Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
trong Ngữ văn lớp 11 bởi phamthunhien2997388 Thần đồng (797 điểm)

1 Câu trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim, thơ diễn tả rất thành công mọi cung bậc cảm xúc của con người, niềm vui, nỗi buồn hay cả sự cô đơn tuyệt vọng. Mang trong mình sứ mệnh cao cả của một nhà thơ khi sáng tạo nghệ thuật cùng với nỗi buồn thế sự sâu sắc, Huy Cận đã xây dựng được một phong cách hoàn toàn mới mẻ, khác với những nhà thơ cùng thời. Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông có thể kể đến Tràng Giang trong tập Lửa thiêng. Bài thơ được gợi cảm xúc từ một buổi chiều thu năm 1939 khi tác giả đứng ở bờ Nam Bến Chèm. Trước cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước, những cảm xúc thời dại đã dồn về lúc thi sĩ băn khoăn, suy nghĩ về sự biến đổi của thế sự với cảm xúc dạt dào khi thấy cái tôi nhỏ bé trước vũ trụ bao la. Đặc biệt qua hai khổ thơ đầu của đoạn thơ là một nỗi buồn tràng giang như một sự ám ảnh lan tỏa khắp không gian vũ trụ, hoàn toàn vắng bóng giai nhân mà chỉ đơn độc một nỗi niềm của một người “sống trên quê hương nhưng luôn cảm thấy thiếu quê hương”:

"Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy giòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."

“Tràng giang” có nghĩa sông dài, cụ thể ở đây là sông Hồng, nhưng tác giả không đặt tên bài thơ là sông dài, mà là "Tràng giang” vì sức biểu đạt sâu sắc hơn, không chỉ về âm hưởng trang trọng cổ kính mà còn tái hiện một không gian khoáng đạt vô cùng vô tận của thiên nhiên vũ trụ. Sau lời đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, không gian rộng lớn ấy còn được nhân lên gấp nhiều lần. “Trời rộng” gợi cảm giác về sự vô biên của vũ trụ, “sông dài” tạo ấn tượng vê cái vô cùng của không gian, cả hai mở ra không gian ba chiều gợi cảm giác rợn ngợp của con người cô đơn, bé nhỏ trước cái mênh mang, bất tận của trời đất. Từ láy “bâng khuâng” nói lên được tâm trạng của chủ thể trữ tình u sầu, buồn bã, lạc long. Tất cả đều dẫn ta đi đến nỗi buồn dào dạt của nhà thơ khi bước vào hai câu đầu tiên:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song,”

Dòng sông rộng, dài, đẩy thuyền xuôi dòng trên những gợn sóng song song, chở trên mình cả nỗi buồn chồng chất. Sông dài vốn được gọi là "trường giang" theo âm Hán- Việt, vẫn chẳng thay đổi chút nghĩa nào khi gọi tràng giang, mà sao mỗi khi cất giọng đọc lên, hai âm "ang" họa cùng thanh huyền, thanh ngang cứ làm cho âm điệu dàn trải ra, mở rộng ra khiến hồn người cùng nỗi lòng tác giả cũng theo đó mà lan ra trên sông nước. Huy Cận đã tượng hình cho nỗi buồn khi nó được nhân lên qua từ láy "điệp điệp" như từng đợt sống cuộn về, trào dâng, từng đợt cứ thế không ngớt vỗ vào bờ, vào tâm hồn tác giả. Những con sóng ấy sao hết lớp này đến lớp khác triền miên, vô tận. Ở đây nhà thơ miêu tả cái buồn của thiên nhiên hay cái buồn của con người, có lẽ là cả hai bởi Nguyễn Du từng viết.

