Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
+3 phiếu
1.4k lượt xem
trong Ngữ văn lớp 12 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
Hãy cho biết cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều phương diện khác nhau về một đất nước của nhân dân được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện như nào? Phân tích khổ thơ cuối bài thơ "Đất nước" để làm rõ nhận định trên.

1 Câu trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt

Như mẹ, như cha, như vợ, như chồng

Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, non sông.

(Chế Lan Viên)

Từ lời thơ của Chế Lan Viên, ta mới nhận ra rằng còn gì thiêng liêng hơn là xả thân mình cho đất nước, còn nghĩa cử nào cao đẹp hơn là khi Tổ quốc vẫy gọi, trái tim ta sẵn sàng ngân vang liên hồi? Chân dung Tổ quốc đã được hiện lên muôn hình vạn trạng dưới những ngòi bút tài hoa của nhiều thi sĩ. Ta bắt gặp một hình tượng đất nước đau thương nhưng vẫn ngời lên ý chí đấu tranh trong trang thơ Nguyễn Đình Thi, một đất nước rất đỗi dịu dàng, ý tứ trong thơ Hoàng Cầm. Nhưng với Nguyễn Khoa Điềm, ta bắt gặp một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều phương diện khác nhau về một đất nước của nhân dân. Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thế hệ các nhà thơ mà tài năng và ngòi bút được mài dũa trong thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước, về dân tộc. Và Nguyễn Khoa Điềm đã hấp dẫn người đọc bằng tình yêu dáng hình quê hương xứ sở một cách đầy tha thiết qua thi phẩm tuyệt bút “Đất Nước”.  Đoạn trích nằm ở chương V của bản trường ca “Mặt đường khát vọng” được sáng tác vào mùa đông năm 1971, tại chiến trường Trị Thiên, thời điểm chống Mĩ quyết liệt tại miền Nam, là nơi dồn nén cảm xúc và kết tinh những suy tư có tính chân lý của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước và Nhân Dân, được chuyển tải qua những lời nghệ thuật dung dị, lại có khả năng truyền cảm sâu sắc đến bao thế hệ độc giả. Lấy chủ thể trữ tình là “anh và em”, Nguyễn Khoa Điềm đã cảm nhận mọi vẻ đẹp văn hóa truyền thống dân tộc đều do nhân dân tạo ra và giữ truyền đồng thời khẳng định tư tưởng lớn của thời đại: “Đất nước của nhân dân”:

“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.”

Mở đầu đoạn thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tự hào với những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần mà nhân dân tự sáng tạo, gìn giữ và lưu truyền cho đời sau:

“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ co người sau trồng cây hái trái”

Nước chúng ta là một nước nông nghiệp có nền văn minh lúa nước lâu đời nên vẻ đẹp văn hóa đầu tiên mà nhà thơ hướng đến là truyền thống giữ truyền hạt lúa qua bao đời. Câu thơ vừa có nghĩa cụ thể vừa mang nghĩa khái quát. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân ta giữ hạt lúa cho đời sau và truyền lại như một điều kiện cơ bản để dân tộc tồn tại và phát triển. Dù trải qua bao cuộc nạn đói hủy diệt, nhân dân ta vẫn kiên quyết giữ được hạt lúa cho đời sau, giữ gìn nền văn minh biểu trưng cho cả một dân tộc, đó là vẻ đẹp đáng cơ ngợi nhất.

Đi liền với truyền và giữ hạt lúa để cho dân tộc sinh tồn là sự “chuyền lửa” từ đời này qua đời khác. Từ trong những đêm mờ xa xôi của lịch sử, ông cha ta vẫn biết cách bê rơm con cúi để truyền lửa “qua mỗi nhà”, đó là một sự sáng tạo không chỉ để duy trì bếp lửa của mỗi gia đình mà còn để làm vũ khí lợi hại trong việc chống giặc. Nguyễn Đình Chiểu đã từng ca ngợi ngọn lửa này: “Lửa rơm con cúi cũng đốt xong nhà dạy đạo kìa”. Nhìn qua thì đó là một cách chuyền lả thủ công đờn giàn nhưng để truyền lửa qua thời gian đằng đẵng là một sự kiện quan trọng của nhân dân ta. Từ “lửa” ở đây còn được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: ngọn lửa duy trì sự sống và cũng là ngọn lửa văn hóa, truyền thống dân tộc. Bởi lẽ đó, giữ gìn “lửa” là giữ gìn bản sắc tinh hoa văn hóa dân tộc, một điều khiến Nguyễn Khoa Điềm rất trân trọng và biết ơn nhân dân.

