Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
368 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 11 bởi
Nêu suy nghĩ của em về tác phẩm "Chiều tối" (Mộ) của Hồ Chí Minh

2 Trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

Một người yêu đời say mê cuộc sống bao giờ cũng nhạy cảm trước thời gian. Đối với Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, thời gian là nhịp điệu của vũ trụ, nhịp sống của con người, thời gian là sự vận động phát triển của cuộc sống. Vậy nên khi rơi vào cảnh tù đày, một hoàn cảnh mà thời gian tâm trạng có độ dài gấp hàng ngàn lần thời gian tự nhiên thì ý thức thời gian của bác cũng được biểu hiện rõ nét đặc biệt qua thi phẩm tuyệt bút “Chiều tối” (Mộ) (bài thơ thứ 31) in tập “Nhật ký trong tù”. Đây chính là sản phẩm được kết tinh từ buổi chiều trong một ngày chuyển lao , một chặng đường dài cơ cực , và trước mặt lại là những tháng ngày gian lao chờ đợi. Dù được viết trong hoàn cảnh như thế nhưng “Chiều tối’’ đã không những toát lên vẻ đẹp tâm hồn và tinh thần lạc quan trong bước lưu chuyển của thời gian, mà còn ẩn bên trong là cả một tình yêu thiên nhiên, yêu cả những nhịp sống cuộc đời đầy bình dị ấm cúng:

 

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết, lò than đã rực hồng.)

 

Chiều tối này không giống bất kì chiều tối nào. Đây là cảnh chiều tối qua đôi mắt của người tù HCM “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” đang bị áp giải qua một vùng sơn dã tại Quảng Tây-Trung Quốc. Thời gian và hoàn cảnh dễ gây nên trạng thái mệt mỏi, chán chường khi ngày đã hết mà người tù vẫn phải cất bước. Vậy mà cảm hứng thơ vẫn đến với Bác thật tự nhiên:

 

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ 
Cô vân mạn mạn độ thiên không”

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

 

Những dòng thơ mở đầu không chỉ phát hiện đươc vẻ mệt mỏi bên ngoài của sự vật, cảnh vật, mà còn biểu hiện được cái thực chất bên trong nội tâm. Ở đây, “chim” trong thơ Hồ Chí Minh còn được nhân hóa với hành động “tầm” – nghĩa là tìm, tạo cảm giác khát khao tìm về tổ ấm khi đã mỏi mệt sau một ngày bay kiếm ăn. Lúc này, cái nhìn của nhà thơ không đơn thuần là cái nhìn thưởng thức, mà còn gửi vào đó sự lưu luyến, trìu mến của một tấm lòng yêu thương vô hạn. Đó là sự hòa hợp, đồng cảnh giữa Bác và cánh chim, điều này cũng dễ hiểu, bởi Hồ Chí Minh đang ở nơi đất khách quê người, hẳn là rất cô đơn, nhớ về quê hương tha thiết. Sở dĩ trong thơ ca hiện đại, người và cảnh hòa hợp thì tức cảnh sinh tình, để rồi dùng cái chuyển biến của không gian mà tả bước đi thời gian, tạo ra những nét rất tiêu biểu cho thời khắc cuối cùng của ban ngày, trước khi bóng tối buông màn xuống vạn vật.

Buổi chiều ấy không những mang một vẻ đẹp đã trở nên vĩnh hằng mà hình sắc còn đọng lại trong những câu thơ cổ qua cụm “cô vân mạn mạn”. Theo nguyên bản, hai từ “cô vân” – nghĩa là “chòm mây lẻ loi, cô độc” và “mạn mạn” – nghĩa là “chậm chạp, lững lờ”. Nhưng thật đáng tiếc, bản dịch đã mất đi hai ý nghĩa quan trọng. Từ đó, khung cảnh phần nào kém đi cái hiu quạnh vốn có của nó, mà lại có phần nhẹ nhàng, uyển chuyển, thanh thoát hơn, mất đi cái cô đơn, mệt mỏi của tác giả trên đường chuyển lao. Chòm mây này dường như không có sắc thái phong lưu, nhàn tản mà thay vào đó là gợi nên sự cô độc thanh cao vốn có trong thơ cổ, Nó không những khiến không gian trở nên vô tận và thời gian như ngừng trôi, mà còn mang tâm trạng của con người. Cảnh chiều tối sơn dã với cánh chim nhỏ nhoi, chòm mây cô độc, chim bay, mây trôi, bầu trời bao la không giới hạn. Qủa là một cách lấy điểm tả diện, lấy động tả tĩnh rất tinh vi. Có thể thấy đây là hai dòng thơ của một tâm hồn đã vượt lên trên cảnh ngục tù, xiềng xích và trói buộc để lưu luyến, dõi nhìn theo một cánh chim, một áng mây chiều để cảm thấy tim mình xao xuyến. Qua đó ta thấy toát lên ở Bác một tâm hồn yêu thiên nhiên đến mức hòa hợp với thiên nhiên, một tâm hồn khát khao tự do, được trở về với quê hương, Tổ quốc, với đồng bào... Tâm trạng buồn ấy đã bắt gặp chiều buồn của thiên nhiên, tình đã hòa vào cảnh, con người hòa vào thiên nhiên. Nhưng chính ở đây, ta lại thấy được vẻ đẹp trong thơ là cái cốt cách hiên ngang, cái an nhiên tự tại của con người vượt lên trên hoàn cảnh mà rung động trước cái đẹp của tạo vật, như trong bài “Ngắm trăng”, Người đã viết: “Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”

