Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
1.9k lượt xem
trong Ngữ văn lớp 11 bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Đã chọn lại chủ đề bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên
Phân tích bi kịch bị lưu manh hóa của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao.

3 Trả lời

0 phiếu
bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
được bầu chọn là câu hỏi hay nhất bởi Teemo-
 
Hay nhất

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu vào vấn đề cần phân tích: Nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao có thể đến Chí Phèo, truyện ngắn này đã hướng đến phản ánh nỗi đau khổ của con người, đó không chỉ là cái khổ do nghèo, do bóc lột mà còn là bi kịch tha hóa, lưu manh hóa về nhân cách.

2. Thân bài

-Thông qua nhân vật Chí Phèo, tác giả Nam Cao đã chỉ ra một bi kịch khủng khiếp đã từng tồn tại trong đời sống của người nông dân trong xã hội xưa, đó chính là bi kịch bị tha hóa về nhân cách.

– Chí Phèo vốn là một người nông dân lương thiện như bao người nông dân khác trong làng Vũ Đại

– vì thói ghen tuông vớ vẩn của Bá Kiến mà Chí trở thành nạn nhân của cường quyền, thống trị –> Chí Phèo phải đi tù 7, 8 năm.

– Nhà tù thực dân đã làm biến đổi Chí từ một anh canh nông hiền lành trở thành tên côn đồ có diện mạo dữ tợn, lưu manh.

– Có thể dễ dàng nhận ra khi ra tù Chí đã bị tha hóa về nhân hình với cái đầu trọc lóc, cái rang cạo trắng hớn cùng những hình xăm gớm ghiếc.

–  Sau khi đi tù về, Chí Phèo đã trở thành tay sai đắc lực của Bá Kiến dùng để trừng trị những kẻ ở phe cánh đối địch

–> chấp nhận làm tay sai cho Bá Kiến thì Chí đã bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân cách.

– Trong mắt người dân làng Vũ Đại, Chí chỉ là con quỷ dữ, là thứ người- vật không ai công nhận.

– Bi kịch tha hóa được tạo nên từ chính chế độ thống trị bạo tàn, vô nhân tính, trước Chí Phèo còn có Binh Chức, Năm Thọ…

– Hơi ấm của bát cháo hành đã làm Chí thực sự tỉnh ngộ, hắn nhận ra tội ác mà mình đã gây ra, hắn khao khát được làm hòa với mọi người  và mong muốn trở lại làm người lương thiện.

– Để trả giá cho tất cả những tội ác mà mình gây ra, Chí chỉ có thể lựa chọn cái chết như một giải pháp tất yếu.

3. Kết bài

Tác giả Nam Cao ở đây đã hướng ngòi bút đến bi kịch khủng khiếp của con người để phát hiện ra bản chất lương thiện vẫn tồn tại bên trong hình hài của con thú dữ ấy.

II. Bài tham khảo

Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực chủ nghĩa xuất sắc nhất của thế kỉ XX. Bằng tài năng bậc thầy cùng sự am hiểu về đời sống nông dân, nông thôn, trong những sáng tác của mình, Nam Cao đã khắc họa vô cùng sống động về cuộc sống, số phận của những người nông dân trong xã hội xưa. Nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao có thể đến Chí Phèo, truyện ngắn này đã hướng đến phản ánh nỗi đau khổ của con người, đó không chỉ là cái khổ do nghèo, do bóc lột mà còn là bi kịch tha hóa, lưu manh hóa về nhân cách.

Viết về đề tài nông thôn, nông dẫn đã có rất nhiều nhà văn lớn chắp bút và sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị. Vì vậy có thể nói, lựa chọn mảng đề tài quen thuộc này, Nam Cao là người đến muộn, và để khẳng định vị trí của mình trên văn đàn đòi hỏi Nam Cao phải có sự đổi mới về nội dung cũng như bút pháp nghệ thuật.

Bằng tài năng và sự tinh tế trong cảm nhận và đánh giá, tác giả Nam Cao vẫn hướng đến phản ánh cuộc sống nghèo khổ, bị bóc lột của người nông dân nhưng ông không chỉ dừng lại ở đó mà còn hướng ngòi bút đến một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ, đó chính là đời sống về tinh thần của người nông dân ấy. Trong truyện ngắn Chí Phèo, thông qua nhân vật Chí Phèo, tác giả Nam Cao đã chỉ ra một bi kịch khủng khiếp đã từng tồn tại trong đời sống của người nông dân trong xã hội xưa, đó chính là bi kịch bị tha hóa về nhân cách.

