Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
784 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 11 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)

Phân tích bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương. Qua số phận người phụ nữ trong xã hội xưa, anh (chị) có suy nghĩ gì về cuộc sống của người phụ nữ trong xã hội ngày nay?

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!


2 Trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

Thân phận lẻ mọn của người phụ nữ trong xã hội phong kiến là một đề tài khá phổ biến trong văn học dân gian và văn học viết thời hiện đại. Nhắc đến kiếp vợ lẻ đầy đau thương ấy, chắc hẳn ai cũng nhớ tới “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, một nữ sĩ tài ba ở nước ta vào cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX qua các tác phẩm thể hiện sâu sắc thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, với bao khao khát sống và hạnh phúc tình duyên. Nổi bật trong số đó là chùm thơ “Tự tình” gồm ba bài phản ánh tâm tư tình cảm của Xuân Hương, một người phụ nữ quá lứa lỡ thì, duyên phận hẩm hiu,... Chính bài thơ “Tự tình” (II) đã khắc họa rõ nét hơn về tiếng than thân trách phận cho nỗi buồn cô đơn, về bi kịch tình yêu, niềm khao khát hạnh phúc của một kiếp hồng nhan:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Dẫn vào bài thơ là một khung cảnh tối tăm, lạnh lẽo của màn đêm hiện ra trước mắt người đọc. Trên cái nền không gian u tối ấy, hình ảnh người phụ nữ hiện lên thật hiu quạnh làm sao:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.”

Hai trong ba bài thơ, nữ sĩ đều nói về đêm khuya, cảnh khuya. Một lần nữa, bà lại tỉnh dậy lúc canh khuya, thao thức suốt đêm dài, tâm trạng ngổn ngang phiền muộn. Thời gian “đêm khuya” đầy yên tĩnh, chỉ có bản thân đối mặt với chính mình là khoảng thời gian buồn bã và cô đơn nhất, nó khiến con người ta dễ bộc lộ cảm xúc, suy tư về cuộc đời, về số phận. Tác giả đã khéo léo sử dụng liên tiếp từ láy “văng vẳng” kết hợp cùng động từ “dồn” để thể hiện sự dồn dập như thúc giục của thời gian trôi qua nhanh, nó không làm cho không gian nơi đây thêm phần huyên náo mà chỉ càng nhấn mạnh sự tĩnh mịch của đêm tối mà thôi.

Chính khoảnh khắc ấy khiến nhà thơ tự soi vào mình, cảm nhận được mình chỉ như “cái hồng nhan” nhỏ bé giữa nền “nước non” bao la. Từ “cái” gắn liền với chữ “hồng nhan” làm cho giọng thơ trĩu nặng xuống, đầy bi thương. Người phụ nữ ấy đã có một thời son trẻ tự hào với: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”, có phẩm hạnh tốt đẹp ví như: “tấm lòng son” trọn vẹn, thế mà nay chỉ còn đọng lại chút thân phận nhỏ nhoi, không được tôn trọng. Bấy nhiêu vẫn chưa đủ bẽ bàng, “cái hồng nhan” ấy còn đi cùng với động từ “trơ” nghe đầy cay đắng. “Trơ” phải chăng nói lên sự trơ trọi, cô đơn hay là sự trơ lì, chai sạn với cuộc đời của người phụ nữ ở tuổi tứ tuần? Dẫu sao chăng nữa, nó cũng góp phần đẩy nỗi đau của Xuân Hương lên đến tột cùng, khiến bà phải tìm đến rượu đến trăng để ngỏ cùng bầu tâm sự:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”

Cuộc đời rõ là trêu ngươi khi cố đưa bà vào một vòng lẩn quẩn đầy đau khổ. Bà buồn thương cho thân phận bạc bẽo, muốn say để quên sự đời nhưng càng say lại càng tỉnh, không thể nào quên được, cứ thế lại buồn hơn. Cụm từ “say lại tỉnh” gợi lên sự dở dang trong tình yêu, cố vẫy vùng để bươn ra khỏi các nghịch cảnh nhưng đâu dễ, càng buồn càng cảm nhận nỗi đau dày xé tâm can. Niềm đau day dứt khôn nguôi ấy như được nhân lên gấp bội qua nghệ thuật ẩn dụ “vầng trăng”. “Vầng trăng”  tượng trưng cho cuộc đời, tuổi tác của người phụ nữ. Trăng đã xế như tuổi đã luống, tuổi xuân đẹp nhất của người con gái đã trôi qua mà nhân duyên vẫn chưa trọn vẹn. Trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), vầng trăng của Thúy Kiều là một vầng trăng vỡ, đã từng được trọn vẹn nghe đã đủ xót xa thế nhưng vầng trăng của Xuân Hương mãi mãi chỉ là vầng trăng khuyết không thể tròn nguyên được, nghe còn đau đớn nhiều lần hơn.

