Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
trong Ngữ văn lớp 12 bởi
Hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về vấn nạn bạo hành gia đình.

2 Trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất
Tôi đã từng nghe rất nhiều về câu nói: “Gia đình là nơi để về” nhưng đối với một số người, gia đình đã không còn là mái ấm, là nơi đong đầy yêu thương dành cho họ. Bởi lẽ, thứ mà họ nhận được từ gia đình chỉ là sự bạo hành. Điều đó làm ta phải suy ngẫm về vấn nạn bạo hành gia đình hiện nay.

Theo Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, bạo hành gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là “hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Vậy có nghĩa là bạo hành gia đình có thể xảy ra ở bất kì thành viên nào trong gia đình, có thể là chồng với vợ, ba mẹ với con cái, ba mẹ với ông bà,…

Theo UNICEF, hiện có khoảng 275 triệu trẻ em đang sống trong cảnh bạo lực gia đình, phải chịu đựng sự bóc lột về thể chất, tinh thần và cả tình dục của cha mẹ cũng như người giám hộ. Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra ở 8 tỉnh của Hội Liên Hiệp phụ nữ năm 2008, có 23% số gia đình được hỏi có hành vi bạo hành về thể chất; 30% số gia đình có hành vi bạo lực về tình dục; 25% số gia đình được hỏi có hành vi bạo lực về tinh thần trong đó phụ nữ là nạn nhân chiếm 97%. Theo số liệu điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển, bạo lực gia đình đã làm cho gia đình tan nát chiếm 49,7%. Thống kê của TAND tối cao cũng cho chúng ta thấy hậu quả nghiêm trọng của bạo lực gia đình: năm 1998 có 55.419 vụ ly hôn, trong đó 28.686 vụ bạo lực, chiếm 52%, năm 1999 có 52.774 vụ ly hôn, trong đó 29.751 vụ bạo lực, chiếm 56%; năm 2000 có 51.361 vụ ly hôn, trong đó 32.164 vụ bạo lực, chiếm 62%; trung bình trong 5 năm từ 2000 đến 2005 cả nước có 352.000 vụ ly hôn thì có tới 39.730 vụ ly hôn do bạo lực gia đình (chiếm 53,1%).

Những số liệu thống kê trên là những con số biết nói, chúng nói lên một sự thật đáng buồn về vấn nạn bạo hành gia đình. Những nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành cũng nhiều vô kể, từ bên ngoài lẫn bên trong. Thứ nhất, bạo hành gia đình có thể đến từ nguyên nhân tác động từ bên ngoài, đó chính là kinh tế và hoàn cảnh sống của gia đình. Việc luôn phải lo toang cơm áo gạo tiền khiến người ta luôn trong trạng thái căng thẳng, dễ dàng kích động và sử dụng bạo lực. Thứ hai, các tệ nạn xã hội cũng khiến người khác có xu hướng bạo lực, khi có rượu chè cờ bạc, con người ta thường đánh mất đi lí trí và không kiểm soát được bản thân. Thứ ba, bạo lực gia đình xảy ra là do chính nhận thức của mỗi cá nhân trong gia đình. Vì thiếu suy nghĩ, bồng bột, trình độ văn hóa thấp mà nhiều người đã sử dụng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình. Dù là nguyên nhân nào đi nữa cũng mang lại những hậu quả đáng buồn.

