Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
380 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 11 bởi
Phân tích và liên kết sự cách tân trong "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu và các bài thơ về mùa thu mà em biết

2 Trả lời

0 phiếu
bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
 
Hay nhất

"Đây mùa thu tới" là một trong những bài thơ viết về mùa thu nổi tiếng nhất của Thơ mới và của thi ca Việt Nam nói chung. Bài thơ được in trong tập Thơ Thơ (1938), tập thơ đầu tiên của Xuân Diệu. Với tập thơ này, ngay lập tức tên tuổi Xuân Diệu vang dội khắp đất nước và Thơ mới đã khẳng định hoàn toàn khả năng thay thế thơ cũ (thơ có niêm luật) trên thi đàn Việt. "Đây mùa thu tới" thể hiện sự cách tân vượt bậc nghệ thuật thơ. Tấm lòng rộng mở trước thiên nhiên tươi đẹp, sự ngưỡng mộ, cũng như khả năng quan sát tinh tế, thấu đáo của Xuân Diệu đều được thể hiện rõ trong cảm xúc trước mùa thu này. Bài thơ được chia thành ba khổ, mỗi khổ đều có một hình ảnh trung tâm và cũng đều bộc lộ sự tinh tế của Xuân Diệu khi cảm nhận sự thay đổi của vạn vật trong từng khoảnh khắc thời gian. Âm hưởng chung của bài thơ là vừa diễn tả tâm trạng ngỡ ngàng, thầm vui khi thu về và đồng thời bộc lộ nỗi buồn man mác trước sự đổi thay của đất trời, của cái đẹp chợt đến đã vội tàn.

Mùa thu là mùa của thi ca và cũng là mùa của bất kì loại hình nghệ thuật nào. Từ hoạ phẩm Mùa thu vàng rực lá của Lê-vi-tan đến nhạc phẩm Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong và thi phẩm Tiếng thu của Lưu Trọng Lư... mùa thu luôn hiện diện, là nguồn cảm hứng vĩnh viễn không hề vơi cạn của bất kì một tâm hồn nghệ sĩ nào. Dựa vào ý thơ của A-pô-li-ne, Phạm Duy đã viết nên nhạc phẩm thu bất tử:

Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo

Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi. 

Với văn chương, mùa thu là mảnh đất riêng của thơ. Văn xuôi cũng miêu tả mùa thu, khai thác mùa thu cho những mục đích thẩm mĩ nhưng do đặc trưng mùa thu là mùa cảm xúc nên các áng văn xuôi dù dụng công đến mấy cũng không thể có được thành tựu bằng thơ. Tiếng xào xạc của lá, dáng vẻ ngơ ngác của chú nai dè dặt đặt chân lên thảm lá vàng rơi rụng, ấy là thu:

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô.

Trong tiến trình văn học Việt Nam, điểm gặp gỡ sâu nặng, bền vững nhất giữa trời thu và hồn thu trong văn chương là giai đoạn 1932-1945. Lịch sử nô lệ của dân tộc thời kì này đã khảm trong hồn các thi nhân màu thương nhớ, màu tiếc nuối, màu u sầu. đấy là các gam màu thu được cảm nhận qua tâm hồn một thế hệ vàng trong thi ca Việt. Thâm Tâm trong Tống biệt hành tiễn đưa người trong sắc vàng của nắng thu khi mùa thu vừa chớm (Trời chưa mùa thu tươi lắm thay):

Nắng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.

Hay là Bích Khê diễn tả thu trong sắc lá vàng rơi:

Ô hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông.

Cũng là sắc vàng thu, nhưng Anh Thơ không chọn màu của lá, của hoa cúc mà là màu vàng của hoa mướp - loài hoa bình dị chốn làng quê:

Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác

Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay. 

Nguyễn Bính thì trống tênh thu trong “Một trời quan tài”:

Chiều lại buồn rồi, em vẫn xa

Lá rừng thu đổ, nắng sông tà

Chênh vênh quán rượu mờ sương khói 

Váng vất thôn sâu rộn tiếng gà

Đành rằng một trong những đề tài lớn của thi phái lãng mạn là thiên nhiên bao gồm đủ cả bốn mùa và vạn vật cây cỏ, nhưng với các nhà lãng mạn bậc thầy Việt Nam, thu luôn là phạm vi chiếm ưu thế. Bởi lẽ họ có thể đọc trong thu nỗi xao xuyến lúc giao mùa, đọc trong thu sự tiếc nuối; đọc trong thu bản hoà tấu vĩ đại của hạ - thu - đông, của khoảnh khắc cái đẹp đột ngột hiện ra rồi vội tan biến trong cái xứ sở nóng ẩm nhiệt đới gió mùa.

 

Ở Việt Nam, do địa hình địa lí qui định nên ba miền Bắc - Trung - Nam có những hình thái thời tiết khác nhau. Miền Nam và miền Trung hầu như không có mùa thu. Nơi đó, ngay sau cái nắng khủng khiếp của mùa hè là mưa bão, và lũ xuất hiện, nhấn chìm mọi cái nóng, mọi sự lãng mạn trong thực tế hủy diệt khủng khiếp. Chỉ riêng ở miền Bắc mới có mùa thu. Nhưng mùa thu ngắn lắm. Ngay cả khi Nguyên Sa đối sánh mùa thu dài với tóc ngắn của cô nàng chốn áo lụa Hà Đông thì không vì thế mùa thu Hà thành lại có thể dài hơn:

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn

Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh. 

