Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
552 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 10 bởi
Lấy chủ thể trữ tình là “anh và em”, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với Đất Nước như thế nào? Hãy làm rõ luận điểm trên qua khổ thơ thứ 3 của bài thơ "Đất nước".

1 Câu trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt

Như mẹ, như cha, như vợ, như chồng

Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, non sông.

(Chế Lan Viên)

Từ lời thơ của Chế Lan Viên, ta mới nhận ra rằng còn gì thiêng liêng hơn là xả thân mình cho đất nước, còn nghĩa cử nào cao đẹp hơn là khi Tổ quốc vẫy gọi, trái tim ta sẵn sàng ngân vang liên hồi? Chân dung Tổ quốc đã được hiện lên muôn hình vạn trạng dưới những ngòi bút tài hoa của nhiều thi sĩ. Ta bắt gặp một hình tượng đất nước đau thương nhưng vẫn ngời lên ý chí đấu tranh trong trang thơ Nguyễn Đình Thi, một đất nước rất đỗi dịu dàng, ý tứ trong thơ Hoàng Cầm. Nhưng với Nguyễn Khoa Điềm, ta bắt gặp một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều phương diện khác nhau về một đất nước của nhân dân. Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thế hệ các nhà thơ mà tài năng và ngòi bút được mài dũa trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước, về dân tộc. Và Nguyễn Khoa Điềm đã hấp dẫn người đọc bằng tình yêu dáng hình quê hương xứ sở một cách đầy tha thiết qua thi phẩm tuyệt bút “Đất Nước”.  Đoạn trích nằm ở chương V của bản trường ca “Mặt đường khát vọng” được sáng tác vào mùa đông năm 1971, tại chiến trường Trị Thiên, thời điểm chống Mĩ quyết liệt tại miền Nam, là nơi dồn nén cảm xúc và kết tinh những suy tư có tính chân lý của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước và Nhân Dân, được chuyển tải qua những lời nghệ thuật dung dị, lại có khả năng truyền cảm sâu sắc đến bao thế hệ độc giả. Lấy chủ thể trữ tình là “anh và em”, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với Đất Nước:

 “Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần đất nước

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…”

Đoạn trích trên thể hiện suy nghĩ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về mối quan hệ riêng - chung, quan hệ cá nhân - cộng đồng, sự tiếp nối của các thế hệ trong một đất nước, một dân tộc. Những suy ngẫm ấy được thể hiện ấy bằng thơ, tức không đơn thuần là tư tưởng, mà chứa đựng cảm xúc, tình cảm của tác giả, do đó rất có sức lay động tâm tư người đọc. Nếu như ở đoạn thơ trước đó trong bài thơ, tác giả nhìn nhận đất nước từ bề dày văn hóa dân tộc hàng nghìn năm qua, thì ở đây lại là những suy nghĩ về đất nước từ cuộc sống hiện tại trong các mối quan hệ riêng - chung, cá nhân - cộng đồng, sự tiếp nối giữa các thế hệ. Hai câu thơ mở đoạn là sự thức nhận chân lí về cội nguồn, về truyền thống, về lịch sử,... Đất nước gần gũi và gắn bó thân thiết với “anh và em”, với mọi người:

“Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần đất nước”

Ta bắt gặp một lối xưng hô hết sức nhẹ nhàng và đầy thân thuộc, như hai chủ thể đang thủ thỉ, tâm tình về những thăng trầm của đất nước. “Anh” là nhân vật trữ tình nhà thơ còn “em” là nhân vật tác giả tạo ra để giãi bày tâm sự, hay chăng cũng chính là thế hệ trẻ - đối tượng mà nhà thơ đang hướng tới. Từ ý niệm “mỗi công dân là một phần tử của cộng đồng, của đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm biến cái to lớn là đất nước nằm gói gọn trong bản thân bé nhỏ, để từ đó trong cả “anh và em” đều mang theo bên mình “một phần Đất Nước”. Nhà thơ nghĩ về Đất Nước một cách đầy sâu sắc, ông thấm thía công lao của những lớp người đi trước, ý thức được những giá trị vật chất và tinh thần của chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ ông cha ta đấu tranh giữ gìn. Bởi lẽ đó mà trong mỗi người đều thừa hưởng “một phần Đất Nước”, Đất Nước hiện lên thật gần gũi, thân thiết, Đất Nước luôn hiện hữu, thường trực trong mỗi con người chúng ta.

