Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
510 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 9 bởi
Phân tích khổ thơ 4,5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để thấy được khát vọng cống hiến của nhà thơ dành cho cuộc đời.

3 Trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

Mùa xuân, theo cách lí giải của khoa học, là khi trái đất nghiêng dần về phía mặt trời và giờ chiếu sáng tăng lên. Đó là khi vạn vật được sưởi ấm sau khoảng thời gian dài lạnh lẽo của mùa đông và thiên nhiên cũng nhờ đó mà đâm chồi nảy lộc. Cái đặc trưng riêng ấy của mùa xuân, không biết vì sao khi đi vào thơ ca lại thấm đẫm vẻ đẹp trữ tình, say mê lòng người. Nói đến mùa xuân trong thơ ca không thể không nhắc đến thi phẩm tuyệt bút “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải. Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu của mảnh đất cố đô xinh đẹp, nổi tiếng với những vần thơ mượt mà, đậm đà chất Huế. “Mùa xuân nho nhỏ” được ông viết trong những năm tháng cuối đời khi đang nằm trên giường bệnh vào năm 1980, khi đất nước đã trải qua thời kì kháng chiến sục sôi được năm năm. Bài thơ là một cái nhìn về mùa xuân một cách tin yêu, tràn ngập sức sống của tác giả, đặc biệt là khát vọng cống hiến của nhà thơ ở hai khổ thơ sau:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

 

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.”

Sau những đoạn thơ nói lên suy tư của Thanh Hải về đất nước, ông bắt đầu bộc bạch tâm nguyện được hóa thân cho quê hương:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”

Ta dễ dàng thấy được phép điệp cấu trúc “Ta làm”, “Ta nhập” kết hợp cùng liệt kê hàng loạt “con chim hót”, “một cành hoa”, “vào hòa ca” thể hiện ước nguyện cống hiến khiêm tốn của nhà thơ. Thanh Hải không mưu cầu là một cánh chim đại bàng dẫn đầu bầu trời, xé tan mây mù, mà chỉ mong được làm một chú chim nhỏ nhưng có tiếng hót hay đóng góp cho đời những gì tươi vui, nhộn nhịp nhất. Thanh Hải cũng không khát khao làm một vườn địa đàng nguy nga, tráng lệ mà chỉ ước được hóa thành cành hoa nhỏ nhắn nhưng có đủ hương thơm để lan tỏa hương sắc thơm ngát cho đời. Thanh Hải càng không mong là một bản hòa tấu hùng tráng mà chỉ nguyện được làm một nốt nhạc đóng góp nhạc điệu cho đời, dẫu là một “nốt trầm” nhưng vẫn đủ “xao xuyến” lòng người, tạo cho cuộc đời những khoảng lặng sâu sắc. Tất cả những điều đó cho thấy rằng, thi sĩ không muốn mình là những gì đao to búa lớn, chỉ mong được làm những điều bình dị nhưng góp phần điểm tô vẻ đẹp và hương sắc cho cuộc đời. Đó là một tâm thế sống cao đẹp, khiêm tốn nhưng không kém phần thanh tao. Đối với Thanh Hải, sống chỉ cần là được hiến dâng, sống như một cuộc hóa thân, không cần biết đó là lớn hay nhỏ.

Ước nguyện sống cống hiến của Thanh Hải ngày một mãnh liệt hơn ở những vần thơ sau:

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

Lời thơ trở nên tâm tình, tha thiết hơn bao giờ hết. Mỗi một con người hãy là “một mùa xuân nho nhỏ” để làm nên mùa xuân chung của đất nước, một mùa xuân bất diệt. Ai cũng phải sống có ích cho đời, dù là việc nhỏ hay việc to. Hai từ láy “nho nhỏ” và “lặng lẽ” càng cho thấy thái độ sống cống hiến một cách khiêm nhường, âm thầm của tác giả, là sự cho đi mà không mưu cầu được nhận lại. Bởi lẽ “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). Ta lại thấy điệp ngữ “Dù là” xuất hiện như nhấn mạnh khát khao cống hiến cháy bỏng của nhà thơ, từ khi còn trẻ cho đến lúc về già. Cho dù là ở độ tuổi đôi mươi trẻ trung, tràn đầy sức sống hãy là khi về già “tóc bạc” thì ngọn lửa của sự hiến dâng vẫn cháy bỏng. Cảm động hơn nữa là những vần thơ này được viết trong những ngày cuối đời của nhà thơ. Đó cũng là nét tương đồng với những vần thơ cuối đời của Tố Hữu:

“Tạm biệt đời ta yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho, chết cũng là cho”

(“Tạm biệt” – Tố Hữu)

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Gấp lại trang thơ như gấp lại những khát vọng sống cống hiến cao đẹp của tác giả, nhưng lại mở ra trong ta nhiều ước nguyện dành cho cuộc đời. Với ngòi bút tài hoa của mình, Thanh Hải đã vận dụng tài tình các biện pháp nghệ thuật như điệp cấu trúc, điệp từ, từ láy,… để nói lên một ước nguyện đầy khiêm tốn, sống hóa thân cho đất nước. Hai khổ thơ tuy ngắn ngọn nhưng lại hàm súc bao nhiêu ý nghĩa về tâm nguyện sống cao cả của thi nhân.
Phải chăng khi con người ta gần đến lúc “lá xa lìa cành” thì cũng là lúc họ khao khát sống hơn bao giờ hết. Vì thế mà, những vần thơ Thanh Hải để lại cho đời mang một sự thanh thản, cao đẹp, đầy sức sống mãnh liệt. Thanh Hải đã góp thêm cho thi đàn văn học một mùa xuân đầy ý nhị, tinh tế, một khát vọng cống hiến đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, da diết. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu của đất nước đã trường tồn mặc cho bao gió bụi khắt khe của thời gian. Chính tâm nguyện của Thanh Hải đã khiến thế hệ trẻ như tôi cảm thấy muốn được cống hiến nhiều hơn sức trẻ của mình cho đất nước, để đất nước ngày một vươn lên “như vì sao”.
0 phiếu
bởi trit75709991 (-500 điểm)
Thanh Hải là nhà thơ đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông dành cả cuộc đời cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Ngay đến cả những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Thanh Hải vẫn khát khao được gắn kết với mạch nguồn cuộc sống, với trái tim lớn dân tộc, cống hiến sức lực nhỏ bé của mình trong công cuộc dựng xây đất nước. Ý nguyện cao đẹp ấy được trình bày trong khổ thơ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, tác phẩm cuối cùng mà nhà thơ gửi lại cho đời.

“Mùa xuân nho nhỏ” là tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Thanh hải. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ, mong ước được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.
Trước mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước, sự đi lên của cuộc sống, tác giả khát khao được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước. Chưa bao giờ đất nước đẹp tươi hơn thế. Chặng đường lịch sử đã qua với bao gian lao, vất vả. Bốn nghìn năm lập quốc tỏa sáng nền văn hiến Đại Việt, sức mạnh dân tộc được khẳng định, đất nước vẫn trường tồn và đi lên. Đất nước như vì sao là sự so sánh đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng vô tận, là vẻ đẹp của vũ trụ, vẻ đẹp vĩnh hằng trong không gian và thời gian. Đây là niềm tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng, bất diệt.

Đất nước ấy luôn lớn mạnh, đi lên từng ngày. Hành trình đi tới tương lai của đất nước vẫn không ngừng, cứ đi lên là sự thể hiện chí khí, quyết tâm của dân tộc Việt Nam. Hân hoan, tự hào và trách nhiệm, nhà thơ muốn hóa thành một phần vẻ đẹp ấy:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”.

Điều tâm niệm của nhà thơ là khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Đẹp và tự nhiên vì nhà thơ đã dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình. Con chim hót, một cành hoa là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Một nốt trầm trong dàn hợp xưởng là âm thanh mà mọi người đều thích nghe. Tác giả muốn làm việc, muốn cống hiến cho cuộc đời, cống hiến cho đất nước. Điệp từ một trong đoạn thơ diễn tả sự ít ỏi, khiêm tốn nhưng hình ảnh con chim, cành hoa, nốt trầm cuối cùng dã dồn vào hình ảnh thật đặc sắc:

 “Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.