Hậu quả rõ rệt nhất mà ta dễ dàng thấy được đó chính là những vết thương trên thân thể, có thể sẽ theo nạn nhân cả cuộc đời. Chưa kể nếu bạo hành gia đình xảy ra ở dạng bạo hành tình dục thì những tổn thương còn nghiêm trọng hơn hết. Trẻ em và phụ nữ có thể bị những bệnh truyền nhiễm, mắc căn bệnh thế kỉ HIV, hay có thai ngoài ý muốn… Ở các quốc gia như Ấn Độ hay Dim-ba-bu-ê, tỉ lệ trẻ em và phụ nữ bị bạo hành gia đình phải cần đến các dịch vụ y tế cao hơn nhiều so với phụ nữ bình thường. Nhưng vết thương thể xác chẳng là gì so với vết thương trong lòng, cả nạn nhân và những người chứng kiến đều sẽ chịu những vết hằn tâm lí. Và liệu những tổn thương ấy có thể xóa nhòa đi được hay không? Khi mọi thứ không thể cứu vãn được nữa, họ đã chọn cho mình một con đường chấm dứt hết tất cả, đó chính là cái chết. Đó là điều đau lòng nhất mà không ai muốn nó xảy ra.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Ngoài ra, bạo hành gia đình còn mang lại gánh nặng cho xã hội. Đầu tiên chính là gánh nặng về kinh tế. Những người bị bạo hành sẽ phải chịu tổn thương về thể xác lẫn tinh thần, khiến họ không thể tiếp tục công việc. Ở Ca-na-đa cho thấy có 30% số người vợ bị chồng đánh đập phải bỏ việc do chấn thương về thể chất và tinh thần và 50% trong số họ phải nghỉ ốm để điều trị. Do đó nền kinh tế sẽ bị thiệt hại vì thiếu nhân công. Thứ hai chính là gánh nặng về bảo trợ xã hội. Bạo lực gia đình đặt ra yêu cầu trợ giúp và bảo vệ những nạn nhân là phụ nữ và trẻ em với hệ thống bảo trợ xã hội của quốc gia. Ví dụ, để bảo vệ các phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các hành vi bạo lực trong gia đình, cần thiết phải xây dựng hệ thống các cơ sở tạm lánh cho họ… Hệ thống bảo trợ xã hội không chỉ dừng lại ở việc cung cấp những nơi tạm lánh mà về lâu dài còn bao gồm việc xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng, phục hồi thể chất, tinh thần cho các nạn nhân cũng như các chính sách, cơ chế khác để giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Tất cả tạo sức ép lên hệ thống bảo trợ xã hội của các quốc gia mà thông thường luôn ở trong tình trạng đã bị quá tải. Một gánh nặng cho xã hội nữa đó chính là gánh nặng về giáo dục. Việc phải trải qua bạo hành gia đình khiến nạn nhân hoặc những người chứng kiến bị ảnh hưởng tinh thần từ đó sa sút học tập. Ở một số nước trên thế giới, các nhà trường phải tuyển dụng thêm những giáo viên hoặc chuyên gia tâm lý để hỗ trợ những học sinh là nạn nhân hoặc phải sống trong môi trường bạo lực gia đình. Điều đó cũng góp phần gây áp lực lên xã hội.
Chúng ta luôn cố gắng để bạo hành gia đình không xảy ra nhưng điều đó vẫn luôn tiếp diễn hàng ngày. Gần đây, trên các mặt báo vẫn luôn đầy rẫy những vụ bạo lực gia đình rất thương tâm, nạn nhân đa phần đều là trẻ em. Dư luận không khỏi phẫn nộ trước thông tin một em bé gái tám tuổi bị vợ sau của bố bạo hành từng ngày cho đến khi thân xác em kiệt quệ và qua đời. Khám nghiệm cho thấy trên người em chi chít những vết thương còn chưa lành hẳn, đầu vẫn còn vết khâu do bị đánh đập. Ấy thế mà người cha cùng chung máu mủ ruột thịt lại chẳng hề mảy may với hành vi thô bạo của nhân tình, lại còn bao che cho cô ta. Sau đó ít hôm báo chí lại lên tin về gã cha dượng đóng đinh vào đầu con gái ba tuổi của vợ. Bé gái chỉ mới ba tuổi thôi nhưng đã phải chịu nỗi đau bị đóng chín cây đinh vào đầu khiến em thiệt mạng. Nhưng đau lòng thay, người mẹ này cũng chẳng khác gì người bố ở vụ việc trước, cũng chẳng mảy may quan tâm đến con mình mà lại mù quáng yêu đương nhân tình. Ngoài những vụ việc bạo hành thể xác cũng có những vụ bạo lực tinh thần. Cách đây chỉ vài hôm, trong hai ngày đã có liên tiếp hai vụ tự sát của hai em học sinh, hai em chỉ mới lớp tám và lớp mười. Ở độ tuổi ấy, các em vẫn còn những niềm vui khác không riêng gì học tập. Nhưng những áp lực từ gia đình bắt ép các em phải luôn vào khuôn khổ, phải thức đêm để học mà không được vui chơi, giải trí khiến các em chọn cách kết liễu cuộc đời mình một cách đầy đau đớn. Lá thư tuyệt mệnh viết vội trên trang giấy ghi bài của em trai lớp mười chọn cách nhảy lầu tự tử gây đau xót cho những người ở lại. “Chào bố, một người dễ nóng, ít quan tâm” hay “mẹ rất quan tâm nhưng luôn sai”, những dòng chữ khiến người đọc quặn thắt tim lại. Đó không chỉ là một trang vở dang dở mà còn là một cuộc đời dang dở của cậu bé mười sáu tuổi. Sự tổn thương về tinh thần đã khiến em chọn cách rời xa cuộc đời. Tôi chỉ mong cho không một ai phải chịu bạo lực về tinh thần hay thể xác như thế nữa.
Từ những hậu quả nghiêm trọng trên, ta nhận thấy bạo hành gia đình luôn là một vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội và cần được chung tay giải quyết triệt để. Giải pháp cần ưu tiên nhất là nâng cao trình độ nhận thức của mỗi người, trường học không chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải dạy dỗ cho học sinh cách giải quyết các vấn đề trong gia đình đúng đắn. Ngoài ra, việc làm thiết thực hơn cả chính là tuyên truyền cho người dân về hành vi bạo lực sai trái. Ở những vùng núi, hải đảo xa xôi, nơi chưa có những phương tiện thông tin đại chúng, nơi người dân vùng bản không biết con chữ là gì, cần lắm những buổi tuyên truyền cho họ để giảm bớt vấn nạn bạo lực. Bên cạnh đó, xã hội cũng cần phải lên án, tố cáo những hành vi bạo lực gia đình, để những tội ác đó được đưa ra pháp luật nghiêm trị, răn đe cho những trường hợp về sau.
Gia đình là một tế bào của xã hội, một xã hội muốn phát triển bền vững cần phải tốt đẹp từ những tế bào nhỏ nhất. Chính vì lẽ đó mà vấn nạn bạo hành gia đình là một tế bào xấu và cần phải loại bỏ hoàn toàn. Gia đình chỉ nên là nơi đầy ấp tiếng cười và tình yêu thương giữa các thành viên, không phải là nơi chứa nước mắt và đòn roi. Là thế hệ trẻ, tôi sẽ luôn học cách yêu thương và bảo vệ gia đình một cách đúng đắn nhất, tích cực tham gia tuyên truyền đẩy lùi vấn nạn bạo hành gia đình.
0 phiếu
bởi Sanches Thạc sĩ (5.4k điểm)
Theo guồng quay của thời gian, xã hội ngày một phát triển, cuộc sống con người ngày một văn minh tiến bộ hơn. Gia đình là tế bào của xã hội, có đóng góp quan trọng trong sự đi lên của đất nước, và cũng từ đó cuộc sống con người càng thêm ấm no, sung túc, đủ đầy và hạnh phúc. Nhưng song hành với những sự phát triển ấy, vẫn luôn tồn tại những vấn đề nhức nhối cần được xã hội quan tâm, một trong số ấy nổi bật lên đó là vấn đề bạo lực gia đình.

