của Chí Phèo sẽ mãi mãi trượt dài trên cái dốc lưu manh tha hóa ấy nhưng sự xuất hiện thị Nở đã đưa Chí từ vực sâu của tội lỗi đến bến bờ lương thiện.
- Sự xuất hiện của thị Nở cùng bát cháo hành đã biểu hiện cho sự đồng cảm và tình người nhân hậu.  
- Sau khi con người lương thiện phục sinh, Chí đã tỉnh dậy lắng nghe những âm thanh bình dị mộc mạc hàng ngày mà lâu nay Chí quên lãng.
- Chí hoài tưởng về một thời êm đẹp: ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.
→ Nam Cao lại nhắc ta nhớ về bản chất lương thiện vốn có của Chí Phèo.
- Chí tỉnh táo nhận ra mình đang đã tới “cái dốc bên kia của đời” mà vẫn đơn côi, lẻ bóng.
- “Chao ôi là buồn!”, thì ra Chí cũng biết buồn, một cảm xúc bình thường của một con người, Chí sợ tuổi già ầm ập ào tới, sợ cảnh “đói rét và ốm đau và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn là đói rét và ốm đau”.
- Thị Nở đã thật sự thay đổi cuộc đời Chí từ giây phút ấy. Chí thật lòng “say thị lắm”, “hắn thấy lòng thành trẻ con, hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ”.
→ Nam Cao đã soi vào tác phẩm một ánh sáng nhân đạo đẹp đẽ, cho Chí Phèo một tia hi vọng về một ngày không xa, Chí sẽ được công nhận là một con người.
- những giây phút được yêu của cuộc sống lứa đôi Chí Phèo - Thị Nở thật ngắn ngủi, hạnh phúc vừa hé mở đã khép lại.
- Chí Phèo và Thị Nở đã dắt tay nhau tới ngưỡng cửa cuộc đời nhưng bị từ chối phũ phàng bởi định kiến xã hội mà bà cô Thị Nở là đại diện.
- Chí Phèo mới giật mình và nhận thức một cách sâu sắc hơn, rằng hắn đã bị từ chối khỏi cộng đồng và không thể trở thành người lương thiện trong con mắt mọi người được nữa.
- Sau khi trút vào mặt Chí những lời chỉ trích của bà cô mình, thị “ngoay ngoáy cái mông *** đi ra về”.
- Ngay lúc ấy, Chí “sửng sốt”, “gọi lại”, “đuổi theo”, “nắm lấy tay” thị. Những biểu hiện và hành động đó cho thấy sự khao khát tình yêu, thiết tha đến với thị, đến với cuộc đời lương thiện.
- Chỉ trong chớp mắt Chí mất đi người duy nhất công nhận sự tồn tại của mình, chút hạnh phúc nhỏ nhoi cuối cùng cũng không trọn vẹn cho Chí, như ánh cầu vồng vụt tắt sau cơn mưa, như ngọn lửa nhỏ bị dập tắt khi mới vừa được nhen nhóm khát vọng làm người, Chí đã bị cự tuyệt hoàn toàn.
- Cánh cửa trở về với xã hội lương thiện vừa mở ra đã đóng sầm lại ngay trước mắt Chí.
- Như thói quen ngày nào, Chí lại tìm quên trong men rượu. “Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành”.
- Nghĩ về quá khứ bên thị, Chí “ôm mặt khóc rưng rức”, khóc trong tức tưởi đau thương, thì ra Chí cũng biết khóc, biết đau, biết những cảm xúc thống khổ một người bình thường, Chí đau đớn vì nhận ra niềm mơ ước hạnh phúc mãnh liệt của mình cả đời này không bao giờ Chí có thể với tới.
- Chí định đến nhà thị Nở nhưng một cách vô thức Chí rẽ vào nhà bá Kiến.
- Chí mạnh dạn nói một cách kiêu ngạo “Tao không đến đây xin năm hào”, “Tao đã bảo tao không đòi tiền” rồi dõng dạc tuyên bố “Tao muốn làm người lương thiện”.
- Chí lắc đầu: “Không được! Ai cho tao lương thiện?”. Một câu hỏi vút lên đầy cay đắng và không lời giải đáp.
- Lương thiện có ngay trong mỗi con người, là di sản tinh thần của mọi người mà Chí lại phải đi đòi lương thiện.
- Chí đã bị cái xã hội vô nhân tính cướp mất đi lương thiện của mình. Để rồi Chí phải đau đớn thốt lên rằng: “Tao không thể là người lương thiện nữa… Chỉ còn một cách.. Biết không!...” và rút dao ra xông vào chém túi bụi vào Bá Kiến vừa kêu làng thật to.
- Chí chọn cách tự kết liễu đời mình bởi không chịu trở lại cuộc sống thú vật như trước kia.
- Đến cuối cùng Chí vẫn không được người dân làng Vũ Đại công nhận mình là một con người, không ai cảm thông khi Chí chết đi.
→ Cái chết bi thảm của Chí Phèo cũng là lời kết tội đanh thép cái xã hội vô nhân đạo, là tiếng kêu cứu về quyền làm người, cũng là tiếng gọi thảm thiết cấp bách của nhà văn: “Hãy cứu lấy con người! Hãy yêu thương con người!”
3. Đánh giá nội dung nghệ thuật:
Khép lại chuỗi ngày bi kịch chất chồng bi kịch của Chí Phèo, ta không khỏi thương cảm cho một kiếp người dằn vặt những tủi nhục, đớn đau khi bị lưu manh tha hóa. Tác giả đã khéo léo sử dụng bút pháp độc đáo, tài hoa linh hoạt, giàu biến hóa, kể truyện theo một kết cấu tâm lý và mạch dẫn dắt của câu chuyện với một cách thức bề ngoài tưởng chừng như khách quan, lạnh lùng và tàn nhẫn, nhưng chất chứa bên trong biết bao nỗi niễm đau đớn trước một số phận bị tha hóa. Tác phẩm mang ý nghĩa triết lí sâu sắc được thể hiện dưới hình thức nghệ thuật vô cùng độc đáo khiến người đọc phần nào thấm thía nỗi đau bi kịch tột cùng của nhân vật chính.
III. KẾT BÀI
