Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
+1 thích
1.8k lượt xem
trong Ngữ văn lớp 10 bởi manhta280220061003 Thần đồng (1.3k điểm)
Phân tích 8 câu đầu của đoạn trích Trao Duyên của Nguyễn Du
bởi botrf22501 Học sinh (299 điểm)
+1
thanks you !

2 Trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

Nguyễn Du không chỉ là danh nhân văn hóa thế giới mà ông còn là đại thi hào dân tộc, một thiên tài văn học của nước nhà. Ông vốn được sinh ra trong một gia đình phong kiến quý tộc nhưng sống trong giai đoạn đồng tiền làm băng hoài đạo đức, đầy biến động, Nguyễn Du chứng kiến được rất nhiều cảnh đời bất công của xã hội bấy giờ, và ông có sự cảm thông sâu sắc đối với thân phận bất hạnh của người phụ nữ. Bởi lẽ đó, ông đã viết nên thi phẩm tuyệt bút “Truyện Kiều”, tác phẩm như tiếng khóc ai oán của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy rẫy những thối nát, bất công. Nổi bật trong đó là đoạn trích “Trao duyên” thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh, nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều đồng thời cho thấy tài năng miêu tả tâm lý nhân vật của Nguyễn Du. Chính mười hai câu đầu trong đoạn trích đã khắc họa rõ nét nỗi lòng đau xót của Thúy Kiều khi phải trao mối tình mặn nồng giữa nàng và Kim Trọng cho Thúy Vân:

“Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim,

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.

Sự đâu song gió bất kì,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.

Cứ ngỡ hai người “Trai anh hùng – gái thuyền quyên/Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng” nào ngờ lại phải chịu cảnh một đời cách xa bởi một lí do hết sức đau đớn. Bọn sai nha gây nên vụ án oan sai đối với gia đình Thúy Kiều, nàng buộc phải hi sinh mối tình với Kim Trọng, bán mình lấy tiền hối lộ cho chúng để cứu cha và em. Kiều ngồi trắng đêm nghĩ đến thân phận và tình yêu rồi nàng nhờ em gái là Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng. Thúy Kiều mở đầu việc trao duyên bằng những lời lẽ có ý nghĩa khần cầu, tha thiết để thuyết phục Thúy Vân:

“Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”

Đọc câu thơ đầu tiên, ta có thể thấy Thúy Kiều đã dùng những lời lẽ chân tình, thuần hậu nhất để nói chuyện với Thúy Vân. Từ “cậy” và “chịu” được sử dụng rất đặc sắc. Nguyễn Du làm ta không khỏi thắc mắc tại sao không “nhờ” mà lại “cậy”? Tại sao không “nhận” mà phải “chịu”? Nhà thơ sử dụng từ “cậy” nhằm ẩn ý nói lên sự tin cậy của Thúy Kiều dành cho người em gái của mình. Còn “chịu” ở đây lại mang hàm ý nài ép, bắt buộc, không có sự tự nguyện từ Thúy Vân. Kiều đã đặt hết niềm tin tưởng của mình vào Thúy Vân và Vân không thể thoái thác được mà phải “chịu lời”.  

Sau lời nói là cử chỉ, hành động hết sức trang trọng dành cho Thúy Vân. Kiều đã đặt Vân lên vị trí cao hơn, hạ mình xuống như để van nài, kêu xin. Không có người chị nào lại xưng hô với em mình bằng những từ ngữ tôn kính chỉ dùng với bề trên như “thưa, lạy”. Thoạt đầu nghe có vẻ như hết sức phi lý, chị “lạy” em là một điều không thể nào xảy ra ở xã hội phong kiến. Nhưng rồi ta chợt thấu hiểu ra cái nhìn sâu sắc của Kiều, nàng ý thức được Thúy Vân như vị ân nhân xuất hiện để trả món nợ ân tình cho Kim Trọng, nàng đang lạy sự hi sinh cao cả của Thúy Vân. Kiều muốn chuẩn bị tâm lí cho Vân để đón nhận một chuyện hệ trọng mà nàng chuẩn bị nhờ cậy em bởi nàng hiểu rằng việc mà nàng sắp nói ra đây là rất khó khăn với Vân và cũng là một việc rất tế nhị. Bởi lẽ đó, từ “thưa” và “lạy” xuất hiện là vô cùng hợp lý, cho thấy cách sử dụng ngôn từ sâu sắc, tinh vi của Nguyễn Du. 

Để thuyết phục em, Kiều đã nói về mối tình đẹp mà dở dang của nàng. Lời kể của Kiều ngắn gọn, khái quát nhưng rõ ràng:

“Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.”