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Nỗi buồn dường như rõ ràng hơn, dễ thấm sâu vào lòng người hơn khi "buồn điệp điệp" hòa với "nước song song". Sóng nước cứ cuộn trôi chẳng bao giờ gặp gỡ, cứ "song song" đơn lẻ như hình ảnh con thuyền xuôi mái có vẻ an nhàn mà đơn chiếc. Vậy, có con sóng nào gặp được con sóng nào? Có thể thấy, “con thuyền xuôi mái” là hình ảnh thực nhưng cũng đầy chất suy tưởng, nó gợi cho ta nhớ tới hình ảnh của những kiếp người lạc lõng, lênh đênh để đời cuốn đi về một nơi vô định. Phải chăng chính Huy Cận cũng đã bắt gặp bóng dáng đó trong cuộc đời mình khi.“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước, Chọn một dòng hay để nước trôi đi”. Thi nhân vẫn tiếp tục mượn con thuyền và dòng nước để nói lên tâm trạng buồn bã ở hai câu tiếp:

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Thuyền và nước là những gì song đối, mà sao nghe cứ xa cách, cứ lạc nhịp mà xót xa. Muốn hiểu thực chất nỗi buồn Huy Cận, có lẽ cũng cần điểm lại sắc thái nỗi buồn: nỗi buồn của sóng nước, bãi bờ, của “sầu trăm ngả”, của “thuyền xuôi mái”. Cảnh vật khắc họa tâm trạng con người bơ vơ, lạc lõng, héo hắt như “củi một cành khô”. Vậy mới thấy, hình ảnh cành củi khô vô cùng táo bạo và độc đáo trong thi ca Việt Nam. Chẳng phải chỉ tùng, cúc, trúc mai – những loài cây, loài hoa tượng trưng cho phẩm chất khí khái anh hùng mới được đi vào địa hạt thi ca mà cành củi khô dưới ngòi thơ tài hoa của Huy Cận cũng toát lên bao ý tứ đẹp. Tác giả sử dụng thủ pháp đảo ngữ, kết hợp chắt lọc các từ đơn, khiến câu thơ như bị dập gãy, vỡ vụn thành nhiều mảnh: sự cô đơn của cành củi khô gầy guộc mong manh xoay giữa dòng, đi trong vô định với sự vô tận của dòng nước. Còn trạng thái nào gợi cảm hơn trạng thái “lạc mấy dòng”, xoay vần theo từng con nước? Số thanh bằng, thanh trắc tương xứng, hỗ trợ nhau ở câu trên, câu dưới nghe tựa như từng đợt sóng lòng hắt lên nỗi buồn hiu quạnh, cô đơn, chẳng biết về đâu.
Sự vắng vẻ cùng nỗi buồn dâng đầy theo từng đợt sóng, theo từng cảnh vật khiến thi sĩ chỉ đơn giản thèm có một âm thanh để bầu bạn:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”
Hồn buồn của Huy Cận không tĩnh tại, bất biến như cái buồn mà luôn vận động, luân chuyển theo diễn trình của từng khổ thơ. Qua nghệ thuật đảo ngữ, cái buồn thấm vào cái “lơ thơ” của những cồn đất nhỏ bé giữa sông, hoang vắng cùng cái “đìu hiu” vắng vẻ, se sắt gió thu càng làm cho dòng sông thêm phần rộng lớn.
Không tìm thấy hình ảnh ấm áp, thân quen, Huy Cận khát khao được nghe những âm thanh bình dị của cuộc sống. Câu thơ “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” vang lên như một câu hỏi ở đâu, vừa như một câu cảm thán tiếc nuối đâu còn nữa khiến cho nhạc điệu câu thơ mơ hồ, bâng khuâng. Bức tranh “Tràng giang” tuy có cồn đất, có nắng, có bến, có làng, có chợ nghĩa là có hơi tiếng con người đấy nhưng vẫn không át được cái cảm giác hiu hắt, quạnh vắng, buồn bã mênh mang. Vì vậy, Huy Cận chỉ khao khát kiếm tìm một âm thanh của chợ chiều vang vọng tới, mà đáp lại chỉ là sự trống vắng tới vô cùng. Qua câu thơ này, cái tinh tế của Huy Cận là ở chỗ lấy động để nói tĩnh, lấy tiếng chợ vãn để gợi nên không khí vắng lặng của không gian đồng thời thể hiện mong muốn được giao hòa, giao cảm của con người dù đó chỉ là thính giác.