Chí Phèo vốn là một người nông dân lương thiện như bao người nông dân khác trong làng Vũ Đại, Chí cũng có những giấc mơ bình dị về một cuộc sống yên bình, giản đơn với công việc của nhà nông “chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải”. Tuy nhiên, trong sự nghiệt ngã của số phận, giấc mơ nhỏ bé, đời thường ấy của Chí cũng mãi không thể trở thành hiện thực.

Ngay từ nhỏ Chí đã bị bỏ rơi ở lò gạch bỏ hoang, phải đi ở hết cho  nhà này đến nhà khác. Khi làm người ở cho nhà Bá Kiến, vì thói ghen tuông vớ vẩn của Bá Kiến mà Chí trở thành nạn nhân của cường quyền, thống trị. Bằng quyền lực và những mối quan hệ, Bá Kiến có thể dễ dàng đẩy Chí vào cảnh tù tội đến bảy, tám năm. Để khi ra tù, không còn ai có thể nhận ra anh Chí hiền lành của ngày xưa. Nhà tù thực dân đã làm biến đổi Chí từ một anh canh nông hiền lành trở thành tên côn đồ có diện mạo dữ tợn, lưu manh.

Có thể dễ dàng nhận ra khi ra tù Chí đã bị tha hóa về nhân hình với cái đầu trọc lóc, cái rang cạo trắng hớn cùng những hình xăm gớm ghiếc.  Sau khi đi tù về, Chí Phèo đã trở thành tay sai đắc lực của Bá Kiến dùng để trừng trị những kẻ ở phe cánh đối địch. Cũng từ đây Chí triền miên trong những cơn say, và trong cơn say hắn đã gây ra bao việc ác, một tay hắn đã phá nát bao cơ nghiệp, đập nát bao cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của bao người dân lương thiện.

Nếu khi mới ra tù Chí mới bị tha hóa về nhân hình cùng với vẻ dữ tợn, bất cần mà nhà tù thực dân tạo nên thì khi chấp nhận làm tay sai cho Bá Kiến thì Chí đã bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân cách. Trong mắt người dân làng Vũ Đại, Chí chỉ là con quỷ dữ, là thứ người- vật không ai công nhận. Ngay cả tiếng chửi của Chí Phèo cũng không ai đáp lại. Hành động này như một sự phủ nhận, khước từ sự tồn tại của Chí trong làng Vũ Đại.

Bi kịch tha hóa được tạo nên từ chính chế độ thống trị bạo tàn, vô nhân tính, trước Chí Phèo còn có Binh Chức, Năm Thọ…họ là những công cụ mà giai cấp thống trị dùng để củng cố quyền lực. Nếu Trương Ba trong Hồn TRương Ba,da hàng thịt tự ý thức được ki kịch tha hóa của mình thì Chí Phèo lại không hề nhận thức được điều đó, hắn triền miên trong những cơn say, ý thức của hắn chưa lúc nào tỉnh táo hoàn toàn nên không thể nhận thức được sự tai hại mà mình đã gây ra.

Chỉ khi thực sự thoát khỏi cơn say, hơi ấm của bát cháo hành đã làm Chí thực sự tỉnh ngộ, hắn nhận ra tội ác mà mình đã gây ra, hắn khao khát được làm hòa với mọi người  và mong muốn trở lại làm người lương thiện. Tuy nhiên, con đường lương thiện khó có thể quay trở lại như khát khao của Chí, để trả giá cho tất cả những tội ác mà mình gây ra, Chí chỉ có thể lựa chọn cái chết như một giải pháp tất yếu.

Bi kịch tha hóa đã biến Chí Phèo từ người nông dân lương thiện trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại. Tác giả Nam Cao ở đây đã hướng ngòi bút đến bi kịch khủng khiếp của con người để phát hiện ra bản chất lương thiện vẫn tồn tại bên trong hình hài của con thú dữ ấy.

