Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
120 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 12 bởi
Cảm nhận của anh/ chị về bài thơ Tống biệt hành của nhà thơ Thâm Tâm

2 Trả lời

0 phiếu
bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
 
Hay nhất

Thâm Tâm đặt tên cho bài thơ là "Tống biệt hành". Hành là một thể cổ thi rất thịnh hành vào thời Hán Nguy Lục Triều ở Trung Quốc, có đặc điểm là khá tự do, phóng khoáng, không gò bó, lời thơ gần với lời nói. Với các nhà thơ trong phong trào Thơ mới (1932 - 1945), các bài hành như Hành phương Nam của Nguyễn Bính, Can trường hành, Vọng nhân hành và "Tống biệt hành" của Thâm Tâm thường được sử dụng để diễn tả một tâm trạng bị phẫn, bi hùng. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh rất tinh khi nhận xét "Tống biệt hành" của Thâm Tâm đã làm “sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ”. Cảnh chia li, tống biệt vốn là một thi đề muôn thuở, và thi đề "Tống biệt hành" có tác dụng xác định xu hướng phong cách hoá cổ kính của bài thơ. Không khí riêng của bài thơ cổ còn được gợi lên qua hình tượng li khách, một con người phảng phất dáng dấp của những đấng chinh phu thuở xưa, một đi là không trở lại, coi cái chết nhẹ như lông hồng,...

Tuy nhiên, "Tống biệt hành" lại là bài thơ rất nổi tiếng của phong trào Thơ mới - “một thời đại mới” trong thi ca dân tộc. Cho nên, phân tích "Tống biệt hành" không chỉ thấy nó gợi lên được cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ, mà chủ yếu phải làm rõ tính chất hiện đại, sự cách tân về nghệ thuật của bài thơ này.

"Tống biệt hành" của Thâm Tâm có một sức cuốn hút, ám ảnh lạ thường. Ai đã từng đọc, dù chỉ một lần, chắc không bao giờ quên giọng thơ “rắn rỏi, gân guốc của nó. Nhưng bên trong cái gân guốc, rắn rỏi ấy, bài thơ lại thấm đượm một buồn. Nhưng buồn mà không bi lụy, dứt khoát, dửng dưng mà không vô cảm, vô tình. Bài thơ ngợi ca một con người ra đi theo chí lớn, rất kiên quyết di khoát mà vẫn không hề “dửng dưng”, vẫn đầy lưu luyến với gia đình, với những người ruột thịt.

Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi như một tiếng nói thầm, băn khoăn, ngạ nhiên về ấn tượng của cuộc tiễn đưa, nhưng kì thực là cực tả tâm trạng xao xuyến buồn tê tái của lòng người lúc chia tay:

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Câu thơ đầu toàn thanh bằng, trầm lắng như tiếng lòng người đưa tiễn. Không gian ở đây không lặp lại như trong thơ cổ thường dùng dòng sống như một biểu tượng của cuộc chia li. Và thời gian cũng không phải là cảnh hoàng hôn gợi lên một nỗi buồn mênh mông như trong thơ cổ. Cả không gian và thời gian trong thờ xưa đều bị phủ định bằng hàng loạt từ không: không có bến sông, bóng chiều không thắm, không vàng vọt. Không khí hào hùng của bài thơ được gợi lên từ những gam màu - không - buồn: nắng không thắm, không vàng vọt, mắt trong, mắt biếc, trời tươi... nhưng trên nền hoạ cảnh đó là tâm cảnh ngược lại. Ngược từ cái “không đưa sang sông” đến cả ánh hoàng hôn của trời chiều đằm thắm trong mắt của li khách, của người đưa tiễn. Lấy ít - cái - buồn đối chọi nhiều - cái - buồn nhưng buồn ấy là buồn thật, buồn đến trĩu cả hồn thơ nên nét kiêu bạc không lấn vượt lòng sầu cảm. Nói nhiều cái không là để tô đậm, làm nổi bật một cái có thực là tâm trạng buồn tê tái của con người.