Sự ngắn ngủi của thu trong thực tế, rõ ràng sẽ gieo nỗi tiếc nuối vấn vương trong lòng người yêu cái đẹp. Thu đương tới, nghĩa là thu đương qua, có thể diễn tả như thế về sự ngắn ngủi, mong manh của thu như cách Xuân Diệu viết về xuân. Sự tiếc nuối ấy cộng hưởng với tâm thế của người dân mất nước, tạo cho thu Việt thêm bao tâm sự vấn vương.

Vậy nên, thu vẫn mãi là niềm day dứt khôn nguôi trong hồn thi sĩ. Chỉ có điều những biểu tượng, những hình ảnh đặc sắc về thu ở Việt Nam không nhiều. Có hề gì, các thi nhân sẽ vay mượn. Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã mượn sắc lá phong:

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Việt Nam không có phong thì làm gì có rừng để hoạ bức tranh thu? Phong chỉ mọc ở xứ lạnh, Trung Quốc và phương Tây có rất nhiều phong và sắc phong vàng trở thành biểu tượng của mùa thu như hoa anh đào trắng, hồng biểu tượng cho mùa xuân ở Nhật Bản. Nguyễn Du bằng cách vay mượn đã tăng thêm sắc màu thu cho thơ Việt.

bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
Ngay đến cả sắc lá ngô đồng trong thơ Bích Khê thì chủ yếu vẫn vay mượn từ Trung Quốc. Giống loài phong, ngô đồng cũng đổi màu lá khi thu về. Nhưng sự thay đổi ở ngô đồng diễn ra nhanh hơn, chỉ thoáng chốc từ lá xanh sang lá vàng rồi rơi rụng trong gió thu. Lá phong thì ngược lại, đổi hết mọi gam màu từ xanh đến vàng, vàng sẫm, tím thẫm rồi mới rụng. Nếu thu qua màu lá ngô đồng là thu chóng qua - thu của đất Việt, thì thu qua màu lá phong là thu tàn tạ dần, thu dai dẳng - thu ngoại quốc.
Vậy nên, thu Việt thường gắn với làn nước ao thu, khóm trúc, với bầu không khí se se lạnh,... với tất cả những gì tồn tại (hoặc được tiếp nhận) trong khoảng thời gian rất ngắn. Theo các tiêu chí này, Nguyễn Khuyến là người sáng tác thơ thu thuần Việt nhất. Sau đó là đến Xuân Diệu. Tuy nhiên, thu của Xuân Diệu đã được lạ hoá đi rất nhiều. Thu ấy không chỉ Tây mà còn rất trẻ trung song vẫn luôn đượm nỗi buồn thu cứ mỗi độ trời nhẹ lên cao.
Bắt đầu từ nhan đề: "Đây mùa thu tới". Sao không phải là mùa thu tới đây? Thi nhân muốn nhấn mạnh sự xuất hiện của thu? Có lẽ vậy. Theo đó, nhan đề chuyển tải ý không phải là mùa thu đang tới mà là mùa thu đã tới nhưng chỉ vừa mới bắt đầu và đang ở trong thế vận động. Chữ “đây” đã chớp đúng cái khoảnh khắc vừa chợt đến của thu, nhưng cũng hàm chứa dự cảm thoáng vụt qua của thu: sự ngắn ngủi - khoảnh khắc lạ hoá “mùa thi ca” của riêng Xuân Diệu.
Thu của Xuân Diệu cũng lấy biểu tượng là cành liễu. Liễu muôn đời thì lá vẫn rủ và xanh ven hồ. Giống mọi cây cối hay vạn vật tự nhiên khác, liễu buồn hay vui, khóc hay cười không phải do liễu mà do tâm trạng của người ngắm liễu, vẽ liễu hay miêu tả liễu. Vậy “liễu xanh ngắt” vào độ cuối thu của Hàn Mặc Tử và trong Thơ mới mới có và “liễu chịu tang” của Xuân Diệu:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.
Biện pháp nhân cách hoá đã được sử dụng ngay lúc mở đầu. Thực ra, Xuân Diệu còn sử dụng lối so sánh ngầm: “rặng liễu đìu hiu” như “đứng chịu tang”, như “tóc buồn buông xuống”. như "lệ ngàn hàng”. Dáng đứng của liễu là “đứng chịu tang”, âu sầu, buồn bã. Lá rủ của liễu là “tóc buồn buông xuống”, là “lệ ngàn hàng”. Cùng một dáng lá mà thi nhân hình dung ra hai dáng điệu: dáng tóc và dáng lệ. Lối quan sát và trí tưởng tượng ở đây quả thật tinh tế và khác lạ. Khi liễu buồn cũng là lúc thu về. Hay thu về khiến liễu buồn? ấy thế mà vào ngay câu thơ tiếp theo - một phần câu thơ được lấy làm nhan đề - nhà thơ bày tỏ một tâm trạng có phần khác hẳn: dường như là thoáng giật mình kín đáo, thảng thốt trước vẻ đẹp diệu kì vừa được khám phá:
"Đây mùa thu tới" - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Nếu bỏ hai câu thơ đầu, thay bằng hai câu khác mang sắc thái trung tính hoặc bớt sầu đau, thì âm hưởng bài thơ sẽ không bị cái buồn của dáng liễu kia phong toả. Nói cách khác, trừ hai câu thơ đầu, hay trừ các từ diễn tả nỗi đau xót như đìu hiu, tang, buồn, lệ thì bài thơ sẽ không có âm điệu tái tế, sầu não mà chỉ là man mác buồn như bản chất thu muôn thuở, như tâm hồn nghệ sĩ muôn thuở. Bài thơ quả có sự gặp gỡ kì lạ giữa cảnh thu của trời đất và hồn thu của thi nhân.
“"Đây mùa thu tới - mùa thu tới” dẫu sao cũng là tiếng reo thầm. Tiếng reo của sự ngóng chờ bấy lâu mà giờ đây thu đã đến. Hoặc khác đi là thu đã đến nhưng bây giờ thi nhân mới chợt nhận ra. Tiếng reo đó có thể là không vui nhưng tuyệt đối không thể là buồn trĩu nặng như dáng vẻ liễu câm lặng trong tang tóc kia. Điều này một phần xuất phát từ việc lặp cụm từ “mùa thu tới”, lặp hai âm mở ới, ới (trong tới) và phần khác đến từ những từ miêu tả màu sắc ở câu sau: không có gam màu buồn mà lại đẹp, trang trọng: mơ phai và cả động từ dệt gợi lên sự yên ả, thanh bình.
Mùa thu mang nỗi buồn dịu êm, thiết tha, da diết,... muôn thuở. Đấy là lẽ tất nhiên. Nếu không thì tại sao những cuộc tiễn đưa, những chiều nhung nhớ lại thường diễn ra trong mùa thu. Câu thơ nổi tiếng của Bạch Cư Dị trong bài Thu giang tống Hạ Chiêm sáng tác lúc tiễn bạn cũng xuất phát từ bầu không khí thu: Yên ba sầu sát nhân (khói sóng buồn chết người). Có lẽ do nét văn hoá thu buồn ấy, thêm tâm trạng đa sầu đa cảm của một tâm hồn lãng mạn, cùng với sự nhạy cảm về thân phận của một người dân nô lệ, nên Xuân Diệu mới mở đầu bài thơ bằng nỗi buồn trĩu nặng kia.