Tiếp tục hướng về ngoại cảnh, lấy thiên nhiên để tỏ bày tâm trạng, nỗi lòng của mình, Hồ Xuân Hương viết:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.”

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Rêu và đá là hai hình ảnh được hiện lên là những vật thể yếu mềm nhưng lại không chấp nhận số phận thấp bé ấy, chúng phải chăng cũng giống như Xuân Hương, luôn lạc quan giữa nghịch cảnh cuộc đời. Ý thơ cấu trúc tương phản để làm nổi bật cái dữ dội, quyết liệt của sự phản kháng: động từ mạnh “xiên ngang” với “đâm toạc”, trên thì “mặt đất” dưới lại có “chân mây”, đặc biệt ba chữ “rêu từng đám” với “đá mấy hòn” đăng đối, hô ứng nhau làm nổi bật sự sinh sôi, nảy nở cũng giống như sự dồn nén, muốn đấu tranh tự giải thoát khỏi chán chường của nhà thơ. “Rêu từng đám” mềm yếu thế mà cũng “xiên ngang mặt đất” được. Chỉ rải rác “đá mấy hòn” mà cũng có thể “đâm toạc chân mây”. Chính biện pháp đảo ngữ đã diệu kì hóa rêu và đá, cho chúng sức sống mãnh liệt hơn bao giờ hết. Thiên nhiên tiềm ẩn một sức sống đang bị đè nén xuống đã bắt đầu bật lên mạnh mẽ vô cùng.

Giữa cái thiên nhiên dào dạt, bốn bề mịt mù bao la ấy, người đàn bà hẩm hiu càng cảm thấy tủi hổ hơn bao giờ hết khi phải cam chịu cảnh ngộ:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.”

Nếu Xuân Diệu có câu thơ “ Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn – Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” thì Xuân Hương cũng có hai câu thơ trên nói về sự việc này, quy luật này. Thiên nhiên thuận theo đất trời, xuân đi rồi xuân lại tới, nhưng con người lại khác, với người phụ nữ tuổi xuân trôi đi rồi sẽ chẳng bao giờ quay lại thêm một lần nào nữa. Bởi lẽ đó, nhà thơ sử dụng động từ “ngán” thể hiện sự buồn bã, chán nản khi mỗi mùa xuân trôi đi cũng mang đi tuổi tác và vẻ đẹp của người phụ nữ. Hai từ “lại” xuất hiện liên tiếp nhưng lại mang hàm ý khác nhau. Từ “lại” đầu tiên cho thấy sự tiếp nhận miễn cưỡng, hờ hững, từ “lại” thứ hai chỉ sự trở về, đảo lại theo một quy luật tất yếu. Mùa xuân đáng ra là mùa hạnh phúc sum vầy mà ai cũng hằng mong mỏi thế nhưng khi xuân đến không đúng lúc, lúc lòng người đầy giông bão thương đau thì nó cũng như mùa đông giá rét, ảm đạm khiến con người ta khó có thể mở lòng đón nhận.