Ngay ở những câu thơ mở đầu này, tính hiện đại của bài thơ đã được thể hiện khá rõ. Bài thơ không mở đầu bằng những câu thơ tả cảnh như phần lớn các bài thơ trung đại. Cũng không cần mượn cảnh để tả tình nữa, Thâm Tâm đã trực tiếp miêu tả tâm trạng của con người. Tâm trạng ở đây được cụ thể hoá bằng một ấn tượng như “có tiếng sóng ở trong lòng” được tạo nên bằng những rung động, những nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến. Tâm trạng của con người còn được cụ thể hoá bằng một cảm nhận trong mắt như có một mối sầu chia li, một nỗi nhớ thương mênh mang, vời vợi: Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong? Mặt khác chính là nhờ phủ định hàng loạt những chi tiết nghệ thuật, những thi liệu quen thuộc trong thơ cổ (không qua sông, bóng chiều không thắm, không vàng vọt), Thâm Tâm đã tạo ra sự hiện diện của những cái không có, nối liền cảnh chia li hiện tại với cảnh cũ ngàn xưa, tạo nên sự giao thoa, cộng hưởng, làm cho câu thơ có sức lay động, dư ba. Bốn câu thơ mở đầu này, với hàng loạt những điệp từ (đưa người không đưa; sao có, sao đầy, không thắm - không vàng vọt) và hai câu hỏi tu từ đã tạo nên một giai điệu đặc biệt, một giọng điệu vừa rắn rỏi, gân guốc vừa sâu lắng thiết tha. Giọng điệu của những câu thơ mở đầu cũng chính là giọng chủ đạo, phối toàn bộ bài thơ.

Hai hình tượng nhân vật này (ta và li khách) gắn bó với nhau như hình với bóng, song song tồn tại từ đầu đến cuối bài thơ. Phân tích hình tượng nhân vật li khách, cần chú ý tới mối quan hệ đặc biệt này. Ngay khổ thơ đầu tiên, hình tượng li khách đã được gợi lên. Nhưng đến khổ thơ thứ hai, ngòi bút của tác giả mới tập trung khắc hoạ để làm nổi bật hình tượng li khách. Qua từng dòng thơ, gương mặt tinh thần của người ra đi mỗi lúc một hiện lên cụ thể, sinh động hơn và cũng chân thật, toàn vẹn hơn.

Giá trị của bài thơ là ở nghệ thuật lưỡng phân. Dòng nội tâm ấy dịch chuyển trong ngôn từ, trong hình tượng, cấu tứ. Nó lấn vượt, nhường nhịn đến ba câu cuối nỗi buồn của thi nhân trào dâng và con người của nỗi buồn li cách trong con người tráng chí sừng sững với cái ý chí quyết tâm lên đường:

 

bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng…
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Toàn khổ thơ là sự chuyển hoá hay ngưng tụ của thời gian, không gian giữa muôn tiếng lòng kẻ ở người đi. Hình ảnh người ra đi hiện lên trong tâm tư, trong kí ức của người ở lại như một nhân vật lãng mạn mang dáng dấp của một đấng trượng phu. Nhân vật li khách được vẽ bằng nét bút cường điệu nhằm làm nổi bật cái chí lớn, một ý chí sắt đá quyết tâm ra đi không gì lay chuyển nổi (Một giã gia đình một dửng dưng), một thái độ sống chết vì nghĩa lớn (Chí lớn chưa về bàn tay không). Hình tượng li khách làm gợi lên trong tâm trí người đọc một trang nghĩa sĩ thuở xưa “dứt áo ra đi”, “một đi không trở về”. Trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước ta lúc bấy giờ, thái độ kiên quyết, dứt khoát, gạt tình riêng ra đi theo chí lớn của li khách là một thái độ, một tư thế mang đậm màu sắc của cái cao cả, có sức hấp dẫn mạnh mẽ người đọc.
Đoạn thơ này có sự đan cài, xen kẽ, hoà quyện giữa hai giọng điệu của người đưa tiễn và li khách, tạo nên tính chất phức điệu của ngôn ngữ thơ. Nhưng hình ảnh li khách hiện ra không chỉ có thái độ dứt khoát, “dửng dưng” với tất cả. Trong tâm tư sâu kín của anh vẫn còn chất chứa biết bao tình cảm dành cho gia đình, cho những người thân yêu, ruột thịt. Thâm Tâm đã phát hiện và thể hiện thật sâu sắc, thấm thía những nét đối lập mà thống nhất trong con người li khách. Ra đi “một giã gia đình, một dửng dưng” mà trong đôi mắt u ẩn, vẫn chất chứa nỗi sầu li biệt “đầy hoàng hôn trong mắt trong”. Muốn vượt lên, nỗ lực thoát khỏi những trường lực của tình cảm thường tình để đi theo tiếng gọi của cái cao cả “chí nhớn chưa về bàn tay không”, mà trong lòng vẫn chồng chất, dằng dặc buồn thương:
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Ta biết người buồn sáng hôm nay...
Một nỗi buồn thường trực trong thời gian. Buồn từ chiều hôm trước lan toả đến sáng hôm sau. Thời gian của thi ca, của tâm tưởng, của đồng hiện, đồng quy; là khoảnh khắc song cũng là chuỗi tiếp nối. Té ra, người ra đi không hề “dửng dưng”! Dửng dưng chỉ là cái vẻ bên ngoài. Đằng sau cái vẻ ngoài có vẻ dửng dưng ấy là cả một thế giới nội tâm đầy những day dứt, dằn vặt ở bên trong, là sự dằn lòng đến đau đớn của li khách. Người ra đi bị níu lòng từ nhiều phía: mẹ già, những người chị và đứa em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc - Gối tròn thương tiếc chiếc khăn tay. Những người chị như sen cuối hạ đã khóc nhiều, khóc đến giọt nước mắt cuối cùng để khuyên can, van nài người em ở lại: Một chị, hai chị cũng như sen - Khuyên nốt em trai dòng lệ sót. Cực tả tình cảm níu kéo của những người thân cũng là để tô đậm thêm cái ý chí quyết tâm ra đi của li khách.
Như vậy, qua ngòi bút của Thâm Tâm, hình tượng li khách hiện ra đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn giằng xé giữa chí lớn và tình riêng. Bút pháp đối lập của nhà thơ đã làm nổi bật rõ hơn bao giờ hết gương mặt tinh thần của người ra đi: càng tô đậm cái chí lớn lại càng làm bộc lộ rõ hơn tình cảm nhân bản của li khách; và ngược lại, càng cường điệu tình cảm níu kéo của những người ruột thịt thì lại càng làm nổi bật chí lớn của người ra đi. Dẫu tình cảm gia đình sâu nặng, vô cùng quyến luyến vẫn không níu chân được li khách, vẫn không thể lay chuyển được chỉ lớn của li khách. Mâu thuẫn nhưng lại hết sức thống nhất, nhất quán. Tất cả làm nổi bật hình tượng một con người giã nhà ra đi theo chí lớn mà vẫn nặng lòng lưu luyến, bịn rịn với gia đình. Vì chí lớn, li khách đã dứt áo ra đi. Bốn câu kết của bài thơ thật ấn tượng:
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.
Bốn câu thơ này đã từng tồn tại nhiều cách hiểu. Li khách đã đi rồi mà người đưa tiễn vẫn còn ngơ ngác như không tin đó là sự thực. Người đi? ừ nhỉ, người đi thực! - câu hỏi nêu ra như một điều không chắc chắn. Nhưng sự thực thì li khách đã đi. Mấy từ đi thực như khẳng định một điều mà những giây phút trước đó còn chưa phải là sự thực. Và khi chợt nhận ra li khách đã đi thực thì bàng hoàng sực tỉnh, bâng khuâng, buồn man mác. Nhưng thật ra, nỗi lòng của người đi dù dứt khoát song dễ gì hờ hững, còn người đưa tiễn dẫu muốn dòng sông trước mặt cứ lùi ra xa để dặm trường luyến lưu còn miên viễn nhưng nào có cầm giữ được người đi.
Có ý kiến cho rằng: để dứt áo ra đi, li khách đã coi mẹ như chiếc lá bay, coi chị như là hạt bụi và coi em như hơi rượu say. Mỗi chữ thà tựa như một nhát dao sắc, chặt đứt tình cảm để ra đi. Cách hiểu như thế không mấy thuyết phục. Có lẽ mấy chữ thà láy đi lấy lại đầy ấn tượng dễ làm mờ giác quan của người đọc. Căn cứ vào cái mạch của cả khổ thơ (được xác định bởi câu thứ nhất: “Người đi? ừ nhỉ, người đi thực!”, và cú pháp của ba câu thơ cuối, không có cơ sở để hiểu theo cách li khách coi mẹ, coi chị, coi em như chiếc lá, như hạt bụi, như hơi rượu say. Cho nên, cách hiểu giàu sức thuyết phục hơn cả là: vì chí lớn, li khách không thể không ra đi. Một khi ra đi, có thể không về: Mẹ thà coi (li khách) như chiếc lá bay - Chị thà coi (li khách) như là hạt bụi - Em thà coi (li khách) như hơi rượu say.
Ba câu cuối cùng vẫn là lời của người đưa tiễn, nhưng lại được diễn tả bằng ngữ điệu và ý thức của người ra đi, nhấn mạnh một lần nữa cái chí lớn (Chí nhớn chưa về bàn tay không) của li khách. Giọng thơ có vẻ dứt khoát, nhưng vẫn không giấu nổi sự đau đớn, như dằn lòng dứt áo ra đi.
Sức hấp dẫn của "Tống biệt hành" không chỉ là ở chỗ đã làm “sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ” mà chủ yếu là vì đã tạo nên một chất lượng thẩm mĩ mới cho một thi đề quen thuộc. Ngẫm cho cùng, "Tống biệt hành" là bài thơ đối thoại lại lối hành cổ song đấy chính là điểm thành công tuyệt vời của Thâm Tâm, đến mức bài thơ vừa vang vọng âm hưởng trầm hùng trên cái nền cơ bản là nỗi xót xa li biệt, nỗi cô đơn thoáng chút bất cần vừa mang cả niềm ao ước được dâng hiến, yêu đời đến man mác cả trời chiều trong phút lâm hành của lớp thanh niên trưởng thành trong thời đất nước gặp nguy khốn. Cái hay của bài thơ là đã miêu tả thành công vẻ đẹp của hình tượng nhân vật li khách - hiện thân của cái cao cả - trong mối quan hệ với thế giới nội tâm sâu kín, toàn vẹn, đầy tinh thần nhân đạo, thể hiện cái nhìn nhiều chiều và sâu sắc về con người của Thâm Tâm. Đó cũng là lí do chính làm cho "Tống biệt hành" trở nên bất tử.
+1 thích
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)