Vậy bạo lực gia đình là gì? Vâng! Đó là những hành vi có tình chất hung bạo, xâm hại về thể xác và tinh thần của những người thân trong gia đình. Bạo lực gia đình xuất hiện ở mọi mối quan hệ và mọi lứa tuổi trong gia đình. Nào là chồng đánh vợ, bố mẹ hành hung con, con cái bất hiếu với bố mẹ già.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có hơn 315000 vụ bạo lực gia đình xảy ra. Từ năm 2011 tới năm 2015, cứ mỗi ngày lại có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình và con số ấy vẫn không thuyên giảm trong những năm gần đây. Đó là những con số biết nói, là hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội trước vấn đề gây nhiều bức xúc này. Nhiều người phụ nữ ngậm ngùi nước mắt chia sẻ về nỗi đau khi có một gia đình không hạnh phúc, người chồng suốt ngày cờ bạc rượu chè, hễ có men rượu bia vào là lại chửi tục, đánh mắng, hành hạ vợ con triền miên. Biết bao đứa trẻ mới mấy tuổi đầu đã phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng của bạo lực gia đình và chính nó cũng là nạn nhân của cuộc xung đột ấy. Biết bao người già cũng đau nhận được sự trả ơn sau bao nhiêu năm dạy dỗ con cái chỉ là những lời mắng chửi thậm chí là bạo lực.

