Chào mừng bạn đến với Selfomy Hỏi Đáp, hãy Hỏi bài tập hoặc Tham gia ngay
0 phiếu
116 lượt xem
trong Ngữ văn lớp 9 bởi
Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ".

2 Trả lời

0 phiếu
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
 
Hay nhất

 “Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống của con người.”

Những ngày đất nước vừa chịu sự bóc lột của ngoại xâm, vừa bị ảnh hưởng bởi những hủ tục của chế độ phong kiến, thần quyền, cuộc đời con người rơi vào những bi kịch tiếp nối. Thế nên trong năm tháng ấy, những tác phẩm được hình thành có sự trộn lẫn, xuyên thấm giữa những yếu tố hình thức và “cái nhìn bên trong” với mức độ đậm nhạt nhất định, những sản phẩm “là nó, nhưng đồng thời không chỉ là nó”. Tiêu biểu hơn cả là truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" trích tập "truyện Tây Bắc" được Tô Hoài - gương mặt tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại, được mệnh danh là nhà văn của phong tục, sáng tác năm 1953 trong chuyến đi giải phóng miền Tây Bắc. Bằng những rung động sâu xa, trực cảm tinh tế trong thế giới đa cung bậc và muôn vàn sắc thái tình cảm, Tô Hoài đã tạo nên linh hồn của tác phẩm là nhân vật Mị – biểu tượng của người nông dân sau CMT8 dù bị áp bức, đày đọa nhưng khát vọng tự do và sức sống tiềm tàng bên trong tâm hồn đã soi đường dẫn lối Mị đến với sự tự giải thoát.

Vợ chồng A Phủ được xem như 1 bản cáo trạng đanh thép để kết tội, tố cáo tội ác của gia đình nhà thống lí, của cái xã hội thổ ti lang tạo ở miền núi mà tương ứng với nó là xã hội phong kiến ở miền xuôi. Đó là 1 xã hội cường quyền và thần quyền vô cùng ngột ngạt - nơi người nông dân chỉ vì 10 đồng bạc trắng mà mỗi năm phải trả lãi 1 nương ngô. Đây cũng là món nợ truyền kiếp bởi đến tận ngày mẹ Mị đã chết, bố Mị đã già mà nợ vẫn chưa trả hết. Từ đây, định mệnh bi thảm đã giáng xuống cuộc đời người thiếu nữ ấy, buộc chặt cô vào số phận nô lệ không có lối thoát đã khiến cho Mị - một cô gái Mèo đẹp người đẹp nết, có tài thổi sáo, nhiều người mê đến mức “trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị” giờ đã trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí để sống kiếp trâu ngựa, nô lệ, dần dần tê liệt về tinh thần. Thế nhưng với phẩm chất tốt đẹp của người lao động, sức sống cứ tiềm tàng rồi bùng cháy mãnh liệt khiến Mị có thể trỗi dậy giải thoát cho A Phủ và cho cả chính mình.

Từ lúc về làm dâu nhà thống lí là bao nhiêu mơ ước tiêu tan khi Mị phải đối mặt với bi kịch làm dâu nhà giàu nhưng không có lấy một ngày nhàn hạ. Cuộc đời của Mị chỉ thu lại qua khung cửa sổ nhỏ bằng bàn tay "mờ mờ", "răng trắng không biết là sương hay nắng" lầm lũi trong xó cửa như một con rùa. Ban ngày, ánh mặt trời cũng khó có thể xua tan những màn sương giăng trắng làng bản. Đêm xuống, sương đêm hoà với ánh trăng tạo nên thứ không gian huyền ảo như trong ảo mộng. Cứ tưởng rằng Mị sống lầm lũi đợi ngày chết rũ xương ở đây thôi, nhưng từ trong tiềm thức của Mị, lòng ham sống, khát vọng tự do, hạnh phúc vẫn âm ỉ cháy và chỉ cần có chất xúc tác là bùng lên một cách mãnh liệt.

bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Sự thức tỉnh đời sống ý thức của Mị trước hết là nhờ tác động của hoàn cảnh, một hoàn cảnh khá “điển hình”- đấy là mùa xuân về trên miền núi cao Tây Bắc. Chính những yếu tố trong đêm tình mùa xuân, cụ thể là tiếng sáo gọi bạn, là nguồn sức mạnh đã vực dậy tâm hồn Mị, khiến cô nhớ lại quá khứ êm đẹp. Từ chỗ là một hiện tượng ngoại cảnh, tiếng sáo - một dụng ý nghệ thuật rất đặc sắc của Tô Hoài để khám phá và diễn tả chiều sâu tâm hồn nhân vật Mị, đã thâm nhập thế giới nội tâm của Mị, trở thành một hiện hữu ở trong tâm linh nhân vật: “Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo”. Tiếng sáo giao duyên ấy chạm vào phần sâu kín nhất của tâm hồn Mị, phần tâm hồn rạo rực của cô gái trẻ ngỡ như đã chết đi khi mang thân phận con dâu trừ nợ nhà thống lí Pá Tra. Tiếng sáo giao duyên vừa dẫn lối tâm hồn Mị trở về với ký ức của những ngày tự do xưa, vừa thức tỉnh Mị: “Mị thấy phơi phói trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Âm thanh của tiếng sáo gọi bạn tình ấy vẫn lửng lơ bay ngoài đường và vang vọng như chất xúc tác để hành động chuẩn bị đi chơi của Mị diễn ra nhanh hơn: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ xắn một miếng bỏ vào đĩa đèn cho sáng”. Đấy là một hành động của sự thức tỉnh. Mị thắp sáng một ngọn đèn trong căn phòng vốn âm u, mờ mịt cũng tức là đã thắp lên một ánh sáng trong cuộc đời tăm tối triền miên của mình trong nhà Pá Tra. Cái ánh sáng bừng lên từ ngọn đèn ấy như một ẩn dụ cho tâm hồn của Mị, ngọn lửa bên trong đèn hay cũng chính là ngọn lửa của niềm tin, sức sống mãnh liệt đang rực cháy trong Mị. Và hành động này đã thúc đẩy hành động tiếp theo, như những đợt sóng tiếp nhau mà không đếm xỉa gì đến A Sử, đến những trói buộc khẳt khe của nhà Pá Tra. Mị tự mình hành động như một con người tự do, theo tiếng gọi của lòng mình: “Mị cuốn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách” như thể Mị đang thực hiện hành động giải phóng cho mình, cởi bỏ khỏi sự trói buộc của con ma nhà thống lí, thoát khỏi căn buồng kín mít của Mị. Đến đây, ta chợt nhớ lại một câu châm ngôn rằng: “Cái chết không phải là mất mát lớn nhất trong cuộc sống. Mất mát lớn nhất chính là ta để tâm hồn mình lụi tàn ngay cả khi còn sống”. Như vậy, trong quá trình xây dựng nhân vật Mị với một cuộc đời đầy bi kịch, nhà văn Tô Hoài đã thật khéo léo thêm vào nhân vật mình một nét tâm hồn rất “thơ” và giàu tính nhân văn. Chất thơ ấy chứa đựng trong nỗi khát khao mãnh liệt về một tương lai tốt đẹp, tươi sáng cho mỗi con người.
Sau đêm tình mùa xuân, Mị càng trở nên vô hồn, vô cảm. Trong những đêm làm bạn với bếp lửa, Mị đã bắt gặp A Phủ bị trói đứng. Thế nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa hơ tay "dù A Phủ là cái xác chết đứng đó cũng thế thôi". Tại sao Mị lại lãnh cảm, thờ ơ trước sự việc ấy? Phải chăng việc trói người đến chết là một việc làm bình thường ở nhà thống lý Pá Tra và ai cũng quen với điều đó? Hay bởi Mị "sống lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi" nên Mị lãnh đạm, thờ ơ trước nỗi đau khổ của người khác. Nhưng khi “Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại". Chính "dòng nước mắt lấp lánh ấy" kia đã chạm được vào đáy sâu chút tình người bị chôn vùi nơi Mị, nó làm Mị nhớ lại nỗi tuyệt vọng của mình ngày nàng bị A Sử trói “nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biêt lau đi được”. Kí ức nhắc Mị nhớ đến thân phận mình và trỗi dậy nên ý thức về kẻ thù. Lần đầu tiên Mị hiểu một cách cặn kẽ “chúng nó thật độc ác”. Lòng Mị chợt bồi hồi trước một người đồng cảnh ngộ mà từ xót xa số phận của mình, ở Mị đã hình thành mối đồng cảm giai cấp tự nhiên. Ý nghĩ cứu A Phủ đã mạnh hơn cả nỗi lo sợ cho chính mình. Một loạt nét tâm lí ấy thúc đẩy Mị đến với hành động dùng dao cắt lúa rút dây mây cởi trói cho A Phủ. Sau khi cắt dây cởi trói, Mị cũng không ngờ mình dám làm một chuyện động trời đến vậy. Mị thì thào lên một tiếng “đi ngay” rồi nghẹn lại. Mặc dù đây chỉ là hành động đấu tranh tự phát, nhưng cũng chính từ những khát vọng tự do và sự phản kháng mạnh mẽ