Làng "Thơ mới" Việt Nam 1930–1945 xuất hiện một giọng thơ thật lạ: Thâm Tâm. Thâm Tâm làm thơ không nhiều, nhưng với “Tống biệt hành" đã góp vào bản đại hòa tấu của phong trào “Thơ mới” (1932–1945), một giai điệu trầm hùng, gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc hơn nửa thế kỷ qua. Thâm Tâm vẫn lấy đề tài “tống biệt” quen thuộc. Bài thơ được viết theo lối hành và hơi thơ cổ phong phóng khoáng cùng hồn thơ tráng sĩ ẩn chứa bao điều gợi lên trong lòng người đọc một cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng khó hiểu của thời đại. Phải nói, “Tống biệt hành" là xác, là hồn, là máu thịt của Thâm Tâm. Cho nên, nói đến Thâm Tâm, người ta không quên nhắc đến “Tống biệt hành", và ngược lại. Không chỉ là bài thơ hay nhất của Thâm Tâm. “Tống biệt hành" còn là một bài thơ của nền thơ Việt Nam nói chung.

Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng? 

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt 

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,

Một giã gia đình, một dửng dưng

Li khách! Li khách! Con đường nhỏ, 

Chí nhớn chưa về bàn tay không,

Thì không bao giờ nói trở lại!

Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.

 

Ta biết người buồn chiều hôm trước: 

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,

Một chị, hai chị, cùng như sen, 

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót, 

Ta biết người buồn sáng hôm nay: 

Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay, 

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay... 

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi,

Em thà coi như hơi rượu say.

Người ta nói, một bài thơ hay thường có nhiều tầng ý nghĩa. Biết bao thế hệ, biết bao người đã nói “Tống biệt hành" với rất nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng dường như chưa ai nói hết, nói đúng được tất cả những cái hay của bài thơ một cách trọn vẹn nhất. Cũng như những người đã viết, đang viết và sẽ viết về giá trị của “Tống biệt hành", tôi không dám khẳng định rằng mình đã hiểu được hết những cái hay, cái đẹp của bài thơ. Tôi chỉ biết cứ mỗi lần đọc bài thơ, là một lần tôi mở lòng mình ra, sống hết mình với Thâm Tâm, với “Tống biệt hành".

Không biết đã bao nhiêu lần, những câu thơ thiết tha ấy, rất tự nhiên, đã đi vào lòng tôi, lòng bạn đọc, làm ta xúc động khôn nguôi. Chỉ bằng khổ thơ này, Thâm Tâm đã hoá thân như một “phù thuỷ” hô sóng vào lòng, gọi hoàng hôn lên mắt của người đi kẻ ở trong buổi tiễn đưa:

Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng? 