“Chí Phèo” là một tuyệt tác bất hủ bởi nó chứa đựng trong đó là tư tưởng, tình cảm lớn mang giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc. Tác phẩm là bản tuyên cáo hùng hồn lên án những mặt trái xấu xa của xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời đã “cự tuyệt quyền làm người” của những phận đời nông dân bản chất hiền lành như Chí. Đây là bài ca về vẻ đẹp của tình người, của sức sống mãnh liệt được hồi sinh từ một trái tim vốn quen với những nhịp điệu quay cuồng trong “cơn lốc quỷ”. Bởi lẽ đó, “Chí Phèo” vẫn mãi mãi bất tử, mãi mãi có khả năng đánh thức trí tuệ và khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ trong tâm hồn người đọc, vượt qua mọi gió bụi thời gian mà tồn tại như một gia tài quý giá trong nền văn học Việt Nam, chứng minh được sức sống mạnh mẽ, bất hủ của nó:
“Nam Cao mất và Chí Phèo vẫn sống
Nào có dài chi một kiếp người
Nhà văn chết, nhân vật từ trang sáng
Vẫn ngày ngày lăn lóc giữa trần ai.”
+1 thích
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
BÀI MẪU
Đã có lần tôi tự hỏi phải chăng trái tim của nhà văn là một khối pha lê tinh khiết, để qua đó bao kiếp người từ hạnh phúc đến đớn đau bi kịch đều ngả bóng lại trên trang văn. Nam Cao có lẽ là một nhà văn như vậy, sống dậy giữa tác phẩm của ông là cả một thế giới nhân vật con người, từ kiếp “Sống mòn”, “Một bữa no”…đến kiếp đời quằn quại của một con quỷ dữ bị tha hóa rồi lại bị cự tuyệt quyền làm người trong “Chí Phèo”. Lúc đầu truyện có tên là “Cái lò gạch cũ”, năm 1941 nhà xuất bản đổi lại là “Đôi lứa xứng đôi” và năm 1945 in lại với tên “Chí Phèo” – một truyện ngắn có thể “làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời”, đưa Nam Cao lên vị trí hàng đầu trong lớp các nhà văn hiện thực phê phán. Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên ra đời từ đó và gây tiếng vang lớn về một tấn bi kịch trong cuộc đời mình.
Bi kịch có nghĩa là sự mâu thuẫn giữa hiện thực và mong muốn nguyện ước cá nhân. Hiện thực không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của con người, đẩy họ vào trạng thái tuyệt vọng, đường cùng là tìm đến cái chết để thoát li, giải thoát bản thân.. “Tha hóa” là sự biến đổi nhân cách, đánh mất giá trị hay bản chất thông thường vốn có ..“Lưu manh hóa” là mức độ trầm trọng của “tha hóa” và ngày càng theo chiều hướng xấu đi.
Mở đầu tác phẩm không phải những lời hay, ý đẹp khơi gợi cảm xúc thiện ý từ người đọc mà lại là một loạt đối thoại chỉ có một phía từ Chí Phèo gây ấn tượng cho độc giả, khiến họ tò mò về nhân vật, cũng như cốt truyện mà nhà văn muốn gửi gắm. Đoạn văn không một trạng ngữ chỉ không gian hay thời gian, như con đường Chí đang đi thăm thẳm vô cùng hay những tháng năm triền miên trong cơn say của Chí là dài vô tận. Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng: “ Tiếng chửi của Chí Phèo là tiếng hát lộn ngược của tâm hồn méo mó”.  Hắn chửi trời, chửi đời, chửi làng Vũ Đại, chửi những ai không chửi nhau với hắn và cuối cùng chửi người đã sinh ra hắn. Đây là tiếng chửi của một tên say rượu, một tiếng chửi vô thức. Nhưng đôi khi trong vô thức, con người lại thể hiện chính mình nhiều hơn khi tỉnh. Qua tiếng chửi của Chí Phèo, người đọc cảm thấy như đang đối diện với một con “người- vật” quái gở, đang ở tận cùng của khổ đau, đang trút lên cuôc đời tiếng nói hằn học, phẫn uất, đầy đau khổ của mình.
Không khó để nhận thấy, đối tượng của tiếng chửi ngày càng thu hẹp dần và trở nên tấy buốt: dám chửi Trời – đấng linh thiêng, thì thật là phạm thượng khi không kiêng nể điều gì; kế đến đó là Đời: to tát nhưng vu vơ; Làng: không gian sinh tồn, là đất sống, nếu phải bỏ làng mà đi, bị làng chối bỏ thì chết mất; sau là “chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn” – một sự chối bỏ nguồn gốc, tột cùng của tha hóa. Với cái miêu tả như vậy, hẳn không phải là vô tình. Từ đó như tạo nên sức căng của tác phẩm, cuốn ta vào không khí âm ỉ, quyết liệt của hận thù, báo hiệu cho cuộc đời đầy giông bão của nhân vật.
Cũng qua tiếng chửi này, người đọc nhận ra ba thái độ khác nhau: thái độ hằn học, thù địch đau khổ của Chí, thái độ khinh miệt dửng dưng của người đời, thái độ thương cảm của tác giả.Tiếng nói nhân ái của nhà văn đã thật sự đánh thức tấm lòng người đọc. Qua cách dẫn dắt này, người đọc hiểu rằng trước kia Chí Phèo vốn hiền lành lương thiện, tự trọng.
Ngay từ đầu, không như bao đứa trẻ khác có được diễm phúc được sống trong vòng tay thương yêu của cha mẹ, Chí Phèo mới sinh ra đã trở nên “tứ cố vô thân”, bị bỏ rơi “trong cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua”. Chí đến với cuộc đời hoàn toàn trơ trọi, đơn độc và có vẻ rẻ rúng khi được người ta “ nhặt” chứ không phải nhận nuôi một cách đường hoàng. Có lẽ ngay từ xuất thân cũng đã là điềm báo cho thấy một tương lai mờ mịt không rõ ràng như là không ai biết hắn là ai khi đến với thế giới loài người.