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”

Nhận định của Nguyễn Minh Châu đã khắc họa thiên chức của văn chương chính là tấm gương phản ánh hiện thực cuộc sống khách quan qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Dù được sáng tác bằng bất cứ thể loại nào và trong bất kỳ thời đại nào, ngòi bút của các nhà văn luôn hướng đến cuộc sống với tất cả những nỗi niềm, dù là vui tươi yêu đời hay đau khổ đến phẫn uất của con người. Nam Cao có lẽ cùng trong quan điểm đó mà sống dậy giữa những tác phẩm của ông là cả một thế giới nhân vật con người, từ kiếp “Sống mòn”, “Một bữa no”…đến kiếp đời quằn quại của một con người bị tha hóa rồi lại bị cự tuyệt quyền làm người trong truyện ngắn “Chí Phèo”. Với cái tên đầu tiên là “Cái lò gạch cũ”, năm 1941 nhà xuất bản đổi lại là “Đôi lứa xứng đôi” và năm 1945 in lại với tên “Chí Phèo” – một truyện ngắn có thể “làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời”, đưa Nam Cao lên vị trí hàng đầu trong lớp các nhà văn hiện thực phê phán. Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên ra đời từ đó và gây tiếng vang lớn về một tấn bi kịch lạ lùng – bi kịch bị lưu manh hóa

Bi kịch có nghĩa là sự mâu thuẫn giữa hiện thực và mong muốn nguyện ước cá nhân. Hiện thực không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của con người, đẩy họ vào trạng thái tuyệt vọng, đường cùng là tìm đến cái chết để thoát li, giải thoát bản thân.. “Tha hóa” là sự biến đổi nhân cách, đánh mất giá trị hay bản chất thông thường vốn có ..“Lưu manh hóa” là mức độ trầm trọng của “tha hóa” và ngày càng theo chiều hướng xấu đi.

Mở đầu tác phẩm không phải những lời hay, ý đẹp khơi gợi cảm xúc thiện ý từ người đọc mà lại là một loạt đối thoại chỉ có một phía từ Chí Phèo gây ấn tượng cho độc giả, khiến họ tò mò về nhân vật, cũng như cốt truyện mà nhà văn muốn gửi gắm. Đoạn văn không một trạng ngữ chỉ không gian hay thời gian, như con đường Chí đang đi thăm thẳm vô cùng hay những tháng năm triền miên trong cơn say của Chí là dài vô tận. Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng: “ Tiếng chửi của Chí Phèo là tiếng hát lộn ngược của tâm hồn méo mó”.  Hắn chửi trời, chửi đời, chửi làng Vũ Đại, chửi những ai không chửi nhau với hắn và cuối cùng chửi người đã sinh ra hắn. Đây là tiếng chửi của một tên say rượu, một tiếng chửi vô thức. Nhưng đôi khi trong vô thức, con người lại thể hiện chính mình nhiều hơn khi tỉnh. Qua tiếng chửi của Chí Phèo, người đọc cảm thấy như đang đối diện với một con “người- vật” quái gở, đang ở tận cùng của khổ đau, đang trút lên cuôc đời tiếng nói hằn học, phẫn uất, đầy đau khổ của mình. 

Không khó để nhận thấy, đối tượng của tiếng chửi ngày càng thu hẹp dần và trở nên tấy buốt: dám chửi Trời – đấng linh thiêng, thì thật là phạm thượng khi không kiêng nể điều gì; kế đến đó là Đời: to tát nhưng vu vơ; Làng: không gian sinh tồn, là đất sống, nếu phải bỏ làng mà đi, bị làng chối bỏ thì chết mất; sau là “chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn” – một sự chối bỏ nguồn gốc, tột cùng của tha hóa. Với cái miêu tả như vậy, hẳn không phải là vô tình. Từ đó như tạo nên sức căng của tác phẩm, cuốn ta vào không khí âm ỉ, quyết liệt của hận thù, báo hiệu cho cuộc đời đầy giông bão của nhân vật.

Cũng qua tiếng chửi này, người đọc nhận ra ba thái độ khác nhau: thái độ hằn học, thù địch đau khổ của Chí, thái độ khinh miệt dửng dưng của người đời, thái độ thương cảm của tác giả.Tiếng nói nhân ái của nhà văn đã thật sự đánh thức tấm lòng người đọc. Qua cách dẫn dắt này, người đọc hiểu rằng trước kia Chí Phèo vốn hiền lành lương thiện, tự trọng.