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Một nét đẹp văn hóa khác mà khi nói về một đất nước nào đó thường được đề cập đầu tiên đó là ngôn ngữ giọng điệu của dân tộc. Quá trình lịch sử của dân tộc ta là một quá trình vận động di dân từ đất Tổ Hùng Vương đến đất mũi Cà Mau. Trong “mỗi chuyến di dân” đó, giọng điệu và tiếng nói của dân tộc không hề bị thay đổi bởi họ đã “gánh theo tên xã, tên làng”, đó là một ý thức dân tộc cao độ, còn tiếng nói là còn đất nước Tổ quốc. Hình ảnh “truyền giọng điệu cho con mình tập nói” là một hình ảnh không chỉ đẹp đẽ mà còn rất cao cả. Nó tỏa sáng thiêng liêng từ những điều bình dị, thường nhật. Bởi lẽ mặc cho ngoài kia bom dội bom rơi, mặc cho bao cuộc xâm lăng, hủy diệt, mặc cho bao âm mưu đồng hóa, nhân dân ta vẫn giữ được tiếng nói giống nòi, đó là điều rất đáng để ta cúi mình trân quý.
Ngoài nhưng vẻ đẹp văn hóa rất dễ nhìn thấy trên, thi nhân cũng hướng đến một vẻ đẹp văn hóa khác, đó là vẻ đẹp của đạo lý dân tộc. Một hình ảnh cũng rất đẹp và cao cả khác đã xuất hiện, đó chính là khi thế hệ trước “đắp đập be bờ” cho thế hệ sau “trồng cây hái trái”. “Họ” chỉ cần biết chúng ta là người chung một nước thì chúng ta chính là một đại gia đình vì thế đời trước đã dốc sức cải tạo để củng cố cho đời sau. Có lẽ dân tộc ta trường tồn một cách mạnh mẽ cũng bắt đầu từ cái đạo lý luôn vì thế hệ sau trong suốt tầng tầng lớp lớp bốn nghìn năm lịch sử. Chỉ trong năm câu thơ ngắn ngủi nhưng bằng các phép liệt kê kết hợp với điệp đại từ “họ” và nhiều động từ liên tiếp “giữ, truyền, chuyền, gánh, đắp đập…”, nhà thơ đã tôn vinh nhân dân và cụ thể hóa những việc làm thiết thực, lớn lao của nhân dân, họ đã giữ gìn vẹn nguyên những tinh hoa văn hóa bản sắc dân tộc để lại cho con cháu muôn đời.
Và khi nói về văn hóa, nhà thơ không quên nói về một yếu tố để lưu giữ văn hóa ngàn đời, đó là truyền thống bất khuất trước mọi kẻ thù:
“Có ngoại xâm thì đánh ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại.”
Đây là một vẻ đẹp của hiện thực lịch sử, một vẻ đẹp bất tử không thể chối cãi đã được lưu giữ trong sử sách. Qua bao cuộc xâm lăng của ngoại xâm và bao cuộc phản quốc của nội thù, dân tộc ta đều kiên cường bất khuất chống trả mà chưa bao giờ chịu khuất phục. Vẻ đẹp này là tiền đề cho văn hóa, nuôi dưỡng và lưu giữ văn hóa. Mọi kẻ thù đều bị đánh bại và tất cả những giá trị văn hóa tươi đẹp này sẽ được truyền giữ và phát triển ngàn đời.
Nói đến văn hóa là nói đến văn hóa vật thể lẫn phi vật thể và Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ này đã chú ý trân trọng đến cả hai. Tác giả không chỉ khẳng định sự tồn tại của văn hóa mà còn khẳng định người làm nền văn hóa ấy là nhân dân. Vì thế sau khi đề cập đến hình ảnh địa lý, lịch sử, văn hóa mang tính nhân dân, nhà thơ đã nhấn mạnh chính nhân dân làm ra Đất Nước vậy nên Đất Nước là của nhân dân:
“Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”
Nhà thơ khẳng định chắc nịch “Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân”, lời khẳng định ấy đã thể hiện một cách chân thành, mãnh liệt tình cảm của nhà thơ đối với dân tộc. Hơn ai hết, ông hiểu rằng, để có được Đất Nước trường tồn, vĩnh cửu thì nhân dân là những người đã đổ máu xương, đổ công sức của mình để làm nên hình hài đất nước. Vì thế Đất Nước không của riêng ai mà là của chung, của nhân dân và mãi mãi thuộc về nhân dân. “Nhân Dân” là những người giản dị, vô danh nhưng cũng chính là những người sáng tạo ra các giá trị văn hóa, tinh thần của đất nước. Điệp ngữ chuyển tiếp “Đất nước của nhân dân” được lặp lại như thêm một lần nữa nhấn mạnh về cái sứ mệnh thiêng liêng của nhân dân đối với Đất Nước. Vế thứ hai, nhà thơ nhấn mạnh “Đất Nước của ca dao thần thoại”. Nhắc