Từ đó hiện lên rõ một chân dung tinh thần của người thi sĩ trọn vẹn với tình yêu tha thiết vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời và cuộc sống.. Và như thế, những dòng thơ đầu tiên đã làm cho cảm xúc bài thơ cứ vậy mà càng trở nên mênh mang hơn, không chỉ trong không gian mà còn ở thời gian nhuốm đậm một phong vị cổ điển.

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Cảnh chiều tà nơi vùng sơn cước có chút hiu hắt vắng lặng gợi lên cái bâng khuâng man mác nhưng sự biến chuyển của hai câu sau nhanh chóng xóa đi cái hiu hắt vốn có của núi rừng. Đó chính là lúc mà đôi mắt yêu thương và trái tim nhân ái bao la của Người bắt gặp vẻ đẹp của con người lao động:
 
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
(“Cô em xóm núi xây ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng”)
 
Bức tranh đời sống của Bác thật gần gũi, ấm áp khi ngôn ngữ thơ từ ước lệ tượng trưng sang giản dị, hiện thực, từ viễn cảnh sang cận cảnh mà chân dung bức tranh chính là hình ảnh cô gái xay ngô. Câu thơ nguyên bản “Sơn thôn thiếu nữ” dịch là “Cô em xóm núi” đứng trên bình diện nghĩa của từ thì không có gì sai. Nhưng câu thơ dịch đã không thể hiện được cái nhìn trân trọng của nhân vật trữ tình đối với con người; giọng điệu trang trọng của câu thơ nguyên tác không hiện diện trong lời thơ dịch. Sự nối tiếp “ma bao túc” – “bao túc ma hoàn” vừa gợi tả cái chuyển động liên tục, mải miết của cối xay ngô, vừa thể hiện đức tính cần mẫn của cô thiếu nữ nơi xóm núi, đồng thời tạo nên âm điệu nhịp nhàng của vần thơ. So sánh với thơ trung đại, sự xuất hiện của con người thường khá mờ nhạt, chỉ được dùng làm nền mà tôn lên thiên nhiên hoang sơ vắng vẻ. Trong khi đó ở hai câu thơ của Bác, hình ảnh cô gái lao động khỏe khoắn được đưa lên vị trí trung tâm, đẩy lùi phía sau bức tranh nền trời với cánh chim bay mỏi và làn mây trôi nhẹ.. Phải là một người yêu đời, yêu cuộc sống vô cùng với tâm hồn lạc quan, luôn hướng về sự sống mới có thể khéo léo khi chuyển hóa, giao hòa hình ảnh tinh tế của cô thôn nữ - cũng không phải là “ngư tiều canh mục” như trong thơ cổ, mà là một hình ảnh gần gũi, có thực mà Bác đã bắt gặp trên con đường chuyển lao. Có lẽ từ đó tác giả đã có thêm nghị lực sống bởi hóa ra, khi thiên nhiên bước vào độ nghỉ ngơi thì con người cũng tiếp tục nhịp sống của mình.
Rõ ràng hai câu thơ trên đã viết về một khung cảnh thiên nhiên vào lúc chiều tà, nhưng đến hai câu thơ sau có thể thấy rõ trời đã đổ tối. Thời gian không ngừng trôi, mặc dù nhà thơ trong nguyên tác đã không cần dùng đến chữ “ tối” (Chữ “ tối “ trong bản dịch là do người dịch tự thêm vào). Vòng quay chiếc cối chấm dứt, công việc kết thúc thì lò than cũng vừa đỏ lên ánh lửa ấm nồng tỏa vào đêm tối xua tan đi cái lạnh lẽo, hiu hắt của núi rừng.
Chữ "hồng” đặt cuối bài thơ, thi pháp cổ gọi là "thi nhãn", làm sáng bừng bức tranh xóm núi trong chiều tối.. Với một chữ “hồng”, nó đã tạo nên cái thần thái đặc biệt khi làm mất đi cái mệt mỏi uể oải hay sự vội vã nặng nề diễn ra trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô gái sau khi xay xong ngô tối. Với chữ “hồng” đó có ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi, nhọc nhằn nữa đâu, mà chỉ thấy màu đỏ đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình, cả lao động của thiếu nữ xay ngô kia.Như vậy chữ “hồng” rất xứng đáng là “ông thánh thứ hai mươi tám” của bài thơ. Ánh hồng ấy không chỉ tỏa ra từ chiếc bếp lửa bình dị của một “sơn thôn thiếu nữ” mà chủ yếu được tỏa ra từ tấm lòng nhân ái, tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh. Về nét nghĩa khác, chữ “hồng” còn là biểu hiện của cuộc vận động từ bóng tối ra ánh sáng, là cái chỉ lên niềm vui, sự lạc quan của người tù. Và con đường cách mạng Việt Nam cũng vậy, đi từ trong đêm trường nô lệ, đi trong chông gai để đến với con đường vinh quang.
Chiều tối-một bài thơ mang màu sắc cổ điển hàm súc kết hợp với tính chất trẻ trung, hiện đại. Tứ thơ vận động từ cảnh đến tình, từ trong bóng tối đến sự sống, đến ánh sáng và tương lai. Ngôn ngữ trong bài được sử dụng linh hoạt, sáng tạo, vừa gợi tả vừa gợi cảm cùng nét vẽ tinh tế đã thể hiện một hồn thơ bát ngát tình đối với tạo vật và con người. Vậy mới thấy, dù trong đọa đầy gian khổ, tâm hồn Người vẫn dào dạt sự sống
“Chiều tối” là một thi phẩm tiêu biểu cho nét đẹp cổ điển và hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh. Bài thơ chỉ qua cách tả phong cảnh thiên nhiên và con người xóm núi khi chiều muộn mà đã nêu lên được phong thái ung dung tự chủ và niềm lạc quan, nghị lực kiên cường vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt, tối tăm của tác giả. Đồng thời, ở Bác, chúng ta vẫn luôn thấy ánh lên một vẻ đẹp của tinh thần quên mình, của một trái tim  giàu lòng yêu thương luôn biết quan tâm đến những điều bình dị nhất
0 phiếu
bởi trit75709991 (-500 điểm)