Ngay từ đầu, không như bao đứa trẻ khác có được diễm phúc được sống trong vòng tay thương yêu của cha mẹ, Chí Phèo mới sinh ra đã trở nên “tứ cố vô thân”, bị bỏ rơi “trong cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua”. Chí đến với cuộc đời hoàn toàn trơ trọi, đơn độc và có vẻ rẻ rúng khi được người ta “ nhặt” chứ không phải nhận nuôi một cách đường hoàng. Có lẽ ngay từ xuất thân cũng đã là điềm báo cho thấy một tương lai mờ mịt không rõ ràng như là không ai biết hắn là ai khi đến với thế giới loài người. 

Đến tuổi lao động, Chí làm canh điền cho Bá Kiến, sống bằng sức lao động của mình, rất chính đáng và lương thiện. Khi bị bà Ba nhà Bá Kiến gọi lên để bóp chân, Chí cảm thấy nhục nhã chứ có sung sướng gì. Điều đó cho thấy Chí cũng ý thức được giá trị bản thân, lòng tự trọng và danh dự. Không may cho anh chỉ một ghen tuông không đâu. Bá Kiến đã vô cớ đẩy một người con trai vô cùng lương thiện đi tù 7-8 năm trời. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu cuộc đời Chí rẽ đi một hướng khác. 
0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)

Nhà tù phong kiến đã nuốt tươi chàng thanh niên lành lặn cả thể chất lẫn tinh thần để rồi nhả ra một Chí Phèo tổn thương đến tận cùng nỗi đau.Thế rồi sau bảy, tám năm Chí quay trở về khiến người dân làng Vũ Đại ngỡ ngàng. Bằng nghệ thuật điêu luyện tác giả đã cho người đọc thấy được bức chân dung của một con người bị tha hóa không chỉ về nhân hình mà còn cả nhân tính. " Cái đầu thuc trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”. Ngay cả cách ăn mặc của Chí cũng bộc lộ tính cách ngang tàng, bạo ngược và hấp thụ tất cả những cái xấu của nhà tù thực dân phong kiến. Hắn mặc “quần áo nái đen với cái áo tây vàng, trên ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với hai ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế”. . Quả thật, người ta không thể tìm đâu ra bóng dáng của một anh Chí chất phác, hiền lành ngày xưa trong cái vẻ dữ tợn của một kẻ luôn lấy rượu làm bạn- Chí Phèo.. Đời Chí giờ là một cơn say dài vô tận. Đau xót hơn, lợi dụng sự u mê của Chí, Bá Kiến lại một lần nữa biến Chí thành tay sai, công cụ cho chính mình " bàn tay hắn đã phá tan bao nhiêu gia đình, đạp vỡ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt bao nhiêu người lương thiện". Vậy là cuộc sống theo chu trình “sáng cày sâu, chiều cuốc bẫm” của nguời nông dân trở thành một kí ức, hoài vọng xa xôi đối với Chí. Chỉ trong vài dòng dẫn truyện, Nam Cao đã chuyển đổi tính cách nhân vật khá tài tình, tự nhiên, chân thật như thế.

Vừa về làng hắn đã đi uống rượu say khướt, một biểu hiện cho thấy sự bất cần đời, xa lạ hoàn toàn với bản chất người nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Say rồi hắn tìm đến nhà Bá Kiến mà gọi ra để mà chửi. Mục đích của Chí là để xả giận, cơn giận tích tụ dài đằng đẵng mấy năm trời ngồi tù oan, sự chà đạp sỉ nhuc danh dự con người có lẽ khiến hắn cay cú, phẫn nộ tột cùng mà văng, mà chửi thật lớn trước cửa nhà Bá Kiến. Sự thay đổi của Chí đã thay lời nhà văn tố cáo, lên án sự tàn ác của giai cấp thống trị mà công cụ của nó chính là nhà tù đã bóc lột, hành hạ con người thay đổi cả nhân hình và nhân tính.  Khi Chí Phèo đến cổng nhà bá Kiến “gọi tận tên tục ra mà chửi”,  ngỡ sẽ có một trận chiến lớn sắp xảy ra… nhưng hoàn toàn không, lão bá Kiến đã xuống nước khi dùng thủ đoạn “mềm rắn nắn buông” với Chí Phèo. Và như thế Chí Phèo đã bị mắc bẫy hắn lần nữa, bị hắn biến thành tên tay sai độc ác, chuyên đối phó với các tên lưu manh khác. Chính thủ đoạn dùng những thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò đã tố cáo sự tàn ác, xấu xa của bọn địa chủ nói riêng và sự bất ổn của nông thôn thời ấy nói chung. Nam Cao đã vẽ được một bức tranh toàn diện của một xã hội đầy rẫy những bất công, xấu xa, tàn bạo đã chà đạp quyền sống, quyền làm người của người dân cùng khổ.