Nhưng thoáng chốc, dòng lệ bi thương của thu Xuân Diệu vội chuyển từ nỗi buồn tang tóc sang sắc thái tâm trạng khác, một sắc thái trung tính qua vẻ đẹp đằm thắm kiêu kì. Đấy là sắc màu áo thu: “áo mơ phai dệt lá vàng”. Cấu trúc của câu thơ thật độc đáo: Lá vàng dệt nên áo mơ phai hay áo mơ phai dệt nên màu lá vàng?
Nếu hai câu đầu, nhà thơ chỉ tập trung miêu tả nỗi buồn của rặng liễu qua dáng vẻ chứ chưa chú ý đến màu sắc thì ở câu thơ thứ tư rặng liễu đã có màu. Nhưng gam màu (không buồn hoặc ít buồn) này lại có phần tương phản với dáng điệu (buồn) kia. Phải chăng cảm xúc thơ đã có sự thay đổi?
Quả là đã thay đổi. Nhà thơ buồn đó rồi lại bớt buồn, thậm chí là hết buồn. Đấy là diễn biến bình thường của tâm trạng, luôn xảy ra khi có một sự kiện bất ngờ nào đó ập đến. Mùa thu đến với Xuân Diệu đầy bất ngờ. Đang bình lặng, vô ưu bỗng chợt thấy sắc thu về, cõi lòng sao không khỏi hồi hộp, thảng thốt, vấn vương?
Khổ thơ đầu không chỉ đặc biệt về việc thể hiện tâm trạng (thoáng vui xen lẫn u buồn, bình thản xen ngỡ ngàng), về cấu trúc câu (áo mơ phai dệt lá vàng) mà còn độc đáo cả về kĩ thuật huy động và phối màu. Bức tranh thu ở khổ thơ này chủ yếu được vẽ nên từ những gam màu gián tiếp. Tự người đọc phải hình dung ra sắc màu ấy qua cảnh vật thi nhân đưa ra: “Rặng liễu” gợi màu xanh (nhưng đã chuyển sắc mơ phai), màu tang tóc là màu trắng, màu tóc chủ yếu là đen, màu của nước mắt là trắng trong suốt. Xanh, trắng, đen, trắng trong suốt là những gam màu trội đặt cạnh nhau càng tôn rõ sắc màu nhau. Sắc mùa thu vì thế càng sinh động bội phần.
Cái nhìn ở khổ thơ này là cái nhìn bao quát, cái nhìn ở một khoảng cách xa. Toàn cảnh thu ở đây chủ yếu nhuốm buồn, khoác màu mơ vàng lên sắc lá, kể cả liễu, cũng thôi không còn xanh nữa. Từ màu lá, thi nhân chuyển sang màu hoa. Theo đó, cái nhìn viễn cảnh chuyển sang cận cảnh. Khổ thơ thứ hai bắt đầu bằng câu thơ rất “Tây” và đây cũng chính là đường nét chủ đạo của cả khổ thơ:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
Đưa một từ so sánh lên ngay đầu câu “hơn” quả là một cách tân táo bạo không chỉ riêng thời Xuân Diệu mà ngay cả bây giờ câu thơ vẫn là sự thách thức lớn đối với bất kì ai làm thơ. Cái nhìn tuy cận cảnh nhưng vẫn mang tính khái quát, chung chung, chưa thật cụ thể bởi nhà thơ không nói rõ đó là loài hoa gì. Ắt hẳn, khung cảnh nơi nhà thơ chiêm ngắm ấy có quá nhiều loài hoa? Chỉ được biết, hoa của Xuân Diệu là “hơn một loài hoa”. Còn hoa đó là loài gì thì tuỳ trí tưởng tượng của người đọc, chúng sẽ hiện diện. Nhưng phải theo cái cách: “rụng | cành” và “sắc đỏ rũa màu xanh” (có bản chép là “rủa màu xanh”). Dẫu có rũa hay rủa thì câu thơ vẫn cứ mang đậm phong cách Xuân Diệu. Nếu là rũa thì câu thơ được hiểu như sau: hai sắc màu đỏ, xanh được đặt trong thế xâm lấn thông qua động từ “rũa”. Màu đỏ lấn át màu xanh hoặc xung đột với màu xanh là chuyện thường tình của trời đất khi thu về. Nhưng nếu là rủa thì, ngoài việc diễn tả sự xung đột, “rủa” còn gợi lên sự “mắng nhiếc”, sự “to tiếng” của sắc màu. Chính biện pháp nhân cách hoá này đã khiến màu sắc, khiến hoa lá, liễu,... vốn là vô tri bỗng trở nên hữu ý, hữu tình.
Mùa thu thường gắn với lá vàng, lá khô, cành khô,... gắn với những âm thanh rất khẽ cùng với sự lảng bảng, trong veo của đất trời. Nếu chỉ “đôi nhánh khô“ không thôi thì hình tượng không có sức sống. Cành cây đã chết. Chỉ cần thêm chữ “gầy” thì cành cây khô ấy đã sống lại, dẫu chỉ là “mong manh”. Sự tinh tế trong miêu tả và cảm nhận thiên nhiên của Xuân Diệu tập trung ở chỗ này. Không chỉ quan sát và đọc được lời “rủa” của hai sắc màu, ông còn cảm nhận được sự chuyển dịch rất khẽ của cây lá: “Những luồng run rẩy rung rinh lá”. Việc đặt hai từ láy có phụ âm đầu “y” khiến câu thơ tăng thêm phần động. Chỉ cần đọc lên, ta có thể cảm nhận và hình dung được sự chuyển dịch vô cùng bé nhỏ của thiên nhiên, của lòng người.
Chỉ hai câu thơ, Xuân Diệu đã dùng đến ba từ láy: run rẩy, rung rinh, mỏng manh. Những từ láy này vừa mang nhạc tính cao cho thơ vừa góp phần kiến tạo hình khối, động thái khiến mùa thu lung linh huyền diệu như chính sự kì diệu của nó kể cả sự xao xuyến đổi thay:
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ.
Chính cái nhìn nhân cách hoá tiếp tục mang lại sự thân thương, gần gũi cho các sự vật hiện tượng trong tự nhiên. Nếu ta thay “nàng trăng” bằng “vầng trăng” thì câu thơ sẽ mất hết sự thân thuộc. Vậy nên, khi thi nhân gọi trăng là “nàng trăng” thì “ngẩn ngơ” có thể được chấp nhận. Nhưng nếu “trăng ngẩn ngơ” thì chắc có sự tác động nào đó từ bên ngoài (khiến cho trăng rơi vào tâm trạng đó). Còn khi để trăng “tự” ngấn ngơ thì tác giả khẳng định được tính ý thức của tạo vật vô tri vô giác. Trăng gần hơn với lối sống của con người.