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt 

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Chắc đã qua rồi cái thời mà ở nước ta, phương tiện giao thông chủ yếu là con ngựa, là chiếc thuyền. Cuộc tiễn đưa này là ở bến xe, hay một sân ga? Cũng không biết nữa! Chỉ biết rằng "đưa người ta không đưa qua sông", nhưng trong lòng thì dồn lên từng lớp sóng dào dạt. Ngay từ đầu, khi tiếp cận bài thơ, cái tên “Tống biệt hành" đã gây ấn tượng mạnh vào cảm giác của người đọc. "Thơ mới" mà sao “cổ” quá! Ta đã gặp thể hành qua Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, Sở kiến hành của Nguyễn Du, hay về sau này là trong thơ Quang Dũng (Tây Tiến)... Ở đây Thâm Tâm đã chọn một thể thơ cổ để thể hiện. Có lẽ cũng vì lẽ đó mà trong “Tống biệt hành" có một bút pháp rất lạ, rất riêng, rất Thâm Tâm. 

Trở lại hai câu thơ đầu, một lần nữa ta bắt gặp phong vị cổ kính của bài thơ. Khi ấy, tác giả lại mượn một cuộc tiễn đưa của người xưa trong văn thơ cổ Trung Quốc để nói lên tình cảm của mình trong lần "tống biệt" này. Nỗi xúc động, tình cảm ấy mãnh liệt và dồn dập lắm mới có thể trở thành tiếng sóng trong lòng. 

Khổ thơ bốn câu mà tác giả tác dùng đến ba từ “ không”: không đưa, không thắm, không vàng vọt. Thế mà, ta nghe như lại có rất nhiều bâng khuâng, xao động trong lòng người đi – kẻ ở. Cái độc đáo của thủ pháp nghệ thuật trong khổ thơ là ở chỗ nói không để chỉ có. Nói không đưa người sang sông như Kinh Kha xưa, nhưng thật sự là tiễn nhau. Nói không thắm, nhưng tình sao mà lưu luyến thắm thiết đến lạ! Nói không vàng vọt nhưng “hoàng hôn” lại hiện trong đôi mắt người ở lại. Hiểu theo một cách khác thì đó là một buổi chiều bình thường như bao buổi chiều “không thắm”, “không vàng vọt”, nghĩa là trời vẫn xanh như bao nhiêu buổi chiều hạ đã qua.  Thế mà trong mắt kẻ tiễn người đưa, đầy ắp hoàng hôn. "Hoàng hôn" – dường như bản thân hai từ ấy đã gợi buồn, chưa buồn. Lúc này nó đậm đặc trong những đôi mắt: thật tài tình và tinh tế, điệp từ "trong" làm câu thơ nuột nà, thanh nhẹ, kéo dài, gợi nỗi buồn tê tái. Sử dụng điệp từ trong một khổ thơ đã khó, thế mà Thâm Tâm đã dám dùng và rất thành công khi để hai tiếng "trong" liền trong một dòng thơ. Hiểu thế nào đi nữa thì âm vang câu thơ vẫn cứ đọng lại một vẻ buồn đưa tiễn. Đoạn thơ thoạt đầu đọc lên, chưa nghĩ tưởng chừng là vô lý; nghĩ ra, ta mới thấy, tình cảm của người đưa sao tha thiết đến vậy?

 