Đến tuổi lao động, Chí làm canh điền cho Bá Kiến, sống bằng sức lao động của mình, rất chính đáng và lương thiện. Khi bị bà Ba nhà Bá Kiến gọi lên để bóp chân, Chí cảm thấy nhục nhã chứ có sung sướng gì. Điều đó cho thấy Chí cũng ý thức được giá trị bản thân, lòng tự trọng và danh dự. Không may cho anh chỉ một ghen tuông không đâu. Bá Kiến đã vô cớ đẩy một người con trai vô cùng lương thiện đi tù 7-8 năm trời. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu cuộc đời Chí rẽ đi một hướng khác.
Nhà tù phong kiến đã nuốt tươi chàng thanh niên lành lặn cả thể chất lẫn tinh thần để rồi nhả ra một Chí Phèo tổn thương đến tận cùng nỗi đau.Thế rồi sau bảy, tám năm Chí quay trở về khiến người dân làng Vũ Đại ngỡ ngàng. Bằng nghệ thuật điêu luyện tác giả đã cho người đọc thấy được bức chân dung của một con người bị tha hóa không chỉ về nhân hình mà còn cả nhân tính. " Cái đầu thuc trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”. Ngay cả cách ăn mặc của Chí cũng bộc lộ tính cách ngang tàng, bạo ngược và hấp thụ tất cả những cái xấu của nhà tù thực dân phong kiến. Hắn mặc “quần áo nái đen với cái áo tây vàng, trên ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với hai ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế”. . Quả thật, người ta không thể tìm đâu ra bóng dáng của một anh Chí chất phác, hiền lành ngày xưa trong cái vẻ dữ tợn của một kẻ luôn lấy rượu làm bạn- Chí Phèo.. Đời Chí giờ là một cơn say dài vô tận. Đau xót hơn, lợi dụng sự u mê của Chí, Bá Kiến lại một lần nữa biến Chí thành tay sai, công cụ cho chính mình " bàn tay hắn đã phá tan bao nhiêu gia đình, đạp vỡ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt bao nhiêu người lương thiện". Vậy là cuộc sống theo chu trình “sáng cày sâu, chiều cuốc bẫm” của nguời nông dân trở thành một kí ức, hoài vọng xa xôi đối với Chí. Chỉ trong vài dòng dẫn truyện, Nam Cao đã chuyển đổi tính cách nhân vật khá tài tình, tự nhiên, chân thật như thế.
Vừa về làng hắn đã đi uống rượu say khướt, một biểu hiện cho thấy sự bất cần đời, xa lạ hoàn toàn với bản chất người nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Say rồi hắn tìm đến nhà Bá Kiến mà gọi ra để mà chửi. Mục đích của Chí là để xả giận, cơn giận tích tụ dài đằng đẵng mấy năm trời ngồi tù oan, sự chà đạp sỉ nhuc danh dự con người có lẽ khiến hắn cay cú, phẫn nộ tột cùng mà văng, mà chửi thật lớn trước cửa nhà Bá Kiến. Sự thay đổi của Chí đã thay lời nhà văn tố cáo, lên án sự tàn ác của giai cấp thống trị mà công cụ của nó chính là nhà tù đã bóc lột, hành hạ con người thay đổi cả nhân hình và nhân tính.  Khi Chí Phèo đến cổng nhà bá Kiến “gọi tận tên tục ra mà chửi”,  ngỡ sẽ có một trận chiến lớn sắp xảy ra… nhưng hoàn toàn không, lão bá Kiến đã xuống nước khi dùng thủ đoạn “mềm rắn nắn buông” với Chí Phèo. Và như thế Chí Phèo đã bị mắc bẫy hắn lần nữa, bị hắn biến thành tên tay sai độc ác, chuyên đối phó với các tên lưu manh khác. Chính thủ đoạn dùng những thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò đã tố cáo sự tàn ác, xấu xa của bọn địa chủ nói riêng và sự bất ổn của nông thôn thời ấy nói chung. Nam Cao đã vẽ được một bức tranh toàn diện của một xã hội đầy rẫy những bất công, xấu xa, tàn bạo đã chà đạp quyền sống, quyền làm người của người dân cùng khổ.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Cuộc đời Chí từ đó trượt dài trên tội ác để rồi từ một thằng lưu manh Chí trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Chí chìm trong những cơn say không ngày tháng: ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say …Cuộc đời Chí là những cơn say dài vô tận. Và “hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm”. “Hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui và làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện”. Cả làng đều tránh mặt Chí mỗi lần Chí qua. Cái mặt Chí “không trẻ cũng không già; nó không còn là mặt người: nó là mặt của một con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi ?... Với nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã đặt ra bi kịch của người nông dân trước cách mạng: đó là bi kịch con người sinh ra là người mà không được làm người. Điều này thể hiện sự cảm thông sâu sắc của Nam Cao với khát vọng lương thiện trong con người và sự bế tắc của những khát vọng trong hiện thực xã hội ấy.