đến ca dao thần thoại ta lại càng nhớ đến nhân dân, vì hơn ai hết, nhân dân lại là người tạo ra văn hóa, tạo ra ca dao thần thoại. Mà đất nước của “ca dao thần thoại” nghĩa là Đất Nước tươi đẹp vô ngần như vầng trăng cổ tích, ngọt ngào như ca dao, như nguồn sữa mẹ nuôi ta lớn nên người. Và không phải ngẫu nhiên tác giả nhắc tới hai thể loại tiêu biểu nhất của văn học dân gian. “Thần thoại” thể hiện cuộc sống qua trí tưởng tượng bay bổng của nhân dân. Còn “ca dao” bộc lộ thế giới tâm hồn của nhân dân với tình yêu thương, với sự lãng mạn cùng với tinh thần lạc quan. Đó là những tác phẩm do nhân dân sáng tạo, lưu truyền và có khả năng phản chiếu tâm hồn, bản sắc dân tộc một cách đậm nét nhất. Hai câu thơ với hai vế song song đã đưa ra định nghĩa về đất nước vừa giản dị, vừa độc đáo.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Trong 4 câu thơ tiếp, Nguyễn Khoa Điềm đã cụ thể hóa tư tưởng đất nước của ca dao thần thoại bằng việc dựng lại những tác phẩm văn hóa dân gian. Qua đó, nhà thơ khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc:
“Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu”
Chức năng của ca dao, nói như Nguyễn Khoa Điềm là “dạy”. Chức năng ấy cùng với ý nghĩa của nó được thể hiện qua ba phương diện. Phương diện thứ nhất, Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh về tình cảm thủy chung trong tình yêu của con người Việt Nam. Từ ý thơ trong ca dao “Yêu em từ thuở trong nôi/ Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”, nhà thơ đã viết nên lời chân tình của chàng trai đang yêu. Tình yêu của chàng trai ấy không phải là ngọn gió thoáng qua, không phải là lời của bướm ong mà là lời, là nghĩ suy chân thật. Nhân dân dạy ta biết yêu thương lãng mạn, đắm say thủy chung với những câu ca dao ấy. Đây là một phát hiện mới của Nguyễn Khoa Điềm. Bởi lẽ từ xưa đến nay, nói đến nhân dân người ta thường nghĩ đến những phẩm chất cần cù chịu khó, bất khuất kiên cường. Còn ở đây, tác giả ngợi ca vẻ đẹp trẻ trung lãng mạn trong tình yêu, những mối tình từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.
Ở phương diện thứ hai, Nhân dân gìn giữ và truyền lại cho ta quan niệm sống đẹp đẽ, sâu sắc, ca dao đã “dạy anh biết” sống trên đời cần quý trọng tình nghĩa, phải  “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”. Câu thơ ấy lấy ý từ ca dao “Cầm vàng mà lội qua sông/Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng”. Nhân dân đã dạy ta rằng: ở đời này còn có thứ quý hơn vàng bạc, châu báu ngọc ngà… Đó là tình nghĩa giữa con người với con người. Bởi vậy, nghĩa tình còn nặng hơn nhiều lần giá trị vật chất.
Ở phương diện thứ ba, nhân dân đã dạy ta phải biết quyết liệt trong căm thù và chiến đấu “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù mà không sợ dài lâu”. Hai câu thơ đã gợi lại biết bao cuộc kháng chiến oanh liệt, trường kì của nhân dân trong biết bao cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Đó còn là hình ảnh “Thánh Gióng” nhổ tre đánh giặc bảo vệ non sông, kiên cường cho cuộc đấu tranh giành nước và giữ nước của dân tộc. Từ thuở lập nước, ông cha ta đã luôn phải đương đầu với nạn ngoại xâm. Cuộc chiến đấu giành độc lập tự do nào cũng kéo dài hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Sau cả nghìn năm Bắc thuộc, nhân dân vẫn đứng lên giành chủ quyền, rồi đến 100 năm đô hộ giặc Tây… Nếu không có sự kiên trì bền bỉ và khát vọng tự do mãnh liệt, dân tộc bé nhỏ này làm sao có thể vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, mất mát hi sinh để đến ngày toàn thắng. Và chính Nhân Dân là những người “Dạy anh biết” kiên cường, bất khuất, tiếp thêm sức mạnh cho anh đứng dậy đấu tranh cho Đất Nước.