Đâu chỉ dừng lại ở đó, nỗi đau làm kiếp vợ lẻ vẫn luôn ngày ngày đay nghiến Xuân Hương. Theo quy luật thông thường, tình yêu là của hai người nhưng trong xã hội cũ mảnh tình ấy phải san sẻ thành những mảnh ghép nhỏ hơn cho từng người phụ nữ. Cái xã hội thối nát ấy đưa con người ta lâm vào thế phải chia sẻ “cái không thể nào chia sẻ được”, khiến lòng người phụ nữ chằng chịt biết bao vết sẹo thương đau ngang dọc. Nhà thơ đã tinh tế trong cách sử dụng từ ngữ, lồng ghép biện pháp nghệ thuật tăng tiến “con con” để người đọc cảm nhận được rằng, mảnh tình nghe thôi đã đủ mỏng manh, ít ỏi lại còn phải chia ra thành từng “tí con con” nhỏ bé hơn. Mỗi chữ như rung rung những giọt lệ sầu của người nữ sĩ tài ba và dấu chấm cảm cuối cùng ở cuối bài như một dấu chấm hết cho kiếp hồng nhan lở lang, dang dở. Câu thơ là tiếng than thân trách phần đầy chua chat, tủi hờn, tình duyên như tan vỡ, lòng người cũng nhiều phần vỡ tan. Qua đây cũng ngầm ẩn ý về số phận của những người phụ nữ chịu cảnh thê thiếp dưới chế độ cũ, họ không được coi trọng và không có quyền lên tiếng.

Gấp lại trang thơ như gấp lại chuỗi bi thương của Hồ Xuân Hương, ta vẫn còn xót xa cho tình cảnh đau đớn đến xé lòng của bà. Nỗi đau khi phải đứt ruột chấp nhận số kiếp làm lẻ của mình như được tăng gấp bội qua tài năng dụng từ hết sức thâm sâu, kết hợp với các hình ảnh giàu sức gợi cảm, tinh tế. Hồ Xuân Hương đã sử dụng các biện pháp nghệ thuật đặc sắc như ẩn dụ, tăng tiến, đảo ngữ,… đầy chua xót làm người đọc không thể không rung cảm trước hoàn cảnh đầy éo le của bà. Bài thơ hiện lên cả bi kịch và khát vọng sống hạnh phúc của Hồ Xuân Hương, người phụ nữ cố vươn lên nhưng vẫn bị rơi vào vòng quay lẩn quẩn, tù túng của xã hội đương thời. Chính vì thế, bà phê phán gay gắt chế độ đa thế đồng thời cũng thể hiện sự chống đối lại số phận tuy bất lực.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Qua bài thơ “Tự tình” (II), ta thêm phần yêu mến Hồ Xuân Hương cũng như quý trọng những người phụ nữ trong xã hội cũ. Họ phải chịu đựng những niềm đau, nỗi buồn của cảnh lấy chống chung, bị hắt hủi một mình trong đêm dài quạnh quẽ. Từ đó, nhà thơ cũng nói về chính bản thân mình, tác phẩm của bà đã góp một phần nói lên tiếng nói chua chát, đau khổ của người phụ nữ trong xã hội xưa, bà thấu hiểu từng khía cạnh tinh tế nhất của tâm can người phụ nữ. Chính sự thấu hiểu sâu sắc ấy cùng với nghệ thuật dùng từ điêu luyện đã khiến tác phẩm “Tự tình” (II) tồn tại như một giá trị vĩnh cửu vượt qua tất cả thử thách khắt khe của thời gian, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng đối tượng tiếp nhận, khiến cho triệu vạn người phải rơi nước mắt khóc than cho số phận người phụ nữ thời phong kiến. Bản thân tôi cũng thêm phần trân trọng tài năng của Hồ Xuân Hương, cảm thương cho một số phận phải chịu đựng cảnh:
“Năm thì mười họa hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không!...”
+2 phiếu
bởi minhtiendailqa4a3324 Thạc sĩ (5.5k điểm)

*Sưu tầm:

Hồ Xuân Hương một nữ sĩ đại tài của văn học Việt Nam, bà được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Các vần thơ của bà tập trung nói về người phụ nữ với sự ý thức cao độ về vẻ đẹp hình thức và nhân cách. Nhưng đằng sau những vần thơ ấy còn là nỗi đau thân phận bị rẻ rúng. Nỗi niềm đó được thể hiện trong rất nhiều bài thơ của bà và một trong những bài thơ đó không thể không nhắc đến bài Tự tình II.

    Văn bản nằm trong chùm thơ Tự tình gồm có ba bài. Cả ba bài đều thể hiện nhất quán nỗi tự thương mình trong tình cảnh cô đơn, lẻ loi và khao khát hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt. Những vần thơ còn thể hiện sự vùng vẫy, bứt phá để dành hạnh phúc cho chính mình, nhưng cuối cùng vẫn phải nhận về thất bại cay đắng.