Những tưởng số phận cuộc đời của Chí Phèo sẽ mãi mãi trượt dài trên cái dốc lưu manh tha hóa ấy nhưng sự xuất hiện thị Nở đã đưa Chí từ vực sâu của tội lỗi đến bến bờ lương thiện. Vai trò, vị trí của thị trong tác phẩm là rất quan trọng, mở ra một bước ngoặt của cuộc đời Chí Phèo, đưa Chí trở lại với kiếp đời hoàn lương mà bấy lâu Chí đã đánh mất.
Con người “dở hơi, xấu ma chê quỷ hờn” ấy là đóm sáng nhỏ nhoi duy nhất còn sót lại của làng Vũ Đại có thể chiếu rọi vào khoảng trời đêm đầy tăm tối của Chí Phèo. Sự xuất hiện của thị Nở cùng bát cháo hành đã biểu hiện cho sự đồng cảm và tình người nhân hậu.  Hơi ấm của bát cháo hành chính là hơi ấm đã đánh thức một phần lương thiện bấy lâu chìm khuất trong hình ảnh của con quỷ dữ, giờ đây sức sống tâm hồn đã trổi dậy trong Chí. Sau khi con người lương thiện phục sinh, Chí đã tỉnh dậy lắng nghe những âm thanh bình dị mộc mạc hàng ngày mà lâu nay Chí quên lãng. Những âm thanh gợi cho Chí những hoài tưởng về một thời êm đẹp: ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm. Một lần nữa Nam Cao lại nhắc ta nhớ về bản chất lương thiện vốn có của Chí Phèo. Đáng lẽ ra Chí cũng sẽ có được một cuộc sống bình thường như bao người khác nhưng giờ đây khi tỉnh dậy, Chí mới thấy mình đã già mà vẫn còn cô độc, Chí tỉnh táo nhận ra mình đang đã tới “cái dốc bên kia của đời” mà vẫn đơn côi, lẻ bóng. “Chao ôi là buồn!”, thì ra Chí cũng biết buồn, một cảm xúc bình thường của một con người, Chí sợ tuổi già ầm ập ào tới, sợ cảnh “đói rét và ốm đau và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn là đói rét và ốm đau”. Thị Nở đã thật sự thay đổi cuộc đời Chí từ giây phút ấy. Chí thật lòng “say thị lắm”, “hắn thấy lòng thành trẻ con, hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ”. Thế mới thấy sức cảm hóa kì diệu của tình thương. Bằng chi tiết này, Nam Cao đã soi vào tác phẩm một ánh sáng nhân đạo đẹp đẽ, cho Chí Phèo một tia hi vọng về một ngày không xa, Chí sẽ được công nhận là một con người.
Nhưng những giây phút được yêu của cuộc sống lứa đôi Chí Phèo - Thị Nở thật ngắn ngủi, hạnh phúc vừa hé mở đã khép lại. Chí Phèo và Thị Nở đã dắt tay nhau tới ngưỡng cửa cuộc đời nhưng bị từ chối phũ phàng bởi định kiến xã hội mà bà cô Thị Nở là đại diện. Khi tỉnh dậy và đối diện với hiện thực, Chí Phèo mới giật mình và nhận thức một cách sâu sắc hơn, rằng hắn đã bị từ chối khỏi cộng đồng và không thể trở thành người lương thiện trong con mắt mọi người được nữa.
Nhưng những giây phút được yêu của cuộc sống lứa đôi với Chí thật ngắn ngủi, hạnh phúc vừa hé mở đã khép lại. Chí Phèo và thị Nở đã dắt tay nhau tới ngưỡng cửa cuộc đời nhưng bị từ chối phũ phàng bởi định kiến xã hội mà bà cô thị Nở là đại diện. Sau khi trút vào mặt Chí những lời chỉ trích của bà cô mình, thị “ngoay ngoáy cái mông *** đi ra về”. Ngay lúc ấy, Chí “sửng sốt”, “gọi lại”, “đuổi theo”, “nắm lấy tay” thị. Những biểu hiện và hành động đó cho thấy sự khao khát tình yêu, thiết tha đến với thị, đến với cuộc đời lương thiện. Chỉ trong chớp mắt Chí mất đi người duy nhất công nhận sự tồn tại của mình, chút hạnh phúc nhỏ nhoi cuối cùng cũng không trọn vẹn cho Chí, như ánh cầu vồng vụt tắt sau cơn mưa, như ngọn lửa nhỏ bị dập tắt khi mới vừa được nhen nhóm khát vọng làm người, Chí đã bị cự tuyệt hoàn toàn. Đối diện với hiện thực, Chí Phèo mới giật mình và nhận thức một cách sâu sắc hơn, rằng mình đã bị từ chối khỏi cộng đồng và không thể trở thành người lương thiện trong con mắt mọi người được nữa. Cánh cửa trở về với xã hội lương thiện vừa mở ra đã đóng sầm lại ngay trước mắt Chí. Thị Nở như tia chớp rạch ngang bầu trời đêm đen tối của Chí vừa đủ để soi lên một niềm cảm thông cũng đã tắt ngấm. Nói xa hơn, xã hội thực dân nửa phong kiến đã cướp đi quyền làm người của Chí và vĩnh viễn không trả lại. Nó đã tiêu hủy và bẻ gãy chiếc cầu nối Chí với cuộc đời. Như thói quen ngày nào, Chí lại tìm quên trong men rượu. “Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành”. Hương cháo hành hay hương vị ngọt ngào của tình yêu nhắc Chí về tình người ấm áp, về những ngày hạnh phúc ngắn ngủi bên thị Nở để rồi tất cả đều tan biến như ảo mộng giữa đời tường mà những kẻ tội đồ như Chí không có quyền được hưởng.