Không gian trời rộng, sông dài được đột ngột đẩy cao và mở ra bốn phía đến vô cùng làm cho cảnh bờ bãi của dòng sông vốn đã vắng vẻ lại càng trở nên tĩnh mịch:
“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu”
Không gian ở đây được mở rộng ra nhiều chiều khó nắm bắt. “Nắng xuống, trời lên”, “sông dài trời rộng” nhịp nhàng tạo nên một vũ điệu kì vĩ của vũ trụ. Tác giả dùng “sâu chót vót” vừa thuần tuý tả cảnh, vừa tả tình và hàm súc hơn. Nó không chỉ gợi cho ta mối liên tưởng đó là vòm trời phản chiếu vào lòng sông tạo nên một không gian hun hút, thăm thẳm đến chới với, mà còn gợi lên nỗi buồn cô đơn không đáy của hồn người trước cái vô tận. Từ khổ thơ này, Huy Cận đã dùng động từ hoá các tính từ “dài”, “rộng”, “chót vót”… vẽ ra những chuyển động ngược hướng làm cho “sông dài” như dài mãi, “trời rộng” như rộng vô cùng và bến sông cũng tăng thêm phần “cô liêu”, tĩnh mịch. Đồng thời, tác giả đã sử dụng nhiều tiểu đối kèm theo các dấu phẩy ngắt câu thơ ra thành các cụm từ biệt lập giúp cho người đọc hiểu sâu hơn về một thực tại thiếu vắng những liên hệ, gợi cảm giác cô đơn da diết.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Tính chất lãng mạn của bài thơ trước hết là Huy Cận đã phủ lên cảnh vật, không gian những cảm xúc, những nỗi niềm tâm trạng của mình. Đó là nỗi buồn, sự xúc động mạnh mẽ trước cảnh sông nước, cảnh bèo dạt gợi nỗi sầu muôn trùng:
“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;”
Ta chợt bắt gặp sự tương đồng giữa “bèo dạt về đâu” với “bèo dạt mây trôi” trong dân ca quan họ từng gợi lên trong lòng nhiều cảm xúc mơ hồ. Hình ảnh ẩn dụ cánh bèo bao giờ cũng gợi lên sự vô định, xa xăm, lênh đênh. Không chỉ dừng lại ở đó, câu hỏi tu từ cùng điệp từ “hàng” như trải rộng nỗi buồn trên sóng nước tràng giang. Liệu những cánh bèo đó sẽ trôi dạt về phương trời nào, hay cứ mãi bấp bênh, trôi nổi như số phận đại đa số người dân trong hoàn cảnh đất nước lầm than? Sống trong thời khói lửa còn đốt cháy quê hương, thi nhân không khỏi xót xa trước cuộc đời đầy biến động, đổi thay, biến con người ta thành như những cánh bèo trôi dạt vô hướng kia. Buồn rồi lại buồn hơn, muốn tìm một nơi bấu víu, một chút hơi ấm của sự sống nhưng cái nhà thơ nhận được chỉ là sự hiện diện của những cái không có:
“Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”
Chiếc cầu, con đò vốn là những thứ nối liền đôi bờ, là sự giao nối giữa con người với nhịp sống, thường gợi sự gần gũi và gợi nhớ quê hương. Nhưng buồn thay, ở đây lại không có một chiếc cầu cũng chẳng có con đò nào lại qua. Điệp từ “không” hai lần như nhấn mạnh sự cô đơn, trống trải có thật trong lòng người. Hai bờ sông mà như hai thế giới, không một chút liên hệ, không một chút giao hòa. Hai bên bờ chạy song song, cùng “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”, không một chút thân mật, chỉ có bờ tiếp bờ, bãi tiếp bãi. Từ láy “lặng lẽ” được đưa lên đầu dòng thơ cùng âm điệu trầm buồn càng tô đậm cái cô tịch, vắng lặng. Thi sĩ đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật cổ điển quen thuộc: lấy không để nói cái có, càng nhấn mạnh nhiều cái không càng gợi ra nhiều cái có, cảnh vật vắng vẻ không có gì lại gợi ra nhiều nỗi buồn chất chồng trong tâm trí. Đưa tầm nhìn lên trời cao thầm mong sẽ tìm được chút niềm vui nhưng lại càng khiến lòng buồn hơn:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.”
