Nếu như Lưu Trọng Lư đã rung động với mùa thu một cách nhẹ nhàng, thổn thức với “Tiếng thu”, hay Nguyễn Khuyến đã cảm nhận sắc thu với sự chiêm nghiệm, tĩnh lặng trong “Thu điếu”, thì giờ đây, ta đã bắt gặp một mùa thu đầy sinh động, giàu sức sống qua “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Hữu Thỉnh là một nhà thơ mặc áo lính, với ngòi bút thân thuộc với con người ở nông thôn, giọng thơ dân dã, mộc mạc. Đặt bút viết “Sang thu” vào năm 1977, Hữu Thỉnh đã dọn cho mình một chỗ ngồi độc đáo trên thi đàn văn học của những thi sĩ viết về mùa thu, bởi lẽ “Sang thu” là một khúc giao mùa sống động, đi vào lòng người. Đặc biệt là dấu hiệu mùa thu về được ông khắc họa một cách rõ nét qua hai khổ thơ đầu:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.”
Mỗi năm đều có luân phiên bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và thiên nhiên qua bốn mùa đều có những thay đổi. Mùa nào cũng đều đẹp, đều đáng để yêu, nhưng có lẽ, mùa thu là khoảnh khắc rung động lòng người nhất bởi sự trữ tình, trong sáng của nó. Bởi lẽ vì thế mà Hữu Thỉnh cũng không ngoại lệ khi ông đã dành cho mùa thu một tình yêu to lớn, đủ để có thể nhận ra những thay đổi nhỏ nhất của cảnh sắc thiên nhiên khi mùa thu về:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”
Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ ở cụm từ “Bỗng nhận ra”, đây là một sự bất ngờ nhưng là bất ngờ trong tâm thế đã chờ đợi sẵn từ lâu. Vì tác giả đã mong mỏi mùa thu từ lâu rồi, nên khi hương thơm từ ổi vừa xuất hiện, Hữu Thỉnh đã bất ngờ nhận ra và thốt lên thành lời. Tín hiệu đầu tiên mà thi nhân bắt gặp chính là mùi hương quen thuộc của hương đồng cỏ nội, là mùi thơm từ những quả ổi ở quê nhà. Tác giả đã miêu tả sự lan tỏa của hương thơm từ quả ổi qua động từ mạnh “phả”. Tại sao không phải là “lan vào”, “bay vào”, hay “thổi vào” mà lại là “phả vào”? Bởi lẽ, khi đọc vào từ “phả” ta có cảm giác ngay về một mùi hương rất đậm đặc trong không khí, một hương thơm ngào ngạt. Hương ổi không phải chỉ thoang thoảng thoáng qua trên khứu giác của tác giả mà đã lưu lại rất lâu bởi mùi hương quyến rũ của nó. Tín hiệu thứ hai mà tác giả cảm nhận được chính là làn gió se se mát. Không như cái nóng hầm hực của gió hạ, hay cái lạnh buốt giá từ gió đông, ở đây là một ngọn gió dễ chịu, trong lành, vừa đủ mát, vừa đủ để người ta vương vấn không thôi. Không chỉ có hương thơm từ ổi, hay là gió mát, mà tác giả còn cảm nhận mùa thu bằng hơi sương. Những hạt sương thu mềm mại, ươn ướt giăng qua khắp các con phố, khắp các ngõ hẻm. Hữu Thỉnh đã khéo léo sử dụng từ láy “chùng chình” kết hợp với nhân hóa “qua ngõ” cho thấy rằng mùa thu dường như đã len lỏi khắp nơi, tới những ngõ ngách nhỏ nhất đều có bóng dáng làn sương báo hiệu thu về. Cứ dần dần như thế, cứ nhẹ nhàng, mềm mại như thế, thu đến từ lúc nào không hay. Để rồi nhà thơ phải giật mình nhận ra rằng “Hình như thu đã về”. Ta cảm nhận được chút bối rối, nghi hoặc đáng yêu của tác giả, thu về từ bao giờ nhỉ? Từ khi hương ổi xuất hiện? Hay khi gió se ùa về? Hay lúc làn sương chạm ngõ? Dù là vào lúc nào đi chăng nữa, thì mùa thu cũng đã bắt đầu xuất hiện trên quê hương.
Cái bỡ ngỡ ban đầu cũng dần biến mất, nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt của nhà thơ trước mùa thu:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.”
Mùa thu đến khiến đất trời và cảnh vật như thay màu áo mới, nhẹ nhàng và êm đềm, thư thái hơn. Dòng sông lúc này trở nên yên bình đến lạ qua từ láy “dềnh dàng” của thi sĩ. Ở đây gợi cho ta một con sông mang hương vị mùa thu trong từng làn nước xanh. Một lần nữa, Hữu Thỉnh lại sử dụng từ láy để miêu tả cảnh một cách sống động hơn. Từ láy “vội vã” cho thấy sự tất bật của đàn chim khi mùa thu về. Dường như những cánh chim cũng cảm nhận được mùa thu về, cái chớm lạnh đầu thu báo hiệu cho chúng phải mau mau bay về phương Nam tránh rét. Tác giả đã rất khéo léo khi quan sát từng chuyển động của sự vật, sự việc trong mùa thu, vì ngay cả những cánh chim nhỏ bé cũng không thể thoát khỏi tầm mắt tinh tế của thi nhân.