Sau khi diễn giải, Nguyễn Khoa Điềm kết thúc bằng thông điệp: chính nhân dân là người đã mang lại vẻ đẹp muôn màu và kì diệu cho hồn sông hồn núi quê hương.
“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”
Câu thơ gợi cho ta hình ảnh của những dòng sông, những dòng sông không biết đến từ bến bờ nào nhưng khi hòa vào đất Việt lại vang lên biết bao câu hát điệu hò. Câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm làm ta nhớ đến những điệu hò hùng tráng trên sông Mã, điệu ca Huế ngọt ngào trên sông Hương và điệu hò kéo lưới mạnh mẽ ở miền Trung, hay đờn ca tài tử tha thiết trên sông Tiền, sông Hậu ở miền Nam. Và “dòng sông” ấy vừa có ý nghĩa là dòng sông của quê hương đất nước nhưng vừa có ý nghĩa là dòng sông văn hóa, dòng sông lịch sử. Đất nước ta có 54 dân tộc anh em, là 54 dòng chảy văn hóa đa dạng “trăm màu, trăm dáng”. Và đó chính là sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam đã vun đắp phù sa qua bao năm tháng thăng trầm để làm nên một đất nước đậm đà bản sắc dân tộc. Tác giả không chỉ gợi dáng sông mà còn gợi cả hồn thiêng sông nước của dân tộc. Mỗi dòng sông sẽ mang trong mình một đời sống văn hóa tinh thần phong phú của dân tộc mà biểu hiện cụ thể chính là “câu hát”. Sông không biết hát thế nhưng, hồn sông chính là những câu hát thiêng liêng. Tiếng hát của Nguyễn Khoa Điềm cất lên trong thời gian khó bởi cuộc chiến tranh chống Mỹ chưa thành, nhưng lịch sử luôn như dòng nước chảy xuôi, vấn đề là con người “biết trồng tre đợi ngày thành gậy, đi trả thù mà không sợ dài lâu”. Bởi lẽ đó, chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm giữ gìn nền độc lập nước nhà để phát huy sự phong phú, giàu có của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Khép lại dòng cảm xúc dâng trào của nhà thơ nhưng lại mở ra niềm tự hào dân tộc cuồn cuộn trong lòng người đọc. Nguyễn Khoa Điềm thật sự đã thành công khi ông chỉ sử dụng những dòng thơ đơn thuần, bình dị mà đã có thể khơi gợi trong ta một tinh thần yêu nước dạt dào. Với giọng thơ nhẹ nhàng, đằm thắm như lời thủ thỉ tâm tình, thi sĩ đưa người đọc về những thăng trầm đã qua của Đất Nước, để ta sống dậy với những hào hùng lịch sử bằng những biện pháp tu từ tài hoa, lối sử dụng từ ngữ hợp lí, tinh tế. Chỉ một đoạn thơ ngắn nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã kết hợp các đặc sắc nghệ thuật như kho tàng tri thức, sáng tạo chất liệu văn hóa dân gian, tư duy nghệ thuật đậm chất chính luận, giọng thơ trữ tình đằm thắm để ta thêm thấu hiểu sâu sắc những giá trị văn hóa tươi đẹp của Đất Nước. Những vần thơ như một con đò nhỏ và nhà thơ như sắm vai một người lái đò đưa ta trở lại dòng sông kí ức về những năm tháng khói lửa của quê hương, để ta thêm yêu thương, thêm trân quý, thêm biết ơn, để ta ghi lòng tạc dạ trách nhiệm của bản thân đối với Đất Nước dù ở thời bình hay thời chiến.
Văn thơ chỉ tìm đến bến neo đậu nơi lòng người khi đó là những vần thơ cất lên từ tiếng lòng chân thật, bình dị nhất. Và Nguyễn Khoa Điềm đã tạc nên dáng hình giang sơn đất nước rất đỗi hào hùng vào trái tim mỗi con người Việt Nam khi đọc đoạn thơ này. Câu chuyện về đất nước đối với mỗi người luôn là câu chuyện của trái tim, vừa thiêng liêng, cao cả, cũng vừa gắn bó, thân thiết, và xin hãy luôn kể về câu chuyện ý nghĩa này cho những thế hệ mai sau với một niềm kiêu hãnh, đầy tự hào như Nguyễn Khoa Điềm đã làm. Đoạn thơ như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng cho lớp thế hệ trẻ về ý thức trách nhiệm làm rạng danh Đất Nước, phải sống để tô điểm thêm cho Đất Nước những vết son chói lọi để cho Đất Nước mãi trường tồn, lớn mạnh, sống như một “cuộc hóa thân”:
“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương”
(Bài hát“Tự nguyện”-Trương Quốc Khánh )