Cũng thế, “khởi sự” có nghĩa là “bắt đầu”. Nếu ta thay “bắt đầu” vào câu thơ thì sẽ đánh mất không khí trang trọng. Đã “non xa” (chứ không phải “núi xa”) thì phải “khởi sự”, cách dùng từ của Xuân Diệu có sự liên kết chặt chẽ, không thể thay thế. Cả ba câu của khổ thơ thứ ba đều được đặt dưới cái nhìn “nhân hoá”. Đối tượng được nhân hoá ở đây là “trăng”, “núi” và “giá rét”. Chúng là những khách thể tự nhiên và tồn tại vĩnh hằng, nhưng chúng chỉ có thể sống động là nhờ sự thấu hiểu, giao cảm từ phía thi nhân. Mới hay chính tài năng của nghệ sĩ mới thắp sáng một khoảng đời, một nét tính cách nào đó của tạo vật. Nhà thơ nhìn thấy nàng trăng “ngẩn ngơ”, nhìn thấy núi “nhạt sương mờ”. Cả trăng và núi đều được nhìn ở khoảng cách xa và được khám phá dưới vẻ động. Cái động của trăng chủ yếu là động từ nội tâm. Cái động của núi là động từ ngoại thể. Cùng là động nhưng mỗi vật thể đều có sắc thái riêng. Mùa thu đã khiến cho vạn vật thôi không là chúng như trước nữa, sẽ luôn có sự chuyển biến, đổi thay trong bất cứ sự vật hiện tượng nào trong trời đất.
Cái nhìn ở khổ thơ này lại trở nên bao quát hơn so với khổ thơ thứ hai và đối tượng quan sát ở đây mang tầm vũ trụ, hoành tráng hơn. Điều này chứng tỏ cảm xúc thu ngày một thăng hoa trong hồn thi sĩ. Vậy nên, trong lúc vừa trải lòng ra cả vùng không gian rộng lớn, Xuân Diệu vẫn có thể nghe được tiếng “rét mướt luồn trong gió”. Đây ắt hẳn là một trong những câu thơ thành công nhất của Xuân Diệu và của cả nền thi ca dân tộc. Ta cùng đọc lại:
Đã nghe rét mướt luồn trong gió.
Thông thường gió mang theo rét đến chứ rét thì chẳng thể nào tách khỏi gió để luồn trong gió. Sự cảm nhận ở đây đã đạt độ tinh tế phi thường. Lối cảm nhận đó cho thấy điều này: mùa thu đã về, đang về ở ngay độ chớm thu.
Tuy là không khí độ chớm thu nhưng "Đây mùa thu tới" không cùng tâm trạng với Thơ duyên và chắc hẳn Thơ duyên ra đời tại khoảnh khắc thu sớm hơn thu của "Đây mùa thu tới". Dĩ nhiên, Thơ duyên được đặt trên cảm xúc tương giao tương hợp nên mới có được cái nhìn rộn ràng, tha thiết, tươi trẻ hơn:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.
"Đây mùa thu tới" thì được đặt trên cảm xúc của sự trống vắng, mất mát, chia lìa. Đâu còn cảnh “Mây biếc về đâu bay gấp gấp”. Thay vào đó là “Mây vẩn từng không chim bay đi”. Giữa hai bài thơ có sự trở lại của một số hình ảnh. Nhưng chúng được đặt trong những cảnh huống thật khác nhau. Nếu ở Thơ duyên, mây là “mây biếc” và chuyển động theo cách “bay gấp gấp”, thì mây ở "Đây mùa thu tới" là “mây vẩn từng không”, mây đứng im hoặc quanh quẩn một chỗ mà thôi.
Cây cối, hoa lá, trăng núi, gió mây và đến cả khí trời cũng đều góp mặt: (Khí trời u uất hận chia li). Nhưng tất cả làm nền để xuất hiện bóng dáng con người. Đương nhiên là thiếu nữ (với Xuân Diệu chắc chắn phải như thế) và phải là “thiếu nữ buồn” thì mới hợp với bầu không khí thu ấy:
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.
Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh con người. Mở đầu là dáng liễu, kết thúc là dáng hình thiếu nữ. Liễu đứng đìu hiu như chịu tang. Thiếu nữ đứng (hẳn thế, vì tựa cửa cơ mà), không đìu hiu nhưng lại “buồn” và “không nói”, suy cho cùng thì cũng đều đìu hiu. Hình ảnh đầu cuối của bài thơ rất tương ứng.
Mặt khác, hình ảnh thiếu nữ được miêu tả vừa như là một khách thể của nỗi buồn thu, vừa như là chủ thể của nỗi buồn đó. Bởi cái nhìn xa xăm kết lại bức tranh thu ấy gợi ta nhớ đến mọi cái nhìn cảnh vật ở trên. Như thế, rất có thể thi nhân nhìn cảnh vật qua đôi mắt u sầu, qua tâm trạng của chính cô thiếu nữ kia.
Toàn bộ bài thơ được viết với sự thống nhất cao độ bởi sự liên ứng hình tượng và sự hạn định cảm xúc cũng như miêu tả. Tuy ở đây, màu của mùa thu chỉ là “mơ phai” chứ chưa “vàng úa”; người qua sông “thưa thớt” (vắng) chứ chưa hết hẳn (không); “hơn một loài hoa rụng” chứ không phải tất cả đều rụng; trăng “ngẩn ngơ chỉ là “thỉnh thoảng”... Tất cả, vẫn chưa hết một mùa thu. Còn đó cả mùa thu dài phía trước nên dáng hình thiếu nữ “tựa cửa”, “buồn”, “nghĩ ngợi” sẽ mãi còn đó trong lúc hoa tàn, khách vắng, gió lùa... để xót thương cho nỗi chia li khôn giải toả để ngẩn ngơ trong nỗi buồn vô cớ vốn là bản chất tình thu.
Xuân Diệu sáng tác nhiều bài thơ về mùa thu. Cũng như thu của nhiều thi nhân khác, Xuân Diệu hoặc là đặc tả thu (như trong bài "Đây mùa thu tới") hoặc chỉ mượn thu như là cái tứ, cái nền để nói chuyện khác. Tựu chung lại, phải yêu thu, tha thiết với thu đến độ nồng nàn thì Xuân Diệu mới có thể để lại cho đời những áng thơ thu kiệt xuất. Thu trong thơ Xuân Diệu có nhiều cung bậc. Nếu "Đây mùa thu tới" là bài thơ mang mang buồn, buồn độ chớm thu, buồn từ cảnh vật con người đến đất trời, cả chút gió cũng bị giá rét xé tan đầu còn nguyên vẹn, một nỗi buồn của sự mất mát thì thu trong bài thơ Xuân của Chế Lan Viên làm thuở Điêu tàn là thu của niềm khao khát được lưu giữ mãi mãi:
Ai đâu trở lại mùa thu trước.
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!
Xuân Diệu đã đi trọn con đường “lạ hoá” thu theo cách của ông. Dẫu có sử dụng ít nhiều thu ngữ của những người đi trước nhưng Xuân Diệu đã khoác cho chúng những sắc màu, những cảm xúc mới. Và, cái đích đến cuối cùng của “lạ hoá” lại chính là sự “quen hoá”. Biến cái quen thành lạ rồi lại khiến cái lạ ấy thành quen đấy chính là con đường của tư duy sáng tạo nghệ thuật mà bao đời kì nghệ sĩ lớn nào cũng phải tuân theo.
Thu ngữ của Xuân Diệu là liễu chịu tang, cây cối và vạn vật khoác áo mơ bất phai, là sắc màu rủa (hoặc rũa) nhau, là giá rét luồn trong gió, là nỗi buồn vô cớ, là hình dáng thiếu nữ tựa cửa nhìn xa xăm... Xuân Diệu đã khiến cho thu Việt hiện lên thật đậm đà, da diết. Thu của cõi trời riêng.
0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)