Bao trùm tất cả, ông ước nguyện hoá thành “một mùa xuân nho nhỏ”, lặng lẽ, âm thầm dâng hiến toàn bộ tâm hồn, trí tuệ, sức lực và cả sự sống của mình góp cùng mọi người. Khát vọng của tác giả tuy ẩn chứa sự khiêm nhường qua hình ảnh nho nhỏ, lặng lẽ nhưng thể hiện một tiếng lòng cao cả, thể hiện một nhân sinh quan cao đẹp: phải cống hiến cho đất nước, dù là nhỏ bé, và phải không ngừng cống hiến cho cuộc đời. Mỗi con người hãy là một mùa xuân nho nhỏ để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Một xã hội tốt đẹp thì mỗi con người phải tốt đẹp. Đây là điều tâm niệm và khát vọng của nhà thơ trước lúc đi xa vĩnh biệt cuộc đời.

“Dù là tuổi hai mươi.
Dù là khi tóc bạc”

Những hình ảnh bông hoa, tiếng chim hót được tác giả phác hoạ ở phần đầu bài thơ giờ đây lại trở lại trong khổ thơ này trong giọng thơ êm ái, ngọt ngào. Cách cấu tứ lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng chặt chẽ và mang một ý nghĩa mới: Niềm mong muốn được sống có ích,cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa toả hương sắc cho đời. Trong bài “một khúc ca xuân” Tố Hữu cũng có những suy ngẫm tương tự:

“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?”

Điều tâm niệm ấy thật cao đẹp, chân thành, là sự phát triển tự nhiên trong mạch cảm xúc của bài thơ. Điệp từ “ta” như một lời khẳng định. Và cái “ta” vốn chỉ để nói về mình bỗng như trở thành cái “ta” chung của nhiều người, khát vọng của nhiều người. Điệp ngữ “dù là” như một lời tự khẳng định, tự nhủ với lương tâm -> sự kiên trì, thử thách với thời gian, tuổi già, bệnh tật để mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương, đất nước. Giọng thơ nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn.
“Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải là một bài thơ đặc sắc. Với thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang, âm hưởng nhẹ nhàng xuyên khổ thơ, tác giả đã bộc lộ cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước và khát vọng đẹp đẽ muốn được dâng hiến cho cuộc đời trước lúc đi xa. Ước nguyện của nhà thơ cho ta hiểu mỗi người phải biết sống, cống hiến cho cuộc đời. Thế nhưng dâng hiến, hoà nhập mà vẫn giữ được nét riêng mỗi người. Khổ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là kết tinh rực rỡ của sức sống mãnh liệt và tình yêu thiết tha của người nghệ sĩ một lòng sống vì nhân dân, vì đất nước.
0 phiếu
bởi 21111505552355 Học sinh (105 điểm)

Trong bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông thì có lẽ ai cũng thích mùa xuân của đất trời. Mùa xuân là mùa của những loài hoa nở rộ, là mùa của những chú chim hót trên những cành cây xanh. Tác giả Thanh Hải đã cho ra một bài thơ khi ông đang nằm trên giường bệnh. Một bài thơ nói về mùa xuân thơ mộng, trữ tình đó là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Thanh Hải đã thể hiện tâm nguyện thiết tha, cảm động trong hai khổ thơ bốn và năm:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào ca một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”

Những dòng thơ dâng tràn tình yêu thiên nhiên lòng tự hào, lạc quan, tình yêu đối với đất nước, dân tộc của Thanh Hải.

Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước thường gợi lên ở mỗi con người niềm khao khát và hi vọng. Với Thanh Hải cũng thế. Đây chính là thời điểm mà ông nhìn lại cuộc đời và tâm niệm của một nhà cách mạng, ông là một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước.

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa .
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”.

Điệp ngữ “ta làm” diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ. Là khát vọng sống hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, dù có nhỏ bé nhưng Thanh Hải vẫn muốn dâng hiến cuộc đời của mình cho quê hương đất nước. Ước nguyện được làm một tiếng chim, làm một cành hoa để góp vào vườn hoa muôn hương muôn sắc, rộn rã tiếng chim, đem lại hương sắc, tô điểm cho mùa xuân thêm tươi đẹp. Nhà thơ nguyện cầu được làm “nốt trầm xao xuyến” không ồn ào, không cao điệu mà chỉ âm thầm lặng lẽ “nhập” vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về. Được tô điểm cho mùa xuân là tác giả đã nguyện hy sinh, nguyện cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước.

Hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, chân thành, giọng thơ nhẹ nhàng, êm ái, ngọt ngào.

Điệp từ “ta” như là một lời khẳng định, vừa như một tiếng lòng, như một lời tâm sự nhỏ nhẹ, chân tình. Ước nguyện đó như là lẽ sống cao đẹp. Đó là lẽ sống không kể gì đến tuổi tác.

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”

Thái độ “lặng lẽ dâng cho đời” nói lên ý nguyện thật khiêm nhường nhưng hết sức bền bỉ và vô cùng đáng quý vì đó là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Thật cảm động trước ao ước của tác giả dẫu đã qua tuổi xuân của cuộc đời, vẫn được muốn làm “một mùa xuân nho nhỏ” trong cái mùa xuân lớn lao ấy. Điệp ngữ “dù là” ở đây như một lời khẳng định để nhủ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước. Giọng thơ vẫn nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn. Chính vì vậy, hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” ở cuối câu như ánh lên, tỏa sức xuân tâm hồn trong bài thơ.

Thật cảm động và kính phục biết bao khi đọc những vần thơ như lời tổng kết cuộc đời. “Dù là tuổi hai mươi” khi mới tham gia kháng chiến cho đến khi tóc bạc là thời điểm hiện thời vẫn lặng dâng hiến cho đời và những câu thơ này là một trong những câu thơ cuối cùng.

 

“Một mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc ông bước vào thế mới, chuẩn bị ra đi mãi mãi.

Những lời tâm sự cuối cùng của người sắp mất luôn là những lời thực, luôn chứa chan tình cảm, ước nguyện sâu lắng nhất… Và bài thơ này cũng chính điều cả cuộc đời ông. Ông đã giãi bày, tâm tình những điều sâu kín nhất trong lòng, và chính lúc đó Thanh Hải đã thả hồn vào thơ, cùng chung một nhịp đập với thơ để ông và thơ luôn được ở cùng nhau, hiểu nhau và giải bày cho nhau.

Tóm lại, những ước nguyện thật khiêm tốn giản đơn nhưng lại đầy ý nghĩa, tác giả thật là một người đáng kính nể. Luôn muốn dâng hết tất cả cuộc đời mình cho đất nước.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
2 câu trả lời 453 lượt xem
Phân tích khổ thơ 2,3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để thấy được mùa xuân của sản xuất và lao động.  
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Khách
+1 thích
1 trả lời 1.5k lượt xem
Trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" Thanh Hải viết: "Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến M&#7897 ... lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc"
đã hỏi 16 tháng 10, 2019 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 306 lượt xem
Phân tích hình ảnh người lính trong 2 đoạn thơ sau của tác phẩm "Đồng chí" và "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" Đ ... ;t, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ngữ văn 9 tập 1)
đã hỏi 30 tháng 6, 2020 trong Ngữ văn lớp 9 bởi hoangvy Cử nhân (3.7k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 604 lượt xem
Phân tích 2 khổ thơ đầu bài thơ Sang thu để làm rõ dấu hiệu mùa thu về mà tác giả cảm nhận được.
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Khách
+2 phiếu
1 trả lời 196 lượt xem
Từ lời của bài hát “Khát vọng” trong phần Đọc hiểu hãy trình bày suy nghĩ về khát vọng hoá thân, cống hiến để xây dựng cuộc đời của thế hệ trẻ hôm nay.
đã hỏi 2 tháng 5, 2020 trong Ngữ văn lớp 12 bởi Nqoc_baka ● Quản Trị Viên Phó giáo sư (34.6k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 40 lượt xem
đã hỏi 21 tháng 2 trong Ngữ văn lớp 9 bởi nguyenmanh04102009212 Học sinh (402 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 760 lượt xem
Phân tích 16 câu thơ giữa bài "Vội vàng" để làm rõ cảm nhận độc đáo của Xuân Diệu về thời gian. 
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Khách
0 phiếu
2 câu trả lời 41 lượt xem
0 phiếu
1 trả lời 250 lượt xem
đã hỏi 8 tháng 5, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Silent Cử nhân (3.9k điểm)

HOT 1 giờ qua

  1. Darling_274

    20 Điểm

  2. minhquanhhqt160

    15 Điểm

  3. lueyuri009730

    15 Điểm

  4. lenguyenducminh05102011227

    5 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...