Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
416 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 11 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
Phân tích bài thơ "Từ ấy" để làm rõ lí tưởng giác ngộ cách mạng của tác giả.

1 Câu trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

“Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ

Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ

Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu

Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau.”

(“Kết nạp Đảng trên quê mẹ” – Chế Lan Viên)

Không chỉ riêng Chế Lan Viên mà Tố Hữu cũng say mùi hương chân lý, bắt gặp lý tưởng Đảng cao đẹp ở tuổi mười tám đôi mươi – thời điểm có ý nghĩa quyết định cả cuộc đời cách mạng và sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu. Nhắc đến tiếng thơ trữ tình chính trị xuất sắc của dòng văn học cách mạng Việt Nam thì Tố Hữu là một cái tên không hề xa lạ, ông được coi là cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng. “Lá cờ đầu” ấy đã thổi vào thơ ca cách mạng một luồng sinh khí nồng nàn, rạo rực, hăm hở, tâm huyết của người lính trẻ với chất giọng đằm thắm dịu ngọt của người dân xứ Huế. Minh chứng mạnh mẽ nhất chính là bài thơ “Từ ấy” được trích từ phần “Máu lửa” của tập thơ cùng tên đã ghi lại những giây phút say mê của tác giả khi bắt gặp lý tưởng cách mạng. Đó không đơn thuần là cảm xúc vui sướng phấn khởi mà đó còn là phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản muốn hòa nhập cống hiến hết mình cho cuộc đời:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Không áo cơm, cù bất cù bơ…”

Không phải ngẫu nhiên mà Tố Hữu đặt tên bài thơ là “Từ ấy”. Sau bao tháng năm “Hoang mang không định trước tương lai” thì đến tháng 7 năm 1938 người chiến sĩ trẻ đã tìm được con đường lý tưởng cách mạng của cuộc đời mình. Chính vì thế mà cuộc đời đang tối tăm bỗng hóa thành những bình minh cây xanh nắng dội, tâm hồn đang u tối mịt mù bỗng trở nên vui tươi say mê náo nhiệt hẳn lên. Vậy “Từ ấy” chính là cái mốc đánh dấu cho sự trưởng thành trong con người nhà thơ, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời để tìm được con đường đi cho chính bản thân mình: con đường đến với Đảng. Nhà thơ không còn phải “bâng khuâng đi tìm lẽ yêu đời” như ngày xưa nữa mà từ ấy sẽ mở ra một chân lý một tương lai hứa hẹn hơn:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,

Mặt trời chân lí chói qua tim.”

Khoảnh khắc thi sĩ bắt gặp lí tưởng Đảng như có ánh “nắng hạ” sáng soi. Sao không phải nắng của mùa khác mà chỉ đặc biệt là nắng mùa hạ? Đó là do chỉ riêng hạ mới có thể mang đến thứ ánh sáng chói lóa, rực rỡ, mạnh mẽ nhất trong năm. Có như vậy thì mới “bừng” lên rạo rực, cháy bỏng được. So sánh như thế bởi nhà thơ muốn thể hiện được sức mạnh soi sáng của chân lý cách mạng kia, lý tưởng cách mạng của Đảng đến với người chiến sĩ cộng sản yêu đời nhiệt huyết, hăng say ấy có sức sáng soi tâm hồn như xuyên thấu cả một lý tưởng hoài bão. Nguồn sáng ấy là “mặt trời chân lí” trong cách nói ẩn dụ về một biểu tượng đẹp của cách mạng. Đảng cũng như mặt trời, đều tỏa ra ánh sáng diệu kì sưởi ấm tâm hồn muôn loài, mang lại những tư tưởng đúng đắn, báo hiệu những điều tốt lành cho cuộc sống. Ánh sáng huy hoàng ấy đã làm người thanh niên mười tám tuổi say, say lí tưởng, say chân lí. Hình ảnh ẩn dụ “chói qua tim” diễn tả được tác động mạnh mẽ của Đảng đến tình cảm, tâm hồn, cảm xúc trong lòng nhà thơ. Kết hợp với các động từ mạnh “chói”, “bừng” lại càng nhấn mạnh nét hân hoan của tác giả. Đó không phải là những cảm xúc tầm thường thoáng qua mà là lòng nhiệt huyết say mê lâu dài, tự hào đón lấy niềm vinh dự khi tên mình được thêm vào lịch sử Đảng.