Xuân Diệu (1916–1985) là cây đại thụ của nền văn học hiện đại Việt Nam. Tài năng của Xuân Diệu bộc lộ ở nhiều phương diện nhưng nổi bật nhất là thơ ca. Trước Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu là cây bút tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới với hai tập thơ nổi tiếng Thơ thơ (1938); Gửi hương cho gió (1945). Tư tưởng cơ bản chi phối toàn bộ sáng tác của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám là niềm khao khát giao cảm với đời, thể hiện cái tôi thiết tha yêu đời và nỗi hoài nghi cô đơn. Đó cũng chính là hai trạng thái trái ngược của Xuân Diệu ở giai đoạn này. Với cặp mắt “xanh non, biếc rờn”, Xuân Diệu đã phát hiện ra cái đáng yêu, say đắm của thế giới thiên nhiên và con người mang vẻ đẹp trần thế. Người ta gọi Xuân Diệu là “Ông hoàng thơ tình” vì tình yêu và niềm giao cảm sâu sắc, mãnh liệt, toàn vẹn vừa trần thế vừa cao thượng của ông.

Ngoài thơ, Xuân Diệu còn một số văn xuôi trước Cách mạng tháng Tám như: Phấn thông vàng (1939); Trường ca (1945). Văn xuôi của Xuân Diệu giàu chất trữ tình và cảm hứng lãng mạn. Sau Cách mạng tháng Tám, hồn thơ Xuân Diệu rộng mở từ chân trời cá nhân đến những mối quan hệ rộng lớn với nhân dân, Tổ quốc, Đảng và nhân loại. Đặc biệt, ông hoà mình vào công cuộc xây dựng xã hội mới và cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc dài buông xuống lệ ngàn hàng. 