Nghĩ về quá khứ bên thị, Chí “ôm mặt khóc rưng rức”, khóc trong tức tưởi đau thương, thì ra Chí cũng biết khóc, biết đau, biết những cảm xúc thống khổ một người bình thường, Chí đau đớn vì nhận ra niềm mơ ước hạnh phúc mãnh liệt của mình cả đời này không bao giờ Chí có thể với tới. Chí uống đến say mềm người rồi Chí lao đi, nhưng lạ thay càng uống lại càng tỉnh. Chí định đến nhà thị Nở nhưng một cách vô thức Chí rẽ vào nhà bá Kiến. Có lẽ từ trong tiềm thức nhiều ân oán đan chéo nhau, món nợ đời, nợ máu mà bá Kiến đem lại cho Chí còn chưa thanh toán rạch ròi, nó vẫn còn âm ĩ nhức nhối. Nay Chí quay trở lại tìm hắn với một sự tự tin, đường hoàng của một người vừa bước ra từ bóng tối, có sự thức tỉnh về quyền làm người. Lần đầu tiên Chí khinh bỉ sự nhơ nhuốc từ đồng tiền của Bá Kiến – thứ mà vì nó Chí đã sa ngã và vùi chôn bao ước mơ đẹp đẽ. Chí mạnh dạn nói một cách kiêu ngạo “Tao không đến đây xin năm hào”, “Tao đã bảo tao không đòi tiền” rồi dõng dạc tuyên bố “Tao muốn làm người lương thiện”. Câu nói ấy làm hiện lên dáng vẻ người nông dân với bản chất hiền lành năm xưa. Đó là tâm trạng bàng hoàng đau đớn đầy phẫn uất, tuyệt vọng, thể hiện khát vọng lương thiện mạnh mẽ đồng thời cũng là lời kết tội xã hội vô nhân đạo đã chối bỏ quyền làm người của Chí. Không ai nhận ra Chí đã thức tỉnh và thực sự kháo khao được “làm người lương thiện” để được sống với những yêu thương, ao ước…Một Bá Kiến khôn ngoan, gian xảo vẫn không nhận ra sự thay đổi lớn lao ở Chí, vẫn ngỡ đây là một trò sinh sự mới của Chí như trước đây. Nam Cao đã đẩy mâu thuẫn cùng nỗi bi kịch tinh thần lên đến đỉnh điểm để rồi kết thúc bằng chi tiết cho Chí tự giải quyết mọi bế tắc của cuộc đời mình bằng hành động quyết liệt, dứt khoát. Chí lắc đầu: “Không được! Ai cho tao lương thiện?”. Một câu hỏi vút lên đầy cay đắng và không lời giải đáp. Câu hỏi đánh thẳng vào bộ mặt của xã hội bất lương, câu hỏi như cứa vào tâm can người đọc về thân phận một con người đầy đắng cay trong xã hội cũ. Lương thiện có ngay trong mỗi con người, là di sản tinh thần của mọi người mà Chí lại phải đi đòi lương thiện. Chí đã bị cái xã hội vô nhân tính cướp mất đi lương thiện của mình. Cuộc đời đã cho Chí một sinh mạng cớ sao lại nhẫn tâm cướp đi quyền làm người của Chí? Để rồi Chí phải đau đớn thốt lên rằng: “Tao không thể là người lương thiện nữa… Chỉ còn một cách.. Biết không!...” và rút dao ra xông vào chém túi bụi vào Bá Kiến vừa kêu làng thật to. Khi mọi người đổ xô đến thì thấy Chí “giãy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt hắn trợn ngược”. Chí chọn cách tự kết liễu đời mình bởi không chịu trở lại cuộc sống thú vật như trước kia. Khi còn sống, Chí sống trong sự dữ dội, bạo ngược, lúc chết đi, Chí cũng chết thật dữ dội nhưng trong nỗi uất hận, bi thảm tột cùng. Đến cuối cùng Chí vẫn không được người dân làng Vũ Đại công nhận mình là một con người, không ai cảm thông khi Chí chết đi. Hình ảnh sau cuối của Chí “mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói nhưng không ra tiếng”, phải chẳng đó là lời tạ lỗi muộn màng mà Chí muốn gửi đến dân làng, mong sẽ được tái sinh làm người. Cái chết bi thảm của Chí Phèo cũng là lời kết tội đanh thép cái xã hội vô nhân đạo, là tiếng kêu cứu về quyền làm người, cũng là tiếng gọi thảm thiết cấp bách của nhà văn: “Hãy cứu lấy con người! Hãy yêu thương con người!”
Gấp lại trang văn, ta vẫn không khỏi xót thương cho một tấn bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật chính. Nam Cao đã mang đến những giá trị nhân văn cao đẹp có thể rung cảm trái tim cảm thông của người đọc. Tác phẩm đã lên án, tố cáo tội ác của chế độ thực dân nửa phong kiến đã đàn áp và bóc lột nhân dân lao động qua tài năng miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế của tác giả. Nam Cao đã thành công khi khắc họa hình tượng nhân vật điển hình cùng với nghệ thuật kể chuyện không theo trình tự thời gian, ngôn ngữ tự nhiên, nhiều khẩu ngữ gần gũi với đời sống…
“Chí Phèo” là một tuyệt tác bất hủ bởi nó chứa đựng trong đó là tư tưởng, tình cảm lớn mang giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc. Tác phẩm là bản tuyên cáo hùng hồn lên án những mặt trái xấu xa của xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời đã “cự tuyệt quyền làm người” của những phận đời nông dân bản chất hiền lành như Chí. Đây là bài ca về vẻ đẹp của tình người, của sức sống mãnh liệt được hồi sinh từ một trái tim vốn quen với những nhịp điệu quay cuồng trong “cơn lốc quỷ”. Bởi lẽ đó, “Chí Phèo” vẫn mãi mãi bất tử, mãi mãi có khả năng đánh thức trí tuệ và khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ trong tâm hồn người đọc, vượt qua mọi gió bụi thời gian mà tồn tại như một gia tài quý giá trong nền văn học Việt Nam, chứng minh được sức sống mạnh mẽ, bất hủ của nó:
“Nam Cao mất và Chí Phèo vẫn sống
Nào có dài chi một kiếp người
Nhà văn chết, nhân vật từ trang sáng
Vẫn ngày ngày lăn lóc giữa trần ai.”
0 phiếu
bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)