Trong đêm tối ấy, ta có thể hình dung được nét tâm lí ngổn ngang trăm mối của Mị lúc này. Lòng Mị rối bời với trăm câu hỏi: Vụt chạy theo A Phủ hay ở đây chờ chết?. Thế là cuối cùng sức sống tiềm tàng đã thôi thúc Mị phải sống và Mị vụt chạy theo A Phủ. Trời tối lắm nhưng Mị vẫn băng đi. Bước chân của Mị như đạp đổ uy quyền, thần quyền của bọn lãnh chúa phong kiến đương thời đã đè nặng tâm hồn Mị suốt bao nhiêu năm qua. Mị đuổi kịp A Phủ và nói lời đầu tiên. Mị nói với A Phủ sau bao nhiêu năm câm nín: “A Phủ. Cho tôi đi! Ở đây thì chết mất”. Đó là lời nói khao khát sống và khát khao tự do của nhân vật Mị. Câu nói ấy chứa đựng biết bao tình cảm và làm quặn đau trái tim bạn đọc. Đó chính là nguyên nhân – hệ quả của việc Mị cắt đứt sợi dây vô hình ràng buộc cuộc đời của mình. Thế là Mị và A Phủ dìu nhau chạy xuống dốc núi. Hai người đã rời bỏ Hồng Ngài – một nơi mà những kỉ niệm đẹp đối với họ quá ít, còn nỗi buồn đau, tủi nhục thì chồng chất không sao kể xiết. Hai người rời bỏ Hồng Ngài và đến Phiềng Sa, nhưng những ngày phía trước ra sao họ cũng chưa biết đến… Tuy vậy, họ biết chỉ cần trốn thoát khỏi cái nơi tù túng, giam cầm cuộc đời họ thì đã là tìm được ánh sáng le lói ở đoạn đường phía trước.
bởi nhthuyvy16 ● Cộng Tác Viên Tiến sĩ (16.5k điểm)
Ngôn ngữ văn xuôi của Tô Hoài ngoài ý nghĩa cụ thể trong từng câu chữ còn có một cái vô hình khó chỉ ra nhưng hoàn toàn có thể cảm thấy, đó chính là giọng điệu, là âm điệu câu văn cùng tiết tấu nhịp nhàng của nó. Bởi thế, làm nên chất thơ của “VCAP” không thể chỉ nhắc đến ngôn ngữ nghệ thuật với hàng loạt các âm thanh, các hình ảnh gợi hình, gợi cảm rất nên thơ và đậm màu sắc, mà còn phải công nhận tiết tấu đó chính là sự thể hiện những điệu tâm hồn, những cung bậc khác nhau trong tình cảm của nhà văn
Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” qua việc khắc hoạ sâu sắc cuộc đời, số phận, tính cách nhân vật Mị đã tố cáo hùng hồn, đanh thép những thế lực phong kiến, thực dân tàn bạo áp bức bóc lột, đọa đày người dân nghèo miền núi. Đồng thời nó cũng khẳng định khát vọng tự do hạnh phúc, sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của những người lao động. Và ẩn sâu trong tâm hồn Mị, một cô gái tưởng chừng như héo hắt, sống một cuộc đời lầm lũi “đến bao giờ chết thì thôi” ấy, có ai ngờ, vẫn le lói những đốm lửa của khát vọng tự do, của tình yêu cuộc sống. Đúng như Tô Hoài đã nói: “Ở nơi rừng núi mơ màng ấy, các dân tộc đã không lặng lẽ chịu đựng”
0 phiếu
bởi ledoanducphong6cntt2021264 Học sinh (333 điểm)
Tô Hoài là một trong những cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam. Ông viết trên nhiều mảng đề tài và ở mảng nào Tô Hoài cũng chứng tỏ mình là bậc thầy trong miêu tả phong tục và nếp sinh hoạt của con người. Đằng sau những phong tục tập quán đó chúng ta còn thấy được số phận, điệu hồn, tính cách của mỗi người dân Việt Nam. Vợ chồng A Phủ có thể coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Đằng sau những trang văn phong tục là cuộc đời đầy bất hạnh, đau khổ của Mị, nhưng đồng thời trong cô còn có sức sống tiềm tàng mãnh liệt.