Cuộc đời Chí từ đó trượt dài trên tội ác để rồi từ một thằng lưu manh Chí trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”. Chí chìm trong những cơn say không ngày tháng: ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say …Cuộc đời Chí là những cơn say dài vô tận. Và “hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm”. “Hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui và làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện”. Cả làng đều tránh mặt Chí mỗi lần Chí qua. Cái mặt Chí “không trẻ cũng không già; nó không còn là mặt người: nó là mặt của một con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi ?... Với nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã đặt ra bi kịch của người nông dân trước cách mạng: đó là bi kịch con người sinh ra là người mà không được làm người. Điều này thể hiện sự cảm thông sâu sắc của Nam Cao với khát vọng lương thiện trong con người và sự bế tắc của những khát vọng trong hiện thực xã hội ấy.

Khép lại chuỗi ngày bi kịch chất chồng bi kịch của Chí Phèo, ta không khỏi thương cảm cho một kiếp người dằn vặt những tủi nhục, đớn đau khi bị lưu manh tha hóa. Tác giả đã khéo léo sử dụng bút pháp độc đáo, tài hoa linh hoạt, giàu biến hóa, kể truyện theo một kết cấu tâm lý và mạch dẫn dắt của câu chuyện với một cách thức bề ngoài tưởng chừng như khách quan, lạnh lùng và tàn nhẫn, nhưng chất chứa bên trong biết bao nỗi niễm đau đớn trước một số phận bị tha hóa. Tác phẩm mang ý nghĩa triết lí sâu sắc được thể hiện dưới hình thức nghệ thuật vô cùng độc đáo khiến người đọc phần nào thấm thía nỗi đau bi kịch tột cùng của nhân vật chính, đó chính là bi kịch bị tha hóa. 

Qua bi kịch tha hóa của Chí Phèo, Nam Cao đã khẳng định một sự thật đau đớn ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám: đó là hiện tượng người nông dân lương thiện bị xã hội phi nhân tính chà đạp về tinh thần và thể xác, bị tước mất quyền làm người. Chính ngòi bút tuyệt vời của tác giả đã tạc vào thời gian một hình tượng Chí Phèo đầy bất hạnh, đáng thương hơn là đáng trách. Tác phẩm xứng đáng là một truyện ngắn có thể “làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời” . Mong sao những người như Chí Phèo mãi mãi chỉ còn là một mảnh ghép buồn từ bức tranh quá khứ, nhắc gợi một kí ức đau buồn trong lịch sử, cánh cửa đau thương sẽ khép lại để mở ra những kiếp đời mới đầy tươi sáng, rạng ngời hơn. 

Các câu hỏi liên quan

+2 phiếu
3 câu trả lời 1.2k lượt xem
Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. 
đã hỏi 17 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
+2 phiếu
2 câu trả lời 7.5k lượt xem
0 phiếu
2 câu trả lời 2.9k lượt xem
+3 phiếu
3 câu trả lời 3.2k lượt xem
0 phiếu
2 câu trả lời 321 lượt xem
Phân tích bi kịch tha hóa của Chí Phèo
đã hỏi 2 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 1.4k lượt xem
 Đôi nét về tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí phèo
đã hỏi 31 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
+1 thích
2 câu trả lời 2.9k lượt xem

HOT 1 giờ qua

  1. luckyyhappyy07687

    310 Điểm

  2. PTG

    294 Điểm

  3. tnk11022006452

    169 Điểm

  4. minhquanhhqt160

    128 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...