I. Mở bài

- Vài nét về Nam Cao và truyện ngắn Chí Phèo: Một nhà văn như một tấm gương lớn về nhà văn-chiến sĩ, lòng say mê nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm. Chí Phèo là một tác phẩm tiêu biểu kết tinh tài năng nghệ thuật của ông

- Trong truyện ngắn, hình tượng trung tâm Chí Phèo là một nhân vật với nhiều bi kịch của kiếp người để lại trong lòng độc giả những dư âm sâu sắc

II. Thân bài

1. Hoàn cảnh Chí Phèo xuất hiện

- “Hắn vừa đi vừa chửi..”.: sự xuất hiện tự nhiên

- Qua tiếng chửi, chân dung nhân vật hiện lên:

    + Kẻ lưu manh cứ rượu vào là chửi

    + Đằng sau đó thấy Chí Phèo la nạn nhân ra sức cựa quậy, mong muốn được coi là người bình thường

2. Lai lịch, cuộc đời Chí Phèo trước khi ở tù

- Hoàn cảnh xuất thân: không cha, không mẹ, không nhà, không cửa, không một tấc đất cắm dúi cũng không có

- Tuy vậy, Chí vẫn giữ những phẩm chất tốt đẹp:

    + Là một con người lương thiện: đi ở hết nhà này đến nhà khác, cày thuê cuốc mướn để kiếm sống ⇒ làm ăn chân chính

    + Từng mơ ước giản dị về cuộc sống gia đình: có một ngôi nhà nho nhỏ, chồn cày thuê cuốc mướn… ⇒ Chí Phèo là một người lương thiện.

    + Có lòng tự trọng: Bà ba Bá Kiến gọi lên đấm lưng, bóp chân, Chí cảm thấy nhục ⇒ Là người có ý thức về nhân phẩm.

⇒ Chí Phèo có đủ điều kiện để sống cuộc sống yên bình như bao người khác, quãng đời lương thiện của Chí kéo dài trong khoảng 20 năm đầu

3. Sự biên đổi của Chí Phèo sau khi ra tù

- Sự kiện Chí Phèo bị bắt vào tù:

    + Vì Bá Kiến ghen với vợ hắn.

    + Chế độ nhà tù thực dân đã biến Chí trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”

- Hậu quả của những ngày ở tù:

    + Hình dạng: “Cái đầu trọc lốc, hàm răng cạo trắng hớn, cái mặt thì câng câng đầy những vết sứt sẹo, hai con mắt gườm gườm” ⇒ Chí Phèo đánh mất nhân hình.