 

    Trước hết thân phận người phụ nữ trong bài thơ được thể hiện đầy cay đắng xót xa, họ ý thức về thân phận mình, ý thức về tuổi thanh xuân trôi nhanh mà hạnh phúc lứa đôi chưa được tròn vẹn:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu đưa hương say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

 

    Trong đêm khuya tĩnh mịch, các sự vật đều trở về trạng thái lặng thì tiếng trống “vắng vẳng” nghe càng trở nên da diết, dồn dập hơn, nó như thúc giục người phụ nữ về sự chảy trôi của thời gian, của thanh xuân. Câu thơ thứ hai diễn tả nỗi niềm trơ trọi, cô đơn của những người phụ nữ trong không gian quạnh hiu đó. Từ “trơ” được đảo lên đầu câu càng nhấn mạnh hơn nữa vào thân phận bất hạnh của họ. Từ “hồng nhan” vốn được hiểu là người con gái xinh đẹp, có nhan sắc. Nhưng đến đầu thế kỉ XVIII chữ “hồng nhan” thường gắn liền với yếu tố “bạc mệnh”: để nói lên số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến: “Rằng hồng nhan tự thuở xưa/ Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu” hay “Hồng nhan quen thói má hồng đánh ghen”. Trong bài thơ này, Hồ Xuân Hương dùng từ “hồng nhan” với ý nghĩa hồng nhan bạc mệnh, diễn tả nỗi niềm chua xót trước thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Trong nỗi đau của kẻ hồng nhan bạc mệnh, nhân vật trữ tình tìm đến rượu để quên, đến trăng để bầu bạn nhưng chén rượu uống vào muốn say mà lại càng tỉnh, ngắm trăng lại càng nhận rõ thân phận bất hạnh của bản thân. Trăng sắp tàn mà vẫn khuyết, cũng như con người thanh xuân sắp qua mà tình duyên vẫn còn lận đận, lỡ dở.

    Bốn câu thơ đầu, khung cảnh nhuốm màu tâm trạng của nhân vật trữ tình, kết hợp với thủ pháp tương phản: một bên là con người cô đơn, nhỏ bé với một bên là không gian rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ (hồng nhan/ nước non), thờ gian đêm mênh mông, quạnh vắng, lạnh lùng với sự bé nhỏ của người phụ nữ (vầng trăng, trống canh); rượu không thể làm con người khuây khỏa, say lại tỉnh,… tất cả những yếu tố đó đã góp phần làm nổi bật sự cô đơn, buồn chán của nhân vật trữ tình – người phụ nữ.

    Không chỉ vậy, người phụ nữ còn ý thức về hạnh phúc và nỗi đau thân phận, ý thức về hạnh phúc ngày càng rời xa, nhân vật trữ tình có những phản ứng hết sức quyết liệt:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.

 

    Hai câu thơ thể hiện một sức sống mạnh mẽ, khỏe khoắn bằng những hình ảnh thơ hết sức độc đáo: rêu, đá. Rêu vốn là loài cây mềm mại, nhỏ bé nhưng dưới con mắt của tác giả những đám rêu tưởng nhỏ bé, yếu đuối đó lại “xiên ngang mặt đất” mà trỗi dậy tìm sự sống; hòn đá tưởng chừng như chỉ đứng bất động trước sự chảy trôi của thời gian lại có thể “đâm toạc chân mây”. Dưới con mắt của Hồ Xuân Hương tất cả các sự vật tưởng như bất động, không có sự sống lại được tác giả cấp cho sức sống tràn trề, mạnh mẽ. Nhưng không dừng lại ở đó hình ảnh những sự vật đó kết hợp với cụm từ “xiên ngang”, “đâm toạc” đã cho thấy sự bứt phá, không cam chịu số phận đau khổ, tủi hèn của nhân vật trữ tình. Đặt trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ khi người phụ nữ luôn được giáo dục với tinh thần cam chịu, nhẫn nhục, an phận thủ thường thì câu thơ mang nhiều ý nghĩa tích cực, tiến bộ. Người phụ nữ trong bài thơ không chấp nhận số phận mà bộc lộ niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc, mở ra khả năng đấu tranh để đạt được tình yêu hạnh phúc về cho chính mình. Ý thơ này thống nhất với những bài thơ khác trong chùm thơ Tự tình của bà: “Thân này đâu đã chịu già tom” – khát vọng tình yêu được thể hiện nhất quán.