Đây mùa thu tới – mùa thu tới, 

Với ảo mơ phai dệt lá vàng.

 

Hơn một loài hoa đã rụng cành 

Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh; 

Những luồng run rẩy rung rinh lá... 

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh. 

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ... 

Non xa khởi sự nhạt sương mờ... 

Đã nghe rét mướt luồn trong gió... 

Đã vắng người sang những chuyến đò…

 

Mây vẩn từng không, chim bay đi 

Khi trời u uất hận chia ly.

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói,

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.

 

Mùa thu đối với thi ca dường như là có duyên, có nợ với nhau. Bởi vậy, ta không lạ gì, “Khi gió sớm thu về” khiến cho lòng thi nhân xao xuyến và những vần thơ hay nhất luôn được dành cho mùa thu. Thu có khi làm cho lòng người xao xác “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” (Thu ẩm). Thu có khi gợi lên những hình ảnh đẹp, mơ màng: “Em không nghe mùa thu – Dưới trăng mờ thổn thức?” (Tiếng thu). Thu đôi khi gắn liền với buổi tiễn đưa đầy nước mắt “Người lên ngựa kẻ chia bào” (Truyện Kiều). Có mùa thu êm đềm bình lặng mà gợi cái mênh mông, bát ngát: “Ô hay, buồn vương cây ngô đồng–Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông” (Tinh huyết). Xuân Diệu cũngnhiều lần đưa mùa thu vào thơ: có thu buồn như Ý thu, có thu vui, rất vui trong “Trường ca – thu”: “Lá không vàng không rụng, lá lại thêm xanh. Thế nhưng, đến "Đây mùa thu tới" thì cảnh thu, tình thu lại mang nét sắc thái thật khác thường bằng rặng liễu thiên nhiên đong đầy nước mắt.

Không ai có thể phủ nhận rằng đây là một bức tranh thu tuyệt đẹp. Xưa nay, mỗi thi nhân đều có nỗi niềm riêng, cảm nhận riêng nên cũng có cách thể hiện riêng về mùa thu. Xuân Diệu đã có một thứ tình yêu thật đặc biệt dành cho mùa thu, đồng thời đã truyền lại cho đời một bức tranh thu đẹp, từ sự cảm nhận của tâm hồn có văn hóa. Mọi mảng màu sắc, âm thanh, hình ảnh, đường nét trong "Đây mùa thu tới" mang cái hồn đặc trưng của mùa thu Việt Nam. Thế nhưng, ẩn trong bức tranh thu tuyệt đẹp kia, ta nghe bàng bạc một nỗi buồn và cái giá lạnh bốc ra từ hồn thu dường như đang chuyển dịch về phía mùa đông? Mùa thu nơi đây, không có “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá”, mà là:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc dài buông xuống lệ ngàn hàng

Trong khi Nguyễn Khuyến có chùm thơ thu được liệt vào hàng tuyệt tác trong thơ thu Việt Nam, nhưng ấy là cái đẹp trong vắt và bình dị. Thì thu trong "Đây mùa thu tới" là cái đẹp kiêu sa nhưng váng vất màu thê lương tàn úa. Rặng liễu là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong bài thơ này, nó mang một dáng buồn rã rượi nhưng đồng thời, nó cũng mang theo một vẻ đẹp quý phái. Rặng liễu được nhân hóa thành nỗi buồn rất người và phải chăng ấy cũng chính là nỗi buồn “cố hữu” trong lòng tác giả? Mô tả nét buồn bằng từ láy “đìu hiu”, đứng bên cạnh hai tiếng “chịu tang” là một cách cấu tứ thật mới, thật lạ. Nghệ thuật láy âm “đìu hiu”, “buông xuống” với sự quan sát tinh tế qua dáng liễu, qua những lá liễu nhỏ li ti hình giọt nước để rồi thấy, đấy là “lệ ngàn hàng", đã giúp người đọc nhận ra điều bất ngờ từ cách sử dụng hình ảnh đầy sức gợi của tác giả... Nỗi buồn ở đây đang lan tỏa vào cảnh vật, như tan vào lòng người. Đó là rặng liễu thiên nhiên hay rặng liễu tâm hồn của thi nhân? Thế nhưng câu tiếp theo bất chợt như reo vui, mà thật ra đấy là ngỡ ngàng. Câu thơ được ngắt nhịp 1/3/3 với điệp ngữ “mùa thu tới”, đã tạo nhạc điệu rộn rã phù hợp với hình ảnh mùa thu được khoác tấm áo màu vàng phai duyên dáng, nên thơ:

"Đây mùa thu tới" – mùa thu tới,

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

 

