Ánh sáng của những ngọn đèn mờ ảo trong lăng gợi nhà thơ sự liên tưởng thật là thú vị với "ánh trăng". Tác giả đã thể hiện sự am hiểu của mình về Bác qua sự liên tường kì lạ đó. Bởi trăng với Bác từng là đôi bạn tri âm tri kỉ. Ánh trăng bát ngát ngoài trời đã từng vào thơ Bác trong nhà lao, trên chiến trận, giờ đây trăng cũng đến để ru giấc ngủ ngàn thu cho Người. Với hình ảnh "vầng trăng sáng dịu hiền" dụng ý nhà thơ còn muốn tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ để ví với Bác. Người có lúc như mặt trời ấm áp, có lúc dịu hiền như ánh trăng rằm, có lúc lại còn giống với “trời xanh”. Nghệ thuật ẩn dụ “trời xanh” của nhà thơ có dụng ý ví Bác như bầu trời cao rộng, công lao của Bác như sánh ngang cùng trời đất, sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Thi sĩ muốn vĩnh viễn hóa hình ảnh của Bác trong lòng mình bằng hai từ “mãi mãi”. Nhưng dẫu trái tim là như thế thì cặp từ “vẫn biết” – “mà sao” xuất hiện cũng đã đưa nhà thơ về hiện thực của lí trí, rằng Bác đã lìa xa ta. Người đã ra đi khiến ai cũng phải “nhói ở trong tim”, một nỗi đau quặn thắt, nghẹn ở trong lòng không thể nào diễn tả thành lời.
Chính vì nỗi đau day dứt khôn nguôi ấy mà khi nghĩ đến ngày mai trở về, Viễn Phương cảm thấy buồn, xúc động lưu luyến không muốn xa rời. Dòng cảm xúc ấy rất tự nhiên, chân thành tuôn trào thành giọt nước mắt để rồi nhà thơ bày tỏ những ước nguyện:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”
Có thể thấy xuyên suốt bài thơ đều là cảm xúc chân thành của tác giả, nhưng đã được kìm nén không bộc lộ ra quá nhiều. Nhưng tới khoảnh khắc nghĩ đến việc phải giã từ Bác trở về miền Nam, những cảm xúc đã dồn lên đỉnh điểm và bộc lộ ra bằng những giọt nước mắt. Động từ mạnh “trào” cho thấy nỗi buồn da diết của tác giả cùng từ “thương” thể hiện mức độ tình cảm ở trạng thái cao nhất, thiêng liêng nhất. Điệp cấu trúc “Muốn làm” kết hợp cùng các ẩn dụ “con chim”, “đóa hoa”, “cây tre” cho thấy những ước nguyện nhỏ nhoi của nhà thơ để được ở gần nơi Bác ở. Ông không mong được làm gì to tát lớn lao, chỉ mong góp một tiếng hót cho sinh động không gian, góp một chút hương thơm dâng Bác, và trung thành làm một cây tre trọn đời bên Bác. Hình ảnh cây tre đã xuất hiện từ đầu bài thơ và được nhắc lại ở cuối bài là một cấu trúc đầu – đuôi tương ứng, nhằm nhấn mạnh sự trung thành của người con dân tộc dành cho vị lãnh tụ kính yêu, không chỉ riêng nhà thơ mà người dân cả nước đều nguyện một lòng kính trọng, đi theo lí tưởng cao đẹp của Bác. Dấu chấm lửng cuối bài cũng thể hiện mạch cảm xúc luôn tuôn trào mãnh liệt của tác giả và nỗi niềm thương mến ấy vẫn sẽ luôn hiện diện trong tâm hồn nhà thơ.
Gấp lại trang thơ nhưng lại mở ra biết bao cảm xúc thiêng liêng của người đọc dành cho Người đã cất công ra đi tìm đường cứu nước. Viễn Phương đã rất tài năng khi vận dụng các biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ,… cùng ngôn từ đầy cảm xúc khiến người đọc không khỏi xúc động vì tình cảm của một người con Việt Nam dành cho Bác. Bài thơ không chỉ là cảm xúc riêng của tác giả mà còn là tâm trạng chung của nhiều người dành cho người cha vĩ đại của dân tộc.
“Viếng lăng Bác” thật sự là tấc lòng thực của Viễn Phương, là bài ca bất tận về tình yêu thương, kính trọng của một người con dành cho vị lãnh tụ kính yêu. Thời gian có thể phủ bụi một số thứ, nhưng có những thứ càng xa rời thời gian, càng sáng, càng đẹp. Và “Viếng lăng Bác” là minh chứng cho điều đó. Dẫu đã trải qua bao năm tháng nhưng bài thơ vẫn trường tồn như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với thế hệ sau này, phải luôn biết ơn và kính trọng công lao to lớn mà Bác Hồ đã đem lại cho màu cờ sắc áo Việt Nam.