Vậy nguyên nhân do đâu lại xảy ra vấn nạn bạo lực gia đình ấy? Thứ nhất, đó là do tác động từ bên ngoài, đặc biệt là kinh tế và hoàn cảnh sống của gia đình. Kinh tế hạn hẹp khiến cuộc sống khó khăn lại bế tắc, người đàn ông trong gia đình lâm vào hoàn cảnh đó thường tìm đến rượu chè cờ bạc, rồi lại không có lối thoát và cứ thế trút giận lên vợ và con cái. Trong mười vụ bạo lực gia đình như vậy thì đã có đến năm, sáu vụ nguyên nhân là do bia rượu. Thứ hai, là do chính suy nghĩ và nhận thức của những người trong gia đình. Họ trình độ văn hóa thấp, thiếu suy nghĩ, bồng bột: nhiều cặp vợ chồng mới cưới thường xuất hiện bạo lực gia đình vì chưa có kinh nghiệm sống và gặp nhiều vấp ngã trong hôn nhân gia đình. Lại do thói trọng nam khinh nữ của người xưa ảnh hưởng đến nay, hễ người phụ nữ làm sai một điều gì là lại đánh mắng thậm tệ. Về bạo lực giữa bố mẹ và con cái, nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu trách nhiệm và không dạy con đúng cách. Người ta thường nói “thương cho roi cho vọt” nhưng là để dạy bảo con nên người, chứ không phải chỉ để dạy con mà đánh con đến chết. Bạo lực đối với người già lại vì nguyên nhân đó là sự bất hiếu của con cháu, không nhận thức được công ơn to lớn của bố mẹ ông bà lại thiếu suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với người lớn

Nạn bạo lực gia đình ngày một xảy ra nhiều và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều trường hợp bạo lực xảy ra làm cho người bị hại có nhiều di chấn, vết thương trên cơ thể, thậm chí còn có những cái chết tang thương. Không chỉ ảnh hưởng đến thể xác mà còn để lại những nỗi ám ảnh về tinh thần của các thành viên trong gia đình. Gia đình là nơi êm ấm và hạnh phúc, nhưng bạo lực gia đình đã giết chết những hạnh phúc ấy và thay vào đó là những nỗi sợ hãi thường trực. Bạo lực làm mất đi mái ấm gia đình, đánh mất tuổi thơ và cả tương lai của con trẻ. Hơn cả thế, nó còn khiến cho xã hội đánh giá, lên án và làm rạn nứt mối quan hệ giữa những người đó và xã hội. Không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình, bạo lực gia đình còn làm cho xã hội trở nên thiếu văn minh, văn hóa, chậm phát triển và làm mất đi những phong tục tập quán tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.