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Đoạn thơ có sức gợi hình, gợi cảm, ngôn ngữ thơ có tính sáng tạo và nhà thơ đã quan sát chủ yếu bằng thị giác: đấy là mùa thu có dáng trẻ trung, kiều diễm nhưng váng vất một nét buồn.Thơ Xuân Diệu là một sự tổng hợp giữa tinh hoa thơ truyền thống với những ảnh hưởng thơ Đường, thơ lãng mạn và tượng trưng Pháp thế kỷ XIX. Thế nhưng bóng dáng, phong cách thơ Pháp để lại dấu ấn khó quên trong khổ thơ này:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh;
Hai câu thơ này mang đậm chất thi ca lãng mạn Pháp. Cảnh mùa thu đang nằm tất cả ở trạng thái phai và rụng. Sự hao gầy bắt đầu từ hình thể đến màu sắc, để rồi đi đến chỗ héo tàn. Màu xanh đã ăn mòn (rủa) bởi sắc đỏ héo hắt. Cảnh vật đang âm thầm xâm thực bên trong, sự thay đổi hình thể từ những cành cây sum xuê của ngày tháng hè thành sự hao gầy, mỏng manh như trơ xương ra trong giá lạnh. Cách sử dụng cặp từ láy “run rẩy – rung rinh” đã gợi cái cảm giác rùng mình của cảnh vật trước sự lạnh lẽo, và đấy cũng chính là cái rùng mình giá lạnh của một tâm hồn luôn nhạy cảm trước sự tàn phai. Câu thứ tư của khổ thơ này lại là một nét chấm phá trong bức tranh thuỷ mặc của Trung Quốc nhưng không mất cái vẻ thu tiêu biểu của Việt Nam.
Những luồng run rẩy rung rinh là...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Ngôn ngữ thơ đầy sáng tạo và phải nói rằng, đây là câu thơ tiêu biểu cho phong cách ngôn ngữ của Xuân Diệu. Mỗi chữ mỗi câu đều hướng tới mức độ cao nhất của cảm xúc. Đây cũng chính là lối nói hàm súc, cô đọng và chính xác trong thơ. Ta chưa nói đến cách dùng bốn phụ âm đầy luyến láy mà ta chỉ xem lối diễn tả giấu chủ từ thật độc đáo của Xuân Diệu: tác giả không nói gió mà khiến người ta thấy gió, không nói cành mà ta biết rõ là cành cây. Chưa biết cái gì làm “run rẩy”, chưa biết cái gì đang “mỏng manh” mà người ta đã nghe thấy cái lạnh lẽo, ảm đạm của mùa thu xứ Bắc. Ta lại hình dung cái lo sợ cuống quýt của chiếc lá sắp lìa cành đấy cũng chính là cái run sợ, cuống quýt của thi nhân trước sự ra đi của tuổi xuân. Đọc "Đây mùa thu tới", ta bị ám thị mạnh mẽ bởi hình ảnh chiếc lá “run rẩy rung rinh” và những nhành cây “khô gầy mỏng manh”. Thật sự câu thơ đã tạo ra một trường liên tưởng đầy ấn tượng. Bởi trước cảnh vật kia, tâm hồn nhà thơ đang chất chứa những cảm xúc và nỗi niềm.
Để rồi khổ thơ thứ ba, nhân vật trữ tình xuất hiện qua bóng dáng của “nàng trăng tự ngẩn ngơ”, nhưng chỉ là “thỉnh thoảng” và xa xa khung cảnh như bắt đầu (khởi sự) nhòa đi vì sương. Trăng ngẩn ngơ vì điều gì ta cũng không biết nữa? Cách dùng từ chen ngang giữa thuần Việt và Hán-Việt: “non xa/khởi sự”, thật lạ và cũng thật tài tình, nghe lạ mà quen, tưởng trúc trắc nhưng nhạc điệu câu thơ trở nên trầm bổng. Nếu như khổ thơ thứ hai, tác giả tả thu, cảm nhận thu ở tầm nhìn gần, thì khổ thơ này, tác giả đang tả thu, cảm thu ở tầm nhìn xa, khiến mùa thu, cảnh thu trở nên mông lung hơn, kỳ ảo hơn.
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyển đò
Thật sự khí thu tràn dâng đến “cực đại” và dường như nó đang xê dịch về phía mùa đông. Bởi vì, chưa bao giờ ta thấy mùa thu Việt Nam lại lạnh lẽo, tiêu sơ đến thế. Cảnh vật ở đây như ngưng tụ lại. Tác giả dùng động từ “luồn”, khiến ta cảm nhận được sự chuyển động xao xác của cái rét cụ thể hơn. Hơn thế nữa, sinh hoạt của con người dường như dừng hẳn lại, bởi những chuyến đò đã vắng người qua lại. Cuộc sống như mất dần sinh khí vì cái rét đang xâm thực. Nhà thơ của chúng ta mô tả và cảm nhận nó vào một không gian vắng vẻ đã khiến nỗi buồn tăng lên, sự hoang vắng cũng tăng lên. Đoạn thơ cuối cùng với tứ thơ đầy tâm trạng:
Mây vẩn từng không, chim bay đi
Khi trời u uất hận chia ly.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói,
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.
Câu thơ cuối cùng, khiến ta nhớ đến nỗi lo lắng rất đỗi tình tứ của Quang Dũng, vì sợ “em” sầu khi chớm thu:
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai
(Đôi bờ – Quang Dũng)
Người thiếu nữ trong thơ Xuân Diệu, hiện diện trong cảnh thu thê lương, lạnh lẽo của cảnh thu tàn chứ không phải buổi chớm thu. Bởi vậy, bức tranh thu có gam màu tối: “mây vẫn từng không”, “khí trời u uất”. Đồng thời cái tôi trữ tình xuất hiện “buồn không nói”, và một câu hỏi treo lơ lửng “nghĩ ngợi gì”. Mây làm vẩn đục bầu trời, khiến khí trời u tối, chất chứa nỗi “u uất”. Câu thơ cuối cùng, kết thúc bài thơ nhưng mở ra một câu hỏi thật sự khó trả lời. Hoài Thanh đã từng nói rằng trước thời Xuân Diệu chưa bao giờ thấy mùa thu lại có thể “buồn và xôn xao đến như thế”. Nhân sinh quan của Xuân Diệu luôn ước mơ về những điều tốt đẹp cho cuộc đời, nhưng đành bất lực trước cuộc đời, chưa tìm ra một lối đi.. Bởi vậy, có thể nói rằng cái tôi trữ tình của Xuân Diệu mang một nỗi buồn? Hình ảnh cánh chim bay đi trong khí trời u uất, trong không gian tăm tối của “máy vẩn từng không”, phải chăng đấy chính là hình ảnh nhà thơ đang sống trong bầu không khí u uất trong xã hội ngày ấy. Phải chăng đấy chính là dấu ấn thời đại, mà nhà thơ muốn gởi đến chúng ta như một bức thông điệp buồn?
Tóm lại: Đây là nỗi buồn của một tâm hồn lãng mạn, tâm hồn của một người luôn phân vân, run rẩy, cô đơn trong một tâm cảnh kiểu Huy Cận“Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Bởi vậy cái lạnh mà tác giả cảm được trước mùa thu cũng chính là cái rùng mình giá lạnh trong tâm hồn nhà thơ. Tình thu của tác giả được gởi trọn vẹn vào lòng người thiếu nữ trong sự lặng im của đất trời. Đây là tâm trạng chung của lớp trí thức ngày ấy. Đó là nỗi buồn mất nước nhưng không dễ nhận ra mà chỉ cảm nhận rất nhạt nhòa trong nỗi buồn thiên nhiên. Đấy chính là tâm trạng về nỗi buồn của mình và cả thế hệ mình, song buồn để mà buồn nhưng chưa tìm được lối thoát cho riêng mình.
Nét đặc sắc ở cảnh thu trong thơ Xuân Diệu là mọi vật hiện ra cụ thể mà vẫn cứ mơ hồ-xác định mà vô định; cụ thể mà mơ hồ. Có trăng nhưng trăng đã ngẩn ngơ, có bến đò và để người thiếu nữ “buồn không nói” trong nét nhìn xa xăm vô định, mông lung. Mùa thu trở thành mảnh đất bị tấn công từ hai phía: hè mới qua nhưng đông đã thấp thoáng đâu đó, biểu hiện sự giằng co của đất trời, sự cụ thể mà mơ hồ, xác định mà vô định của thiên nhiên cũng chính là bức tranh tâm trạng u ẩn của một tình thu lai láng “buồn không nói”. Một nốt nhạc lay động lòng người ở điệu sầu man mác và giàu tính nhân văn.
Xuân Diệu là tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài, đã để lại cho nền văn học hiện đại Việt Nam một di sản đồ sộ đáng trân trọng. Bài thơ “"Đây mùa thu tới"" là sự hòa quyện giữa cảnh thu, hồn thu và tình thu.  m hưởng toàn bài là điệu nhạc buồn, nỗi buồn như vô vọng như Mùa thu chết của Appolinaire? Phải chăng, tác giả cố ý diễn tả như thế, để gởi tâm trạng buồn bã tột cùng của mình trước thời đại? Đấy phải chăng là nỗi buồn của cả một tầng lớp thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1930–1945?