    + Nhân tính: du côn, du đãng, triền miên trong cơn say, đập đầu, chửi bới, phá phách và làm công cụ cho Bá Kiến ⇒ Chí Phèo đã đánh mất nhân tính.

- Quá trình tha hóa của Chi Phèo: Đến nhà Bá Kiến trả thù ⇒ Chí mắc mưu, trở thành tay sai cho Ba Kiến

⇒ Chí đã bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính, là điển hình cho hình ảnh người nông dân bị đè nén đến cùng cực

4. Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở

- Tình yêu thương mộc mạc, chân thành của Thị Nở - đã đánh thức bản chất lương thiện của Chí Phèo:

    + Về nhận thức: Nhận biết được mọi âm thanh trong cuộc sống.

    + Nhận ra bi kịch trong cuộc đời của mình và sợ cô đơn, cô độc

    + Về ý thức: Chí Phèo thèm lương thiện và muốn làm hòa với mọi người.

- Hình ảnh bát cháo hành là hình ảnh độc đáo, chân thật và giàu ý nghĩa:

    + Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Chí được ăn trong tình yêu thương và hạnh phúc.

⇒ Chí Phèo đã hoàn toàn thức tỉnh

5. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người

- Nguyên nhân: do bà cô Thị Nở không cho Thị lấy Chí Phèo → định kiến của xã hội .

- Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo:

    + Lúc đầu: Chí ngạc nhiên trước thái độ của Thị Nở

    + Sau Chí hiểu ra mọi việc: Tuyệt vọng, Chí uống rượu rồi xách dao đên nhà Bá Kiến đâm chết Bá Kiến và tự sát.

- Ý nghĩa hành động đâm chết Bá Kiến và tự sát của Chí:

    + Đâm chết Bá Kiến là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân thức tỉnh về quyền sống.

    + Cái chết của Chí Phèo là cái chết của con người trong bi kịch đau đớn trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống làm người.

6. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật

- Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị

III. Kết bài

- Khái quát lại những nét tiêu biểu dựng lên hình tượng Chí Phèo

- Liên hệ trình bày cảm nhận của bản thân về nhân vật này

0 phiếu
bởi Nqoc_baka ● Quản Trị Viên Phó giáo sư (34.6k điểm)

I. Mở bài.

– Tuy chỉ thực sự viết văn hơn mười năm, nhưng Nam Cao đã để lại nhiều sáng tác văn xuôi giá trị: hơn 60 truyện ngắn, một truyện vừa, một tiểu thuyết và vài vở kịch. Truyện của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám 1945 nêu bật nỗi băn khoăn đau đớn trước tình trạng con người bị hủy hoại dần mòn về nhân phẩm do cuộc sống đói nghèo, bế tắc. Bên cạnh những truyện về người trí thức nghèo, hình ảnh người nông dân nghèo bị áp bức, thậm chí bị lưu manh hóa do tội ác của bọn cường hào, địa chủ đã được thể hiện thật sâu sắc trong một truyện ngắn nổi tiếng của ông: Chí Phèo.

– Ghi lại nhận định đề bài.

II. Thân bài.

A. CON NGƯỜI CHÍ PHÈO CHẲNG NHỮNG BỊ TƯỚC ĐOẠT NHÂN TÍNH MÀ CÒN BỊ HỦY HOẠI CẢ NHÂN HÌNH NỮA.

1. Chí Phèo bị hủy hoại nhân hình.

- Ngay từ khi chào đời, Chí Phèo là một đứa con hoang, bị bỏ rơi bên một lò gạch cũ. Được dân làng nuôi, Chí Phèo, lớn lên như cây cỏ, tuổi thơ hết đi ở nhà này lại đi ở nhà nọ, tuổi thanh niên ra sức làm thân trâu ngựa cho nhà lí Kiến. Vì một chuyện ghen tuông vớ vẩn, lí Kiến đã nhẫn tâm đẩy Chí Phèo vào tù. Sau bảy, tám năm biệt tích trở về làng, Chí Phèo đã hoàn toàn biến đổi. Ngoại hình thật kinh tởm, cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen và rất cơng cơng, hai mắt gờm gờm trông gớm chết.

- Chí Phèo chuyên đập đầu, rạch mặt và đâm chém người cho nên cái mặt hắn vàng mà lại muốn xạm màu gio, nó vằn dọc vằn ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là sẹo.

- Người cố nông ấy hoàn toàn bị tước đoạt nhân hình, biến thành nửa người nửa vật: nó không còn phải là mặt người: nó là mặt của một con vật lạ.

2. Chí Phèo bị tước đoạt nhân tính.

- Từ lúc về làng, Chí Phèo hoàn toàn không kiểm soát được hành động của mình. Khi mua chịu rượu, bà hàng ngần ngừ không muốn đưa thì hắn rút bao diêm, đánh cái xòe, châm lên mái lều của mụ. Mụ hoảng hốt kêu gọi om sòm, vội dập tắt được ngọn lửa mới chạy, rồi khóc lóc mêu mêu, mụ đưa ra chai ruợu.

- Chí Phèo hoàn toàn bị tha hóa, hành động như người mất trí. Bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm. Trong cơn say, Chí Phèo hành động tàn bạo như một con quỷ dữ, hoàn toàn mất nhân tính. Những cơn say của hắn tràn cơn này sang cơn khác, thành một cơn say mênh mông, hắn ăn trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận (…). Hắn biết đâu đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện!.

