"Biếng trông trời hạ nước non xa,
Ý khí ngày thường nghĩ đã trơ.
Cá vượt khóm rau lên mặt nước,
Bướm len lá trúc lượn rèm thưa."
("Vịnh mùa hè" - Nguyễn Khuyến)
Bức tranh thiên nhiên mùa hè quả là một cảm hứng bất tận cho các đấng thi nhân thỏa sức vẫy vùng ngòi bút sáng tạo. Không thể phớt lờ trước vẻ đẹp của mùa hè như Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi đã tô điểm thêm cho nền văn học trung đại Việt Nam một bức tranh mùa hè sinh động qua "Cảnh ngày hè". Nguyễn Trãi là vị anh hùng tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, là một con người tài năng, “tấm lòng sáng tựa sao Khuê”. Ông không chỉ để lại di sản phong phú về các mặt chính trị, quân sự, mà còn khẳng định tài năng của mình qua sự nghiệp văn chương đồ sộ. Có thể nói, ông là người khởi đầu cho nền thơ cổ điển bằng tiếng Việt qua tập thơ Nôm “Quốc âm thi tập” nổi tiếng. Nổi bật trong số đó là "Cảnh ngày hè" ra đời vào khoảng năm 1438 - 1439 khi tác giả đang ở ẩn tại Côn Sơn. Bài thơ thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên mùa hè đầy sức sống nhưng ẩn trong những vần thơ thiên nhiên ấy lại chất chứa những tâm sự, lo lắng cho nhân dân đất nước:
Rồi hóng mát , thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn, tán rợp trương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ, khắp đòi phương
Mở đầu bài thơ là đối lập giữa sự tất bật, bận rộn với công việc nơi triều chính và sự rỗi rãi hiếm hoi nơi làng quê trong những ngày cáo quan về ở ẩn:
"Rồi hóng mát thuở ngày trường’
Chúng ta thấy rõ được chữ “rồi” ở đầu câu thể hiện một tâm trạng rảnh rỗi của nhà thơ ở quê. Nó không có sự bon chen đố kị, chèn ép của những nịnh thần.. “Rồi” là tiếng cổ, nghĩa là rỗi rãi, nhàn hạ, cả trong công việc lẫn tâm hồn. Câu thơ như phản ánh một nếp sinh hoạt nhàn nhã: trong buổi ngày dài rỗi rãi, lấy việc hóng mát làm niềm vui di dưỡng tinh thần. “Ngày trường” là ngày dài. Đây là cảm giác tâm lí về thời gian của người đang sống trong cảnh nhàn rỗi, thấy ngày dường như dài ra. Với con người ưa suy nghĩ, hành động như Nguyễn Trãi thì cảm giác ấy càng rõ hơn bao giờ hết. Giữa lúc xây dựng non sông sau chiến tranh, việc dân việc nước bời bời mà ông bị bắt buộc phải hóng mát hết ngày này qua ngày khác thì quả là trớ trêu, Bởi vậy, ông rơi vào cảnh thân nhàn mà tâm bất nhàn nhưng vẫn phải chấp nhận một cách bất đắc dĩ. Từ đó sẽ là khởi nguồn cho bao nỗi bực dọc trút ra trong con người Nguyễn Trãi. Thế nhưng, tất cả tâm tư đã được nén lại khi nhà thơ đối diện với một thiên nhiên mãnh liệt đầy sức sống:
Hoè lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
Chỉ có vẻ đẹp hồn nhiên, vô tư của cảnh vật mới có thể tạm xua đi những áng mây buồn vướng vít trong tâm hồn tác giả. Thiên nhiên dưới nét bút của Nguyễn Trãi đã vẽ nên một bức tranh quê tươi khỏe, hài hòa và tràn đầy sức sống. Giữa khung cảnh thiên nhiên ấy, nhà thơ dường như cũng nguôi ngoai bao nỗi niềm bực dọc, để lòng mình hòa cùng thiên nhiên không chói chang mà ngọt ngào hương vị mùa nắng hạ.. Cứ thế, sức sống trong cây đang “đùn đùn” dâng lên cành, lên hoa, lên lá. Cây hòe tỏa bóng rợp xuống mặt sân, như tỏa luôn bóng mát vào cả tâm hồn thi sĩ.. ‘Liễu mạch hoa cù nhân tận giai/ Phong lưu toàn chiếm độc Hoè Nhai.
Bằng tầm nhìn trải từ gần ra xa, theo quy luật đăng đối ở hai câu tả thực, khéo léo đan cài sắc đỏ của thạch lựu trước hiên nhà cùng sắc hồng của ao sen. Câu trên tả sắc, câu dưới gợi hương. Thiên nhiên ấy cũng chứa chan bao cảm xúc, lúc dịu nhẹ lan tỏa, lúc bừng bừng phun trào. Để rồi cuối cùng đọng lại là cảm giác man mác tiếc nhớ làn hương thanh thoát của sen hồng lúc cuối hè. Nếu thơ ca cổ điển ưa những gam màu trầm hơn là những sắc gắt, ưa tả tĩnh hơn tả động thì Nguyễn Trãi đã dám bước qua cái khuôn khổ ấy để thoát khỏi những bức tranh thanh đạm, tiêu sơ và để đến gần hơn với bức tranh cảnh ngày hè tươi vui, đầy sức sống. Phải là một người có tâm hồn tinh tế mới cùng một lúc diễn tả được nhiều cảm giác trong chỉ vài ba câu thơ cô đọng. Cũng với cách miêu tả từ gần đến xa bằng nhiều giác quan, màu sắc sinh động, hài hòa, kết hợp với các động từ mạnh, từ láy, cách ngắt nhịp 4/3 rồi đổi nhịp thành ¾, bốn câu thơ đã tái hiện được bức tranh thiên nhiên mùa hè căng tràn nhựa sống mang đậm nét thi trung hữu họa, đồng thời thể hiện được tình yêu thiên nhiên tha thiết, đắm say của nhà thơ.