Nhà thơ đón nhận lí tưởng không những bằng suy nghĩ chín chắn, nhận thức đúng đắn mà còn bằng cả bầu nhiệt huyết sôi nổi trẻ trung. Ánh sáng lí tưởng đem lại cho nhà thơ niềm vui và gợi bao ước mơ đẹp đẽ về một thế giới đầy hương sắc, âm thanh:

“Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”

Tố Hữu sung sướng đón nhận lí tưởng như cỏ cây hoa lá đón ánh sáng mặt trời. Chính lí tưởng cộng sản đã truyền nhựa sống vào trái tim người trai trẻ. Hai câu thơ đầy bay bổng, đậm chất lãng mạn còn được điểm thêm thủ pháp nghệ thuật so sánh khiến ta thấy được niềm vui của nhà thơ đang sinh sôi nảy nở tựa như khu vườn tươi tốt đầy màu sắc của nhiều loại cây. Khu vườn ấy có những âm thanh là tiếng chim rộn ràng hay chính là những khúc nhạc vui tươi réo rắt trong lòng người chiến sĩ khi đã tìm được lẽ yêu đời của riêng mình. Khu vườn ấy lại còn đậm hương thơm, đó phải chăng là sự thơm thảo của tấm lòng con người muốn cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Từ đó mới thấy được rằng, cách mạng không đối lập với nghệ thuật; trái lại, cách mạng đã khơi dậy một sức sống mới, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ Tố Hữu.

Từ lúc “mặt trời chân lí chói qua tim”, người thanh niên Tố Hữu đã biết khóc cho những kiếp người lầm than dưới gầm trời nô lệ, nhận ra được một tuyên ngôn về lẽ sống mới:

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”
Ánh sáng của Đảng cộng sản vô cùng kì diệu, nó đã khơi dậy sự tự nguyện cao cả trong tâm hồn nhà thơ, tự nguyện “buộc lòng” mình với mọi người để cùng họ tạo nên một “khối đời” mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh cam go giành lại màu cờ sắc áo quê hương. Đó chính là sự thức tỉnh nhận thức về cái “tôi” cá nhân, không còn đơn lẻ nữa mà đã biết hòa vào cái ta chung vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Từ “buộc”  mới nghe tưởng chừng là sự trói buộc đầy áp đặt nhưng đó là lối nói ngoa dụ thể hiện sự tự nguyện đến mức tuyệt đối để hòa nhập vào cuộc sống chung của những người bị áp bức. Đó là lời bộc bạch trực tiếp ước vọng chân thành của nhà thơ, là tâm niệm của “cái tôi trữ tình cách mạng”. Nhà thơ muốn tình cảm của mình được trang trải với trăm nơi, trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ với những trái tim của lớp người cùng khổ để tạo nên một “khối đời” vững chắc, trở thành sức mạnh to lớn phá tan chế độ thực dân phong kiến, xây dựng một chế độ mới tốt đẹp hơn.
Hai câu thơ sau cho thấy tình yêu thương con người của Tố Hữu không phải là thứ tình thương chung chung mà là tình cảm hữu ái giai cấp. Trong mối liên hệ với mọi người, nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ, mong muốn được đứng vào hàng ngũ giai cấp cần lao để thấu hiểu rõ sự bất công của họ. “Khối đời” là ẩn dụ chỉ một khối người đông đảo cùng chung cảnh ngộ trong cuộc đời, cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung, để khi “cái tôi” chan hòa trong “cái ta” thì sức mạnh sẽ nhân lên gấp bội. Bằng việc sử dụng các từ “để”, “với” được láy lại nhiều lần tạo nhịp thơ dồn dập, Tố Hữu khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và cuộc sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.
Khi đã nhận ra rằng “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, nhà thơ muốn mình là một thành viên ruột thịt trong đại gia đình những người bất hạnh, cơ cực:
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...”
Một sự chuyển biến sâu sắc lóe lên trong tình cảm của Tố Hữu: ông tìm thấy niềm vui và sức mạnh mới không chỉ bằng nhận thức mà còn bằng sự giao cảm của những trái tim. Hai chữ “Tôi đã” như một lời tuyên thệ chân thành, khẳng định sự hòa nhập với mọi người như là một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi, một sự tự nguyện hoàn toàn, tuyệt đối, không băn khoăn, không ngần ngại. Thi nhân nguyện sẽ đứng vào hàng ngũ những người “than bụi, lầy bùn”, nguyện là lực lượng tiếp nối của “vạn kiếp phôi pha”, nguyện là lực lượng ngày mai lớn mạnh của “vạn đầu em nhỏ” đấu tranh cho non sông gấm vóc chữ S. Điệp từ “là” cùng với các từ “con, em, anh” và số từ ước lệ “vạn” lặp đi lặp lại vang lên một âm hưởng mạnh mẽ nhấn mạnh và khẳng định một tình cảm gia đình thật đầm ấm, thân thiết. “Tôi” hiện ra trong các mối quan hệ với “vạn kiếp phôi pha” chỉ những người lao động vất vả, thường xuyên phải dãi dầu mưa nắng để kiếm sống, với “vạn đầu em nhỏ” không nơi nương tựa, phải lang thang rầy đây mai đó, phải “cù bất cù bơ” đầy chua xót. Những vần thơ như thấm đẫm máu và nước mắt ấy đã khơi dậy sự đồng cảm xót xa, căm phẫn kẻ thù đến tột độ của người đọc. Không chỉ thế, chính nhà thơ cũng căm giận trước những bất công, ngang trái của cuộc đời cũ.
Khép lại dòng cảm xúc của thi sĩ nhưng đồng thời mở ra những chân lí mới cao đẹp về lí tưởng cách mạng. “Từ ấy” là bài thơ có ý nghĩa mở đầu và cũng có ý nghĩa như một tuyên ngôn về lẽ sống của một chiến sĩ cách mạng cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ. Sự vận động của tâm trạng nhà thơ được thể hiện sinh động bằng những hình ảnh tươi sáng, các thủ pháp nghệ thuật (ẩn dụ, so sánh, điệp từ…), thể thất ngôn truyền thống và ngôn ngữ giàu nhạc điệu. ồn thơ Tố Hữu chứa chan tình yêu giai cấp và niềm biết ơn sâu sắc cách mạng. Thơ Tố Hữu rõ ràng là thơ trữ tình - chính luận, hướng người đọc đến chân trời tươi sáng. Tiếng nói trong thơ là tiếng nói của một nhà thơ vô sản chân chính, lòng nhiệt huyết nguyện hiến dâng trọn vẹn mình cho Tổ quốc thân yêu, cho nhân dân, cho tất cả.
“Từ ấy” xứng đáng là một nét son chói lọi đánh dấu sự trưởng thành lớn lao trong nhận thức của chàng thanh niên yêu nước nhiệt thành. Đối với Tố Hữu, “Từ ấy” là thời gian cụ thể đánh dấu một bước ngoặt, lối rẽ mới trong cuộc đời của nhà thơ, đó chính là bước đến con đường cách mạng, con đường đúng đắn mà mình phải đi để từ đó lí tưởng đã soi sáng tâm hồn ông. Đọc “Từ ấy” để ngọn lửa khát vọng mà Tố Hữu thắp lên qua từng vần thơ được lan tỏa đến ta – lớp thế hệ trẻ ngày nay, hãy tiếp thêm cho ngọn lửa ấy ngày một bùng cháy để đưa đất nước đi lên một tương lai huy hoàng, rạng rỡ.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
1 trả lời 320 lượt xem
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu để thấy vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Tây Bắc.
đã hỏi 21 tháng 12, 2021 trong Ngữ văn lớp 11 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 793 lượt xem
Phân tích bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương. Qua số phận người phụ nữ trong xã hội xưa, anh (chị) có suy nghĩ gì về ... Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, Mảnh tình san sẻ tí con con!
đã hỏi 17 tháng 6, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
+1 thích
1 trả lời 485 lượt xem
Phân tích tác phẩm Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương
đã hỏi 16 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 101 lượt xem
  Lí tưởng cộng sản đã đem đến cho Tố Hữu sự thức tỉnh về mối quan hệ tình cảm mới như thế nào? Vì sao sự thức tỉnh về quan hệ tình cảm ấy lại đem đến cho Tố Hữu sức mạnh và niềm vui?  
đã hỏi 23 tháng 6, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi linhchi2002 Thần đồng (1.3k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 463 lượt xem
0 phiếu
3 câu trả lời 775 lượt xem
0 phiếu
1 trả lời 154 lượt xem
Trong bài thơ "Đồng chí", Chính Hữu viết: "Đêm nay rừng hoang sương muối  Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới  Đầu súng trăng treo." Viết một đoạn văn Tổng - phân - hợp có độ dài 15 câu phân tích 3 câu thơ trên.  P/S: Có cả dàn ý càng tốt ạ.    
đã hỏi 16 tháng 4, 2019 trong Ngữ văn lớp 9 bởi DoMinh Thần đồng (582 điểm)
+3 phiếu
1 trả lời 1.4k lượt xem
Hãy cho biết cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều phương diện khác nhau về một đất nước của nhân dân được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện như nào? Phân tích khổ thơ cuối bài thơ "Đất nước" để làm rõ nhận định trên.
đã hỏi 20 tháng 1, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 431 lượt xem
Cảm nhận của anh/chị về khổ thơ thứ ba bài thơ "Vội vàng"
đã hỏi 13 tháng 1, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi metraidauthaimoihet Học sinh (104 điểm)
+1 thích
1 trả lời 402 lượt xem
Anh/chị hãy cảm nhận tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ sau: Chiếc vành với bức tờ mây, Duyên này thì giữ vật này ... cách mặt khuất lời, Rưới xin giọt nước cho người thác oan.
đã hỏi 14 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 10 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
  1. monmon70023220

    560 Điểm

  2. minhquanhhqt160

    68 Điểm

  3. Darling_274

    63 Điểm

  4. 333cuchillthoi302

    37 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...