 

    Nhưng trước thực tại quá đỗi phũ phàng, dường như người phụ nữ cũng phải chấp nhận: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/ Mảnh tình san sẻ tí con con”, câu thơ cất lên đầy ai oán chua xót. Trong một bài thơ khác Hồ Xuân Hương đã từng viết: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng” để cho thấy rõ hơn số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ. Tuổi xuân người con gái có được là bao nhiều, xuân “lại lại” đồng nghĩa với thanh xuân người con gái ngày một ngắn lại, vậy mà mảnh tình cũng phải san sẻ, chia năm sẻ bảy. Câu thơ với cách dùng từ độc đáo, cho thấy sự nhỏ dần, ít dần của tình duyên: mảnh tình – nhỏ bé, san sẻ - càng ít hơn và cuối cùng phần nhận được chỉ còn lại “tí con con”.

    Bằng khả năng điều khiển ngôn ngữ tài tình, Hồ Xuân Hương đã cho người đọc phần nào thấy được thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội cũ, tình yêu bị san sẻ, hạnh phúc không thể với đến. Nhưng đồng thời còn thấy được khát khao hạnh phúc mãnh liệt của họ. Qua những vần thơ đó Hồ Xuân Hương cũng lên án xã hội phong kiến đã kìm kẹp nhu cầu hạnh phúc chính đáng của con người.

TICK CHO MIK NHA!!

Các câu hỏi liên quan

+1 thích
1 trả lời 476 lượt xem
Phân tích tác phẩm Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương
đã hỏi 16 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 458 lượt xem
0 phiếu
1 trả lời 150 lượt xem
Trong bài thơ "Đồng chí", Chính Hữu viết: "Đêm nay rừng hoang sương muối  Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới  Đầu súng trăng treo." Viết một đoạn văn Tổng - phân - hợp có độ dài 15 câu phân tích 3 câu thơ trên.  P/S: Có cả dàn ý càng tốt ạ.    
đã hỏi 16 tháng 4, 2019 trong Ngữ văn lớp 9 bởi DoMinh Thần đồng (582 điểm)
+1 thích
1 trả lời 401 lượt xem
Anh/chị hãy cảm nhận tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ sau: Chiếc vành với bức tờ mây, Duyên này thì giữ vật này ... cách mặt khuất lời, Rưới xin giọt nước cho người thác oan.
đã hỏi 14 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 10 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 369 lượt xem
Hãy làm một bài thơ lục bát về quê hương. *Yêu cầu: ít nhất một cặp lục bát.*
đã hỏi 12 tháng 1, 2022 trong Khác bởi MT718 Cử nhân (2.1k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 475 lượt xem
Phân tích hình ảnh những đêm hành quân trong bài thơ Việt Bắc.
đã hỏi 22 tháng 12, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 319 lượt xem
Viết bài phân tích tám câu thơ cuối "Kiều ở lầu Ngưng Bích" của nhà thơ Nguyễn Du
đã hỏi 29 tháng 11, 2021 trong Ngữ văn lớp 9 bởi metraidauthaimoihet Học sinh (104 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 355 lượt xem
So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều được thể hiện trong đoạn trích: “Đầu lòng hai ả tố nga ...... Tường đông ong bướm đi về mặc ai” (Nguyễn Du, Truyện Kiều)
đã hỏi 26 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 395 lượt xem
Phân tích bài thơ "Từ ấy" để làm rõ lí tưởng giác ngộ cách mạng của tác giả.
đã hỏi 13 tháng 1, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 306 lượt xem
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu để thấy vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Tây Bắc.
đã hỏi 21 tháng 12, 2021 trong Ngữ văn lớp 11 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)

HOT 1 giờ qua

  1. nguyenmanh04102009212

    166 Điểm

  2. tnk11022006452

    120 Điểm

  3. hoconghung031007464

    80 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4-10: 20.000 đồng
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...