Đó là một nhận thức mới về đất nước. Nhận thức ấy được nêu ra để dẫn dắt đến một ý tứ khác, từ “hai đứa” lan rộng đến “mọi người, từ “hôm nay” kéo dài đến “mai sau”:

“Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hòa, nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn to lớn”

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Nếu đoạn trước “Đất Nước là nơi ta hò hẹn” thì đến đây Đất Nước đã là nơi “hai đứa cầm tay”, một hình ảnh vừa lãng mạn vừa gợi tả sự gắn bó, thân tình của đôi lứa yêu nhau, là hình ảnh tượng trưng cho hạnh phúc tuổi trẻ, hạnh phúc gia đình. “Khi hai đứa cầm tay” có thể cùng nhau dựng xây nên một mái ấm, vun vén nên một gia đình. Gia đình là một tế bào của xã hội, là một phần tử của Đất Nước, chỉ có tình yêu và hạnh phúc gia đình mới tạo nên sự “hài hòa, nồng thắm” với tình yêu quê hương Đất Nước. “Sự hài hòa, nồng thắm” ấy khắc sâu mối quan hệ hòa hợp, thân ái giữa cái riêng và cái chung, đó cũng chính là bản chất thống nhất trong tình cảm của thời đại mới. Ý tưởng ấy đã được Nguyễn Đình Thi thể hiện trong một tứ thơ sâu sắc về nỗi nhớ:
“Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần...”
Từ tình yêu và hạnh phúc lứa đôi mà biết mở rộng ra tình yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước thì mới là một điều đáng quý, và từ đó nhà thơ dang rộng cái cầm tay của hai đứa thành cái cầm tay của mọi người:
“Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn to lớn”
Điệp ngữ “cầm tay” được nhắc lại hai lần thể hiện một tình cảm đẹp, một hành động đẹp. “Khi chúng ta cầm tay mọi người” là đoàn kết, là yêu thương đồng bào. Mọi người có cầm tay nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau mới có thể có được “Đất Nước vẹn tròn, to lớn”, mới tạo thành khối đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh Việt Nam. Từ “hài hòa, nồng thắm” đến “vẹn tròn, to lớn” là cả một bước phát triển và đi lên của lịch sử dân tộc và đất nước. Chỉ khi nào “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", chỉ khi nào “lá lành đùm lá rách”, và chỉ khi nào ”Người trong một nước phải thương nhau cùng” thì mới có hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng 'Đất Nước vẹn tròn, to lớn”.
Bốn câu thơ được cấu tạo theo phép đối xứng về ngôn từ: “Khi…Đất Nước…/ Khi …Đất Nước…” kết hợp với nghệ thuật tăng tiến “hai đứa cầm tay”, “chúng ta cầm tay mọi người” đi cùng các tính từ từ “hài hòa nồng thắm” đến “vẹn tròn to lớn” diễn đạt nhuần nhị những ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc của tác giả. Phải chăng nhà thơ muốn nhấn mạnh đến sự gắn bó chặt chẽ, sự đồng cảm sẻ chia của mọi người vì cùng mang những nét chung của Đất Nước, vì cùng thừa hưởng những di sản của cha ông. “Từ chân trời của một người đến với chân trời của mọi người” (P. Ê luya), tình yêu chỉ thực sự đẹp khi tình yêu ấy hòa vào tình yêu cộng đồng, nhất là những tháng năm này Nam Bắc đang bị chia cắt hai bờ đau thương thì những cái cầm tay ấy như nối lại dáng hình đất nước. Sự gắn kết ấy làm nên sức mạnh để dân tộc vượt qua mọi thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù. Cần phải đặt vào hoàn cảnh sáng tác, ta mới hiểu được ý thơ thiêng liêng này. Nguyễn Khoa Điềm viết bản trường ca “Mặt đường khát vọng” trong thời kì chống Mĩ năm 1971, một giai đoạn khói lửa như đốt cháy quê hương. Từ đó, ta thấy được các hình ảnh “hai đứa cầm tay”, “cầm tay mọi người”, đất nước “hài hoà nồng thắm”, “vẹn tròn to lớn” là những hình ảnh ẩn dụ, muốn nhắn nhủ rằng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc sẽ làm nên một đất nước thống nhất vẹn toàn, vững mạnh. Như vậy, cá nhân không thể tách rời cộng đồng, số phận cá nhân phải gắn liền với vận mệnh cộng đồng là tư tưởng chung của thời đại.