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Lại thêm một câu thơ buộc người đọc phải dừng lại:
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng.
Câu thơ khó hiểu, phải chăng chỉ có con người này mới xứng đáng để cho ta tiễn đưa? Bởi vì, cái dửng dưng kia không phải là sự lạnh lùng vô tâm của kẻ tàn nhẫn. Mà đấy là cái vẻ lạnh lùng của gương mặt cố giấu những cảm xúc trong lòng để đỡ bận lòng kẻ ở lại. Người tiễn chỉ biết đến có người đi, không nghĩ đến chuyện gì khác nữa.
Những từ ngữ cổ được dùng với mật độ lớn trong các câu thơ, kết hợp với thể hành cổ điển, làm cuộc ly biệt càng trở nên trang trọng thiêng liêng. Bởi vậy, ta bắt gặp bốn câu thơ tiếp theo là hình ảnh “li khách”, chủ thể của cuộc chia tay này hiện ra trên con đường nhỏ, mang cả một “chí nhớn”:
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Cả đoạn thơ như một một con thuyền đang chở đầy tâm trạng của người đọc chìm dần xuống dòng sông chia ly. Ở đây, li khách là từ sáng tạo độc đáo của riêng Thâm Tâm dùng để gọi người đi với thái độ trân trọng. Điều này khiến ta nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Đình Thi trong bài Đất nước: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng thềm nắng, lá rơi đầy”. Người ra đi dửng dưng nên nói ra những lời mạnh mẽ, dứt khoát, lạnh lùng, sắt đá như vậy, hay tình cảm đã nén chặt lại trong lòng để thể hiện lòng quyết tâm cao độ của mình trong lần ra đi này? Chỉ biết rằng, người ra đi, chưa biết đi đâu, đi làm gì, nhưng vẫn ra đi. Hơn thế, ra đi với lời thề: chưa thực hiện được lý tưởng, thì nhất định không trở về. Lý tưởng đó như thế nào? Cũng chưa biết nốt. Bảo: “Đừng mong”, vì li khách sợ mẹ mong chờ mà khô héo. Nói thế là để yên lòng người ở lại. Nhưng vẫn quyết tâm, vẫn hùng dũng, dứt áo ra đi, kiểu Nguyễn Bính: "Giày cỏ, gươm cùn, ta đi đây!" Cái vẻ gân guốc bề ngoài ấy, rồi cũng đến lúc qua đi. Không thể che giấu mãi được những tình cảm, những xúc động thường có trong những buổi chia tay. Nỗi buồn đã xâm chiếm lòng người:
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Thì ra người đi không phải chỉ có dửng dưng, không phải chỉ có lòng quyết tâm cao độ, trái lại, người cũng rất buồn, buồn từ "chiều hôm trước". Lạ quá, sao đang nói lòng người, tác giả lại "nhảy" sang nói chuyện thời tiết, thiên nhiên. "Bây giờ mùa hạ sen nở nốt!". Đó là một thủ pháp được dùng nhiều, và rất "đắc địa" trong thơ Thâm Tâm đặc biệt là ở đây trong “Tống biệt hành". Sen mùa hạ, cuối mùa, thường hiếm hoi. "Một chị, hai chị cùng như sen" – cũng thật lạ! Tác giả đếm chị hay đếm sen? Nhưng ai lại đếm chị mình bao giờ? Dùng số đếm cụ thể, so sánh với những bông sen nở cuối mùa, tác giả không ngoài mục đích thể hiện sự muộn màng của những người chị thân yêu của mình, đồng thời, ẩn trong đó là niềm trắc ẩn da diết, lòng yêu quí trân trọng chị. (Nên mới so sánh với sen, sen đã quí, những bông sen cuối mùa lại càng quí vì hiếm).
Hai chị em đã khóc nhiều, nay lại "Khuyên nốt em trai dòng lệ sót". Xúc động lắm chứ, nhưng vẫn ra đi. Cái "nở nốt" của sen với cái "sót" của dòng lệ cuối tạo nên sự ngậm ngùi, xót xa, chua chát thế nào.
Người buồn từ chiều hôm trước
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay.
Người buồn đến sáng hôm nay