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
1 trả lời 771 lượt xem
Phân tích 16 câu thơ giữa bài "Vội vàng" để làm rõ cảm nhận độc đáo của Xuân Diệu về thời gian. 
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Khách
  • vội-vàng
  • trung-bình
  • nghị-luận-văn-học
0 phiếu
1 trả lời 294 lượt xem
Phân tích bài "Thơ Duyên" của Xuân Diệu để làm rõ hồn thơ "thiết tha, rạo rực, băn khoăn".
đã hỏi 12 tháng 12, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi Khách
0 phiếu
2 câu trả lời 616 lượt xem
Phân tích 2 khổ thơ đầu bài thơ Sang thu để làm rõ dấu hiệu mùa thu về mà tác giả cảm nhận được.
đã hỏi 25 tháng 4, 2022 trong Ngữ văn lớp 9 bởi Khách
+1 thích
2 câu trả lời 5.0k lượt xem
Nhà thơ xuân Diệu cho rằng"thơ hay là hay cả hồn lẫn xác,hay cả bài" Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua bà "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải
đã hỏi 20 tháng 2, 2020 trong Ngữ văn lớp 9 bởi nguyen2k5 Cử nhân (1.5k điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 806 lượt xem
Phân tích bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương. Qua số phận người phụ nữ trong xã hội xưa, anh (chị) có suy nghĩ gì về ... Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại, Mảnh tình san sẻ tí con con!
đã hỏi 18 tháng 6, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
+2 phiếu
1 trả lời 859 lượt xem
0 phiếu
1 trả lời 38 lượt xem
đã hỏi 1 tháng 3 trong Ngữ văn lớp 9 bởi nguyenmanh04102009212 Học sinh (402 điểm)
0 phiếu
2 câu trả lời 51 lượt xem
0 phiếu
2 câu trả lời 53 lượt xem
đã hỏi 22 tháng 2 trong Ngữ văn lớp 9 bởi nguyenmanh04102009212 Học sinh (402 điểm)
  1. monmon70023220

    560 Điểm

  2. Darling_274

    74 Điểm

  3. minhquanhhqt160

    73 Điểm

  4. 333cuchillthoi302

    37 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...