Từ hiện tại của cuộc chiến đấu ác liệt, khi mà “bom napan dội lửa mái nhà”, khi mà hàng trăm hàng ngàn người phải sống dưới địa đạo, trong mưa bom bão đạn, Nguyễn Khoa Điềm mơ về tương lai như một lời nhắn nhủ, như một kì vọng sáng ngời niềm tin:
“Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng”
Đất nước không chỉ có đau thương và mất mát của ngày hôm qua và hôm nay mà đất nước còn có những ấm no, tươi đẹp của “mai này”. “Con ta” là thế hệ trẻ, là những lớp người kế thừa, nắm giữ trong tay vận mệnh của đất nước ngày sau. “Con ta lớn lên” chỉ một niềm tin về trí tuệ và bản lĩnh trẻ trên hành trình đi tới ngày mai tươi sáng, một tương lai rực rỡ, huy hoàng. Thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp bước ông cha "Gánh vác phần người đi trước để lại”, xây dựng đất nước ta "Vạn cổ thử giang sơn” (Trần Quang Khải), “To đẹp hơn, đàng hoàng hơn” (Hồ Chí Minh) để rồi chúng sẽ “mang Đất Nước đi xa” và “Đến những tháng ngày mơ mộng”. Các cụm từ đó như phác họa hình ảnh Đất Nước huy hoàng, phồn vinh, thịnh vượng ở tương lai, biểu thị sự kì vọng lớn lao vào tài, đức củ thế hệ trẻ Việt Nam. Giữa những bom rơi đạn lạc nhúng chìm đất nước, ánh nhìn của nhà thơ vẫn tràn đầy niềm tin, lòng khát khao chiến thắng khi nghĩ đến ngày mai. Điều đó chứng tỏ mưa bom bão đạn của kẻ thù có thể vùi lấp được “ngôi nhà, ngọn núi, con sông” nhưng không dập tắt được khát vọng và niềm tin của con người Việt Nam, “xiềng xích chúng bay không khóa được” ước mơ cao cả của mỗi công dân Việt Nam. Đó là một trong những yếu tố quan trọng giúp Đất Nước đi tới thành công.
Và khi cảm xúc đã dâng lên thành cao trào, bốn câu thơ cuối đoạn giọng thơ trở nên ngọt ngào, say đắm khi nhà thơ nói lên những suy nghĩ sâu sắc, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với Đất Nước:
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời”
Một tiếng kêu đầy trìu mến, ngọt ngào bống vang lên: “Em ơi em” khiến cho giọng điệu thơ giàu chất chính luận, chất trí tuệ mà vẫn trữ tình, tha thiết. Nhà thơ ví Đất Nước như là “máu xương” của mỗi người, một phép so sánh đầy sức liên tưởng đến một điều gì đó rất đỗi thiêng liêng và cao cả. “Máu xương” là sự sống, “Đất Nước là máu xương” có nghĩa là đất nước tồn tại như một sự sống và để có sự sống ấy hẳn phải có rất nhiều hi sinh. Quả đúng như vậy, biết bao con người, bao thế hệ đã ngã xuống cho Tổ quốc đứng lên vững vàng. Điệp ngữ “Phải biết” xuất hiện có ý nghĩa như một lời xác định trách nhiệm cụ thể của thế hệ trẻ, thế hệ tương lai, thế hệ vững bước nối tiếp truyền thống. Đó là “gắn bó”, “san sẻ” và “hóa thân”, những động từ theo hình thức liệt có sức gợi rất lớn, khiến mỗi con người phải trăn trở, suy ngẫm. Bởi lẽ, “gắn bó” là biết đồng cam cộng khổ với nhân dân, không sợ khó, sợ khổ, dám cùng nhân dân đứng lên chống kẻ thù. “San sẻ” nhắc ta biết chia ngọt sẻ bùi, biết sống chan hòa, biết gánh vác trách nhiệm của một công dân đối với Đất Nước. Riêng từ “hoá thân” có nghĩa là biến đi rồi hiện lại thành một người hoặc một vật cụ thể khác nào đó. Ở đây, sự “hóa thân” của mỗi con người làm nên “dáng hình xứ sở”, sự trường tồn vĩnh cửu của Đất Nước khiến ý nghĩa của từ này còn sâu sắc và cao cả hơn từ “hi sinh”.