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Một lần nữa, ta lại bắt gặp thủ pháp quen thuộc của Thâm Tâm cách miêu tả thiên nhiên xen giữa dòng tình cảm, tưởng như lạc đề, tưởng như xạ lạ, tản mạn lại có tác dụng rất lớn. Cái tươi sáng của buổi sáng cuối hạ với đổi mắt ngây thơ trong trẻo của đứa em có sự cộng hưởng với nhau, tạo nên một cái gì tội tội, ngậm ngùi cho buổi tiễn đưa.  m điệu câu thơ vút lên, bởi cách gieo vần liên tiếp "liếc", "tiếc", "chiếc”; kết hợp với việc đặt các vấn trắc, mà toàn là thanh sắc, liền nhau. Đi liền với đó là ba vần bằng, khinh thanh “nay, thay, tay”, nên nhịp thơ thất ngôn trở nên mềm mại, uyển chuyển như giao điểm chuyển mùa từ hạ sang thu, nhưng hạ vẫn còn đâu đó “tươi lắm thay”! Thế nhưng ai chắc rằng “em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc” này lại không níu kéo bước chân người ra đi với hình ảnh “Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”. Đôi mắt biếc ngây thơ ấy, chiếc khăn tay như bị nắm chặt trong bàn tay bé thơ kia, đã làm nhói lòng người, trói buộc người đi lắm. Thế nhưng, nếu không có tinh thần của “hiệp sĩ” thì “ly khách” kia khó mà dứt áo ra đi được. Điều đó không chỉ tạo nên sự hợp lý giữa thời gian và đối tượng, mà làm cho logic toàn bài thơ chặt chẽ hơn, thuyết phục người đọc dễ dàng hơn.
Khổ cuối là bốn câu thơ hay nhất, kết thúc khúc bi tráng tống biệt trong một tâm trạng bời bời, một niềm viễn xứ khôn khuây, cuốn người đi trong chốn mịt mù chinh chiến có cái buồn cổ thi ngất ngưởng, phong trần và xả thân, đã gợi một nỗi quặn đau xa vời, thẳm mộng. Bởi vậy, người đi đành phải thốt lên những lời coi như khúc đoạn trường, coi như nhận phần bất hiếu về mình khi nợ nước, tình nhà khó chọn cả hai?
Nếu câu đầu là một thành công về nghệ thuật lẫn nội dung với ba tâm trạng được nén lại trong câu thơ đi từ trạng thái nghi vấn đến khẳng định mà nghi vấn. Rồi lại đến khẳng định mà cách nói như trong cơn mê, tâm trạng bàng hoàng:
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Một sự bừng tỉnh, bứt ra khỏi dòng cảm xúc miên man. Câu hỏi ẩn chứa sự ngờ vực, bởi nỗi buồn chia xa thấm thía, trĩu nặng. Tiếp đó, hai tiếng “ừ nhỉ” thật thẫn thờ, để rồi khẳng định: "người đi thực". Câu thơ gây cho ta niềm xúc động mạnh mẽ. Người ở lại tự hỏi, tự trả lời, càng làm tăng thêm nỗi buồn đau tê tái. Đến đây, khổ kết nghẹn ngào như một lời trăng trối gửi về mẹ, chị, em với những hình ảnh so sánh chiếc lá bay, hạt bụi, hơi rượu say đầy những ám ảnh thân phận:
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.
Câu thơ xoáy vào lòng người đọc, gợi niềm thương cảm rưng rưng. Những câu nói như có vẻ bất cần ấy có khác nào những lời tức tưởi bật ra từ sự cố nén tình cảm từ đầu đến bây giờ của người đi. Nhưng thật ra, mỗi câu thơ nhắc đến mẹ, chị, em - những đối tượng đều là một phần máu thịt, một phần linh hồn của người đi. Dường như không thể cố nén thêm được nữa, tình cảm chợt tràn ra. Điệp ngữ liên tiếp đặt ở cùng một vị trí như nhau trong ba câu thơ "thà coi như" tỏ vẻ bất cần, rũ tuột mọi thứ để thanh thản dứt áo ra đi, vẫn không giấu nổi nỗi niềm thương nhớ, xúc động chất chứa trong lòng người đi.  m điệu câu thơ dồn dập thể hiện niềm xúc động mạnh của lòng người. Tầm vóc người đi cứ thế nên càng lớn lên, đẹp đến lạ thường và cũng để kết thúc khúc bi tráng tống biệt thương tâm mà oanh liệt, là một khúc ngâm đẹp ngân vang cái không khí khó hiểu của thời đại, như Hoài Thanh đã từng nhận xét: “ Không mềm mại, uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”.