Mị là nhân vật trung tâm trong tác phẩm, bởi vậy sự xuất hiện của nhân vật được chuẩn bị hết sức kĩ lưỡng. Mở đầu tác phẩm là sự xuất hiện của Mị gắn liền với những công việc lặp đi lặp lại, cùng với khuôn mặt lúc nào cũng buồn rười rượi. Chi tiết này đã hé mở cho chúng ta thấy cả một thế giới nội tâm đầy đau khổ, bất hạnh. Rồi ngòi bút của Tô Hoài ngược về quá khứ, để cho người đọc thấy được một Mị - người con gái trẻ trung, xinh đẹp và rất tài năng. Tiếng sáo của Mị đã khiến cho biết bao chàng trai xao xuyến đi theo. Không chỉ vậy Mị còn là cô gái yêu lao động, yêu tự do, nhất định muốn lao động để trả nợ chứ không chịu làm con dâu gạt nợ. Ở Mị hội tụ đầy đủ những phẩm chất đẹp đẽ để được sống cuộc đời hạnh phúc song do các thế lực thần quyền chà đạp, đàn áp mà cuộc đời của cô vô cùng bất hạnh, đáng thương.

Mị là hiện thân cho những đau khổ bất hạnh của người phụ nữ miền núi. Cô làm việc triền miên, hơn cả trâu ngựa trong nhà. Công việc trở thành nỗi ám ảnh khiến Mị không thể nghĩ đến bất cứ điều gì, Mị bị bóc lột nặng nề về thể xác. Không chỉ vậy cô còn bị giam hãm trong căn phòng nhỏ mà chỉ có một ô cửa sổ bé bằng bàn tay, nhìn ra ngoài chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Không chỉ vậy cô còn bị bóc lột về tinh thần, lấy A Phủ về nhưng chưa bao giờ Mị được làm người vợ thực sự, bởi A Sử vẫn đi lấy những người khác, sẵn sàng trói đứng Mị mà không hề thương tiếc. Ngoài ra, Mị còn bị áp chế về thần quyền, đây là thế lực vô hình như lại có sức áp chế vô cùng khủng khiếp. Khi Mị đã bị cúng trình ma, Mị tin rằng cả đời mình sẽ không thoát khỏi nơi đây nên Mị lầm lũi sống qua ngày, chờ cho đến lúc chết. Sự áp chết nặng nề cả về thể xác và tinh thần, từ cường quyền đến thần quyền đã đẩy Mị từ cô gái trẻ trung giàu sức sống trở thành một cô gái tội nghiệp, đáng thương. Điều đó là lời tố cáo đanh thép nhất với bọn cầm quyền phong kiến đương thời.

Nhưng liệu Mị đã mất đi hoàn toàn sự phản kháng, mất đi hoàn toàn niềm tin, niềm hi vọng vào cuộc sống. Thực tế chỉ cần có những chất xúc tác phù hợp, đúng thời điểm thì niềm tin đó sẽ bùng lên mãnh liệt và biến thành hành động. Ẩn sâu trong Mị vẫn có khát vọng sống, nó được thể hiện trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cứu A Phủ.

Sức sống tiềm tàng của Mị trước hết thể hiện trong đêm tình mùa xuân. Mùa xuân là mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa của yêu thương và nảy sinh sự sống. Lấy thời điểm này là hoàn toàn hợp lí. Tâm lí Mị chịu tác động mạnh mẽ bởi những màu sắc tươi đẹp, rực rỡ, những âm thanh tươi vui, rộn ràng của những đứa trẻ ngoài sân. Tất cả những yếu tố đó đã tác động tích cực đến tâm hồn Mị. Nhưng quan trọng nhất là sự tác động của men rượu và tiếng sáo gọi bạn tình. Bản thân việc Mị uống rượu không lạ, vì ngày tết Mị cũng uống rượu như biết bao người khác. Nhưng cách uống lại hết sức bất thường, Mị uống ừng ực từng bát, như uống đi sự phẫn uất, nốt tủi hờn vào trong. Đồng thời chất men sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ để Mị tiến hành cuộc nổi loạn, chối bỏ thực tại tìm về quá khứ. Và quan trọng nhất là âm thanh tiếng sáo, tiếng sáo xuất hiện từ xa đến gần, gợi nhắc Mị nhớ về một thời quá vãng tự do, hạnh phúc .