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
2 câu trả lời 452 lượt xem
Cảm nhận của anh/chị về khổ thơ thứ ba bài thơ "Vội vàng"
đã hỏi 13 tháng 1, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi metraidauthaimoihet Học sinh (104 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 156 lượt xem
Trong bài thơ "Đồng chí", Chính Hữu viết: "Đêm nay rừng hoang sương muối  Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới  Đầu súng trăng treo." Viết một đoạn văn Tổng - phân - hợp có độ dài 15 câu phân tích 3 câu thơ trên.  P/S: Có cả dàn ý càng tốt ạ.    
đã hỏi 16 tháng 4, 2019 trong Ngữ văn lớp 9 bởi DoMinh Thần đồng (582 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 368 lượt xem
Nêu cảm nhận của em về tượng đài người lính bất tử qua khổ thơ cuối bài thơ Tây tiến.
đã hỏi 23 tháng 12, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
0 phiếu
3 câu trả lời 785 lượt xem
0 phiếu
1 trả lời 432 lượt xem
Phân tích bài thơ "Từ ấy" để làm rõ lí tưởng giác ngộ cách mạng của tác giả.
đã hỏi 13 tháng 1, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 331 lượt xem
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu để thấy vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Tây Bắc.
đã hỏi 21 tháng 12, 2021 trong Ngữ văn lớp 11 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 810 lượt xem
Phân tích bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương. Qua số phận người phụ nữ trong xã hội xưa, anh (chị) có suy nghĩ gì về ... Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, Mảnh tình san sẻ tí con con!
đã hỏi 18 tháng 6, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
+1 thích
1 trả lời 487 lượt xem
Phân tích tác phẩm Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương
đã hỏi 16 tháng 8, 2019 trong Ngữ văn lớp 11 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 525 lượt xem
Phân tích hình ảnh những đêm hành quân trong bài thơ Việt Bắc.
đã hỏi 23 tháng 12, 2021 trong Ngữ văn lớp 12 bởi daudaihocueh Học sinh (103 điểm)
0 phiếu
1 trả lời 471 lượt xem
Cảm hứng đất nước trong đoạn thơ "Đất Nước" (trích trường ca "Mặt đường khát vọng") của Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi.
đã hỏi 30 tháng 4, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
  1. phamngoctienpy1987844

    50628 Điểm

  2. vxh2k9850

    35940 Điểm

  3. Khang1000

    29693 Điểm

  4. Tí Vua Đệ Nhất

    28073 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...