Tình yêu dở dang, tan vỡ được Kiều nói ngắn gọn bằng thành ngữ nặng nề, chắc nịch “đứt gánh tương tư”. Cách nói vận dụng thành ngữ cùng điển cố “keo loan” có ngụ ý: Điều mà Kiều muốn “thưa” với Vân chính là bi kịch tình yêu tan vỡ của mình và tha thiết nhờ TV thay mình trả nghĩa cho KT.

Hai chữ “tương tư” được ẩn dụ để chỉ tình yêu nam nữ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng. “Gánh tương tư” như một gánh nặng tình yêu giữa hai người. “Gánh tương tư” là của chị, tình yêu sâu nặng là của chị nhưng giờ giữa đường lại “đứt gánh” còn đâu. Bốn chữ “đứt gánh tương tư” như gợi lên sự nghẹn ngào, đau đớn đang dằn xé tâm can Thúy Kiều. Người con gái tài sắc này luôn xem trọng tình nghĩa, coi mối tình với Kim Trọng là gánh nghĩa vụ mà nàng phải chu toàn. Vì thế, Kiều tha thiết nhờ Thúy Vân thay mình “chắp mối tơ thừa” với Kim Trọng. 

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Tơ duyên là của chị, khi đến với em nó đã là “tơ thừa”. Lời của Kiều thật thống thiết làm sao. Cái băn khoăn của Kiều là băn khoăn cho Kim Trọng phải lỡ làng nhân duyên. Cái ray rứt của Kiều là ray rứt cho Thúy Vân phải “chắp mối tơ thừa” của mình. Từ “mặc” sử dụng ở đây không phải là mặc kệ em, mặc cho ra sao thì ra mà có nghĩa là Kiều muốn phó thác, giao phó trách nhiệm lại cho Thúy Vân, tin tưởng tuyệt đối vào sự cậy nhờ của mình nơi Vân. Hai từ “mặc em” còn thể hiện sự thấu hiểu của TK cho tình cảnh thiệt thòi của TV. Giờ đây, tình yêu của em chỉ là sự tiếp nối cho chị. Mặc dù đã trao duyên cho em, nhưng dường như mối tơ duyên vẫn đè nặng trong lòng Thúy Kiều. Những kỉ niệm ngọt ngào như ùa về trong lòng, nàng đành bày tỏ tâm sự cùng em:
“Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề”
Lời kể của TK nồng nàn, tha thiết, bộc lộ nỗi đau đớn, xót xa vô hạn. Cách dùng cấu trúc từ ngữ chỉ thời gian “khi ngày”, “khi đêm” cùng hình ảnh ước lệ “quạt ước” “chén thề”, người nghe vẫn nhận ra tình yêu giữa K và KT thật sâu nặng. Họ đã cùng nhau thề nguyện, đính ước “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”. Từ “khi” được lặp lại ba lần như muốn nhấn mạnh tình cảm mà Kiều dành cho Kim Trọng nào đâu phải tình cảm một sớm một chiều. Tình đầu tuy dang dở nhưng đã có cùng nhau những kỉ niệm tươi đẹp đến vậy, thế nhưng sao Thúy Kiều chỉ kể cho em vọn vẹn trong hai câu thơ? Phải chăng Kiều không muốn gợi cảm giác tủi thân cho Thúy Vân, tránh sự thiệt thòi, mất mác trong tình yêu của cô em gái? Điều đó chứng tỏ Kiều không chỉ là người con gái tài sắc vẹn toàn mà còn là người khéo léo, tế nhị trong cách ứng xử. Câu thơ ẩn chứa những tình cảm ngọt ngào, những niềm vui nhưng cũng nghe như tiếng nấc nghẹn của Thúy Kiều, những kỉ niệm đẹp ấy sẽ kết thúc, chỉ còn lại chuỗi ngày bi thảm tiếp sau:
“Sự đâu song gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”
K đã trình bày cảnh ngộ khó xử của mình và lí giải căn nguyên vì sao nàng phải trao duyên cho em. Hai thanh trắc “sóng gió” đi liền nhau trong một câu thơ gợi ra những tai họa dồn dập. Với TK nỗi đau đớn khi tình yêu tan vỡ chỉ một phần, nỗi đau đớn vì bất hạnh của người thân đến hai ba phần. Những biến cố xảy ra liên tục, đẩy Kiều vào chỗ bế tắc, là người chị cả, Kiều phải hi sinh bản thân mình để gia đình được đoàn tụ, êm ấm, bởi lẽ “Làm con trước phải đền ơn sinh thành” Hoàn cảnh đã bắt buộc K phải hi sinh chữ “tình” để làm tròn chữ “hiếu”. Nàng đã chôn vùi tình cảm riêng tư để báo hiếu cho cha mẹ. Nhịp thơ biến đổi ở câu bát: “Hiếu/tình/khôn lẽ/hai bề/vẹn hai” với ngụ ý rằng: chữ hiếu K đã chu toàn, nhưng để trọn vẹn cả hiếu và tình, nàng phải nhờ đến sự giúp đỡ của Thúy Vân.
Gấp lại trang thơ, ta vẫn còn xót thương cho tình cảnh đau đớn đến xé lòng của nàng Kiều. Nỗi đau khi phải đứt ruột trao mối duyên của mình cho em như được tăng gấp bội qua tài năng dụng từ hết sức thâm sâu, ngôn ngữ thơ tinh tế, đặc sắc, có sự kết hợp giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân, cùng những phép điệp, phép ẩn dụ, ước lệ của đại thi hào. Nguyễn Du đã sử dụng từ ngữ, thành ngữ đầy chua xót làm người đọc không thể không thương cảm trước hoàn cảnh đầy éo le khi phải lựa chọn giữa chữ “hiếu” và chữ “tình” của nàng Kiều.
Qua mười hai câu thơ đầu của đoạn trích “Trao duyên”, ta nhận thấy Nguyễn Du thật sự là một bậc đại tài trong việc thấu hiểu từng khía cạnh tinh tế nhất của tâm can con người. Chính sự thấu hiểu sâu sắc ấy cùng với nghệ thuật dùng từ điêu luyện, đã khiến tác phẩm của Nguyễn Du· tồn tại như một giá trị vĩnh cửu vượt qua tất cả thử thách khắt khe của thời gian, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng đối tượng tiếp nhận, đã khiến cho triệu vạn người phải rơi nước mắt khóc thương cho số phận nàng Kiều. Bản thân tôi cũng thêm phần trân trọng tài năng của Nguyễn Du, cảm thương cho số phận éo lo của Thúy Kiều:
"Người sao hiếu nghĩa đủ đường
Kiếp sau rặt những đoạn trường thế thôi."
0 phiếu
bởi botrf22501 Học sinh (299 điểm)
   Nhắc đến văn học trung đại Việt Nam, người ta sẽ nhớ ngay đến "Truyện Kiều" của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. 3254 câu thơ với nhiều đoạn trích khác nhau, mỗi đoạn trích lại gửi gắm những giá trị vô cùng sâu sắc. "Trao duyên" là một trong những đoạn trích tiêu biểu của "Truyện Kiều", tái hiện bi kịch tình yêu dang dở của Thúy Kiều và Kim Trọng. Qua đó gửi gắm giá trị nhân văn sâu sắc và khát khao hạnh phúc của con người. Điều này thể hiện rõ nhất qua 8 câu thơ đầu đoạn trích:

" Cậy em, em có chịu lời,

...

Hiểu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?"

      Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau, đem lòng cảm mến rồi quyết định thề nguyền dưới trăng. Tình yêu của họ là duyên phận tác hợp. Duyên phận vốn dĩ là thứ tốt đẹp trời cho, khó cưỡng cầu, càng không nên ép buộc. Thế nhưng, dòng đời xô đẩy, Kiều quyết định "trao" lại mối duyên này. Đoạn trích mở ra nghịch cảnh đầy trớ trêu, chua xót:

“Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”

      Hai câu thơ ngắn gọn mà chất chứa bao đau đớn, dằn vặt. Từ “cậy” được đặt lên đầu câu thơ nhấn mạnh tình cảnh khó xử, ngặt nghèo của Thúy Kiều. "Cậy" mang ý nghĩa gần giống như "nhờ", là hành động mong muốn được giúp đỡ. Nhưng "cậy" lại sâu sắc hơn, thể hiện niềm tin tưởng vào người được nhờ. Tương tự “chịu” giống như “nhận” là đồng ý, nhưng "chịu" mang thái độ tình cảm khẩn thiết, gần như là van nài, đặt người được nhờ vào tình thế khó lòng từ chối. Ngôn ngữ Kiều dùng trong lời nói hết sức khéo léo, chân thành.

      Không những vậy, lời nói ấy còn đi cùng với hành động "lạy", "thưa". "lạy" "thưa" vốn là hành động kính trọng của người bề dưới với bề trên. Kiều là chị, Vân là em, nhưng thời điểm này Kiều lại làm như vậy. Những việc làm tưởng như nghịch lý khó hiểu lại mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nàng không muốn phụ Kim Trọng, nhưng cũng hiểu được nhờ em trả nghĩa thay mình, nối tiếp mối duyên này là bất công và thiệt thòi cho em. Vì thế, Kiều cúi mình trước Vân. Vào lúc này, Kiều đứng ở vị thế của người chịu ơn với người giúp đỡ mình mà không phải vị thế người chị với em gái. Điều này thể hiện sự thấu tình đạt lý khéo léo của nàng.