Cái hay của bài thơ này nằm ở nhiều phía từ hơi thơ cổ phong, từ hồn thơ tráng sĩ, từ tình thơ đẹp như sen cuối hạ cần nở nốt với nỗi buồn man mác của buổi chia tay. Cả bài đều dùng vần “bằng” có thanh không dấu, xen với ít vần “trắc”, gieo vào lòng người một ý vị bâng khuâng, xốn xang. Tóm lại, cách xây dựng hình ảnh, khắc họa tâm trạng nhân vật ở đây hoàn toàn thuộc về thủ pháp lãng mạn. Có mượn thơ xưa cái không khí “đưa qua sông” cũng là để phân biệt với người của thời hiện đại không đưa qua sông. Có mượn bóng chiều cũng để nhấn mạnh ngoại cảnh không phải là tác nhân tạo nên nỗi buồn biệt ly, vì bóng chiều không thắm không vàng vọt, không vui, không buồn. Những từ: đưa người, ly khách, người buồn, người đi... có thể nhận ra suốt trục dọc của bài thơ và nhấn nhá nhiều lần như một điệp khúc buồn. Sự thay đổi của thời đại và sự khác biệt trong tư tưởng đã làm nên hình bóng con người hiệp sĩ. Đặc biệt, thủ pháp nghệ thuật xuất sắc nhất của bài chính là gợi lên sự tương phản: tương phản giữa người và cảnh: cảnh trung tính - người buồn rầu; sự tương tác giữa “không” và “có”: “không đưa qua sông”, “không thắm không vàng vọt” nhưng “có tiếng sóng” và “đầy hoàng hôn”. Đặc biệt là tương phản giữa bề ngoài và tâm trạng của con người. Qua đó, bài thơ đã thành công vẽ được một vẻ đẹp rất bi hùng, rất lãng mạn mà rất cổ thi, nó hoà quyện giữa lý tưởng và tình cảm, giữa cái chung và cái riêng, giữa cái buồn thương rối bời mà vẫn cứ ra đi.
Bài thơ là lời của người ra đi, hay người ở lại? Hay là lời của một ai đó kể về một cuộc tiễn đưa? Người ra đi có phải là một chiến sĩ Cách mạng không? Cũng không biết nữa? Chỉ biết rằng hơn chục năm qua, bài thơ “Tống biệt hành" của Thâm Tâm đã làm bao nhiêu thế hệ người đọc xúc động mạnh mẽ. Nhân vật người đi trong “Tống biệt hành" dù có gợi lại không khí cổ xưa, dù có gắng gượng chống chọi tiếng thổn thức sâu thẳm từ tâm hồn bằng dáng vẻ kiêu dũng bề ngoài, cũng vẫn chỉ là sản phẩm thuần túy lãng mạn. Bài thơ đã tạo nên ấn tượng không thể phai mờ trong lòng bạn đọc, trước hết là bởi cái tình và cái tài của nhà thơ quá cố Thâm Tâm.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
2 câu trả lời 452 lượt xem
Cảm nhận của anh/chị về khổ thơ thứ ba bài thơ "Vội vàng"
đã hỏi 13 tháng 1, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi metraidauthaimoihet Học sinh (104 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 934 lượt xem
0 phiếu
0 câu trả lời 182 lượt xem
Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về nội dung ý thơ: Đời vẫn vui đâu đợi trăng rằm Vầng dương rạng tự tâm ta trọng.
đã hỏi 22 tháng 1, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi Khách
+1 thích
1 trả lời 407 lượt xem
Anh/chị hãy cảm nhận tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ sau: Chiếc vành với bức tờ mây, Duyên này thì giữ vật này ... cách mặt khuất lời, Rưới xin giọt nước cho người thác oan.
đã hỏi 14 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 10 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 358 lượt xem
cảm nghĩ của em về bài sông núi nuoc nam ?
đã hỏi 22 tháng 12, 2016 trong Ngữ văn lớp 7 bởi lê hằng Học sinh (222 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 204 lượt xem
Cảm nhận của anh chị về hình tượng người đàn bà hàng chài trong tác phẩm chiếc thuyền ngoài xa? Qua cuộc đời số phận của người phụ nữ này hãy trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề hiện thực đời sống mà nhà văn muốn gửi gắm.
đã hỏi 19 tháng 5, 2020 trong Ngữ văn lớp 12 bởi Khách
0 phiếu
0 câu trả lời 556 lượt xem
- Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ có đoạn sau: Hồn Trương Ba: (sau một lát) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được! Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu! Hồn Trương Ba: Không thể bên trong ... về quan điểm sống của Trương Ba và Đế Thích trong đoạn trích tên. Từ đó, hãy rút ra thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc?
đã hỏi 19 tháng 4, 2020 trong Ngữ văn lớp 12 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
+1 thích
1 trả lời 153 lượt xem
Viết bài văn nêu cảm nhận của anh/chị về bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão
đã hỏi 9 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 10 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 215 lượt xem
Tell about your neibourhood  ( viết 1 đoạn văn từ 7 đến 8 câu)
đã hỏi 7 tháng 12, 2016 trong Tiếng Anh lớp 6 bởi alili Học sinh (335 điểm)
  1. phamngoctienpy1987844

    50628 Điểm

  2. vxh2k9850

    35940 Điểm

  3. Khang1000

    29693 Điểm

  4. Tí Vua Đệ Nhất

    28073 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...