Đất nước vĩ đại nhưng đất nước là một thực thể sống. Thực thể ấy không phải là sự tập hợp của những cá nhân rời rạc mà là một cộng đồng. “Hóa thân” cũng có nghĩa là dâng hiến. Thời bình, người ta dâng hiến sức lực, mồ hôi cho Tổ quốc. Thời chiến, người ta dâng hiến cả sự sống của mình. Sự dâng hiến ấy, theo suy ngẫm của nhà thơ, là cuộc “hóa thân” để làm nên “Đất Nước muôn đời”, một tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Bóng dáng mỗi người đã làm nên bóng dáng quê hương, đất nước. Ý thơ gợi nhớ đến bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân một thời đã in dấu một hình tượng đẹp, sáng ngời lòng yêu nước, xả thân vì lí tưởng, chiến đấu quên mình :
“Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ
Anh là chiến sĩ giải phóng quân
Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.”
Khép lại dòng cảm xúc dâng trào của nhà thơ nhưng lại mở ra niềm tự hào dân tộc cuồn cuộn trong lòng người đọc. Nguyễn Khoa Điềm thật sự đã thành công khi ông chỉ sử dụng những dòng thơ đơn thuần, bình dị mà đã có thể khơi gợi trong ta một tinh thần yêu nước dạt dào. Với giọng thơ nhẹ nhàng, đằm thắm như lời thủ thỉ tâm tình, thi sĩ đưa người đọc về những thăng trầm đã qua của Đất Nước, để ta sống dậy với những hào hùng lịch sử bằng những biện pháp tu từ tài hoa, lối sử dụng từ ngữ hợp lí, tinh tế. Chỉ một đoạn thơ ngắn nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã kết hợp các đặc sắc nghệ thuật như kho tàng tri thức, sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian, tư duy nghệ thuật đậm chất chính luận, giọng thơ trữ tình đằm thắm để ta thêm thấu hiểu sâu sắc những trách nhiệm của bản thân đối với Đất Nước. Những vần thơ như một con đò nhỏ và nhà thơ như sắm vai một người lái đò đưa ta trở lại dòng sông kí ức về những năm tháng khói lửa của quê hương, để ta thêm yêu thương, thêm trân quý, thêm biết ơn, để ta ghi lòng tạc dạ trách nhiệm của bản thân đối với Đất Nước dù ở thời bình hay thời chiến.
Văn thơ chỉ tìm đến bến neo đậu nơi lòng người khi đó là những vần thơ cất lên từ tiếng lòng chân thật, bình dị nhất. Và Nguyễn Khoa Điềm đã tạc nên dáng hình giang sơn đất nước rất đỗi hào hùng vào trái tim mỗi con người Việt Nam khi đọc đoạn thơ này. Câu chuyện về đất nước đối với mỗi người luôn là câu chuyện của trái tim, vừa thiêng liêng, cao cả, cũng vừa gắn bó, thân thiết, và xin hãy luôn kể về câu chuyện ý nghĩa này cho những thế hệ mai sau với một niềm kiêu hãnh, đầy tự hào như Nguyễn Khoa Điềm đã làm. Đoạn thơ như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng cho lớp thế hệ trẻ về ý thức trách nhiệm làm rạng danh Đất Nước, phải sống để tô điểm thêm cho Đất Nước những vết son chói lọi để cho Đất Nước mãi trường tồn, lớn mạnh, sống như một “cuộc hóa thân”:
“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương”
(Bài hát“Tự nguyện”-Trương Quốc Khánh )