Thiên nhiên, cảnh vật, tạo vật qua tâm hồn Huy Cận tuy trầm buồn nhưng lại bộc lộ một vẻ đẹp kì vĩ, nên thơ. Mây trắng hết lớp này đến lớp khác như những búp bông trắng khổng lồ cứ liên tiếp nở ra, ánh trời chiều chiếu vào trông như quả núi dát bạc trong nền trời trong xanh khiến cho ánh chiều trước khi vụt tắt ánh lên vẻ đẹp. Câu thơ dựng lên được một hình ảnh rất tạo hình như một bức tranh sơn mài, đằng sau bức tranh là nỗi lòng thi nhân. Từ láy “lớp lớp” diễn tả nhiều lớp kế tiếp nhau, lớp nọ liền lớp kia đều đặn không dứt. “Đùn” diễn tả những đám mây và cũng là nỗi sầu tự mở ra, liên tiếp như có một sức đẩy từ bên trong. Đúng là: “Sầu đong càng lắc càng đầy”. Câu thơ Huy Cận làm ta liên tưởng đến câu thơ dịch trong bai “Thu hứng” nổi tiếng của Đỗ Phủ:
“Mặt đất mây đùn cửa ải xa.”
Trên cảnh mây trời hùng vĩ ấy đột nhiên xuất hiện con chim “nghiêng cánh” bay như hút lấy nắng hoàng hôn cùng “bóng chiều sa” xuống nhanh quá, nắng quá làm lệch cả cánh chim lấp lánh phía trời xa. Nghệ thuật tương phản giữa cánh chim nhỏ bé với trời đất bao la gợi cảm giác như cánh chim đang chở nặng bóng chiều buồn ảm đạm. Cho dù có sự xuất hiện của sự sống, khát vọng, ước mơ bay liệng tuy có gợi lên một chút ấm cúng cho cảnh vật nhưng vẫn không vơi được nỗi buồn của thi nhân. Bởi cánh chim chiều trong thơ Huy Cận có nét đặc sắc riêng của nó. Nó bé bỏng, tội nghiệp và mông lung hơn trước cảnh sông nước mây trời bao la. Đến đây, nỗi sầu đã dâng kín “Tràng giang” và từ trời cao đổ xuống cánh chim yếu ớt rồi thấm sâu vào cõi lòng nhân thế:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Trở về với cảnh sông nước nhưng tầm nhìn xa hơn, từ láy “dợn dợn” cùng cụm từ “vời con nước” diễn tả thật tài tình nỗi niềm bâng khuâng và nỗi cô đơn của “lòng quê”. Từ “dợn dợn” gây ra cảm giác choáng ngợp thậm chí sợ sệt của con người như mất phương hướng, phân vân trước sự chọn lựa ngã rẽ của con đời, không biết đi đâu, về đâu: “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước. Đứng giữa dòng hay để nước trôi?”. Trong những phút giây lúng túng này, nhìn cảnh sóng nước dợn mặt sông lúc hoàng hôn càng làm trào dâng nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Hoàng hôn cũng đã từng là chất xúc tác khiến Thôi Hiệu nhớ quê hương da diết:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”.
Nếu như Thôi Hiệu nhìn thấy “khói sóng” mới “buồn lòng ai” thì Huy Cận “không khói hoàng hôn” nỗi nhớ cũng có thể cấu xé tâm can. Nỗi buồn của Huy Cận còn lớn hơn Thôi Hiệu, không cần gợi nhớ mà tự nó tuôn trào ra thơ. Có lẽ quê hương là một thứ luôn thường trực trong tâm trí ông, sông càng dài, trời càng rộng càng buồn nhớ quê hương da diết, cháy bỏng vì quê hương. Hai câu kết tuy đã khép lại một bức tranh phong cảnh nhưng lại mở ra một nỗi lòng. Đó là nỗi sầu, niềm thương nhớ quê hương dâng trào man mác, tâm trạng rất hiện thực và điển hình của người dân mất nước.
Khép lại dòng cảm xúc của nhà thơ, ta càng hiểu hơn về hồn thơ Huy Cận: lúc nào cũng canh cánh một niềm đau thế sự trong “nỗi sầu vạn kỉ”. “Tràng giang” là sự kết hợp nhuần nhị giữa yếu tố cổ điển, nhất là yếu tố Đường thi với yếu tố thơ mới. Thể thơ thất ngôn cùng lối ngắt nhịp đăng đối nhuần nhuyễn và bút pháp tả cảnh ngụ tình rất thích hợp với mạch cảm xúc của bài. Tất cả đã tạo nên một đoạn thơ hay đậm phong vị cổ điển, song cũng rất mới qua xu hướng bày tỏ trực tiếp cái tôi trữ tình qua dấu ấn cảm xúc cá nhân của tác giả.