Từ những hậu quả nghiêm trọng trên, ta nhận thấy bạo lực gia đình là một hành động cực kì sai trái và cần được xã hội chung tay giải quyết triệt để. Giải pháp tốt nhất để đẩy lùi vấn đề bạo lực gia đình là nâng cao trình độ nhận thức của người dân về cuộc sống và pháp luật, để phụ nữ và trẻ em hiểu được quyền được bảo vệ, để những người có hành vi sai trái biết được tội lỗi của mình trước pháp luật. Muốn có thêm hiểu biết, thì việc làm thiết thực nhất đó chính là các hoạt động tuyên truyền. Ở những vùng núi, hải đảo xa xôi, nơi chưa có những phương tiện thông tin đại chúng, nơi người dân vùng bản không biết con chữ là gì, cần lắm những buổi tuyên truyền cho họ để giảm bớt vấn nạn bạo lực. Bên cạnh đó, xã hội cũng cần phải lên án, tố cáo những hành vi bạo lực gia đình, để những tội ác đó được đưa ra pháp luật nghiêm trị, răn đe cho những trường hợp về sau.

Tóm lại, bạo lực gia đình là một vấn đề bức thiết của xã hội, cần chung tay đẩy lùi nạn bạo lực để cuộc sống ngày một hạnh phúc, văn minh và tiến bộ hơn. Là một học sinh, em nhận thấy được tác hại của bạo lực gia đình đối với xã hội, từ đó khích lệ bản thân tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền đến những người dân còn chưa hiểu biết về vấn đề này. Đặc biệt là tự trang bị cho mình một hành trang tri thức, những kiến thức đầy đủ về hôn nhân và gia đình để có những định hướng đúng đắn về sau.

Các câu hỏi liên quan

+1 thích
1 trả lời
đã hỏi 3 tháng 7, 2021 trong Ngữ văn lớp 8 bởi Babyshort Tiến sĩ (10.1k điểm)
  • babyshort
0 phiếu
7 câu trả lời
Em có suy nghĩ gì về nạn bạo lực trẻ em trong cuộc sống hiện nay
đã hỏi 5 tháng 5, 2022 trong Khác bởi thuythanh1905207625 Thần đồng (924 điểm)
+1 thích
1 trả lời
Em hãy viết đoạn văn để nêu suy nghĩ của mình về tình cảm gia đình có sử dung kiểu dien dich
đã hỏi 25 tháng 9, 2018 trong Ngữ văn lớp 8 bởi pektri3 Cử nhân (2.1k điểm)
0 phiếu
0 câu trả lời
      Chẳng ai muốn làm hành khất                                 Tội trời đày ở nhân gian                                 Con không được cười giễu họ                                 Dù họ hôi hám úa tàn                                   Nhà mình sát đường, họ đến                                 Có cho thì ... Nhuận Minh,hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề sau: Lòng tốt gửi vào thiên hạ.  
đã hỏi 28 tháng 4, 2020 trong Ngữ văn lớp 12 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
1 trả lời
Viết đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của em trong việc bảo về tình cảm gia đình.
đã hỏi 29 tháng 9, 2021 trong Ngữ văn lớp 6 bởi Khách
0 phiếu
2 câu trả lời
0 phiếu
1 trả lời
Lưu ý: Không copy giống mạng
đã hỏi 30 tháng 10, 2023 trong Ngữ văn lớp 12 bởi hieutgz335942 Cử nhân (3.9k điểm)
0 phiếu
1 trả lời
Cho câu văn sau: "Gia đình là nơi bão tố dừng lại sau cánh cửa." Viết tiếp câu văn đã cho thành 1 đoạn văn diễn dịch khoảng 10-12 câu trình bày suy nghĩ của em về vai trò của gia đình trong cuộc sống. Trong đoạn văn có sử dụng 1 câu cầu khiến (Gạch chân và chỉ rõ)
đã hỏi 8 tháng 4, 2021 trong Ngữ văn lớp 9 bởi phatnguyen25 Thần đồng (1.4k điểm)

HOT 1 giờ qua

  1. monmon70023220

    455 Điểm

  2. Darling_274

    33 Điểm

  3. 333cuchillthoi302

    28 Điểm

  4. minhquanhhqt160

    20 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...