Các câu hỏi liên quan

+1 thích
1 trả lời 1.5k lượt xem
Đất là nơi anh đến trường Nước là nơi em tắm Đất Nước là nơi ta hò hẹn Đất Nước là nơi em đánh ... ;ất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Tại mình thấy nó hay quá.^^
đã hỏi 22 tháng 6, 2017 trong Ngữ văn lớp 9 bởi trannhat900 ● Ban Quản Trị Phó giáo sư (52.9k điểm)
  • trannhat900
0 phiếu
2 câu trả lời 1.4k lượt xem
Viết dàn ý chi tiết phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm?
đã hỏi 12 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 385 lượt xem
Viết dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm?
đã hỏi 12 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 222 lượt xem
Phân tích cái nhìn toàn vẹn nhất của Nguyễn Khoa Điềm để miêu tả hình dạng quê hương xứ sở qua khổ đầu bài thơ "Đất nước".
đã hỏi 23 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 10 bởi Khách
0 phiếu
0 câu trả lời 78 lượt xem
Quan niệm của cụ Nguyễn Du về mẫu anh hùng lí tưởng trong xã hội phong kiến được thể hiện như thế nào qua 14 câu thơ cuối bài "Chí khí anh hùng".
đã hỏi 23 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 10 bởi Khách
0 phiếu
1 trả lời 1.1k lượt xem
MẸ VÀ QUẢ    Những mùa quả mẹ tôi hái được    Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng    Những mùa quả lặn rồi lại mọc    Như mặt trời, khi như mặt trăng    Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên    Còn những bí và bầu thì lớn xuống    Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn    Rỏ xuống ... cụm từ in đậm trong hai dòng cuối của bài thơ Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi - Mình vẫn còn một thứ quả non xanh .
đã hỏi 5 tháng 2, 2021 trong Ngữ văn lớp 10 bởi PTG Tiến sĩ (22.4k điểm)
0 phiếu
0 câu trả lời 358 lượt xem
Đọc bài thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm và trả lời các câu hỏi :       MẸ VÀ QUẢ    Những mùa quả mẹ tôi hái được    Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng    Những mùa quả lặn rồi lại mọc    Như mặt trời, khi như mặt trăng    Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên    Còn những ... thứ quả non xanh . Câu 5: Viết một đoạn văn (khoảng 15 đến 20 dòng), trình bày suy nghĩ của Anh/ chị về tình mẫu tử.
đã hỏi 16 tháng 3, 2020 trong Ngữ văn lớp 10 bởi xavia2k5 Cử nhân (4.5k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 233 lượt xem
0 phiếu
2 câu trả lời 650 lượt xem
Viết mở bài hay nhất cho bài văn phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm?
đã hỏi 12 tháng 5, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
  1. Darling_274

    20 Điểm

  2. minhquanhhqt160

    15 Điểm

  3. lueyuri009730

    15 Điểm

  4. lenguyenducminh05102011227

    5 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...