Một tác phẩm hay là tác phẩm hàm chứa giá trị tư tưởng sâu sắc. Ở đó, ta không chỉ thấy được tài năng của người viết mà còn chứa đựng cả một tâm hồn, một cốt cách của thi nhân. Bài thơ Chiều tối là một bài thơ như thế, Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của đất nước, một nhà thơ của dân tộc mang một tình cảm lớn lao với Tổ Quốc đã viết nên những vần thơ chạm vào đáy hồn nhân thế. Mà có lẽ, bài thơ còn giá trị cho đến tận mãi về sau.

"Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,

Chòm mây nhẹ giữa tầng không"

Sau ngày dài kiếm ăn, từng đàn chim nối đuôi nhau trở về nơi rừng mong tìm chốn nghỉ ngơi. Cánh chim mỏi mệt đập nhẹ giữa không trung trong buổi chiều tàn. Chòm mây cô độc trôi lững lờ giữa khoảng không vô định, cảnh vật tuy nhẹ nhàng nhưng mang một nỗi buồn man mác. Lạ kì thay, là cảnh buồn hay chính nơi tâm hồn người tù nhân cũng đang ưu sầu nơi chốn xa quê hương. Thời khắc của ngày tàn cũng là khi màn đêm buông xuống, đây là lúc người ta tạm gác mọi công việc để trở về nơi gia đình quây quần bên bữa cơm gia đình. Phải chăng ngay lúc ấy, Bác cũng đang khát khao được đứng nơi đất nước mình, được cùng nhân dân, cùng những người con dân tộc sum họp. Vậy mà, thực tại muôn nỗi khó khăn, bởi vậy mà cảnh cũng đeo sầu, đám mây cô độc,cánh chim mỏi mệt là những hình ảnh ẩn dụ cho những lúc yếu lòng, cảm thấy cô đơn, lẻ loi của Người nơi đất khách quê người. Nỗi nhớ quê hương da diết trong tâm khảm nhà thơ, càng cô độc bao nhiêu thì nỗi nhớ lại càng lớn bấy nhiêu. Bằng biện pháp tả cảnh ngụ tình quen thuộc, tâm trạng của Bác được bộc lộ rõ rệt. Cảnh và tình tuy hai mà một - người mang nỗi niềm, cảnh cũng chẳng thể nào vui.

"Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng"

Không gian sinh hoạt mở ra thật giản dị. Người con gái xay ngô giữa bầu trời đêm bình yên đến lạ kì. Giữa bao nhiêu cái kì vĩ, lớn lao khác, Bác lại nhìn về cảnh lao động - xay ngô tối. Chắc hẳn, Bác đã rất trân trọng cái khoảnh khắc này, trân trọng sức lao động của con người trong mỗi khoảnh khắc của thời gian. Phải có một tâm hồn tinh tế, nhà thơ mới có thể nhận ra được vẻ đẹp rất đỗi bình dị trong đời sống như thế. Đó là vẻ đẹp của con người giữa cuộc đời thiếu thốn, tuy vất vả mà rất đỗi ấm cúng, đáng quý, đáng yêu. Hình ảnh con người lao động hoà hợp với vẻ đẹp thiên nhiên làm cho bức tranh chiều tối dường như ấm áp hơn, sinh động hơn. Đem đến sức sống cho cảnh núi rừng, dù buồn nhưng tràn trề nhựa sống. Dường như, đó là khát khao hướng tới sự sống, hướng tới những điều tốt đẹp, ước mơ vươn tới tự do cho muôn người, sống trong gian khổ tù đày ta lại càng trân trọng cuộc sống lao động. Từ "hồng" trở thành nhãn tự, là trung tâm của bài thơ. Ngọn lửa không đơn thuần chỉ là một sự vật, mà nó là biểu tượng cho ngọn lửa của cách mạng, ngọn lửa của tình yêu hoà bình. Ngọn lửa xua tan đi màn đêm lạnh giá, xua tan đi những nỗi mệt mỏi của ngày dài, xưa tan nỗi trầm tư trong lòng người tù cách mạng. Ngọn lửa hồng thắp lên niềm tin vào một tương lai tốt đẹp cho dân tộc, hơn hết là sự bình yên trong lao động của nhân dân.

Đọc bài thơ, ai cũng sẽ có riêng cho mình những suy ngẫm. Với em, bài thơ không chỉ cho em thấy được tình yêu Tổ Quốc của Bác, mà qua đó càng trân trọng hơn cuộc sống lao động của những con người chân chất giản dị, thêm trân trọng cuộc sống tự do hoà bình mà thế hệ chúng em hôm nay có được. Từ đó, càng kính yêu Bác Hồ với tấm lòng bao la rộng lớn, thêm tự hào về hồn thơ lớn của dân tộc. Đồng thời, cho em bài học về thái độ sống trước cuộc đời, trong bão bùng gian lao, trước những gian khó, thử thách của cuộc sống vẫn giữ vững niềm tin, hướng tới ngọn lửa hồng, hướng tới một tương lai đầy hi vọng. Thử thách của hiện tại dù khiến bản thân áp lực nhưng không thể làm ta gục ngã, mệt mỏi có thể chùn chân nhưng không được lùi về phía sau, hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ở phía sau bạn. Hãy giữ vững tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
1 trả lời 726 lượt xem
Em hãy nêu cảm nhận về 9 câu thơ cuối bài "Vội vàng".
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Khách
0 phiếu
1 trả lời 771 lượt xem
Phân tích 16 câu thơ giữa bài "Vội vàng" để làm rõ cảm nhận độc đáo của Xuân Diệu về thời gian. 
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Khách
0 phiếu
0 câu trả lời 121 lượt xem
Em hãy chứng tỏ rằng Xuân Diệu có một niềm đắm say cuồng nhiệt với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế qua 13 câu thơ đầu bài "Vội vàng".
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Khách
+1 thích
1 trả lời 151 lượt xem
Viết bài văn nêu cảm nhận của anh/chị về bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão
đã hỏi 9 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 10 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 310 lượt xem
Phân tích hình ảnh người lính trong 2 đoạn thơ sau của tác phẩm "Đồng chí" và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" Đ ... ;t, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ngữ văn 9 tập 1)
đã hỏi 30 tháng 6, 2020 trong Ngữ văn lớp 9 bởi hoangvy Cử nhân (3.7k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 616 lượt xem
Phân tích 2 khổ thơ đầu bài thơ Sang thu để làm rõ dấu hiệu mùa thu về mà tác giả cảm nhận được.
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Khách
0 phiếu
3 câu trả lời 512 lượt xem
Phân tích khổ thơ 4,5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để thấy được khát vọng cống hiến của nhà thơ dành cho cuộc đời.
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Khách
0 phiếu
2 câu trả lời 468 lượt xem
Phân tích khổ thơ 2,3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để thấy được mùa xuân của sản xuất và lao động.  
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Khách
+1 thích
2 câu trả lời 1.8k lượt xem
Phân tích 8 câu đầu của đoạn trích Trao Duyên của Nguyễn Du
đã hỏi 15 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 10 bởi manhta280220061003 Thần đồng (1.3k điểm)
  1. Darling_274

    20 Điểm

  2. minhquanhhqt160

    15 Điểm

  3. lueyuri009730

    15 Điểm

  4. lenguyenducminh05102011227

    5 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...