Cùng với hơi men và tiếng sáo, Mị chối bỏ thực tại, tìm về với khóa khứ, Mị lịm đi và nhớ về ngày trước, quá khứ tươi đẹp. Mặc dù vậy Mị vẫn đi vào buồng mà không đi ra ngoài đi chơi như những người khác. Nhưng chính lúc ấy tiếng sáo lại xuất hiện đầy hữu ý, đã thôi thúc Mị, để Mị mạnh mẽ chối bỏ thực tại từ bỏ cuộc sống hiện tại. Mị bỏ ra ngoài, lấy ống mỡ xắn một miếng, thắp đèn lên cho sáng. Hành động thắp đèn của Mị còn cho thấy Mị đang tự thắp sáng mơ ước, hi vọng cho cuộc đời của chính mình. Mị khao khát được đi chơi, được ra ngoài như mọi người, Mị đã lấy váy và chuẩn bị đi thì Mị A Sử chặn đứng. Hắn nhẫn tâm trói đứng Mị vào cột nhà. Nhưng dù thể xác Mị bị trói nhưng tầm hồn cô đã phiêu diêu về một nơi khác, nơi cuộc sống hạnh phúc, và tự do của ngày trước.

Với diễn biến tâm lí hết sức phức tạp, nhưng vẫn vô cùng hợp lí, Mị đã có cuộc nổi loạn đầu tiên, sau rất nhiều năm sống trong giam hãm, tù đày, tưởng như đã mất hết hi vọng sống. Tuy chưa thể thoát khỏi nhà thống lí Pá Tra nhưng cũng phần nào cho thấy sức sống tiềm tàng trong Mị, chỉ cần thời cơ thích hợp nó sẽ bùng lên mãnh liệt.

Nếu như trong đêm tình mùa xuân Mị vẫn chưa thể tự cứu thoát được bản thân, thì trong đêm Đông cứu A Phủ, với sự trợ lực, tác động từ đối tượng khác, Mị không chỉ giải cứu người khác mà còn giải cứu được chính mình. Bằng ngòi bút vô cùng tinh tế Tô Hoài đã miêu tả vô cùng khéo léo và tài hoa quá trình tâm lí phức tạp ấy

Sau cuộc nổi loạn không thành lần trước, Mị tiếp tục rơi vào trạng thái tê liệt về ý thức, bởi vậy, nhìn A Phủ bị trói đứng Mị cũng không hề có bất cứ phản ứng gì. Mị hằng đêm đốt củi sưởi ấm cho bản thân, và trong một lần Mị thấy giọt nước mắt xám đen bò dài trên má A Phủ. Giọt nước mắt đó có tác động vô cùng mạnh đến tinh thần Mị. Nó đánh động, giúp Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ, nhớ lại những đêm bản thân bị đánh, cũng từng khóc như vậy. Trong cô bắt đầu xuất hiện sự cảm thương với người xung quanh: “Trời ơi! Nó bắt trói người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này”. Đồng thời Mị thoát ra khỏi tình trạng mơ hồ, nhận thức rõ kẻ thù của mình: “Chúng nó thật độc ác”. Đây là bước đầu tiên nhen nhóm lên trong Mị ý thức phản kháng.

Mị nhớ về hoàn cảnh mình, so sánh tình cảnh của bản thân với A Phủ, “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi … Người kia việc gì mà phải chết thế”. Đồng thời bằng sự bản lĩnh, mạnh mẽ của mình, Mị đã lấy con dao cắt dây trói cho A Phủ. Hành động diễn ra nhanh chóng, bột phát xong lại rất logic, hợp lí, thể hiện tình yêu thương giữa con người với con người. Sau cuộc nổi loạn lần thứ nhất giải cứu cho A Phủ, Mị thực hiện cuộc nổi loạn lần thứ hai – ngay sau đó, để giải cứu cho chính mình. Mị không chỉ cắt đứt sợi dây hữu hình đang trói buộc, giam cầm một người con trai khỏe mạnh thoát khỏi vòng nô lệ, mà còn cắt đứt sợi dây vô cùng trong tư tưởng, tinh thần đã bị nô lệ hóa của mình, đã trói buộc Mị trong một khoảng thời gian dài. Đêm tình mùa xuân nếu như mới khơi dậy khát vọng hạnh phúc, yêu thương thì đến đêm đông cứu A Phủ đã làm sáng lên khát vọng được tự do ở con người tưởng như đã bị nô lệ hóa hoàn toàn.

Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật bậc thầy, Tô Hoài đã khắc họa chân thực, rõ nét diễn biến tâm lí, những cung bậc cảm xúc của Mị trong những quá trình tâm lí khác nhau. Tác phẩm cũng làm sáng lên tinh thần nhân đạo sâu sắc của Tô Hoài, cảm thương cho số phận bất hạnh của nhân vật, nâng niu trân trọng những khát vọng, mơ ước của họ. Đồng thời lên án, tố cáo bọn phong kiến miền núi chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc của con người.

Các câu hỏi liên quan

0 phiếu
1 trả lời 84 lượt xem
đã hỏi 16 tháng 1, 2023 trong Ngữ văn lớp 12 bởi PTG Tiến sĩ (22.4k điểm)
  • ptg
0 phiếu
1 trả lời 228 lượt xem
đã hỏi 6 tháng 8, 2022 trong Ngữ văn lớp 12 bởi PTG Tiến sĩ (22.4k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 41 lượt xem
đã hỏi 25 tháng 8, 2023 trong Ngữ văn lớp 12 bởi vina2003 Thần đồng (1.1k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 81 lượt xem
0 phiếu
1 trả lời 35 lượt xem
đã hỏi 29 tháng 6, 2023 trong Khác bởi vongochuy Cử nhân (2.2k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 703 lượt xem
Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của nhà văn Kim Lân trong tác phẩm “Vợ nhặt”.
đã hỏi 12 tháng 4, 2020 trong Ngữ văn lớp 11 bởi Phamthunhien Tiến sĩ (20.5k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 105 lượt xem
0 phiếu
1 trả lời 57 lượt xem
Một cặp vợ chồng bình thường sinh một con trai mắc cả hội chứng Đao và Claifento (XXY). Kết luận nào sau đây không đúng ? A. Trong ... ;i tính không phân li ở giảm phân 2 mẹ giảm phân bình thường
đã hỏi 29 tháng 12, 2021 trong Sinh học lớp 12 bởi DmsHoa Thần đồng (1.2k điểm)
0 phiếu
1 trả lời 237 lượt xem
Có 10 cặp vợ chồng tham gia bữa tiệc. Các ông chồng bắt tay tất cả mọi người trừ vợ của mình. Các bà vợ thì ko bắt tay nhau. Hỏi có tất cả bao nhiêu cái bắt tay?
đã hỏi 25 tháng 5, 2021 trong Toán lớp 6 bởi nguyen_haianh ● Quản Trị Viên Cử nhân (4.5k điểm)
0 phiếu
3 câu trả lời 2.6k lượt xem
Có 4 cặp vợ chồng được xếp ngồi trên một chiếc ghế dài có 8 chỗ. Biết rằng mỗi người vợ chỉ ngồi cạnh chồng của mình hoặc ngồi cạnh một người phụ nữ khác. Hỏi có bao nhiêu cách sắp xếp chỗ ngồi thỏa mãn? A. 816. B. 18. C. 8!. D. 604.
đã hỏi 9 tháng 10, 2020 trong Toán lớp 11 bởi Xuhoa13 ● Cộng Tác Viên Thạc sĩ (7.4k điểm)
  1. Darling_274

    20 Điểm

  2. minhquanhhqt160

    15 Điểm

  3. lueyuri009730

    15 Điểm

  4. lenguyenducminh05102011227

    5 Điểm

Phần thưởng hằng tháng
Hạng 1: 200.000 đồng
Hạng 2: 100.000 đồng
Hạng 3: 50.000 đồng
Hạng 4: 20.000 đồng
Phần thưởng bao gồm: mã giảm giá Shopee, Nhà Sách Phương Nam, thẻ cào cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác sẽ dành cho những bạn tích cực nhất của tháng. Xem tại đây
Bảng xếp hạng cập nhật 30 phút một lần
...