Đến với “Tràng giang” của Huy Cận, ta như khám phá được rằng đó không chỉ là một bức họa tứ bình tuyệt tác, mà còn là một bản nhạc buồn trong tâm hồn. Nét thi vị của bài thơ là ở vẻ đẹp cổ điển và hiện đại luôn hòa quyện, sóng đôi. Một nỗi buồn thấm thía được diễn tả lớp lớp tầng tầng qua những vần thơ mĩ lệ, hàm súc. Trần Đăng Khoa cho rằng: “Thơ hay là thơ giản dị và ám ảnh, có tác dụng gợi lên những gì đẹp nhất tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi người”. Và “Tràng giang” đã khơi dậy trong lớp thế hệ trẻ như tôi một tình cảm đẹp, một tình yêu quê hương, một trái tim tự nguyện làm bóng cây che mát cho quê hương:
“Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp,
Quê nhà một góc nhớ mênh mông”.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
1 trả lời
     “ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,    Con thuyền xuôi mái nước song song,    Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;    Củi một cành khô lạc mấy dòng.    Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,    Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.    Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;    Sông dài ,trời rộng, bến cô liêu”.
đã hỏi 28 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
1 trả lời
Tưởng chừng giữa "Tràng giang" , con người sẽ cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo, nhưng càng đọc kĩ bài thơ, người đọc càng cảm thấy ấm lòng bởi 1 tình quê tha thiết, đáng trân trọng. Anh/ chị hãy phân tích bài thơ " Tràng giang " của Huy Cận để làm rõ nhận định trên.
đã hỏi 23 tháng 2, 2018 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Trần Nguyễn
  • ngu-van-11
0 phiếu
1 trả lời
+1 thích
1 trả lời
Phân tích bài thơ "Tràng Giang", từ đó phân tích tâm trạng của tác giả khi là một người con của một đất nước đi xâm lược.
đã hỏi 25 tháng 5, 2023 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Chuong7a2 Thạc sĩ (5.7k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời
Làm rõ màu sắc cổ điển và hiện đại trong "Tràng giang"
đã hỏi 21 tháng 12, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi Khách
0 phiếu
1 trả lời
Hãy kể tên một số bài thơ hay của Huy Cận 
đã hỏi 31 tháng 5, 2023 trong Ngữ văn lớp 9 bởi tngnhatganh117 Cử nhân (3.4k điểm)
0 phiếu
1 trả lời
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Gió theo lối gió, mây đường mây, Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay... Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, Có chở trăng về kịp tối nay?"
đã hỏi 28 tháng 5, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Babyshort Tiến sĩ (10.1k điểm)
0 phiếu
1 trả lời
Em hãy nêu cảm nhận về 9 câu thơ cuối bài "Vội vàng".
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Khách
+1 thích
1 trả lời
Cho đoạn thơ: “Biển giấu mặt trời Sáng ra mới thả Quả cầu bằng lửa Bay trên sóng xanh.”                         (Trích trong bài thơ”Buổi Sáng” của Lam Giang) Hãy viết một đoạn văn nêu cảm nhận về cái hay,cái đẹp của bạn trong đoạn thơ.
đã hỏi 29 tháng 1, 2018 trong Ngữ văn lớp 6 bởi chịum
  1. monmon70023220

    455 Điểm

  2. Darling_274

    33 Điểm

  3. 333cuchillthoi302

    28 Điểm

  4. minhquanhhqt160

    20 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...