      Trao duyên với Kiều không phải việc gì quá dễ dàng. Nàng mở lời cậy nhờ em rồi thật lòng tâm sự, giãi bày, mong muốn Thúy Vân thấu hiểu, thông cảm và nhận lời:

“Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.”

      Trong nỗi đau xót, bao kỉ niệm tình yêu tươi đẹp ùa về. Nhưng hiện thực trêu người, thành ngữ “đứt gánh tương tư” nhấn mạnh nỗi đau tình yêu dang dở. Mối tình tốt đẹp với chàng Kim chưa kịp viên mãn đã bị sóng gió ập đến ngăn trở. Kiều đau khổ nhưng phải dằn lòng lại, trao gửi cho Vân. Nàng dùng điển tích “keo loan” thể hiện ý định muốn Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng. Đồng thời nàng cũng bày tỏ sự áy náy, day dứt khi đem tơ duyên của mình trở thành "tơ thừa" mặc em chắp nối.

      Từ “khi” được lặp lại 3 lần gợi nhắc khoảng thời gian tươi đẹp, nhấn mạnh mối duyên tình sâu đậm với chàng Kim. Từ đó khắc sâu nỗi đau khổ, xót xa trong tâm trạng của Kiều khi nói ra những lời này. Nàng đau đớn bởi tình yêu tan vỡ, đồng thời cũng xót xa cho thân phận trớ trêu của chính mình.

"Sự đâu sóng gió bất kì

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai"

      Quá khứ tươi đẹp quý giá nhưng hiện tại vô vàn khắc nghiệt. Lời thề nguyền dưới trăng vẫn còn đó nhưng tai họa ập đến, Kiều buộc phải bán mình chuộc cha và em. Giữa chữ tình và chữ hiếu, Kiều buộc phải đưa ra quyết định. Tình yêu đẹp đẽ vừa chớm nở, chưa kịp thành hình đã bị tan vỡ, trái tim nàng đau đớn vô cùng. 

      Chỉ với 8 câu thơ, Nguyễn Du đã thành công sử dụng thể thơ lục bát cùng những ngôn từ tinh tế. Qua đó khắc họa được bi kịch nghiệt ngã của Thúy Kiều cùng tâm trạng đau đớn, dằn vặt của nàng. Ngòi bút tài hoa cùng tấm lòng nhân đạo của tác giả đã tái hiện đầy xúc động nội tâm nhân vật. Không chỉ bộc lộ sự khéo léo thông minh mà còn ngợi ca tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Thúy Kiều.

Các câu hỏi liên quan

+5 phiếu
1 trả lời 850 lượt xem
Phân tích lời nhờ cậy, thuyết phục của Thúy Kiều khi trao duyên trong 12 câu đầu trong đoạn trích ” Trao duyên” (Phân tích 12 câu thơ đầu bài "Trao duyên" (Truyện Kiều) của Nguyễn Du) (Trích ” Truyện Kiều” của Nguyễn Du).
đã hỏi 17 tháng 3, 2020 trong Ngữ văn lớp 10 bởi NicT_NaRi ● Quản Trị Viên Thạc sĩ (5.8k điểm)
+1 thích
2 câu trả lời 405 lượt xem
Lập dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài)
đã hỏi 3 tháng 9, 2019 trong Ngữ văn lớp 10 bởi ngoclinhbui Thạc sĩ (7.0k điểm)
+1 thích
1 trả lời 151 lượt xem
Viết bài văn nêu cảm nhận của anh/chị về bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão
đã hỏi 8 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 10 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 770 lượt xem
Phân tích 16 câu thơ giữa bài "Vội vàng" để làm rõ cảm nhận độc đáo của Xuân Diệu về thời gian. 
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Khách
0 phiếu
3 câu trả lời 511 lượt xem
Phân tích khổ thơ 4,5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để thấy được khát vọng cống hiến của nhà thơ dành cho cuộc đời.
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Khách
0 phiếu
2 câu trả lời 467 lượt xem
Phân tích khổ thơ 2,3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ để thấy được mùa xuân của sản xuất và lao động.  
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Khách
0 phiếu
0 câu trả lời 121 lượt xem
Em hãy chứng tỏ rằng Xuân Diệu có một niềm đắm say cuồng nhiệt với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế qua 13 câu thơ đầu bài "Vội vàng".
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Khách
+3 phiếu
2 câu trả lời 381 lượt xem
0 phiếu
1 trả lời 724 lượt xem
Em hãy nêu cảm nhận về 9 câu thơ cuối bài "Vội vàng".
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Khách

HOT 1 giờ qua

  1. phamngoctienpy1987844

    50628 Điểm

  2. vxh2k9850

    35940 Điểm

  3. Khang1000

    29693 Điểm

  4. Tí Vua Đệ Nhất

    28073 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...