B. NGƯỜI NÔNG DÂN BỊ LƯU MANH HÓA ẤY CUỐI CÙNG ĐÃ THỨC TỈNH.

1. Người nông dân bị tha hóa.

- Trong tâm hồn tưởng chừng như chai đá, thậm chí bị huỷ hoại hoàn toàn của Chí Phèo, bản chất lương thiện ngày thường bị che lấp đi, vẫn le lói một ánh lương tri, sẽ bừng sáng khi gặp được cơ hội. Lúc được thị Nở chăm sóc, Chí Phèo rất ngạc nhiên vì xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn phải dọa nạt hay giật cướp mới có.

- Tình cảm chân thật của thị Nở đã khơi dậy ý thức và lương tâm của Chí Phèo. Từ lúc này, Chí mới ý thức tình trạng tha hóa của mình và bi kịch bắt đầu diễn ra trong đời sống nội tâm.

2. Cuối cùng đã thức tỉnh

- Sau khi được thị Nở chăm sóc, lần đầu tiên khi tỉnh giấc, Chí Phèo bâng khuâng nghe tiếng chim hót, tiếng cười nói của những nguời đi chợ thì niềm ao ước có một gia đình nho nhỏ bừng lên. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù?

- Bản chất tốt đẹp của người lao động thức tỉnh trong lòng Chí: Trời ơi. Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!… Người ta sẽ nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện.

C. NHƯNG ĐIỀU BI THẢM LÀ ANH TA CHỈ MUỐN TRỞ LẠI LÀM NGƯỜI MÀ KHÔNG ĐƯỢC

1. Chí Phèo lại rơi vào bế tắc

- Chí Phèo tha thiết muốn trở về sống lương thiện với mọi người, nhưng tất cả làng Vũ Đại đều sợ hãi, xa lánh anh ta. Thị Nở lại “cắt đứt” với Chí Phèo. Chí lại rơi vào tình thế hoàn toàn tuyệt vọng: Sống lương thiện thì không được chấp nhận, làm lưu manh như cũ thì không thể và cũng không muốn.

- Những lời lẽ cuối cùng của Chí Phèo bộc lộ tất cả bi kịch nội tâm đó: “Tao muốn làm người lương thiện (…). Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những mảnh chai trên mặt này! Tao không thể là người lương thiện được nữa. Biết không!”.

2. Bi kịch biến thành thảm kịch

- Chí Phèo đã đâm chết Bá Kiến, kẻ đã gây ra bi kịch đời Chí, rồi tự sát.

- Nhân vật Chí Phèo được xây dựng thành công: vừa có nét khái quát, vừa có cá tính. Người cố nông đó đã vừa bị hủy hoại nhân hình, vừa bị tước đoạt cả nhân tính. Nhân vật được miêu tả sâu sắc từ chân dung đến tính cách, từ bộ mặt đến những diễn biến tâm lí.

III. Kết bài.

- Tác phẩm Chí Phèo mang giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện ở tấm lòng yêu thương trân trọng của Nam Cao đối với những người khốn khổ. Tác giả phát hiện những phần sâu kín nhất trong tâm hồn của họ, những gì còn lại của tình người, sự khát khao hạnh phúc, ước muốn yêu thương, nhất là quyền được làm người lương thiện.

Chí Phèo là tiếng kêu cứu thiết tha của những người bất hạnh: Hãy bảo vệ và đấu tranh cho quyền được làm người của những con người lương thiện, để họ được sống và sống hạnh phúc, không còn những thế lực đen tối của xã hội đẩy họ vào chỗ mất cả nhân hình lẫn nhân tính đầy bi kịch xót xa.

 

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
3 câu trả lời 1.9k lượt xem
Phân tích bi kịch bị lưu manh hóa của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao.
đã hỏi 17 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
  • ngữ-văn-11
  • tập-1
  • chí-phèo
  • khó
+2 phiếu
1 trả lời 117 lượt xem
Dàn ý chi tiết và phân tích tác phẩm Vào phủ chúa Trịnh ( trích Thượng kinh kí sự )
đã hỏi 19 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
+2 phiếu
1 trả lời 358 lượt xem
Dàn ý chi tiết và phân tích tác phẩm Tình yêu và thù hận ( trích Romeo and Juliet )
đã hỏi 19 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
+2 phiếu
1 trả lời 229 lượt xem
Dàn ý chi tiết và phân tích tác phẩm Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô
đã hỏi 19 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
+2 phiếu
1 trả lời 115 lượt xem
Dàn ý chi tiết và phân tích tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia (trích Số Đỏ ) của nhà văn Vũ Trọng Phụng
đã hỏi 19 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
+1 thích
1 trả lời 541 lượt xem
Dàn ý chi tiết và phân tích tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
đã hỏi 19 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
+1 thích
2 câu trả lời 451 lượt xem
Dàn ý và phân tích tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam
đã hỏi 19 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 207 lượt xem
0 phiếu
1 trả lời 77 lượt xem
0 phiếu
2 câu trả lời 1.4k lượt xem
 Đôi nét về tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí phèo
đã hỏi 1 tháng 9, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
  1. minhquanhhqt160

    15 Điểm

  2. lueyuri009730

    15 Điểm

  3. lenguyenducminh05102011227

    5 Điểm

  4. Darling_274

    5 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...